Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Giải cứu nhà tái định cư: Hành động hơn lời nói

Phóng viên - 26/09/2020 | 7:31 (GTM + 7)

Sau nhiều lần thành phố loay hoay tổ chức đấu giá nhà tái định cư nhưng vẫn khó thu hút nhà đầu tư lẫn người dân đến mua. Thế nên để giải quyết nhà tái định cư, thành phố cần có quyết tâm và chính sách linh hoạt hơn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Việc giải quyết hàng chục nghìn nhà tái định cư thừa trên địa bàn thành phố HCM vẫn đang bế tắc. Ảnh: Báo Đầu tư

Thiếu nhà ở xã hội thế nhưng hàng ngàn căn hộ tái định cư lại bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí nguồn đầu tư. Đó là nghịch lý diễn ra nhiều năm nay tại TPHCM. Dù thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để “giải cứu”, song đến nay vẫn bất thành. 

Hiện TPHCM có hơn 9.000 căn hộ tái định cư không có người đến ở. Số lượng lớn căn hộ bỏ hoang chủ yếu ở các quận/huyện ngoại thành như quận 2, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Phần lớn các block nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Có nơi, lối dẫn vào khu tái định cư chưa được đầu tư, trải nhựa.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết:

"Sở dĩ thời gian qua người dân không lựa chọn vào khu tái định cư bởi vì, thứ nhất khu vực tái định cư đó không đầy đủ tiện ích. Ví dụ, có những khu chung cư rất lớn nhưng tòa nhà 5 tầng không có thang máy mà thời buổi bây giờ không có thang máy người dân khó lòng chấp nhận. Thứ hai, thiếu những tiện ích, dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư. Thứ ba, người dân chê chất lượng của nhà tái định cư. Thứ tư, vị trí khu tái định cư cách quá xa khu vực làm ăn sinh sống trước đây. Và kết nối giao thông không thuận lợi".

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nguyên nhân khác do giá đền bù theo đơn giá nhà nước quá thấp hoặc không thỏa đáng, người dân không đủ tiền để mua căn hộ mới. Nhiều người phải đi nơi khác để mua căn hộ phù hợp với giá tiền hoặc thuận tiện cho công việc, buôn bán và học tập trước đây.

"Bản thân các dự án nhà tái định cư giống như làm cho có chứ không nghiên cứu nhu cầu của người dân. Tức là người ta chỉ xây chỗ để ở mà không giúp người dân xây cuộc sống mới. Không chỉ là chỗ ở đâu mà phải có công ăn việc làm, hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện nước; kế đến là hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, có dịch vụ thương mại để đi mua sắm... với giá phải chăng. Ngay cả những dự án tái định cư này có bán ra xã hội chưa chắc người ta đã mua. Bởi vì nó đã được quy hoạch sai lầm ngay từ đầu".

Bhu cầu tái định cư của người dân ngày càng đa dạng, ngoài dự án nhà nước còn có các dự án nhà ở tư nhân. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Về thực trạng này, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng thừa nhận, thành phố có giai đoạn tái định cư rất khó khăn. Trước đây, dự án nào thị tái định cư theo dự án mà chưa có quy hoạch tổng thể. Trong khi đó, nhu cầu tái định cư của người dân ngày càng đa dạng, ngoài dự án nhà nước còn có các dự án nhà ở tư nhân.

"Lúc trước, chúng ta tái định cư là nhà chung cư. Nhưng sau này, do tâm lý người dân, người ta quen sống ở mặt đất, muốn có mảnh đất riêng để xây dựng. Cho nên nhà tái định cư rất đa đạng, có khi họ không cần nền đất, chỉ cần tiền để đi đầu tư nơi khác".

Để tìm lối ra cho các căn hộ tái định cư bỏ hoang, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nên bán đấu giá lại cho nhà đầu tư, nhằm thu hồi vốn.

"Nhà đầu tư mua dự án này về thì họ cũng cần quy hoạch lại, tổ chức lại trước khi họ bán lại cho người dân. Thứ hai là trả lại nguồn thu này cho ngân sách và ngân sách sẽ xem xét sử dụng vào đền bù cho người dân hoặc các dự án của nhà nước. Tôi cho rằng mình nên hoàn toàn xóa bỏ chính sách bao cấp 2 giá nên trả về chính sách một giá là giá thị trường. Sau khi mình xây xong dự án hạ tầng thì thường thường giá trị đất tăng lên mấy chục lần. Nhà nước có trả đúng giá thị trường thì nhà nước cũng không có lỗ".

Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố đã đấu giá khoảng 4.800/9.400 căn chung cư để trống trên địa bàn. Các quận huyện muốn giữ lại hơn 2.000 căn để dự trữ cho các dự án sắp thực hiện. Chỉ còn hơn 2.000 căn tái định cư trống.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, theo ông Lê Hoàng Châu, thành phố cần điều chỉnh chính sách bán đấu giá từng block nhà tái định cư; đồng thời, dành 1/3 hoặc 1/4 số căn hộ cần bán để đấu giá từng căn cho người dân có nhu cầu thật mua nhà.

Về lâu dài, Thành phố cũng chủ trương tái định cư tại chỗ. Trường hợp không tái định cư tại chỗ thì tái định cư trong địa bàn của quận đó là lựa chọn hàng đầu. Trường hợp, bất khả kháng không thể có nhà tái định cư trong quận thì tái định cư tại quận liền kề để tạo điều kiện cho người dân.

TP.HCM còn 9.400 căn hộ tái định cư, ước tính trị giá 30.000 tỉ đồng, phần lớn do Nhà nước đầu tư bỏ hoang nhiều năm. Trong ảnh: khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) - Ảnh: Tuổi trẻ

Sau nhiều lần thành phố loay hoay tổ chức đấu giá nhà tái định cư nhưng vẫn khó thu hút nhà đầu tư lẫn người dân đến mua. Thế nên để giải quyết nhà tái định cư, thành phố cần có quyết tâm và chính sách linh hoạt hơn.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Giải cứu nhà tái định cư: Hành động hơn lời nói”.

Hiện trạng hàng ngàn căn hộ ở các chung cư tái định cư ở TP Hồ Chí Minh đang bị bỏ hoang là một sự lãng phí rất lớn. Căn hộ không có người ở, để hoang trong khi hàng năm ngân sách phải bỏ ra số tiền lớn để bảo dưỡng, bảo trì. Đây là một thực thế mà bất cứ ai có trách nhiệm đều thấy xót xa khi tài sản công đang bị bào mòn theo thời gian mà không có người chịu trách nhiệm.

Nhà tái định cư bỏ phế trong khi người dân chen chúc không có nhà ở tại TP Hồ Chí Minh cho thấy từ khâu hoạch định, thẩm định, thiết kế, thi công đã  không trúng và đúng với nhu cầu của người tái định cư. Khu tái định cư quá xa nơi sinh sống, thiếu thốn trăm bề từ đường đi lối lại đến điều kiện sinh hoạt.

Đó là chưa kể việc chuyển đổi từ lối sống quen với vườn tược, rộng rãi, phóng khoáng, nay vào những căn hộp được ví như” hộp diêm” là một sự thay đổi quá lớn, không dễ thích nghi. Một điều quan trọng là giá cả căn hộ tái định cư nhiều nơi cũng cao chót vót, người lao động thu nhập thấp không đủ tiền mua. Như vậy xây dựng căn hộ tái định cư theo kiểu làm lấy được, làm cho có để nghiệm thu đã phải trả giá; mà thiệt thòi nhất vẫn thuộc về người bị giải tỏa; vừa không có chỗ ở ổn định, cuộc sống lại xáo trộn mỗi ngày.

Rõ ràng qua thực tế này, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn trong cả nước cần tính toán thận trọng, căn cơ trước khi xây dựng các khu chung cư tái định cư trong thời gian tới để không rơi vào cảnh bỏ hoang như vừa qua. Riêng việc thực hiện gây lãng phí phải được kiểm điểm, quy trách nhiệm cho các bên liên quan để tránh tái diễn.

Giải quyết vấn đề này, mặc dù thời gian qua thành phố đã có chủ trương cho đấu giá các căn hộ này nhưng việc bán với số lượng lớn, theo lô, lốc sẽ khó có nhà đầu tư mạo hiểm để kinh doanh. Vì chất lượng có thể khó kiểm đếm, không đảm bảo và bấp bênh về đầu ra. Mặt khác, các bất cập, hạn chế của nhà tái định cư đã được chỉ ra vẫn chưa được khắc phục, rất khó thuyết phục người mua. Căn hộ vì thế vẫn hoang phế theo thời gian cũng là điều dễ hiểu.

TP Hồ Chí Minh còn hàng ngàn hộ dân ven kênh rạch sẽ phải di dời giải tỏa trong nay mai, rất cần những nơi ở mới ổn định và chắc chắn. Đó là chưa kể,cứ 5 năm dân số thành phố lại tăng lên 1 triệu người. Nhu cầu về nhà ở, chỗ ở luôn trở nên bức thiết đối với mỗi người dân thành phố mỗi ngày. Do vậy, thành phố cần tập trung các nỗ lực để xử lý dứt điểm các căn hộ bị bỏ hoang, tránh lãng phí; tạo ra quỹ nhà ở dồi dào để người dân sớm ổ định cuộc sống.

Theo đó các sở, ngành và chính quyền các địa phương của thành phố phải thực sự xắn tay tập trung giải quyết các tồn tại, bất cập để bán được các căn hộ tái định cư đang bỏ hoang cho các hộ có nhu cầu thực sự. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia vào quá trình xây dựng, chỉnh trang các căn hộ phù hợp thực sự với nhu cầu của người ở.

Ngược lại nếu chỉ nêu chung chung rồi để trôi từ tháng này qua năm khác, các căn hộ sẽ xuống cấp; không chỉ lãng phí, tốn kém trong việc duy tu, bảo dưỡng mà còn gây bức xúc trong nhân dân

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

Miệt mài làm việc tử tế ở tuổi xế chiều

Miệt mài làm việc tử tế ở tuổi xế chiều

Ở cái tuổi 70 nhưng bà Huỳnh Thu Tặng ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vẫn miệt mài làm việc tử tế. Hơn 5 năm gắn bó với công việc quét rác, cắt dọn cỏ làm đẹp đường quê, phần thưởng lớn nhất bà nhận lại là lời cảm ơn từ bà con lối xóm và người đi đường.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bãi rác tự phát: Bao giờ mới chấm dứt?

Bãi rác tự phát: Bao giờ mới chấm dứt?

Hiện nay, tại nhiều khu vực, từ đô thị đến nông thôn, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những bãi rác tự phát nơi công cộng. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà còn tác động lớn đến cuộc sống của người dân.

// //