Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

'Luật ngầm' nâng khống giá trong các dự án

Phóng viên - 04/05/2020 | 14:03 (GTM + 7)

Trong bối cảnh luật pháp phải chạy theo “bịt” những lỗ hổng cơ chế liên tục phát sinh theo thực tiễn đời sống, việc chấn chỉnh đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sự việc hàng loạt cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và đơn vị thẩm định giá, công ty cung cấp máy Realtime-PCR xét nghiệm Covid-19 bị bắt vì nâng khống giá trị máy lên hàng tỷ đồng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Hàng loạt địa phương khác ngoài Hà Nội và cả các bệnh viện cũng đều mua loại máy này với giá cao bất thường so với giá nhập khẩu. Và cũng không chỉ ngành y tế mà nhiều ngành nghề khác cũng có tình trạng nâng khống giá trị hợp đồng như vậy.

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) - Ảnh: Ngô Nhung
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) - Ảnh: Người lao động

Trước vụ án một số cá nhân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội “bắt tay” với  doanh nghiệp để trục lợi gần 5 tỉ đồng thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người dân cảm thấy vô cùng bức xúc, cho rằng đây là một hành động sai trái và đáng lên án.

Trong khi cả cộng đồng đang chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều nghĩa cử nhân văn, nhiều hành động đẹp như phát gạo từ thiện, quyên góp, ủng hộ về vật chất và tinh thần được lan toả và sẻ chia,.. thì việc nâng khống giá máy xét nghiệm, đầu cơ trục lợi là một hành động đáng xấu hổ.

"Có những cơ quan, có những bộ phận cán bộ chức năng ngành y tế hoặc những cơ quan cung cấp những dụng cụ, thiết bị y tế để chống dịch mà lại có những hành vi nâng giá, đội giá thì người dân như chúng tôi thấy quả thật là rất xấu hổ. Có lẽ những người đó cũng nên suy nghĩ lại, cần tự kiểm điểm trước Đảng, trước nhân dân. Đồng thời, đặc biệt chúng tôi cũng kiến nghị với các tổ chức, cơ quan Đảng và Nhà nước, các ngành chức năng có thái độ kiên quyết để làm rõ những vụ việc đối với những người có tư tưởng đầu cơ trục lợi khi đất nước phòng dịch, thì cũng phải có chấn chỉnh lại để làm gương cho người khác"

"Là những người được Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao cho thì người ta phải coi cái đó là một trong những niềm tự hào khi được giúp dân ở những thời điểm khó khăn, khắc phục dịch bệnh. Nếu mà lấy đó là cơ hội để trục lợi cho cá nhân, về đạo đức là không được rồi. Bây giờ thì cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ, quy kết về tội trạng theo đúng quy định của nhà nước. Tất nhiên những người này sẽ không thể nào tiếp tục công tác trong ngành và được nhà nước tin tưởng, giao việc nữa. Còn tội đến đâu, cái đó sẽ theo quy định của pháp luật"

"Cả nước mình dốc sức để chống Covid, chính quyền đều vào cuộc thế nhưng tôi thấy như này rất là bức xúc. Nhờ chính phủ, nhờ các cấp phải làm rõ, ai làm người nấy chịu, phải làm gương cho những người khác. Vừa xử lý việc Pharma xong lại đến trường hợp này, không thể chấp nhận được"

Hệ thống Realtime PCR đang hoạt động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình được mua với số tiền gần 6 tỉ đồng
Hệ thống Realtime PCR đang hoạt động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình được mua với số tiền gần 6 tỉ đồng. Ảnh: Thanh niên

Chia sẻ với VOV Giao thông, chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Đức Vân cho rằng, việc khởi tố vụ án thổi giá máy xét nghiệm Realtime-PCR là một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức xã hội cũng như ý thức tuân thủ pháp luật. Bản thân phương thức chỉ định thầu, hay đấu thầu không có lỗi. Lỗi nằm ở những người sử dụng phương thức đó với mục tiêu có vì dân không, có vì mục tiêu chung, vì xã hội không hay là vì việc khác.

“Người quyết định chỉ định thầu phải đề cao vai trò cá nhân, hay đúng hơn là đạo đức công chức. Thứ hai là phải kiểm soát để hạn chế mặt trái. Cứ cách làm như vừa rồi, nâng khống 3-4 lần/máy thì tôi thấy rằng, chúng ta còn nhiều thứ phải quan tâm đến. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn thế, thiệt hại rất nhiều cho tài chính quốc gia”.

Theo TS.Nguyễn Đức Vân, việc thiếu hướng dẫn về trách nhiệm chung, trách nhiệm cụ thể với mỗi cá nhân cán bộ công chức đã dẫn đến cớ sự. Trong thực tế, pháp luật rất khó theo kịp thực tiễn và bộc lộ nhiều lỗ hổng để các đối tượng “lách”, trục lợi. Khi công lý chưa được thực thi đúng người, đúng tội, tội phạm vẫn sẽ nhởn nhơ và tìm cách vi phạm tiếp.

Ông Vân cũng nhấn mạnh, qua những sự việc này đòi hỏi các cơ quan ban ngành cần có sự nhìn nhận, rút kinh nghiệm để từ đó có biện pháp xử lý triệt để, tránh tái diễn. Bởi đây không phải sự việc mới xảy ra một sớm, một chiều.

“Về mặt hướng dẫn cụ thể thì các cơ quan làm luật phải để tâm. Bởi cơ quan làm luật là cơ quan ra văn bản gốc của vấn đề. Trong hướng dẫn luật phải cụ thể chứ không chung chung thì không thể thực hiện. Mà cơ chế giám sát thì nếu thực hiện sai thì người ký phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Có như vậy thì mới dễ hiểu mà dễ vận dụng, chắc chắn sẽ hạn chế bớt các vấn đề tiêu cực. Như thế thì người ký quyết định mới thấy rằng, trách nhiệm mình ký đúng hay sai thì không thể đổ cho cơ quan chuyên môn được”.

Trong khi đó, theo chuyên gia chính sách Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật, việc khởi tố vụ án máy xét nghiệm một cách nhanh chóng, kịp thời đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các đơn vị rằng, mọi hành vi đều bị theo dõi, tác động tới ý thức các cán bộ lãnh đạo, qua đó điều chỉnh hành vi.

Ông Dương cho rằng, hiện tượng nhiều địa phương khác đã có động thái thương lượng lại giá mua máy sau khi làm án điểm ở Hà Nội, có thể coi là hình thức hay. Đây là phạt để làm gương, kiểu “bêu đầu thị chúng”, khiến những người vi phạm khác rất sợ và phải tự giác thực hiện đền bù khắc phục hậu quả.

“Việc xử lý CDC Hà Nội là hành động cực hay về mặt chính sách. Vấn đề đặt ra không phải đúng sai mà là hành vi vi phạm sẽ chấm dứt, để tạo ra nhận thức rằng trong thời điểm khó khăn này, pháp luật vẫn phải được thực hiện. Điều này giải quyết được hai câu chuyện lớn. Một là lấy lại niềm tin của cộng đồng, thứ hai là giải quyết được việc là không ai dám làm gì khuất tất nữa”.

Đề cập hiện tượng “luật ngầm” trong các dự án đấu thầu, chỉ định thầu, ông Ngô Dương cho rằng, về nguyên tắc, luật không thể đuổi theo tất cả các tình huống chưa xảy ra trong thực tế. Để bịt những lỗ hổng về mặt chính sách rất khó, đặc biệt trước những người cố tình lách luật. Ngoài quy định pháp luật, cần công khai minh bạch, kể cả chỉ định thầu, lấy ý kiến phản hồi trên trang web của cơ quan mà thực hiện hành vi mua sắm công, để người dân giám sát. Trong khi đó, vấn đề thẩm định giá đòi hỏi nhà nước phải đứng ra bảo đảm các đơn vị thực hiện khách quan.

"Nếu thủ tục hành chính doanh nghiệp đơn giản và dễ làm thì những chi phí không chính thức để người ta gửi gắm, đội giá là không có. Thứ hai là việc thẩm định giá. Chúng ta đã có nhiều quy định về thẩm định giá với nhiều ngành nghề khác nhau. Ngoài việc công khai thì cơ quan nhà nước sẽ phải kiểm tra tính xác thực của các báo giá. Người ta sẽ thấy ngay sự vô lý khi các chi phí thành phần chỉ như thế này mà tổng chi phí lại lớn thế kia thì người ta sẽ nhận ra chi phí đầu tư là hợp lý hay không".

Một thiết bị y tế dùng trong phòng chống Covid-19
Một thiết bị y tế dùng trong phòng chống Covid-19. Ảnh: Người lao động

Trao đổi với VOV Giao thông, Luật sư Trần Tuấn Anh- Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, đây không chỉ là vấn đề về luật pháp, mà còn là yếu tố con người, những người bị khởi tố đã có sự tha hoá, biến chất, trục lợi ngay trên chính những đồng tiền thuế của người dân mà lúc này đang rất cần để phục vụ cho công tác chống dịch.

Luật sư Tuấn Anh cũng đồng qua điểm cho rằng, thủ đoạn thổi giá này không mới.

"Ví dụ vụ AVG thì chúng ta đã xử lý 2 cán bộ là Bộ trưởng vào tội tham ô, một số đối tượng khác vào những tội danh với khung hình phạt rất nặng. Nhưng với vụ việc lần này chỉ xử lý với tội vi phạm đấu thầu. Theo tôi là nó không thoả đáng. Rõ ràng cùng 1 hành vi, cùng 1 mục đích nhằm trục lợi từ ngân sách nhà nước, nâng khống giá trị và cùng là người có chức vụ quyền hạn, quản lý số tiển, số vốn này nhưng đã lợi dụng để chiếm đoạt thì đây phải là hành vi tham nhũng".

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, chúng ta đang xử lý ở phần ngọn, tức là ở hiện tượng của vấn đề, khung hình phạt của việc vi phạm quy định đấu thầu rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên đã tạo điều kiện cho những địa phương khác có thể lách luật. Có những địa phương chưa kịp đấu thầu, đã chuyển thành dạng thuê, mượn, trả một phí nhất định và thoát tội.

Con tin của tiêu chí ‘quan hệ’

Công tác xét nghiệm Covid-19.
Công tác xét nghiệm Covid-19.

“Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”, doanh nhân người Mỹ, được mệnh danh là “Vua thép” Andrew Carnegie từng nói như vậy khi đề cập việc kết nối, xây dựng, quản lý, sắp xếp và vận dụng các mối quan hệ trong kinh doanh và cuộc sống.

Triết lý ấy vẫn luôn đúng trong xã hội ngày nay. Một doanh nghiệp nếu không có quan hệ tốt với chính quyền, cơ quan nhà nước, thật khó để họ làm ăn tại địa phương đó. Vấn đề là quan hệ như thế nào, có dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật hay không.

Một cán bộ sẽ cảm thấy vui khi giúp đỡ được doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án, mà bản thân doanh nghiệp đó có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và đặc biệt là tinh thần cống hiến, xây dựng cho địa phương.

Nhưng liệu người cán bộ có cảm thấy vui không, khi giúp đỡ một doanh nghiệp, được họ “cảm ơn” bằng chính tiền dự án, tiền ngân sách nhà nước, trong khi doanh nghiệp đó thực hiện các phi vụ làm ăn với mục đích không gì khác ngoài lợi nhuận, “kiếm chác” từ các lỗ hổng chính sách của nhà nước rồi ăn chia trên đồng tiền thuế của dân?

Khi tiêu chí “quan hệ”, tiêu chí “cảm ơn” lấn lướt các tiêu chí khác trong góc nhìn của những người ra quyết định về việc đánh giá doanh nghiệp, khi đồng tiền và lòng tham thao túng, lũng đoạn các chữ ký, con dấu, những tiêu chí còn lại sẽ bị che mờ, bỏ quên.

Trong dân gian từ lâu đã có câu truyền miệng với nhiều dị bản, như: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ”. Dù vậy, với dị bản nào, tiêu chí “trí tuệ” vẫn bị đánh vào hàng đội sổ, xếp sau tiêu chí “quan hệ”.

Thử hình dung, những người đi lên nhờ “quan hệ”, họ ngồi vào chiếc ghế quyền lực, nhưng sẽ trở thành con tin của mối quan hệ ấy. Họ có mục đích trong sáng trong việc đưa ra các quyết sách liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách? Khi các dự án mở ra, họ sẽ ưu tiên những nhà thầu thực hiện tốt nhất dự án, hay nhắn tin riêng, thậm chí chỉ định thầu cho nhà thầu “ruột”, biết lo lót, “quan hệ”?

Trong bối cảnh luật pháp phải chạy theo “bịt” những lỗ hổng cơ chế liên tục phát sinh theo thực tiễn đời sống, việc chấn chỉnh đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Công tác này cần chỉ rõ cho họ thấy, bất cứ mối quan hệ nào cũng cần có giới hạn. Và giới hạn đó, trong tương quan với doanh nghiệp, chính là luật pháp, là lương tâm, trách nhiệm với nước, với dân./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //