Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Kịch bản nào phục hồi thị trường lao động, việc làm?

Phóng viên - 13/01/2022 | 11:04 (GTM + 7)

Ngoài thông lệ thiếu hụt lao động dịp trước và sau tết Nguyên đán diễn ra hàng năm, đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử, gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam.

Khoảng 2,2 triệu người đã hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, theo số liệu của ngành thống kê tới 15/12/2021.

Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là những ngành nghề cần nhiều lao động như: dệt may, da giày, trong khi lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới.

Cần làm gì để giải bài toán lao động việc làm, góp phần phục hồi thị trường ngay những tháng đầu năm mới?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đoàn người từ phía Nam được CSGT Thừa Thiên Huế dẫn đường từ chân đèo Hải Vân ra Quảng Trị để tiếp tục về quê, chiều 3/8/2021. Ảnh: Võ Thạnh
Ảnh: Nhất Hoàng

Phải thực hiện 3 tại chỗ quá lâu với hàng loạt khó khăn, công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) đã không giữ chân được người lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công để có thể tăng công suất khi sản xuất được phục hồi, nhất là khi đang bước vào cao điểm sản xuất thực phẩm cho mùa tết.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay, dù liên tục thông báo tuyển mới lao động, song đến nay đơn vị này vẫn đang thiếu khoảng 50% lao động:

"Với việc thiếu hụt tới 50% lao động thì công suất chúng tôi cũng chỉ có thể đáp ứng tối đa được khoảng 70% so với công suất của những ngày trước đây".

Lĩnh vực dệt may cũng đang phải đối diện tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo ông Nguyễn Quang Minh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Việt Thắng, hiện các nhà máy dệt, sợi và may đang từng bước khôi phục sản xuất với công suất từ 50-70% do thiếu lao động. Để kịp các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải tăng ca, đồng thời kiên trì gọi lao động trở lại làm việc:

"Người lao động trở lại hay không họ lại phải xem, có những người họ trả lời: thế tôi ngừng liệu có trả thêm hơn hay không? Những cái đó cũng rất áp lực đối với doanh nghiệp, trong khi đó làm phải chi phí nhiều hơn, như vừa rồi vào làm test, xét nghiệm, nói chung nhiều thứ, thành ra trong lúc này gọi là làm để có công ăn việc làm, giữ khách hàng và giữ gìn cho doanh nghiệp".

Lĩnh vực dệt may cũng đang phải đối diện tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng (ảnh minh họa)

Trong cơn bão thiếu hụt lao động, cũng có doanh nghiệp do thực hiện tốt chính sách an sinh nên hầu như vẫn giữ chân được người lao động.

Ông Trương Quốc Cư, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Minh Hòa - đơn vị chuyên sản xuất vật tư ngành nước chia sẻ, đợt dịch vừa qua, cũng có người dương tính với Covid, song đơn vị vẫn trợ cấp tiền ăn cho công nhân trong thời gian nghỉ việc. Cùng với các chính sách chăm lo về vật chất và tinh thần nên hầu như lao động của đơn vị không bị thiếu hụt:

"Cái chính là lo công việc cho người ta ổn định, thứ hai là thu nhập phải có sức giữ chân người lao động, tức là tiền lương cho người lao động phải đảm bảo mức sống, rồi lo cho gia đình, vợ con người ta nữa, nhất là dịp tết này, chế độ tiền thưởng cho xứng đáng. Ngoài ra, về tinh thần cũng động viên, cổ vũ, cho nên chính vì tạo ra môi trường làm việc tốt thì công nhân người ta sẽ không nghĩ phải đi đâu".

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện các doanh nghiệp mới chỉ hoạt động ở mức 70-75% so với bình thường nên nguy cơ thiếu hụt lao động chưa đáng lo. Tuy nhiên, dự báo cuối quý I, sang đầu quý II/2022, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ thực sự trầm trọng. Dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 nghìn người.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay, khảo sát của đơn vị cho thấy, có tới 90-95 % lao động đều mong muốn quay lại các đô thị, các khu công nghiệp. Mong muốn là vậy, song không ít trường hợp vẫn chưa quay trở lại làm việc bởi lo ngại dịch bệnh, tính ổn định của công việc:

"Người ta rất lo là ra được 1 tháng, 2 tháng thì công việc lại dừng, rồi trong thời gian dừng đó thì người ta có được chế độ lương gì không, rồi chẳng may bị F0 chẳng hạn lại phải giãn cách, lại phải ở nhà thì thời gian đó không có thu nhập. Người ta băn khoăn nhất là có an tâm về phòng chống dịch, an tâm là sẽ có việc làm tương đối ổn định".

TS Vũ Quang Thọ, Khoa Nhân lực, Trường Đại học Nội vụ cũng cho rằng, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ trầm trọng hơn sau Tết Nguyên đán, bởi tình trạng dịch chuyển lao động tại các doanh nghiệp thường diễn ra sau Tết, nhiều lao động tìm đến doanh nghiệp khác, thậm chí tìm đến những khu vực dịch được không chế để có cơ hội làm việc ổn định:

"Có những doanh nghiệp nhanh tay khớp được số lao động phù hợp với nhu cầu của mình, nhưng đồng thời lại có những bộ phận nhân lực của doanh nghiệp khác không có khả năng làm được như thế. Vì thế, tình trạng thiếu hụt lao động ở những doanh nghiệp này sẽ ngày càng tăng, thậm chí tăng đến mức độ là có nhiều doanh nghiệp tạm thời chấm dứt, dừng sản suất vì thiếu nhân lực".

Việc số hóa thị trường lao động được xem là then chốt, trong đó, công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Ảnh: Vneconomy

Ngoài thông lệ thiếu hụt lao động dịp trước và sau tết Nguyên đán diễn ra hàng năm, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử, với 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Sự khác nhau về các giải pháp phòng chống dịch tại các địa phương cũng khiến việc đi lại giữa các vùng trở nên khó khăn hơn, gia tăng áp lực về nhu cầu lao động của các địa phương.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: "Cần sớm số hóa thị trường lao động".

Một cuộc khảo sát do Ban Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress vừa thực hiện cho thấy, 30% doanh nghiệp đang hoạt động không thể tuyển dụng được lao động. Trong khi đó 41% số người mất việc không tìm được việc. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra có 52% lao động muốn quay trở lại nơi làm việc trước đây.

Những con số trên cho thấy, cơn sốt lao động, việc làm không chỉ là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, mà của cả người lao động. Trong cơn sốt này, một số doanh nghiệp đã thực thi nhiều chính sách để giữ chân, thu hút người lao động. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp đã thành lập các nhóm Zalo đến tận từng khu ở của người lao động, phân loại lao động ở theo từng cụm. Điều này không chỉ có lợi cho việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, mà khi có người dương tính với Covid-19, thông tin sẽ được báo về doanh nghiệp để kịp thời khoanh vùng và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, trong khi dây chuyền sản xuất vẫn được duy trì.

Việc giữ mối liên lạc với người lao động không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc kết nối, kêu gọi lao động trở lại, mà doanh nghiệp còn có thể áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động…

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động VN, rất nhiều lao động băn khoăn, nấn ná chưa trở lại làm việc là do lo lắng phải tìm việc mới đã cho thấy điều đó.

Mặc dù nhấn mạnh doanh nghiệp cần chủ động chăm lo về vật chất, tinh thần để giữ chân lao động, cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp, song nhiều chuyên gia cho rằng, không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp, bởi một mình doanh nghiệp rất khó đảm đương việc phục hồi sản xuất, ổn định lực lượng lao động.

Trong tiến tình này, việc số hóa thị trường lao động là then chốt, trong đó, công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố cần thu hút lao động, cần có thông tin dữ liệu về việc làm như: ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương, thu nhập…

Còn các tỉnh có lực lượng lao động quay trở về cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc.

Trên cơ sở thông tin nắm bắt sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để đưa người lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phố, trong đó có sự tổ chức, có kiểm soát nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người lao động khi đến làm việc.

Ngoài ra, cần tăng cường các sàn giao dịch việc làm liên vùng để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc với các ứng viên vào các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng.

Một tin vui đối với doanh nghiệp và người lao động khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội, trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm Covid-19…); hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động…

Khi sự thiếu hụt lao động được doanh nghiệp nỗ lực cải thiện, có sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố cần lao động và nơi có lao động, cùng sự chung tay về chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài, việc thiếu hụt lao động cục bộ sẽ được giảm thiểu./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

// //