Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Học sinh trở lại trường: Lo ngại nguy cơ khác ngoài dịch bệnh

Phóng viên - 11/10/2021 | 6:37 (GTM + 7)

Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành phố khác đang lên kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Sau thời gian nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi trở lại trường, nhiều học sinh không tránh khỏi những “lỗi nhịp”, khó hòa nhập, thậm chí là gặp kỳ thị

Gia đình và nhà trường cần làm gì để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa giúp các em ổn định tâm lý, theo kịp nội dung bài học mới? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Việc học trực tuyến đang ảnh hưởng tới cả học sinh và phụ huynh. Ảnh minh họa: Quang Phúc

Càng gần đến thời điểm học sinh trở lại trường, chị Phạm Hồng Thương, ở Hà Đông, Hà Nội lại lo lắng, bởi cô con gái năm nay lên lớp 5 vốn hướng nội, ít hòa đồng với các bạn chuẩn bị trở lại trường sau thời gian học trực tuyến. Chị Thương kể, từ tháng 3 năm ngoái, con gái chị phải chuyển sang học trực tuyến, chỉ được một thời gian ngắn, cháu đã chán học. Khi đi học trở lại, nhưng cứ đến giờ đi học là cháu khóc lóc, xin ở nhà, một tuần đi học bập bõm được 2-3 buổi, kết quả học tập kém đi rõ rệt:

Từ một học sinh chăm chỉ học hành, cháu thường xuyên kêu chán học, không tập trung học được, đầu óc căng thẳng. Khi Covid-19 lắng xuống, cháu trở lại lớp học, nhưng tình trạng càng nặng hơn. Tôi rất lo lắng về tình trạng năm ngoái có thể lặp lại vì năm nay các con nghỉ ở nhà khá dài.

Cùng chung tâm trạng này, anh Nguyễn Mạnh Thắng, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cậu con trai năm nay lên lớp 4 vốn nhút nhát, ngại giao tiếp, nên rất lo khi đi học trở lại con sẽ khó hòa nhập, thậm chí bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt:

Hai vợ chồng tôi giờ luân phiên đi làm để trông cháu, cũng rất mong cháu được đến trường để học tập, nhưng cũng rất lo lắng vì đến trường học tập thì có an toàn hay không?

Từ thực tế diễn ra trong năm học 2020-2021, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, những bất ổn về tâm lý, dễ tổn thương, nhất là với những học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật hoặc hướng nội khi thay đổi phương thức học tập là những thực tế đang diễn ra. Từ môi trường học tập bị thay đổi, giao tiếp bị hạn chế, bị co hẹp một thời gian dài cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của các em học sinh:

Có lẽ năm học này, những ảnh hưởng của dịch bệnh đem lại chắc chắn sẽ rộng hơn, nhiều em bị hơn và thậm chí học sinh sẽ bị sang chấn về tâm lý, biến động tâm lý, thậm chí có ở những mức nặng hơn. 

Môi trường học tập bị thay đổi, giao tiếp bị hạn chế, bị co hẹp một thời gian dài cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của các em học sinh

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc giãn cách xã hội và các em phải thay đổi phương thức học tập dẫn đến những hệ lụy với đa số học sinh, nhưng nhóm dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nhóm trẻ yếu thế do cơ hội để các em được hòa nhập bị giảm rõ rệt, nhất là các em đầu cấp.

Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, vì các em thiếu kỹ năng xã hội, mặc cảm, tự ti nên khi trở lại trường, các em càng khó hòa nhập:

Theo những nghiên cứu ban đầu của chúng tôi thấy đang có sự gia tăng. Quá trình tổ chức bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên phổ thông thì giáo viên cũng có phản hồi về những khó khăn gặp phải là đã có rất nhiều em đang rơi vào trạng thái buồn chán, thậm chí có nhiều em là có những biểu hiện rối nhiễu và có những biểu hiện mất kiểm soát về hành vi và cảm xúc.

Để khắc phục vấn đề này, giúp các em ổn định tâm lý khi học tại trường, tại một số trường học đã thành lập bộ phận tâm lý học đường, nhất là những trường khối ngoài công lập. Bộ phận tâm lý học đường sẽ khảo sát, nắm bắt tâm lý học sinh để giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng gia đình học sinh có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết:

Trong quá trình học mà học sinh có những vấn đề tâm lý nảy sinh trong các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ giữa thầy cô và học trò, giữa bạn bè với nhau, giữa bạn mới ở trường mới.. thì phòng tham vấn tâm lý này sẽ giải quyết. 

PGS.TS Trần Thanh Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nôi cho rằng, sẽ cần một khoảng thời gian để các em thích nghi với việc học tập ở trường, phải chuẩn bị một số những hoạt động khác, với lịch trình hàng ngày. Điều này cần sự chung tay của cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường:

Giáo viên và nhà trường phải nói rõ với các em khi quay trở lại trường thì các bạn sẽ phải thực hiện những điều gì có điều gì sẽ xảy ra với các bạn trong thời gian còn lại của học kỳ và những công việc nào cần phải chuẩn bị, những khối lượng kiến thức nào cần được coi như ôn luyện hoặc nhắc lại khi các em quay trở lại trường. Tất cả những điều đó sẽ giúp cho quá trình trở lại trường của các em trở nên thuận lợi hơn.

