Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Giáo dục trực tuyến đã đến lúc cần nâng cấp độ sẵn sàng

Phóng viên - 16/03/2020 | 5:57 (GTM + 7)

Không phải đến bây giờ giáo dục trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên trước đòi hỏi của xu thế giáo dục hiện đại và cụ thể từ đợt dịch bệnh này, nhiều ý kiến cho rằng, trực tuyến ở nước ta cần nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng.

Từ 19h đến 21h mỗi ngày, thầy Trần Ngọc Triển lại lên lớp trực tuyến
Từ 19h đến 21h mỗi ngày, thầy Trần Ngọc Triển (chủ nhiệm lớp 5/2, trường tiểu học Phước Thạnh, phường Long Trường, quận 9, TP.HCM) lại lên lớp trực tuyến.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hiện đang là tuần thứ sáu, học sinh tại nhiều tỉnh thanh trên cả nước nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Nhằm giúp các em học sinh có thời gian ôn tập, duy trì thói quen học tập trong thời gian này, một số địa phương, cơ sở giáo dục đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến trên internet, hoặc  trên truyền hình. Không phải đến bây giờ giáo dục trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên trước đòi hỏi của xu thế giáo dục hiện đại và cụ thể từ đợt dịch bệnh này, nhiều ý kiến cho rằng, trực tuyến ở nước ta cần nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng.

Từ ngày 01/2/2020, với sự phối hợp của Cục Công nghệ thông tin- Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm Hệ thống học tập trực tuyến tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn dành cho học sinh khối 8,9 và khối 11, 12 trên địa bàn. Trước đó, một số trường đã chủ động dạy và học trực tuyến với các hình thức khác nhau.

TS Kiều Văn Minh – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội

TS Kiều Văn Minh – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội chia sẻ về công tác xây dựng kho dữ liệu học tập trực tuyến của thành phố:

"Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy trực tuyến. Chính vì thế đã giúp chúng tôi xây dựng được một hệ thống học tập trực tuyến với một lượng kiến thức, một kho tư liệu rất phong phú. tất cả những câu hỏi được đưa lên trực tuyến đã được chúng tôi tuyển chọn kỹ càng, từ khâu tuyển chọn giáo viên đến khâu thẩm định, đánh giá và chạy thí điểm, cũng như chạy đại trà giúp các em có thể tiếp cận với nội dung chuẩn xác và chính xác."

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 4/3/2020, hệ thống ôn tập trực tuyến của Sở đã có 120.000 học sinh tham gia ôn tập trực tuyến (chiếm tỷ lệ 55% tổng số học sinh lớp 8 và lớp 9 trên toàn TP) với tổng số lượt ôn tập đạt 1,2 triệu lượt. Một chuyên gia giáo dục trực tuyến đánh giá cao giải pháp kịp thời của Sở Giáo dục và đạo tào Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.  Tuy nhiên, theo vị này, nếu trang web có thêm các bài giảng và các dịch vụ hỗ trợ, giải đáp những câu hỏi của học sinh sẽ tốt hơn.

Cùng với học trực tuyến, các chương trình giáo dục từ xa qua truyền hình cũng đã được triển khai trên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Nam Định. Đánh giá tích cực chương trình học trên truyền hình, song nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng, vẫn rất cần phát triển mạnh các chương trình học trực tuyến, để khắc phục sự hạn chế về tương tác giữa thầy và trò trong mỗi giờ học.

Thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, chương trình dạy qua truyền hình là một giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện nay. Thầy Tùng băn khoăn về hiệu quả của hình thức này: 

"Dạy online chỉ hỗ trợ phần nào cho các em không bị quên kiến thức, chứ so với hiệu quả của dạy trực tiếp vẫn kém rất xa. Lí do là chúng ta vẫn thiếu về mặt nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất thiếu và yếu và điều quan trọng là tính tự giác. (3’24”) Hiệu quả chúng tôi chỉ đặt ở mức độ kì vọng, mong muốn vì rất khó để kiểm soát quá trình, nhờ cả phụ huynh giám sát , đôn đốc nhưng hiệu quả chưa cao."

Với lợi thế về cơ sở vật chất và triển khai tập huấn từ trước, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên tổ chức dạy trực tuyến ngay sau khi có dịch Covid-19, thông qua công cụ của Microsof Office 365. Các tiết học được dạy đúng theo thời khóa biểu và diễn biến giờ học giống như cách học truyền thống, với khả năng tương tác tốt.

