Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Kiểm soát rủi ro khi sử dụng phương thức thanh toán Mobile Money

Phóng viên - 30/11/2021 | 6:30 (GTM + 7)

Mobile Money được kì vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cảnh báo, dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu và an toàn tài chính.

Cần có những chính sách, cơ chế kiểm soát như thế nào để hạn chế những rủi ro này?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong bối cảnh hiện có một lượng lớn người dân chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, sự ra đời của Mobile money giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán với các khoản nhỏ lẻ...

Mới đây, Tập đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã chính thức triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán Mobile Money.

Đây là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động với các chức năng như nạp/rút, chuyển tiền và thanh toán, hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ. Khác với các loại ví điện tử như Momo, ZaloPay, ViettelPay… yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh, người dùng chỉ cần sử dụng SIM chính chủ là có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Dịch vụ thanh toán mới này, đặc biệt phù hợp với những người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Một số người dân nêu ý kiến:

"Tôi thấy đây là dịch vụ rất hữu ích, tiện lợi cho chúng tôi khi mua bán, chuyển tiền mà không cần mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn nếu mà chuyển tiền nhầm vào số điện thoại khác thì nhà mạng sẽ hỗ trợ như thế nào?"

"Bên cạnh những hình thức thanh toán ví điện tử, QR code... mobile money giúp tôi tiện lợi hơn khi mua sắm, không cần mang theo tiền mặt".

Thống kê đến tháng 12/2020, Việt Nam có trên 132 triệu thuê bao di động. Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh hiện có một lượng lớn người dân chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, sự ra đời của Mobile money giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán với các khoản nhỏ lẻ cho người dân, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.

Dịch vụ mới này không chỉ làm đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán cho người dân và các doanh nghiệp mà còn đem lại sự tiện lợi, có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi với chi phí thấp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, việc đưa vào triển khai hình thức thanh toán Mobile money phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam:

"Nó đem lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, phù hợp với xu thế chung và phù hợp với chủ trương của Nhà nước đang khuyến khích không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó cũng cần chú ý về vấn đề lợi dụng Mobile Money để rửa tiền, thông qua hình thức này để đánh bạc, cá cược".

Từ việc quan sát, nghiên cứu về mô hình Mobile Money tại một số quốc gia trên thế giới, ông Trương Đức Lượng, Tổng giám đốc Công ty Bảo mật Việt Nam (VSC) cảnh báo, ngoài những rủi ro sử dụng tiền sai mục đích do người sở hữu SIM và người sử dụng tiền trong tài khoản không đồng nhất, còn có những rủi ro về an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng: 

"Nếu các hệ thống nhà mạng không có vấn đề an ninh tốt thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng kẻ tấn công để lấy thông tin về hệ thống lưu trữ khách hàng giống như các hệ thống lưu trữ khác. Theo tôi các nhà mạng cần nhìn nhận đây là một rủi ro thực sự và có những hành động đi kèm để hạn chế rủi ro xảy ra".

Liên quan đến những lo ngại về vấn đề an toàn tài chính, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, cho biết, theo Quyết định số 316 của Thủ tướng Chính phủ, để được cấp phép, các nhà mạng phải có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, toàn bộ tiền trong tài khoản Mobile Money của nhà mạng phải được bảo đảm tại ngân hàng:

"Trong quy định để thí điểm Mobile Money, yêu cầu các nhà mạng không được phép dùng tiền đó vào mục đích khác mà số tiền đó dùng để ký gửi, ký quỹ trên tài khoản của một ngân hàng. Như vậy, vai trò ở đây ngân hàng vừa trung gian, vừa là giám sát việc kiểm soát tiền vào ra, cũng như là mục đích sử dụng số tiền đó. Đấy là một cách khá là phổ biến theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra cũng quy định rất rõ về hạn mức thanh toán".

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch covid, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến và hạn chế dùng tiền mặt để thanh toán, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua internet tăng gần 69%, qua điện thoại di động tăng 86,3% và QR code tăng 95,7%.

Việc cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng tài chính cho hàng triệu người, kích thích nền kinh tế không dùng tiền mặt và tạo cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

Bản thân mỗi khách hàng khi sử dụng dịch vụ mới, cùng cần tìm hiểu kỹ càng về cách thức thanh toán, chấp hành các quy định về an toàn bảo mật các thông tin cá nhân liên quan đến dịch vụ

Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được ưa chuộng, hình thức thanh toán Mobile Money mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tuy vậy, cũng không ít thách thức đặt ra khi hình thức thanh toán này được triển khai.

Góc nhìn này VOV Giao thông qua ài bình luận: Bảo mật thông tin là yếu tố sống còn

Hình thức tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động (Mobile Money) đã có mặt tại 95 quốc gia với hơn 1,04 tỷ tài khoản được đăng ký, số người tiếp cận các đại lý chuyển tiền qua điện thoại di động cao gấp 7 lần so với ATM và gấp 20 lần so với các chi nhánh ngân hàng.

Nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường tiền tệ dự báo, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Mobile Money ước đạt 28,7%, có thể đạt 12 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024.

Còn tại Việt Nam, thống kê của NHNN năm 2020 cho thấy, mặc dù có tới 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng gần một nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng.

Trong khi, có tới 70% dân số tập trung ở khu vực nông thôn đang gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Bởi vậy, dư địa để phát triển Mobile Money đối với nhóm đối tượng khách hàng ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam còn rất lớn.

 Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Mobifone đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm Mobile Money trong 2 năm kể từ ngày 18/11/2021 và sắp tới là tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong đó, VNPT trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên toàn quốc từ ngày 25/11/2021.

Với lợi thế có số lượng khách hàng sẵn có lớn và hàng nghìn điểm giao dịch trải dài khắp cả nước, các nhà mạng có thể tận dụng khai thác hiệu quả lượng khách hàng tiềm năng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Sự gia nhập của các nhà mạng cũng góp phần tạo sự cạnh tranh trong thị trường tài chính, tạo lực đẩy để các ngân hàng có sự thay đổi, chuyển dịch nhanh hơn.

Hình thức thanh toán Mobile Money còn khá mới mẻ tại Việt Nam, số tiền giao dịch cho mỗi khách hàng không phải quá lớn nhưng với hàng chục triệu thuê bao di động, tổng số tiền giao dịch là con số không nhỏ. Bởi vậy, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, tính bảo mật và an toàn giao dịch là yêu cầu cần đặc biệt chú trọng.

Về phía các nhà mạng, trước khi nhân rộng hình thức thanh toán Mobile money, cần tiến hành sàng lọc cơ sở dữ liệu của mình, hạn chế tình trạng SIM rác. Trong quá trình mở tài khoản, ví điện tử cho khách hàng, các nhà mạng cần tiếp tục xác thực khách hàng điện tử để đảm bảo thông tin chính chủ và đúng số điện thoại.

Để giảm bớt thủ tục, thời gian thanh toán, việc xây dựng hệ sinh thái có sự chia sẻ thông tin dữ liệu và kết quả thẩm định giữa hệ thống ngân hàng và các nhà mạng là điều cần thiết để nhằm đem lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ có tính bảo mật cao để đề phòng tấn công. Các nhà mạng cũng cần có hệ thống ghi nhận các rủi ro, đánh giá các nguy cơ, các phương án có thể xảy ra để có thể ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.

Quan trọng là mỗi khi có sự cố như chuyển nhầm tiền, mất mát tiền, thì nhà mạng phải nhanh chóng tiếp nhận và xử lý cho khách hàng.

Về phía các cơ quan chức năng, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia. Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành cơ chế chính sách giám sát quá trình thực hiện của các nhà mạng và có chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.

Bản thân mỗi khách hàng khi sử dụng dịch vụ mới, cùng cần tìm hiểu kỹ càng về cách thức thanh toán, chấp hành các quy định về an toàn bảo mật các thông tin cá nhân liên quan đến dịch vụ.

Áp dụng thí điểm hình thức thanh toán mới tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế song cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin, an toàn tài chính từ chính các chủ thể liên quan, từ ngân hàng, nhà mạng và người sử dụng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //