Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Liên tiếp chó cắn chết người: Lỗ hổng lớn về quản lý việc nuôi chó

Phóng viên - 08/04/2019 | 9:49 (GTM + 7)

Nếu thực trạng quản lý việc nuôi chó vẫn bị cơ quan nhà nước buông lỏng như hiện nay, người dân vẫn thờ ơ và chủ quan, những vụ việc trẻ em, người già và chính chủ nuôi bị chó cắn sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đàn chó cắn bé trai 7 tuổi thường được chủ thả rông

“Hiện tại nhà mình đang có trẻ em 2 tuổi và nuôi 1 chú chó. Việc nuôi chó khi nhà có trẻ con là do ý thức của người lớn. Mình cần huấn luyện chó ở nhà biết phân biệt chủ và người lạ. Còn sự việc đàn chó ở Hưng Yên cắn chết 1 trẻ nhỏ mình nghĩ rằng, do gia đình họ không ý thức với vấn đề xích chó, rọ mõm chó khi thả rông. Việc để 10 con chó, đều là chó dữ cắn 1 đứa trẻ thì đáng phải lên án”.

“Tình trạng chó thả rông mà không rọ mõm gây nguy hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ em. Đặc biệt khi chạy ra đường còn làm ảnh hưởng đến tham gia giao thông của mọi người”.

“Mặc dù chó là con vật rất hiền và là con vật gần gũi với con người thế nhưng mà nó vẫn là động vật. Đôi lúc ra đường nó gặp người lạ mình cũng không thể kiểm soát được hành động của nó. Tốt nhất là dắt chó đi ra đường chúng ta nên rọ mõm, tiêm phòng định kỳ cho chó để có thể đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”.

Đó là quan điểm của một số người dân sau một loạt các vụ việc chó cắn chết người diễn ra thời gian qua, đặc biệt là vụ cháu bé 7 tuổi bị đàn chó thả rông gồm 10 con tấn công ở Hưng Yên. Hay mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có 2 bố con tử vong sau 2 tháng bị chó dại cắn.

Thống kê của Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hơn 1.000 trường hợp đến tiêm vắc xin và khoảng 1.000 người khác tiêm huyết thanh phòng dại, tăng hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những bệnh nhân đến tiêm phòng dại thì đa số là bị chó nhà cắn, còn lại một số trường hợp là bị chó không rõ nguồn gốc cắn.

Bác sĩ Vũ Minh Điền – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo:

"Ngay cả chó nhà mình nuôi, mà mình không giám sát được 24/24, cách ly với chó hoang dã ở ngoài hoặc chó bị dại thì con chó bị dại cắn chó nhà mình, chó nhà mình cắn lại mình thì mình vẫn bị dại như thường. Vì vậy khi không may bị chó cắn, chúng ta cần vệ sinh vết cắn thật sạch bằng dung dịch sát khuẩn. sau đó chúng ta nên đến trung tâm y tế hoặc nơi tiêm phòng gần nhất để được bác sĩ khám và tư vấn.”

Hàng năm nước ta có hàng vạn vụ chó cắn người

Thực tế, hàng năm nước ta có hàng vạn vụ chó cắn người, nhưng do tính chất vụ việc không nghiêm trọng nên dư luận ít chú ý. Chỉ đến khi những vụ việc đau lòng xảy ra, công tác quản lý việc nuôi và sử dụng chó mới được nhìn lại.

Theo Nghị định 90 năm 2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, trường hợp chó nuôi ra ngoài không rọ mõm gây ra cắn người, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ vật nuôi. Chủ đàn chó có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó,  chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký.

Thực trạng văn bản, nghị định xử phạt đã có đầy đủ nhưng theo thống kê của Cục Thú y, ngoại trừ các địa bàn thí điểm đội săn bắt chó, thì đến nay, Cục Thú y chưa ghi nhậntrường hợp để chó thả rông ngoài đường không đeo rọ mõm bị xử phạt!

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Mão, Đội trưởng đội săn bắt chó thả rông phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, từ khi hoạt động thí điểm, đội bắt được 12 con chó, xử phạt 9 chủ chó, mỗi trường hợp 700 nghìn đồng, trong đó 3 trường hợp không có chủ nuôi nhận, đội đã gửi ra Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã.

“Khi phát hiện chó thả rông, chó thường đi phóng uế, đội sẽ cho lực lượng xuống để vây bắt rồi mang về phường. Ủy ban phường sẽ thông báo cho tất cả trường hợp như: bắt chó ở địa điểm nào, chó màu gì, giống gì… chủ vật nuôi sẽ đến phường nhận. Chúng tôi cũng kiến nghị cần thêm những xe bán chuyên dụng để thuận tiện hơn, như chúng tôi hiện nay công cụ rất thô sơ”.