Những thay đổi về tâm lý học sinh vốn đã tồn tại khi thay đổi môi trường học tập, và tác động của dịch Covid-19 càng khiến những bất ổn về tâm lý học sinh bộc lộ rõ hơn, nhất là với đối tượng học sinh yếu thế. Đây cũng là vấn đề cần được ngành giáo dục đặt ra và giải quyết để giúp các em hòa nhập tốt hơn vào môi trường mới.

Đó cũng là góc nhìn của VOVGT: An toàn “phi truyền thống”

Mặc dù từ nay đến lúc các địa phương mở cửa trở lại trường học còn khá xa, nhưng không còn sớm để bắt đầu công tác chuẩn bị. Bởi sự chuẩn bị sẽ không chỉ dừng lại ở việc lau dọn hay khử khuẩn, mà một môi trường an toàn cho con trẻ cần nhiều hơn thế, nhất là những yếu tố an toàn “phi truyền thống”.

Trở lại trường học, nhưng thực ra đối với nhiều trẻ em như học sinh đầu cấp, học sinh mới chuyển trường chuyển lớp, tới đây mới thực sự là ngày “tựu trường”. Ngay cả khi đã làm việc cùng nhau hàng tháng trời ở các lớp học online, thì thầy mới, bạn mới vẫn cần thời gian để làm quen, hòa nhập. Những nề nếp cũ cần có thời gian để ôn lại. Điều kiện cơ sở vật chất khác nhau, khả năng tiếp thu tri thức qua học online khác nhau, nên sẽ có sự phân hóa tương đối về lực học của các em, mà sự nôn nóng về tiến độ chương trình có thể khiến cả thầy và trò gia tăng áp lực.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chuyện nhỏ. Dịch bệnh và thời gian ở nhà kéo dài tới nửa năm đã khiến cho cuộc sống của nhiều trẻ em biến đổi, từ ngoại hình, sức khỏe, tâm sinh lý, cho đến các yếu tố hoàn cảnh gia đình.

Kết nối của công nghệ có thể vẫn giúp trẻ em duy trì quan hệ bạn bè. Nhưng ở lứa tuổi gần như “chỉ nói chuyện được với bạn”, thì thiếu hụt trong giao tiếp và chia sẻ này đã khiến nhiều em không tìm được cách giải quyết vấn đề dẫn đến nên căng thẳng, thậm chí trầm cảm, mà không phải cha mẹ nào cũng nhận ra. Trở lại trường học trong trạng thái ấy là cả một khó khăn, nếu như không có sự nắm bắt, hỗ trợ tinh tế từ các thầy cô và người làm giáo dục.

Khó khăn về kinh tế do Covid đã làm không ít gia đình lục đục, thậm chí lao đao. Những nỗi lo sợ, bi quan hay khủng hoảng của người lớn do mất việc làm, khó tránh khỏi tác động tiêu cực đến con trẻ. Trở lại trường học lần này, dù có thể vẫn thầy cô đó, bạn bè đó, nhưng tâm lý của các em đã khác, với nhiều mặc cảm, tự ti. Mức độ biến động của gia đình càng lớn, trẻ em càng bị ảnh hưởng sâu sắc.

Đặc biệt, đối với hàng ngàn trẻ em mồ côi do đại dịch, ngay cả khi được người thân, chính quyền chăm lo để được tới trường, thì việc giúp các em ổn định lại tâm lý, dần nguôi ngoai đi các ám ảnh đau thương để tiếp tục học tập, cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bất kỳ sự vô ý, sơ suất nào (chứ chưa nói đến vô tâm) từ bạn bè hoặc thầy cô, cũng có thể vô tình gây thêm tổn thương cho các em. Chưa kể, việc chăm sóc, đồng hành cùng các em trên chặng đường tiếp theo như thế nào khi không còn cha mẹ ở bên, là bài toán cần tính rất kỹ.

Ngoài ra, cha mẹ hồi hương từ các tỉnh thành có dịch trở về quê, con em họ sẽ ăn học ra sao? Những điều kiện về giấy tờ, cư trú có đầy đủ để các em được đến trường? Các em có bị bạn bè phân biệt đối xử, trêu chọc hay kì thị không, và nhất là nếu chẳng may mang theo Covid về địa phương? Và nếu cha mẹ các em trở lại thị thành làm công nhân, việc học sẽ lại biến động thế nào?

Rất nhiều câu hỏi ngoài việc phòng chống Covid đang đợi người lớn trả lời khi tính tới chuyện cho trẻ em trở lại trường. Đó là lúc, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các chuyên gia trẻ em, các nhà tâm lý giáo dục, cần có cơ chế phù hợp hơn để huy động sự tham gia hỗ trợ của các nguồn lực xã hội trên mọi phương diện giúp trẻ em trở lại trường, trên nguyên tắc đặt lợi ích của trẻ em trước tiên và trên hết. 

Tuy nhiên, sự chuẩn bị cũng sẽ phải xúc tiến khẩn trương chứ không được phép rề rà. Bởi rất nhiều vấn đề trong số này, chậm giải quyết ngày nào, độ khó lại tăng lên ngày đó./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //