Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Gìn giữ hay tận thu thiên nhiên?

Phóng viên - 17/10/2021 | 8:24 (GTM + 7)

Mới đây, VOV Giao thông đã phát sóng loạt bài về tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ kè sông Hồng gắn liền với nạn khai thác cát quá mức. Một điều dễ nhấn thấy là những lúng túng của chính quyền địa phương giữa bảo vệ nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Kè Linh Chiểu thuộc địa bàn xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội 

Sinh trưởng và làm nghề nông bám vào ven sông Hồng bao đời, đến nay, bà T., 53 tuổi, cư dân tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Tp.Hà Nội vẫn chưa hết ám ảnh khi thuật lại một vụ sụt lún đất diễn ra vài năm trước mà bà tận mắt chứng kiến:

“Ở lo lắm. Đầu làng mấy năm trước có trạm bơm, mọi người đang ngồi như thế này tập trung lại mà nó sụt xuống lúc nào không hay. May là có người nhìn thấy không có là rơi xuống tất sông. Bây giờ chúng tôi ở đây mong làm sao chính sách Nhà nước kè lại cho chúng tôi, làm sao tàu hút cát đỡ đi để ở cho yên tâm. Ở như này lo ngày lo đêm sợ lắm, tàu mà đi qua ở đây cứ uỳnh uỳnh như động đất”

Chỉ cho phóng viên khu vực tàu hút cát trái phép thường xuyên húc vào bờ kè “rút ruột” lòng sông nằm giáp ranh với xã Vân Nam, ông Bùi Văn Khóa, Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho biết, hiện trạng các bờ kè, bờ sông trên địa bàn đang bị uy hiếp nghiêm trọng:

“Mấy năm nay, nước không lên to, không có bồi. Cát ngày càng lắng đi, muốn hút được cát thì phải sâu xuống 4,5 mét. Nếu kè ở đây hở chân mà hút dưới này thì sẽ lở hàng tảng xuống. Đất này đã bị lở thì không mấy mà mất làng”

Thống kê của UBND huyện Phúc Thọ cho biết, tháng 4/2021, Công an huyện này đã bắt được 2 vụ khai thác cát trái phép, xử lý 3 đối tượng, phạt 386 triệu đồng, tịch thu phương tiện trị giá 265 triệu. Ngoài ra, huyện Phúc Thọ cũng phối hợp với các cơ quan công an và lực lượng chức năng bắt giữ 21 phương tiện, 79 đối tượng khai thác cát ở tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh với huyện.

Sở dĩ lực lượng chức năng đã xử phạt, thậm chí lập chuyên án để triệt phá băng nhóm “cát tặc”, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, là do các lực lượng không thể hoạt động đơn lẻ mà phải lập đoàn liên ngành, các đối tượng lại hoạt động ngày càng tinh vi, cắt cử người theo dõi tàu tuần tra của lực lượng công an.

Ông Phạm Quang Đông, Phó Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai Hà Nội, chia sẻ, tháng 9 tháng 10 hiện nay là 'thời điểm vàng' trong năm với hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn đang lúng túng trong việc quản lý các bên bãi tập kết, trung chuyển và kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông. Tính riêng ở Thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ có 20 bến bãi đều hết hạn giấy phép hoạt động, trong đó không ít vẫn tiếp tục hoạt động, xảy ra tình trạng xe quá tải ra vào bãi, ảnh hưởng tới kết cấu, an toàn bờ kè, bờ sông.

Ông Bùi Văn Khóa, Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho biết, trên địa bàn xã có 1 bến bãi hết giấy phép, đã cấm hoạt động từ đầu năm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại xã đang có hợp đồng với chủ bến này để tích trữ 200 mét khối cát sỏi để phòng chống lụt bão, nên vẫn linh động cho xe ra vào:

“Hiện nay có một vài xe ra vào. Chúng tôi đã cử công an, cán bộ địa chính ra kiểm tra. Người ta cũng xin còn một ít vật liệu để bán nốt. Còn múc lên thì chúng tôi chưa có. Theo tôi, nếu như có bãi nào khai thác cát được thì Nhà nước nên cho đấu thầu, vừa đảm bảo nguồn thu mà không bị khai thác lậu. Không thì người ta vẫn khai thác lậu mà Nhà nước vẫn mất nguồn thu, để còn bình ổn giá cả vật liệu cho nhân dân”

Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ cũng chia sẻ, việc các bến bãi đang bị “tắc” gia hạn giấy phép hoạt động trên cấp thành phố đang gây ra nhiều hệ lụy về quản lý ở cấp xã. Thực tế, trên địa bàn Sen Phương đang có 2 bến bãi chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, thu dọn vật liệu, dụng cụ, chất thải ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều.

“Có chỗ phải cho khai thác để thông dòng, không khai thác thì ách tắc giao thông. Nhu cầu nhân dân về sử dụng cát rất lớn, nếu chúng ta không có bến cát thì nhân dân không thể lấy cát đâu để làm, xây dựng nông thôn mới làm sao xây dựng được. Nhu cầu của người dân có thì vẫn cho người ta làm, vấn đề là phải làm đúng hướng. Bến bãi làm đúng hướng thì không ảnh hưởng đến kè đâu”.

Theo người dân, tình trạng sạt lở tại khu vực xã Vân Phúc dài khoảng 1Km, mỗi năm bờ kè lại sụt lún gần 10m vào bờ sông.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cũng thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc cân bằng nhu cầu vật liệu xây dựng như cát, sỏi với mục tiêu không cho khai thác tài nguyên theo đúng chủ trương của thành phố, đảm bảo chống sạt lở đê kè, phòng chống thiên tai.

“Chúng tôi mời toàn thể cơ quan chức năng của Sở TNMT về để cho ý kiến giải pháp, thủ tục trình tự cho thuê đất để các bến bãi hoạt động vì đây là nhu cầu của nhân dân, rất cần thiết cho nông thôn mới của địa phương. Sở TNMT đã có hướng chỉ đạo và tới nay chúng tôi cũng có chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, đánh giá và cho thực hiện đúng quy trình đấu thầu theo quy định luật đất đai. Riêng đối với 2 bến bãi còn tồn tại thuộc thẩm quyền thuộc TP. HN, hiện nay thanh tra đang thụ lý, chưa có công bố cuối cùng, chúng tôi đang chờ kết luận của thanh tra rồi sẽ chỉ đạo thực hiện.

Ông Phạm Quang Đông, Phó Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai Hà Nội bày tỏ quan điểm: Các quy định đã rất rõ ràng, hoặc các bến bãi phải đủ điều kiện để được hoạt động, hoặc phải đóng cửa hoàn toàn để đảm bảo hành lang an toàn đê điều thủy lợi:

“UBND Tp.Hà Nội đã đưa ra quy hoạch và tiêu chí sử dụng các bến bãi ven sông, trong đó tiêu chí quan trọng là không nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều thủy lợi. Những vị trí tập kết VLXD nằm trong phạm vi đó là vi phạm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23 năm 2020 về quản lý hoạt động khai thác cát sỏi, điều kiện để được tập kết cát sỏi ven sông, khai thác ở lòng sông. Các cấp các ngành thực hiện đúng các quy định thì sẽ hạn chế được các vi phạm”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nói, lớp cát bồi lắng dưới lòng sông là nguồn vật liệu cực kỳ quý hiếm, nó được khai thác rất dễ, được ví như “vàng đen”. Các đối tượng tìm mọi cách khai thác trộm vì không cần đóng thuế, không cần rửa vì cát rất sạch, bán rất đắt, lợi nhuận cao.

Một nghịch lý mà Tiến sĩ Đào Trọng Tứ chia sẻ là càng siết chặt nạn khai thác trộm cát thì giá thành vật liệu này càng lạm phát. Nguyên nhân bởi nguồn cung cát tự nhiên từ các khu vực khai thác hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50 % nhu cầu thị trường, còn lại là nguồn cung “ngoài luồng”.

“Khi chúng tôi lên tiếng rồi, nhà nước lên tiếng rất mạnh mẽ thì tự nhiên giá vật liệu xây dựng lên gấp nhiều lần. Đơn cử như cát ở ĐBSCL từ mấy chục ngàn lên đến mấy trăm ngàn. Một tàu hút cát như thế nhiều lắm, ngày có thể làm hàng tỷ đồng”

Gợi mở hướng để bớt lệ thuộc vào nguồn cát khai thác trái phép, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho rằng, vừa cần nghiên cứu, quản lý chặt việc khai thác hợp pháp, vừa tìm tòi các vật liệu nhân tạo thay thế:

“Cát nhân tạo đòi hỏi tốn kém rất nhiều tiền, khai thác đá, nghiền đá, chọn lọc và chọn ra vật liệu giống như cát. Nếu để tiếp tục đảm phát triển kinh thế và xây dựng thì lòng sông có thể khai thác mức độ nhất định. Phải nghiên cứu xem có ảnh hưởng, khai thác bao nhiêu là vừa. Các nghiên cứu đó công nghệ làm được hết. Kết hợp với vật liệu xây dựng nhân tạo. Nhà nước phải khuyến khích, có chính sách để tạo nên nguồn cát nhân tạo”.

Ông T, người hàng ngày gác đê số 1 ở xã Sen Phương cho biết, tình trạng hút trộm cát tặc diễn ra nhiều năm nay khiến chân đê bị sạt lở theo thời gian.

Loay hoay giữa khai thác với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là thách thức bất cứ quốc gia, chính quyền đô thị ven sông nào cũng phải đối mặt. Và khi sự giằng xé giữa những lợi ích về kinh tế với môi trường ngày một gay gắt, rất khó để trông chờ vào những câu khẩu hiệu sáo rỗng về bảo vệ môi trường.

Giải pháp phải là những chuyển động chính sách, thực thi pháp luật nghiêm minh để uốn nắn cách con người đang ứng xử với những dòng sông, những cái nôi của nền văn mình, nơi nuôi dưỡng không gian sinh hoạt, văn hóa của bao thế hệ người Việt.
Dù đã được đề cập hàng thập kỷ nay, song hiện trạng các dòng sông vẫn là đề tài day dứt với những người quan tâm. 

Các hoạt động chặn dòng, đắp đập, xây hồ thủy điện, khai thác cát, sỏi vô tội vạ đang làm những dòng sông trở nên suy kiệt, “đói” phù sa. Nhiều trạm bơm, cống điều tiết bị vô hiệu hóa chức năng do mực nước đáy sông tụt sâu, nhiều bờ sông bị tàn phá dữ dội bởi thay đổi dòng chảy, rỗng chân bờ kè.

Từng có một thời gian dài, các thành phố phát triển theo hướng quay lưng vào bờ sông, coi dòng sông như một “nhà kho” chứ không phải bộ mặt của đô thị. Và vì không được đối xử phù hợp, các bờ bãi ven sông bị buông lỏng quản lý, là nơi tranh giành địa bàn, “mỏ vàng” cho những hoạt động khai thác tài nguyên trái phép.

Những dòng sông đang làm nền, cung cấp nguyên liệu cho sự phồn hoa, thịnh vượng của nông thôn mới, của những dự án thành phố bên sông. Nhưng cũng chính những dòng sông đang bị “chảy máu”, bị “rút ruột” hàng ngày hàng giờ.

Chúng ngày một biến dạng, xấu xí và nham nhở. Có những dòng sông đã chết.

Giờ đây, khi các đô thị có xu hướng quay mặt về sông, chúng ta lại cuống cuồng tìm cách chữa lành những tổn thương mà các hoạt động phát triển nóng gây ra. Ngân sách từng thất thu nặng bởi nạn khai thác cát, và chính ngân sách, do nhân dân đóng góp, phải bù đắp hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để duy tu, sửa chữa đôi bờ.

Tại sao cứ phải đến lúc các dòng sông thoi thóp, chúng ta mới nghĩ đến việc “cấp cứu” bằng cách thành lập các ủy ban bảo vệ lưu vực? Tại sao chính quyền địa phương vẫn “mắt nhắm mắt mở” trước những hoạt động tận thu thiên nhiên?

Tài nguyên cát ở một quốc gia có gần 3500 sông suối như Việt Nam tưởng như rất lớn nhưng lại hữu hạn. Hiếm có quốc gia nào mà tất cả tỉnh thành đều có sông suối. Song trữ lượng nhiều đến mấy cũng không thể kháng cự lại lòng tham của con người. Nước ta đang đứng trước nguy cơ không còn cát phục vụ xây dựng.

Thế hệ hôm nay đang trả giá bằng những cú sụt lún, sạt trượt, mất đất, mất bờ bãi ven sông. Thế hệ mai sau liệu có còn dòng sông để mất?

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

// //