Theo ông Lê Bá Mão, từ khi có đội bắt chó thả rông, ý thức của người dân về việc quản lý chó nuôi cũng đã được cải thiện. Mặc dù vậy, không phải địa phương nào cũng có đội chuyên bắt chó thả rông, và đa số chủ chó vẫn thừa nhận, chưa có kiến thức đầy đủ về điều kiệncũng như cách nuôi chó, chủ yếu là tự phát theo sở thích.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà –Giám đốc trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (PDS) khẳng định: Hiện nay có tới 400 giống chó với tính tình, đặc điểm khác nhau, chó ta dù nhỏ nhưng lại là giống dữ. Việc chó cắn người gia tăng thời gian qua chủ yếu do chủ chó không am hiểu về chó, không chọn đúng giống chó, chọn đúng độ tuổi chó để nuôi, đồng thời cũng không đủ điều kiện để nuôi dạy và kiểm soát chó. Ông Hà khẳng định, hiếm khi thấy có nhà để biển cảnh báo có chó dữ trước cổng.

“Ngoài các quy định ra ngoài phải rọ mõm, có dây cương, được tiêm phòng, tôi kiến nghị Chính quyền cần bắt các chủ chó viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để chó gây ảnh hưởng, tai nạn với người khác. Thứ hai, nuôi chó dữ phải có điều kiện đảm bảo nuôi dạy và quản lý được con chó. Thứ ba, nhà nước cũng nên khuyến khích họ tham gia các hội nhóm chuyên biệt từng giống chó để trao đổi kinh nghiệm. Chúng ta nuôi nhưng không đồng nghĩa với việc nuôi không kiểm soát, không kiến thức, nuôi mộ cách bừa bãi, không khoa học, thiếu suy nghĩ”.

Chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ cảnh báo, nếu thực trạng quản lý việc nuôi chó vẫn bị cơ quan nhà nước buông lỏng như hiện nay, người dân vẫn thờ ơ và chủ quan, những vụ việc trẻ em, người già và chính chủ nuôi bị chó cắn sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng đang là mối quan tâm của nhiều người tại một đất nước mà người dân vốn coi chó là một loài vật trung thành!

Yêu nhau, đừng quên rọ mõm (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Nhiều bạn trẻ có thói quen dắt cho ra đường chơi nhưng quên không rọ mõm cho chúng

Những vụ người chết vì chó cắn liên tục xảy ra, những không gian đi bộ như vườn hoa, công viên, quảng trường trở nên xấu xí vì phân chó, những cuộc tranh cãi ồn ào giữa những người yêu chó, và sợ chó… tất cả đều không có hồi kết khi sự cân bằng giữa nhu cầu an toàn trước chó, và thú vui nuôi chó chưa được đảm bảo về luật pháp.

Không thể cấm những người yêu chó được nuôi chó. Luật pháp cần tôn trọng những nhu cầu chính đáng của các cộng đồng, song luật pháp cũng cần đảm bảo cộng đồng người nuôi chó tôn trọng quyền không bị làm phiền bởi chó của những cộng đồng khác.

Chó có phải là vật nuôi nguy hiểm hay không? Đã có không ít những cái chết thương tâm bởi chó dữ, nên sự nguy hiểm là không cần bàn cãi.

Và, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phân loại, đánh giá mức độ nguy hiểm của từng loại chó để có những quy định phù hợp. Loại chó nào là chó cảnh, được xuất hiện tại nơi công cộng, loại chó nào là chó dữ, cần các điều kiện nuôi dưỡng đặc biệt, cần bảo hộ khi xuất hiện tại nơi công cộng… là những quy định cần làm rõ, và có chế tài xử lý các vi phạm.

Nghị định 05/2007/NĐ-CP hiện tại đã có những quy định tỉ mỉ cho việc dắt cho đi dạo, như phải có rọ mõm và có người dắt. Sau đó, Bộ Nông nghiệp còn ra thêm một thông tư để quy định được cụ thể hơn. Tuy nhiên, chế tài cho việc vi phạm những quy định này hiện mới chỉ dừng lại ở mức vi phạm hành chính, không đủ sức răn đe để tạo nên ý thức của người nuôi chó.

Ngay cả đối với những người nuôi chó cảnh, dù không gây nguy hiểm nhưng cũng gây phiền hà cho cộng đồng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh. Công bằng mà nói, thì việc dắt chó đi dạo ở không gian công cộng dù sao vẫn là một hình ảnh khá đẹp trong đời sống. Nó cổ vũ cho tình yêu động vật, minh họa cho một không gian bình yên, một cuộc sống thư nhàn, no đủ, thậm chí có vẻ gì đó quý tộc, sang trọng nữa.

Song, hình ảnh tao nhã sang trọng nên có ở những đô thị đang giàu lên kia, chỉ thực sự đúng giá khi nó dựa trên sự tôn trọng cộng đồng. Sự tao nhã nằm ở "chất" của người chơi, chứ không ở đồ chơi, càng không phải ở những con chó. Hơn lúc nào hết, cần nhắc lại rằng: Muốn được cộng đồng tôn trọng sở thích của mình, hãy tôn trọng cộng đồng trước.

Thậm chí, chính quyền có thể đưa ra thêm những điều kiện khắt khe hơn nữa mà những người yêu chó phải tuân thủ, khi muốn thú cưng của mình hòa nhập với cộng đồng người. Chẳng hạn, thay vì đeo túi LV đi dạo thì phải mang theo xẻng và túi nilon để hót phân nếu bạn đi cùng chó.

Tags:
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.

// //