Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Làm gì để giãn cách xã hội hiệu quả?

Phóng viên - 02/06/2021 | 6:40 (GTM + 7)

TP.HCM đang ở thời điểm quan trọng khi chưa thể truy vết chính xác nguồn lây COVID-19, nên giãn cách là “chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để bảo vệ lợi ích dài hạn”. Vậy cần làm gì để giãn cách xã hội hiệu quả?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tổng số ca nhiễm Covid-19 ở TP. HCM tính từ 27/5 đến nay (trong vòng 6 ngày) là 202 ca.

 Trong đó, cụm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có quy mô phức tạp với số người nhiễm phân bổ trên địa bàn 20/22 quận – huyện của Thành phố và lan ra 6 tỉnh, thành.

Bắt đầu từ 0h00 ngày 31/5, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

"Hoang mang thì cô cũng có hoang mang. Nhưng cô thấy giãn cách như vậy, dân ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Quán xá đóng hết. Người ta cũng không đổ xô ra đường".

"Như hồi năm ngoái đó, đợt dịch cũng yêu cầu mọi người ở nhà và không được tụ tập, đầu tiên mình không có kinh nghiệm mình cũng lo, mình cũng mua thực phẩm mình tích trữ ở nhà khá nhiều. Sau lần đó, mình thấy thực phẩm cũng đủ, không bị khan hiếm, rồi mình để ở nhà mình xài không hết, hư phải bỏ đi nên lần này tôi không có ý định mua thực phẩm tích trữ".

"Kể ra mình là người dân cũng hơi lo lắng đấy. Nhưng đội ngũ trong việc phòng dịch thế này, anh em vất vả đêm hôm quá, nhưng thôi tất cả đều cố gắng để vượt qua đại dịch".

TP. HCM chiều 30/5/2021, trước thời điểm giãn cách vài giờ đồng hồ, người dân đổ xô vào các siêu thị và chợ truyền thống tích trữ lương thực, thực phẩm.

Trước thông tin người dân ồ ạt đi mua hàng hóa, thực phẩm vì lo lắng thiếu hụt, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định TP đã chuẩn bị một nguồn hàng hóa rất phong phú, đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân.

"Hiện tại, lượng hàng ở chợ đầu mối, các trung tâm, siêu thị vẫn dồi dào, đảm bảo về số lượng, khối lượng và chủng loại là đảm bảo. Nên là người dân đừng có lo lắng mà tập trung đông người, hãy phân lịch đi chợ, đi siêu thị của mình một cách hợp lý, để tránh ùn ứ và không đảm bảo khoảng cách và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch".

Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp vắng lặng, không còn cảnh chen chúc ngoài đường như mọi khi. Ảnh: Nhất Hoàng

Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) chiều cùng ngày, lượng người dân đổ về mua vé tăng gấp 3 lần ngày thường. Hàng trăm người lao động phổ thông tại các nhà hàng, quán ăn đã tạm ngưng hoạt động trước đó và sinh viên ngồi chờ các chuyến xe xuất bến trước giờ TP.HCM giãn cách xã hội.

Nỗi lo vẫn hiện hữu, bởi số ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng tăng nhanh chóng, đặc biệt là số ca liên quan đến chùm lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp. Chủ tịch UBND quận Gò Vấp – Nguyễn Trí Dũng đã phải kêu gọi người dân cùng chia sẻ với chính quyền và ngành Y tế:

"Người dân không nên hoang mang, lo lắng. Tôi mong muốn mọi người ủng hộ quyết định của TP và quận Gò Vấp để đảm bảo an toàn cho mọi người và chính mình, chung tay góp sức giữ vững bình yên của TP trong cuộc chiến chống Covid-19".

Cửa ngõ quận Gò Vấp sau khi bị phong tỏa, sáng 31/5, người dân có đôi phần lúng túng. Địa phương này đã lập 10 chốt an ninh trên các tuyến đường nối với quận Gò Vấp để đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo gia đình cách ly gia đình, khu dân phố cách ly khu dân phố, phường cách ly phường.

Hơn 10h00 sáng, lực lượng chức năng bất ngờ xả chốt phong tỏa để lên phương án cụ thể do ùn tắc tại các điểm chốt. Và đến 21h00 tối 31/5, 10 chốt kiểm soát người dân ra vào quận Gò Vấp lại được tái lập. Rất nhiều người vẫn chưa khỏi bỡ ngỡ; việc đi lại, sinh hoạt có đối chút bị đảo lộn.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần phải có sự chủ động hơn trong việc điều tiết hàng hóa để đảm bảo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” và không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực giãn cách.

"Nếu trong trường hợp có giãn cách, ví dụ như trường hợp ở Gò Vấp, đề nghị TP thông qua Sở Công Thương cũng thông báo đến các doanh nghiệp đầu mối để họ có kế hoạch đưa hàng trước, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu đến các vùng mà chúng ta sẽ giãn cách để tránh trường hợp như vừa qua, Gò Vấp giãn cách, các doanh nghiệp vẫn đưa hàng vào nhưng rất khó khăn".

Hàng hóa tại các siêu thị, khu chợ vẫn dồi dào

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc giãn cách xã hội là cần thiết để “chạy đua” với tốc độ lây lan của virus:

"Năng lực xét nghiệm của mình, mình cố gắng huy động nhiều nhất và nhanh nhất. Nhưng trong thời gian mình không làm kịp, thì biện pháp giãn cách, biện pháp ai ở nhà nấy theo chỉ thị 16 chính là không cho các ca tăng thêm, và khi không tăng thêm, thì truy vết từ từ sẽ ra hết. Vì vậy phải làm song song giữa chỉ thị 16 và truy vết".

Riêng  hôm 31/5, TP.HCM đã lấy 70.000-80.000 mẫu xét nghiệm (mẫu đơn) và thành lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm; đặc biệt đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân phường Thạnh Lộc và 14 phường của quận Gò Vấp.

Sáng 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, cho tới thời điểm hiện tại, TP vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn có thể ghi nhận thêm các ca nhiễm rải rác từ các chùm ca bệnh trong cộng đồng do nhiều nguồn lây chưa được phát hiện:

"Chuỗi của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng sẽ phải tiếp tục truy vết bởi không chỉ có 22 quận, huyện của TP mà đã lan tới Long An, Bạc Liêu. Và ngày hôm qua tôi cũng đã họp Ban chỉ đạo cùng các Ngành để triển khai các công việc trong thời gian giãn cách này, TP cần làm gì?  Việc thứ hai nữa là, lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn TP, nhưng trước mắt tập trung lấy mẫu xét nghiệm tất cả các đơn vị bầu cử, các tổ chức bầu cử tại các điểm mà các thành viên của nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi bầu".

Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho 280.000 công nhân, người lao động và 3.000 chuyên gia tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trong vài ngày tới để có thể kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan tại nơi sinh hoạt của nhóm giáo phái truyền giáo Phục Hưng đêm 30/5. Ảnh: Đình Lễ - HCDC
Cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan tại nơi sinh hoạt của nhóm giáo phái truyền giáo Phục Hưng đêm 30/5. Ảnh: Đình Lễ - HCDC

TP.HCM đang ở thời điểm quan trọng khi chưa thể truy vết chính xác nguồn lây COVID-19, nên theo nhận định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, giãn cách là “chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để bảo vệ lợi ích dài hạn”.

TP đã có hơn 13 ca/1 triệu dân; và hiện đang lưu hành 4 chuỗi lây truyền bệnh có chứa cả hai biến chủng “siêu lây nhiễm” ở Anh và ở Ấn Độ.

Với quy mô dân số đông và tập trung đầu mối giao thông đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước; TP. HCM cần làm gì để giãn cách xã hội hiệu quả và để mọi công sức của toàn xã hội trong cuộc chiến với COVID-19 không bị đổ sông đổ bể?  Bài bình luận của Nhà báo Bùi Trọng Điển – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông.

Những ngày này, khi TP.HCM chính thức bước vào đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 toàn thành phố và chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), mới thấy dịch COVID đang bủa vây  lên thành phố đông dân nhất cả nước này rất nóng. Dù nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, giải trí đã tạm ngưng nhưng các ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục gia tăng; tốc độ rất nhanh.

Nguy hiểm hơn, nơi tập trung công nhân là các khu công nghiệp bắt đầu bị tấn công. Nếu không kịp thời dập tắt sẽ lan rộng và rất có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng; gây thiệt hại rất lớn đến đời sống. Tinh thần của Thành phố cũng như cả nước lúc này vẫn là thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, phát hiện kịp thời để cách ly, dập dịch. Có ở Gò Vấp được coi là tâm điểm của dịch lúc này mới thấy lực lượng y tế luôn thức nguyên đêm để xét nghiệm xuyên đêm cho người dân mới thấy sức khẩn trương của đợt chống dịch lần này mỗi ngày một tăng.

Việc giãn cách xã hội những ngày qua đã khiến nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa ,nhiều ngành nghề kinh doanh ngưng trệ, công ăn việc làm của hàng vạn lao động bị mất. Sinh kế của nhiều người lao đao. Học hành, thi cử của con em bị gián đoạn. Đời sống sinh hoạt của mỗi người, mỗi nhà bị đảo lộn hoàn toàn.

Mặc dù TP.HCM và cả nước đã trải qua đợt dịch lần thứ tư và thực hiện giãn cách đầu năm năm ngoái, nhưng cảm giác căng thẳng, mệt mỏi không phải không dễ nhận ra trong mỗi con người, ở mỗi gia đình.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch dã rình rập và tấn công liên tục, nếu còn chần chừ chủ quan, thờ ơ, thiếu ý thức, vô trách nhiệm, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Virus lần này nguy hiểm hơn là biến thể nên có nguy cơ phát tán nhanh, lưu truyền rộng; dễ lây lan, khó điều trị và các ca bệnh thì đều có dấu hiệu biến chuyển nặng.

Nếu dịch bùng phát không thể kiểm soát, hậu quả để lại rất nặng nề không chỉ kinh tế mà chính là sinh mạng của mỗi người dân.

Do vậy, hiện nay, TP.HCM đang thúc đẩy nhanh các giải pháp ngăn chặn nhằm chặt đứt chuỗi lây nhiễm bằng các biện pháp y tế hữu hiện trên tinh thần tổng tiến công trên các mặt trận; trong đó có việc tiêm ngừa vắc xin đại trà. Vấn đề lúc này là sự đồng lòng, đồng thuận của các doanh nghiệp và người dân là rất cần thiết và là chìa khóa dẫn đến thành công. Mỗi gia đình, cần vận động người thân và bản thân thực hiện tốt yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

Chủ động phòng ngừa dịch từ chính nơi mình đang ở, nhà mình đang sống, nơi mình đang làm việc; đúng theo tinh thần của chỉ thị 15 và 16. Không tụ tập, hạn chế giao tiếp trực tiếp.

Đồng thời nhắc nhở, giám sát, phát hiện các trường hợp chủ quan, lơ là; đấu tranh với thói vô trách nhiệm của một số người, nhóm người có biểu hiện tụ tập dẫn đến nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng. Chấp nhận một phần thiệt hại, khó khăn để cùng động viên nhau vượt qua thách thức.

 Chia sẻ tình yêu thương, đùm bọc nhau trong gian khó. Đồng lòng hướng về, chia sẻ tình cảm, ủng hộ vật chất cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhất là đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm đối mặt với dịch bệnh rủi ro.

Do vậy, với sự yểm trợ của các cấp, các ngành; ngay lúc này mỗi người dân mỗi gia đình lúc này cần xây dựng trở thành một pháo đài vững chắc để từng bước đẩy lùi, tiến tới khống chế dịch bệnh; góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển           

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

// //