Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

'Giữ đất' để xây trường học: Cần quyết tâm của chính quyền địa phương

Phóng viên - 28/03/2020 | 15:19 (GTM + 7)

Trước tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới, khu đông dân cư, chính quyền của một số phường, quận trên địa bàn Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt với quyết tâm “giữ đất”. Điều này cho thấy, bên cạnh công tác quy hoạch, chế tài thực thi của Nhà nướ

Việc bố trí di dời các cơ sở công nghiệp tại các khu đất xây dựng trường học cũng đã được thực hiện, nhưng phải mất gần 20 năm, những quy hoạch xây dựng trường học tại các khu đất này mới thành hiện thực
Việc bố trí di dời các cơ sở công nghiệp tại các khu đất xây dựng trường học cũng đã được thực hiện, nhưng phải mất gần 20 năm, những quy hoạch xây dựng trường học tại các khu đất này mới thành hiện thực (Ảnh: KTĐT)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trước đây là một phần khuôn viên của công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội. Sau khi di dời một số bộ phận, mảnh đất vàng 2 mặt tiền tiếp giáp giữa phố Thi Sách, Hòa Mã đã được chính quyền thành phố, chính quyền quận quyết tâm gìn giữ để xây dựng trường học, trở thành nơi học tập, vui chơi của hàng nghìn em học sinh trên địa bàn với 3 dãy nhà 4 tầng khang trang, kiên cố.

Chứng kiến mảnh đất vàng được xây dựng thành trường học, một số người dân sinh sống trong khu vực bày tỏ:

“Đất phục vụ cho giáo dục ở nội đô rất là hiếm, nên khi có một khu công nghiệp nào đó mà dời đi được mà được đầu tư vào cho giáo dục hoặc cho vào y tế thì tôi cho rằng đó là việc làm tốt, nhưng nếu lại đầu tư vào việc khác mà lại làm cuộc sống bức xúc nên thì không nên làm”.

“Trường học hoặc là bệnh viện thì những cái đấy là nên đầu tư, thực sự ra trường học đang còn thiếu, nhất là các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 cho các cháu học”.

Không chỉ ở quận Hai Bà Trưng, dẫn ví dụ về ngôi trường đang xây dựng rất bề thế trên mảnh đất “vàng” tại 282 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền TP. Hà Nội và quận Ba Đình, mảnh đất này mới được dành để xây trường học.

Theo ông Tiến, trong khi số học sinh trong một lớp tại rất nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã vượt quá 60 cháu, gấp đôi tiêu chuẩn VN, thì những nỗ lực của chính quyền trong việc giữ lại những mảnh đất vàng để xây trường học thực sự đáng ghi nhận:

"Phải có sự quyết liệt vào cuộc, không phải chỉ có UBND tỉnh, thành phố, mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đó chính là HĐND và phải có tiếng nói để bảo vệ mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cũng cho biết, không chỉ các khu đất khu đất xây trường mầm non tại 622 Minh Khai; trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm), Trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc), mà cả khu vực chợ Đuổi (quận Hai Bà Trưng) cũng đã được quy hoạch thành trường học từ năm 2000.

Việc bố trí di dời các cơ sở công nghiệp tại các địa chỉ này cũng đã được thực hiện, nhưng phải mất gần 20 năm, những quy hoạch xây dựng trường học tại các khu đất này mới thành hiện thực.

Dự án xây dựng trường học nằm tiếp giáp đường Cổ Linh
Một dự án xây dựng trường học nằm tiếp giáp đường Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội (Ảnh: TPO)

Lý giải về điều này, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, ngoài việc thực hiện quy hoạch, thì việc bố trí nguồn vốn cho thực hiện quy hoạch cũng rất quan trọng, và phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền các cấp:

"Ở đây cần phải có đồng bộ các giải pháp, trước hết là phải có quyết tâm thu hồi đất, thứ 2 quan trọng nhất là phải bố trí được nguồn lực để đầu tư xây dựng bởi vì trường học này phần lớn là trường học công, xây bằng nguồn vốn từ ngân sách cho nên muốn như vậy phải có nguồn vốn ngân sách ưu đãi".

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc giám sát để quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch thể hiện vai trò của chính quyền cấp Thành phố. Với nhiều trường hợp thực hiện sai quy hoạch diễn ra lâu nay, không thể phủ nhận trách nhiệm của Thành phố. Ông Võ phân tích:

"Tôi cho rằng quyết tâm bắt đầu phải từ Thành phố, có thể là mảnh đất vàng nhưng ở đây đang thiếu trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học thì Thành phố khi duyệt quy hoạch phải quyết tâm, đừng có xây chung cư ở đó nữa, làm trường học. Từ Thành phố chứ đừng nói quận, quy hoạch là bắt đầu từ Thành phố. Mặt thứ 2 nữa, có đất rồi thì phải có đầu tư".

Trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nay đang có thực tế là rất dễ thay đổi quy hoạch, công năng và thậm chí là mục đích sử dụng, kể cả giấy phép xây dựng cho những căn nhà cao cấp chỉ vì được thuyết trình tốt.

Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các quy hoạch dành cho các công trình công cộng, nhất là bệnh viện, trường học, công viên…

"Đặc biệt cho thấy rõ ràng, cái mà xây dựng chính quyền Thủ Đô là cần phải đưa cái điều chỉnh, quản lý về xây dựng các trường học ở đô thị vào nội dung của mình. Nếu không thì cũng vô nghĩa".

