Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hành trình 'trả xanh cho cuộc sống'

Phóng viên - 08/09/2021 | 15:43 (GTM + 7)

Mỗi một hành động nhỏ, nếu được nhân rộng tới nhiều người sẽ tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là với mẹ thiên nhiên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh được hình thành và đưa vào hoạt động vào tháng 7 năm 2020 dưới sự hướng dẫn và chủ nhiệm của chị Vũ Thị Thảo - giáo viên tại trường Vinschool Times City
Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh được hình thành và đưa vào hoạt động vào tháng 7 năm 2020 dưới sự hướng dẫn và chủ nhiệm của chị Vũ Thị Thảo - giáo viên tại trường Vinschool Times City

Với nhiều người, sau khi sử dụng những túi ni lông, vỏ chai nhựa, vỏ lon hay là giấy báo, … thì điểm đến cuối cùng của những món đồ này chính là… thùng rác. Tưởng chừng như vậy nghĩa là chúng chẳng còn giá trị gì nữa, nhưng nếu biết sáng tạo, thêm một chút khéo tay, bạn có thể biến những món đồ này trở thành những vật dụng hữu ích. 

Mỗi một hành động nhỏ, nếu được nhân rộng tới nhiều người sẽ tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là với mẹ thiên nhiên. Bởi yêu thương môi trường cũng chính là yêu thương chính sức khoẻ của bản thân và loài vật xung quanh…

Có nhiều cách đơn giản để bạn có thể giúp cho cuộc sống trở nên “xanh” hơn, chẳng hạn như phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, tiết kiệm năng lượng, …hay đơn giản, bạn có thể sống xanh bằng cách gửi những vỏ mì tôm tới Câu lạc bộ Mì tôm xanh. 

Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh được hình thành và đưa vào hoạt động vào tháng 7 năm 2020 dưới sự hướng dẫn và chủ nhiệm của chị Vũ Thị Thảo - giáo viên tại trường Vinschool Times City, với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường cũng như đóng góp, giúp đỡ những đối tượng, cộng đồng đang gặp khó khăn. Dù mới chỉ hoạt động được hơn 1 năm, song, câu lạc bộ Mì tôm xanh đã nhanh chóng thu hút được hàng trăm bạn nhỏ cùng nhiều phụ huynh, học sinh trên cả nước đăng ký làm cộng tác viên cho dự án.

Với thông điệp “thay vì kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường hàng trăm, chục năm, thì chiếc vỏ mì tôm vô tri vô giác sẽ được sống một cuộc sống mới ý nghĩa hơn”, chị Thảo cùng các thành viên trong câu lạc bộ Mì tôm xanh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng từ vỏ mì như túi xách, hộp bút, giỏ đựng, miếng lót ly, lọ hoa... 

Mỗi một sản phẩm ra đời đều chứa đựng nhiều tâm huyết và sự tỉ mỉ, chăm chút của từng thành viên trong câu lạc bộ. Với những sản phẩm đơn giản như lót ly, đĩa, chị Thảo và các thành viên của Mì tôm xanh mất tối thiểu 2 tiếng để đan, không kể thời gian làm sạch và cuộn vỏ mì. Với những túi xách, giỏ đựng đồ phức tạp hơn, cần từ 10-12 tiếng để hoàn thiện sản phẩm.

Mất nhiều thời gian như vậy, bởi các sản phẩm của Mì tôm xanh đều phải trải qua 4 công đoạn: Thu gom vỏ mì từ cộng đồng – Xử lý và làm sạch – Tạo sợi đan bằng vỏ mì – Thiết kế và đan thành sản phẩm. Điểm đặc biệt, toàn bộ nguyên liệu thừa trong quá trình tạo sản phẩm sẽ được chuyển về cho dự án “Rác là vàng” để sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế. Như vậy, toàn bộ rác thải đều được xử lý tiếp thay vì bị thải ra môi trường.

Chị Thảo tâm sự, lúc dự án thành hình và bắt đầu những bước “chập chững” đầu tiên, đó cũng là lúc khó khăn nhất. Thời điểm đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, mọi hoạt động của câu lạc bộ phải thực hiện qua hình thức “trực tuyến”. Nhiều người còn nói rằng, chị “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “mang rác về nhà” hay là bày tỏ sự nghi ngờ về tính bền lâu của dự án

“Có nhiều trường hợp người ta thu gom vỏ mì để đấy rồi cũng bị chồng, bị bà hoặc là con vứt đi bởi vì người ta bảo tại sao lại giữ rác ở nhà làm gì, bừa bãi, bẩn thỉu, làm chỉ được 1-2 tuần xong lại bỏ ý định đấy thì thu làm gì, đấy là câu nói của người ta về việc thu gom vỏ mì. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người nói ra nói vào ví dụ như ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng rồi làm làm sao được dự án này thì những câu nói đấy cũng ảnh hưởng đến tinh thần một chút”, chị Thảo chia sẻ.

Những sản phẩm ấn tượng từ vỏ mì tôm.
Những sản phẩm ấn tượng từ vỏ mì tôm.

Thế nhưng, bỏ ngoài tai nhiều lời nói không hay, chị Thảo vẫn quyết tâm thực hiện bằng được dự án này. Đến thời điểm hiện tại, Mì tôm xanh đã hoạt động ổn định và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Đặc biệt là thay đổi tới lối sống của nhiều người xung quanh. Trò chuyện với PV VOV Giao thông, Lê Ngọc Bằng Lăng, một cô gái với tình yêu thiên nhiên, môi trường tại câu lạc bộ Mì tôm xanh, đã thay đổi những suy nghĩ của mình về xã hội 4.0 ngày nay:

Bạn Lê Ngọc Bằng Lăng: Bản thân em ngay từ đầu cũng rất quan tâm tới môi trường và lối sống xanh, nhưng sau khi tham gia Mì tôm xanh thì em nhận thấy,  thì ra có nhiều bạn quan tâm tới thế giới xanh cũng như mình mà trước kia em đã tưởng rằng hầu như mọi người không quan tâm.

Vì vậy, em cảm giác như có “lửa” khi mà mình tham gia Mì tôm xanh.

PV: Việc bạn tham gia Mì tôm xanh có tạo ra sự thay đổi trong lối sống của những người xung quanh?

Bạn Lê Ngọc Bằng Lăng: Sau khi tham gia câu lạc bộ Mì tôm xanh và em có giải thích, chia sẻ với gia đình thì gia đình em cũng bắt đầu có những sự quan tâm nhất định tới môi trường như mẹ em bắt đầu hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ, gia đình em cũng hạn chế sử dụng túi ni lông như sử dụng mỳ tôm.

Trong đợt dịch này mà có sử dụng mỳ tôm thì bọn em sẽ thu gom lại và mang đến Mì tôm xanh. Ba mẹ em cũng bắt đầu tiết kiệm điện hơn nhiều và có suy nghĩ về vấn đề môi trường. Đó là điều khiến cho em cảm thấy khá là vui khi mình tham gia 1 hoạt động có thể mang tinh thần sống xanh tới chính gia đình mình.

Trong suốt quá trình hình thành và hoạt động, câu lạc bộ Mì tôm xanh đã truyền cảm hứng về lối sống tốt đẹp cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nguyễn Công Duy Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Mì tôm xanh tâm sự:

"Khi bọn em tổ chức sự kiện ở Cung Thiếu nhi, có rất nhiều em nhỏ hứng thú với những hoạt động của Mì tôm xanh tổ chức. Một điều làm em rất vui và xúc động đó là các em nhỏ thực sự rất quan tâm đến môi trường và có những suy nghĩ rất tích cực và đôi chút là ngây ngô về môi trường.

Nhưng em nghĩ từ khi còn nhỏ như vậy mà các em đã có những nhận định riêng rồi thì chắc chắn tương lai, khi chúng ta đẩy mạnh hơn những hoạt động về môi trường thì chắc chắn những vấn đề về môi trường chắc chắn sẽ thay đổi và ngày một chuyển biến tích cực hơn".

Hành trình sống xanh của chị Vũ Thị Thảo cùng các thành viên trong câu lạc bộ Mì tôm xanh không chỉ dừng lại khi những sản phẩm được mọi người đón nhận nhiệt tình, mà số tiền bán sản phẩm đều được người mua trực tiếp ủng hộ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Cặp lá yêu thương” và quỹ hỗ trợ Phòng, chống dịch COVID-19. Cũng chính vì hoạt động thiện nguyện ý nghĩa mà câu lạc bộ Mì Tôm xanh đem lại, nhiều khách hàng đã tự nguyện trả số tiền cao hơn so với giá trị gốc của sản phẩm…

Để tiếp tục lan toả những hoạt động “xanh” tới nhiều người hơn nữa, trong thời gian tới, chị Thảo cùng các thành viên trong câu lạc bộ Mì tôm xanh dự định sẽ đưa những hoạt động này tới các trường đại học, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Và nếu bạn cũng có mong muốn tham gia Mì tôm xanh hay đơn giản là đóng góp số vỏ mì “tích trữ” được trong thời gian giãn cách xã hội, đừng ngần ngại liên lạc với câu lạc bộ qua fanpage: facebook.com/vsc.mitomxanh. Bởi mỗi một hành động, cử chỉ xanh sẽ góp phần giúp thế giới thêm tốt đẹp hơn.

---

Các bạn thân mến, nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

// //