Hình ảnh sinh động, nội dung được chuẩn bị đầy đủ sẽ là một trong những yếu tố thu hút các em học sinh đến với mô hình học trực tuyến.

Nhiều học sinh tỏ ra rất hào hứng với phương thức học trực tuyến bởi các bài giảng được thầy cô chuẩn bị kĩ lưỡng, sinh động và hấp dẫn. Em Bảo Nguyên – một học sinh lớp 8 trường Nguyễn Tất Thành chia sẻ: 

"Được học theo mô hình này chúng con đã tìm ra được nhiều điều mới mẻ, thú vị . Khi ở trên này, các thầy cô giáo đã chuẩn bị các slide bài giảng rất đầy đủ, chu đáo, hình ảnh minh họa sinh động cho nên chúng con học rất dễ dàng và thoải mái, không có bạn nào có vấn đề. ở trên đây chúng con có thể chơi các trò chơi hứng thú hay xem những clip, video thú vị."

Bài giảng trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams tại trường Nguyễn Tất Thành

Để xây dựng được chương trình học trực tuyến bài bản như trong thời gian qua, cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, các thầy cô giáo trong trường không ngại khó, tiếp cận những công nghệ mới, sẵn sàng thích nghi trong mọi hoàn cảnh vì hiệu quả cao nhất cho học sinh.

"Đến bây giờ 100% giáo viên của trường cứ đến giờ là vào dậy, không chỉ môn Toán, văn mà ngay cả môn thanh nhạc, mỹ thuật, thể dục … Các giáo viên ở trường thường xuyên chia sẻ với nhau về kinh nghiệm làm thế nào để tổ chức giờ học trực tuyến sao cho hiệu quả nên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau tạo lên cảm xúc ấm áp của các đồng nghiệp. Cá nhân tôi nhìn thấy sự trưởng thành của từng giáo viên trong giờ dạy trực tuyến."

Học sinh Bảo Nguyên lớp 8 trường Nguyễn Tất Thành đang học trực tuyến

Về phía ngành giáo dục, trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo khuyến khích các trường, các địa phương tăng cường các hình thức dạy học từ xa, học trực tuyến hay qua truyền hình. Ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông- Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết: 

"Trước tình hình này Bộ GD ĐT sẽ có những hướng dẫn để cho địa phương, các nhà trường để tăng cường các hình thức dạy học từ xa, học trực tuyến hay học qua truyền hình.  Với hình thức học như thế thì khi quay lại trường, các nhà trường sẽ có thể căn cứ vào tình hình đã tổ chức học từ xa cho học sinh và tiếp tục  rà soát và tinh giản nội dung dạy học theo hướng công văn 1672 của Bộ, từ đó có thể tối ưu thời gian và nội dung kiến thức để tiếp tục học sau khi học sinh quay trở lại trường."

Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh, dù thực hiện phương thức học nào, đều phải tổ chức và quản lý chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả và chất lượng, đảm bảo được sự tương tác 2 chiều giữa giáo viên và học sinh. Khi quay trở lại trường học, các trường sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá quá trình học tập đó và điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp.

Trước những kết quả mà các trường, các địa phương đã đạt được trong giảng dạy trực tuyến thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội cho các trường có cơ hội tập rượt, và lên kế hoạch chuẩn bị cho việc đưa giáo dục trực tuyến vào trong trường học thời gian tới. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong tương lai. 

Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam gần 15 năm nay, nhưng giáo dục trực tuyến –đặc biệt là đối với bậc học phổ thông, vẫn còn là điều mới mẻ. Dưới góc nhìn của VOVGT, những bước đi mạnh dạn của ngành giáo dục và các trường trong thời gian vừa qua thể nghiệm giáo dục trực tuyến là một tín hiệu đáng mừng, không chỉ bộc lộ rõ chúng ta đang ở đâu trong thang bậc của giáo dục trực tuyến, mà còn cho thấy sự sẵn sàng của các nhà trường và học sinh cho những thay đổi lớn.

Bộ GD&ĐT đã sớm ban hành hướng dẫn về dạy học trực tuyến do học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19 (Ảnh: Thanh niên)

Cơ hội “vàng” trong thách thức

Nếu chỉ nhìn vào những gì các trường đang thực hiện kể từ đầu mùa dịch đến nay để đánh giá cấp bậc của giáo dục trực tuyến nước ta, e rằng sẽ thiếu công bằng và khiếm khuyết. Bởi bản thân ngành giáo dục cũng liên tục bị động về kế hoạch, khi việc nghỉ học của học sinh được các tỉnh thành quyết định theo từng tuần, tùy thuộc vào tình hình ở từng địa phương, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp, khó lường.

Từ chỗ chỉ giao bài, chấm bài qua internet, tuần thứ hai, thứ ba nghỉ học, học sinh của nhiều trường tư thục đã online theo giờ quy định để vào lớp học trực tuyến điểm danh, tham gia chương trình “nạp” kiến thức mới, theo phần mềm nhà trường hướng dẫn, dưới sự đồng hành của phụ huynh.

Và trong tuần thứ sáu nghỉ học vì dịch bệnh, các chương trình học trên Truyền hình Quốc gia, truyền hình địa phương đã xuất hiện, dành cho học sinh lớp cuối cấp ở tất cả các trường. Điều đáng nói, những sản phẩm này không chỉ là kết quả sự hợp tác giữa ngành giáo dục với các Đài phát thanh truyền hình, mà còn có sự vào cuộc của các đối tác tư nhân, là hệ thống giáo dục trực tuyến đang cung ứng dịch vụ trên thị trường lâu nay.

Đó là một bước đi rất đáng ghi nhận, cho thấy phản ứng linh hoạt, chủ động hơn của ngành giáo dục, cũng như của địa phương, để việc dạy và học vẫn có thể tiếp tục một cách hiệu quả theo những phương thức mới. Và đây cũng là cơ hội “vàng” để ngành giáo dục nhìn rõ hơn mức độ sẵn sàng từ các bên, trước khi có kế hoạch đẩy mạnh giáo dục phổ thông trực tuyến.

Mặc dù không thể thay thế giáo dục truyền thống, nhưng rõ ràng, giáo dục trực tuyến đang là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại trên thế giới, cho phép người học chủ động học tập mọi lúc mọi nơi, theo nhu cầu và điều kiện của mình, giúp tiết kiệm rất lớn về đầu tư và vận hành cho ngành giáo dục, giúp  giảm tải áp lực giao thông và hạ tầng đô thị nói chung. Không chỉ mở thêm cơ hội và tăng sự chủ động cho người học, giáo dục trực tuyến (xin nhấn mạnh ở đây là giáo dục phổ thông trực tuyến) còn tăng cả sự chủ động cho ngành giáo dục trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi có những biến cố lớn gây gián đoạn việc học tập tại trường lớp, như đợt dịch bệnh lần này.

Tuy vậy, so với thế giới, giáo dục phổ thông trực tuyến ở Việt Nam hiện nay được đánh giá mới chỉ ở mức độ sơ khai, mặc dù nền tảng công nghệ được cho là rất sẵn sàng. Chia sẻ tại Diễn đàn 91 của VOV Giao thông mới đây, vị đại diện một hệ thống giáo dục trực tuyến hàng đầu Việt Nam cho rằng, sở dĩ có tình trạng đó, là do sự chưa sẵn sàng về quan điểm của các nhà quản lý, dẫn đến hàng loạt những sự chưa sẵn sàng khác (về chính sách, về đầu tư, và về cả sự chủ động của người học). Một nền giáo dục chưa sẵn sàng cho những thay đổi căn bản, chưa thấy mức độ cần thiết của việc phải có một phương thức giáo dục khác song hành, bổ trợ và kích thích cho giáo dục truyền thống, khắc phục những nhược điểm cố hữu của giáo dục truyền thống, thì khi đó, giáo dục phổ thông trực tuyến vẫn chỉ dừng lại ở ý niệm mờ nhạt.

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường”. Đó từng là ký ức đẹp đẽ của biết bao lớp học trò ngày xưa, nhưng nó có thể và thực sự đang là nỗi ám ảnh của học sinh ngày nay, với những đống bài tập làm tới đêm chưa hết, với những lối đi ngày hai buổi tắc đường, với những bài giảng mà lũ trẻ đôi khi phải chống cằm để khỏi gật gù vô thức.

Bởi thế, để việc học trở thành niềm hứng thú của học sinh thay vì nỗi sợ, để những buổi đến trường vẫn là ký ức đẹp khi những đứa trẻ lớn lên, thì thực sự, ngành giáo dục không nên bỏ lỡ cơ hội lần này, để xúc tiến cho một thay đổi căn bản theo nhu cầu của người học, theo đòi hỏi của thời thế. Mà ở đó, giáo dục trực tuyến hay đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới thi cử,… cũng chỉ là những công cụ để đạt mục tiêu chung./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //