Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Liên tiếp trẻ em tự tử vì bắt chước clip trên YouTube: Ở nhà có thực sự an toàn?

Hồng Lĩnh: Thứ sáu 04/12/2020, 10:50 (GMT+7)

Cha mẹ thường lấy quyền “người lớn” để áp đặt con trẻ theo ý mình khiến trẻ có nhu cầu tìm đến thế giới ảo để được chia sẻ cũng như giải trí.  Nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội là gì?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cha mẹ nghi bé gái 5 tuổi chết do bắt chước YouTube. Ảnh: I.T
Cha mẹ nghi bé gái 5 tuổi chết do bắt chước YouTube. Ảnh: I.T

Một bé trai 8 tuổi ở ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được phát hiện bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun và đã không qua khỏi. Trước đó, ngày 12/10, một cháu bé 5 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm.

Và chỉ cách đó chưa đầy 1 năm, cũng tại TP.HCM, sự việc xảy ra tương tự với một bé 7 tuổi khi gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ vì học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube.

Những sự việc đáng tiếc liên tiếp, dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc trẻ em bị nhiễm “độc” thông tin trên mạng internet và trách nhiệm của người lớn.

"Tôi cũng là một người mẹ, khi đọc những tin như thế này, tôi cảm thấy đau lòng và vô cùng bức xúc nữa".

"Đấy là lỗi của cha mẹ là nhiều".

"Chúng ta tận dụng, tận hưởng những lợi ích của môi trường mạng, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ ham lợi nhuận để câu view, câu like, hòng kiếm danh, kiếm tiền và những kẻ xấu lợi dụng mạng để thực hiện các hành vi phạm tội".

"Bố mẹ là người mua điện thoại cho học sinh, nhưng bố mẹ hoàn toàn không biết cái đó được sử dụng theo kiểu gì. Trong khi cũng là YouTube, cũng là Messenger, cũng là Google, nó đều có những phiên bản dành cho trẻ em".

"Nó là một phương tiện để phụ huynh cho trẻ ngồi yên tại chỗ mà không quấy rầy hoặc bước ra khỏi nhà vì họ sợ bước ra khỏi nhà thì cũng quá nguy hiểm. Nhưng cái quan trọng là đưa xong họ không cùng xem với trẻ xem trên đó có cái gì, mà trẻ em bây giờ thì rất thông minh".

"Chúng ta phải có những kiểm soát thiết bị thông minh, không nên cho trẻ sử dụng sớm và đặc biệt là chúng ta phải có những trải nghiệm cùng trẻ".

Những trường hợp thương tâm xảy ra liên tiếp gần đây cho thấy, “trò chơi lạ” trên mạng xã hội đã và đang  du nhập vào cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ mà người lớn không hề hay biết.

Sau vụ việc một bé trai 8 tuổi ở ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom được phát hiện bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun, Công an tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng cảnh báo đến các bậc phụ huynh hãy quan tâm, kiểm soát nội dung thông tin khi con em mình tham gia xem, giải trí hay học tập trên mạng xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, ở độ tuổi này, các bé bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh và chưa thể phân biệt được thật – giả, đúng – sai.

 

"Thực ra là những tiêu cực từ mạng xã hội, internet thường ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt là câu chuyện đau lòng như vừa rồi  vì các em còn quá non nớt cho nên là chưa nhận thức được đúng – sai, hay hậu quả của các hướng dẫn, các trò chơi, rồi các nguy cơ trên youtube, trên mạng xã hội".

Chuyên gia tâm lý - Thạc sỹ Phan Thị Hoài Yến, công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định:

"Những chương trình YouTube đó làm cho đứa trẻ có những hành vi không đúng về sức khỏe, thực thể trước. Ví dụ như cắt tay, tự tử hoặc theo những hành vi trên YouTube hướng dẫn. Nó như là sự thách thức sự can đảm của một con người trong thời đại mới bây giờ".

Lý giải nguyên nhân dẫn đến những hậu quả này, TS Đoàn Văn Báu – Chuyên gia Tâm lý tội phạm cho rằng:

"Trẻ em tầm 6-7 tuổi như một tờ giấy trắng, các em học tập rất nhanh. Các gia đình có xu hướng hiện nay là cho trẻ tiếp cận, sử dụng với những thiết bị công nghệ khá là sớm, từ khi các em còn rất nhỏ, mà quản lý còn tương đối lỏng lẻo".

Có những người mẹ đã cho biết rằng hình ảnh Momo xuất hiện khi con họ đang xem video dành cho trẻ em
Có những người mẹ đã cho biết rằng hình ảnh Momo xuất hiện khi con họ đang xem video dành cho trẻ em

Cộng đồng từ lâu đã dậy sóng khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video mang tên "Thử thách Momo". Nhân vật Momo có giọng nói ghê rợn được chèn vào đoạn phim hoạt hình trẻ yêu thích để yêu cầu các nhân vật tự sát. Hình ảnh kinh dị về Momo chỉ xuất hiện vài giây nên các bậc phụ huynh rất khó phát hiện. 

Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh sau khi biết về các vụ việc đau lòng xảy ra mới bắt đầu tìm hiểu video "Thử thách Momo". Và muộn màng giải thích cho con trẻ  rằng: Momo không phải là nhân vật có thật.

Theo chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin Ngô Việt Khôi, trẻ có vấn đề về tâm lý thường dễ nhiễm “độc” mạng xã hội hơn. Và trước khi trẻ bị “lôi kéo”, dẫn dắt vào thế giới ảo, trẻ đã có một thời gian dài bị cô độc và thiếu sự chia sẻ.

"Tất cả những trò thử thách đấy nó đều không phải tự nhiên mà có, mà nó đã có sẵn trên mạng xã hội rồi. Nếu như trẻ con mà có bản lĩnh, thì không dính, khó dính hơn. Nếu như trẻ con cũng có những vấn đề về trầm cảm, về mặt tâm lý, có những chuyện tổn thương như là không có ai để tâm sự, cô độc, mất tự tin, bị chế giễu, bị bắt nạt, thì những em đấy dễ hấp thụ những trò độc hại hơn".

Theo chuyên gia Ngô Việt Khôi, trách nhiệm đầu tiên phải là từ bộ lọc của các nhà mạng – trước khi đòi hỏi trách nhiệm của các bậc phụ huynh:

"Nếu nhà mạng nói rằng là tôi chỉ có trách nhiệm kết nối và thu tiền cước, còn cái gì chạy trên mạng đó thì tôi không biết, không phải là việc đầu tiên. Nó là chuyện giống như có một cái trường học, và người bảo vệ ở cổng trường học, họ chỉ có làm mỗi một nhiệm vụ vật lý là mở cổng – ai vào cũng được, kẻ trộm vào cũng được, người lừa đảo vào sân trường cũng được. Không ai làm chuyện đó cả, hoặc làm, luôn luôn chậm hơn những cái đã xảy ra".  

Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng internet lớn nhất thế giới, với khoảng 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Kết quả khảo sát của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội cho thấy, cứ bốn trẻ được khảo sát thì có một trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội.

Cần bảo vệ trẻ em trước môi trường mạng. Ảnh: Dân Việt
Cần bảo vệ trẻ em trước môi trường mạng. Ảnh: Dân Việt

Cha mẹ thường lấy quyền “người lớn” để áp đặt con trẻ theo ý mình khiến trẻ có nhu cầu tìm đến thế giới ảo để được chia sẻ cũng như giải trí.  Nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội là gì?

Mời quý vị đến với góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận “Đừng phán xét trẻ qua bờ vai”.

Trẻ em ngày nay chỉ cần một cái chạm tay, là bước vào một thế giới rộng mở. Thế giới của công dân số nhiều điều thú vị để học hỏi, nhưng cũng đầy rẫy những hiểm họa, nguy cơ. Những hiểm họa trên internet ngày càng tinh vi và đa dạng đến mức, ngay cả người lớn cũng chưa thể lường hết được.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Bộ quan tâm, lồng ghép vào trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và sắp ban hành. Nhưng trước khi các vấn đề về liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ được luật hóa, để đảm bảo trẻ em sử dụng mạng xã hội được an toàn, lành mạnh và việc đào tạo kỹ năng sống cho công dân số được đưa vào nhà trường thì  chính cha mẹ phải thay đổi tư duy trong cách tiếp cận với con cái.

Điểm lại những vụ việc đau lòng trong thời gian qua trên mạng xã hội,  chỉ vài phút lơ là của người lớn, những đứa trẻ đáng thương đã phải đánh đổi cả mạng sống. Các bậc phụ huynh cũng không thể hình dung rằng, bỗng một ngày, chính chiếc điện thoại mà họ trao cho đứa con mình với mục đích để con ngồi im trong khi  cha mẹ bận việc hoặc đơn giản là để con giải trí -  lại là thứ “vũ khí” ngầm.

Điều nghịch lí là bố mẹ là người “chủ động” mua thiết bị công nghệ cho con nhưng lại “bị động” trong cách ứng xử với con cái. Khi trẻ em được “trao quyền” sử dụng công nghệ và nhận ra cha mẹ đang muốn hạn chế việc sử dụng internet của chúng, một bức tường vô hình sẽ được xây lên.

Lý lẽ đơn giản của tụi trẻ sẽ là: Cha mẹ chỉ muốn ngó qua vai chúng, nhìn xuyên qua bức tường trong căn phòng đóng chặt xem thời gian con lên mạng có như cha mẹ đã lập trình.

Thật khó để trong một xã hội bận rộn đòi hỏi những người làm cha làm mẹ dành nhiều thời gian bên con cái. Nên để bảo vệ con mình trước những thông tin xấu trên mạng xã hội, cha mẹ cần phải làm bạn với con, học cách lắng nghe con, bởi thế giới với cha mẹ là thật, thế giới với YouTube là ảo.

Khi con cái xem cha mẹ là bạn, con trẻ sẽ đủ tự tin tìm đến cha mẹ để chia sẻ những chuyện của riêng mình. Những bậc phụ huynh nên ở cạnh trẻ khi trẻ dùng internet, thường xuyên nói chuyện và trao đổi với trẻ về các vấn đề tốt xấu hay các hiện tượng trên mạng xã hội, cài đặt tính năng bảo mật và bật giới hạn truy cập, chủ động gợi ý hay hỏi trẻ để trẻ nói lên suy nghĩ của mình.

Cấm đoán và phán xét con trẻ là phương pháp đã lạc hậu trong xã hội hiện đại. Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội không phải là kiểm soát nhiều hơn mà chính người lớn phải tự “học hỏi” để bắt kịp, đồng hành, tránh được những nguy hại mà trẻ em phải đối mặt.

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.