Các ý kiến cũng cho rằng, một khi chính quyền thành phố có quyết tâm thực hiện đúng quy hoạch thì những mảnh đất “vàng” cũng vẫn có thể được sử dụng phục vụ mục đích công cộng như: bệnh viện, trường học, công viên…

Vì sao trường học ngày càng thiếu trầm trọng, mà “hở” ra được khu đất “vàng” nào, sẽ ngay lập tức mọc lên nhà cao tầng, hay trung tâm thương mại?
Vì sao trường học ngày càng thiếu trầm trọng, mà “hở” ra được khu đất “vàng” nào, sẽ ngay lập tức mọc lên nhà cao tầng, hay trung tâm thương mại? (Ảnh: KTĐT)

Lâu nay, không chỉ tại các Thành phố lớn, mà ngay cả ở các vùng nông thôn luôn gặp điệp khúc “thiếu đất xây trường học”. Nhưng thực tế, dưới góc nhìn của VOVGT, đất được quy hoạch xây trường học không thiếu, mà quan trọng là việc thực hiện quy hoạch để diện tích đất không bị thay đổi mục đích sử dụng. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các cấp chính quyền.

Đừng để “vàng” rơi

“Đất vàng” nếu được đem sử dụng cho mục đích thương mại thì có thể hóa “kim cương”. Nếu quản lý tốt, nguồn “kim cương” này sẽ hóa thành các nguồn lực mới để tăng tiềm lực cho đô thị giải quyết những vấn đề thiết yếu, trong đó có xây trường học.

Đó là một lý do đưa ra trước những thắc mắc, vì sao trường học ngày càng thiếu trầm trọng, mà “hở” ra được khu đất “vàng” nào, sẽ ngay lập tức mọc lên nhà cao tầng, hay trung tâm thương mại.

Nhưng khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế đôi khi rất xa. Thay vì mang lại lợi ích chung về kinh tế cho địa phương, giá trị thương mại khai thác được từ những khu đất vàng, lại …đi đâu đó, khiến người dân gần như không thể tìm được một lý do thuyết phục cho phi lý tồn tại bao năm qua: là những khu đất “vàng” được quy hoạch để xây trường học, làm công viên, hay các công trình công cộng, lại đang phục vụ các lợi ích “phi công cộng”.

Và trong khi chờ đợi các bản quy hoạch được thực hiện, trẻ em vẫn chen chúc nhau trong những lớp học không thể “nhồi nhét” thêm. Giữa thành phố lớn nhất nhì cả nước, mà rất nhiều đứa trẻ đứng trước nguy cơ thất học thực sự, vì cuộc chạy đua vào trường công quá khốc liệt, mà trường tư thì quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của gia đình.

Hậu quả của tình trạng này, không chỉ dừng lại ở áp lực cho ngành giáo dục, cho giao thông và môi trường đô thị, mà còn là sự nghi ngờ của người dân đối với những bản quy hoạch phát triển đô thị, là sự hao hụt của niềm tin, khi giáo dục – vốn luôn được xác định là quốc sách hàng đầu, và trẻ em - tương lai của đất nước, lại đang được “ưu tiên” theo cách này.

Sự hoan hỉ của người dân khi trường học mọc lên ngay chính một số khu đất “vàng” giữa Thủ đô, cho thấy sự khát khao, mong mỏi bấy lâu nay của họ. Nhưng sẽ có bao nhiêu trong số hàng triệu phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo được tận hưởng niềm hoan hỉ đó? Câu trả lời phụ thuộc vào tương lai của các bản quy hoạch, nằm trong tay những nhà quản lý đô thị.

Xây dựng được một quy hoạch khoa học, với tầm nhìn dài hạn cho một đô thị phát triển bền vững, với những lợi ích cộng đồng được đặt lên hàng đầu, chưa bao giờ là dễ. Nhưng hiện thực hóa bản quy hoạch đó, để không rơi vào cảnh: nay điều chỉnh, mai xê dịch, ngày kia chắp vá… thì lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Bởi nó không chỉ phụ thuộc vào trình độ, mà còn là bản lĩnh để vượt qua những áp lực, những cám dỗ; còn là lòng dũng cảm để đấu tranh loại bỏ mọi sự “cài cắm” của lợi ích vào trong quy hoạch; còn là quyết tâm để tìm mọi phương cách, mọi nguồn lực thực hiện bằng được quy hoạch đó, vì những lời hứa với người dân.

Ma lực của “vàng”, “kim cương” có thể bẻ cong nhiều thứ. Đất “vàng” khi sử dụng không đúng mục đích đã dẫn đến vô số những mất mát vô hình, mà không một giá trị thương mại nào bù đắp được. Và, khi người dân nhìn vào những ngôi trường mới mọc lên trên các mảnh đất “vàng” với ánh mắt chờ đợi, đó chính là lúc, thành phố nên chứng tỏ bản lĩnh, dũng khí của mình trong việc bảo vệ những lợi ích cao nhất của cộng đồng,  từ trường học, từ khoảng xanh, từ những công trình phúc lợi.

Đó vừa là tín hiệu lạc quan, và cũng có thể coi là “cơ hội vàng” để lấy lại những thứ vô hình đã mất. Hi vọng, những người “cầm vàng” sẽ không để “vàng” rơi!
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //