Những vết thương trên cơ thể bé H.B do bị mẹ là Phan Thị Thu Huyền bạo hành. Ảnh: Báo Thanh niên
Liên quan đến vụ việc này, Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam về mức án dành cho 2 bị can này.
PV: Xin luật sư cho biết mức án mà 2 bị can phải đối mặt với những hành vi bạo hành và xâm hại tình dục bé gái 12 tuổi?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Đối với bị can Phan Thị Thu Huyền, đã bị khởi tố theo Khoản 2, Điều 185 của Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 2 năm tù đến 5 năm tù. Trường hợp này là phạm tội bạo lực xâm hại đối với con mình, thuộc trường hợp đối với người dưới 16 tuổi.
Còn đối tượng Phạm Thanh Tùng, bị khởi tố theo Khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, ở trường hợp này là phạm tội nhiều lần, khung hình phạt sẽ từ 12 năm đến 20 năm.
PV: Với tư cách là Ủy viên Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam, bà có khuyến cáo gì với các gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Kinh nghiệm cho thấy 90% trẻ em bị xâm hại bởi người trong gia đình hoặc người quen biết với gia đình nạn nhân. Trẻ em gần như không đề phòng và cũng không có kỹ năng để phòng tránh xâm hại tình dục hoặc bạo hành.
Một điểm nữa là gia đình không quan tâm, bỏ mặc trẻ hoặc không hỏi han thường xuyên về những thay đổi bất thường của trẻ. Đầu tiên gia đình cần phải chú ý đến những kỹ năng phòng ngừa hoặc kỹ năng chăm sóc cho trẻ bị xâm hại tình dục.
Đối với trẻ khi được học trong nhà trường thì cũng cần phải có những kỹ năng nói không với tình huống xâm hại tình dục, hoặc tố giác người xâm hại, phải tố giác với ai, nói thế nào? Trường cũng cần tăng cường công tác truyền thông về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Chúng ta cũng cần nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực xâm hại tình dục.
PV: Xin cảm ơn bà!