Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dự thảo trên tay: Luật GTĐB sửa đổi dọn sẵn 'đường' cho các phương tiện tương lai

Phóng viên - 10/08/2020 | 15:15 (GTM + 7)

Với rất nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi, Dự án Luật GTĐB sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ, kể cả những loại hình vận tải của tương lai.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra lái xe khách trên cao tốc. Ảnh minh hoạ: Diên Thành
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra lái xe khách trên cao tốc. Ảnh minh hoạ: Diên Thành

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Có gì đáng chú ý? 

Điều đáng chú ý đầu tiên của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, đó là việc Bộ GTVT cùng lúc trình Chính phủ hai phiên bản của Dự luật (gọi tắt là Dự thảo 1 và Dự thảo 2)

Điểm khác biệt đáng kể nhất của hai phiên bản này là ở phần quy định về đầu mối quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Dự thảo 1 đề xuất để Bộ GTVT tiếp tục quản lý công tác này, trong khi Dự thảo 2 mở ra phương án: cấp giấy phép lái xe sẽ do Bộ Công an quản lý, sẽ có một Luật riêng để đảm bảo TTATGT, còn Luật GTĐB chỉ quy định chung các chính sách về giao thông vận tải.

Về mặt kết cấu, Dự thảo 1 của Luật giao thông đường bộ sửa đổi gồm 8 chương 156 điều, với các nội dung quy định về: quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Trong khi đó, Dự thảo 2 vẫn gồm 8 chương, nhưng số điều ít hơn (chỉ có 129 điều), vì đã bỏ các khái niệm, quy định liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ và đảm bảo TTATGT đường bộ.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật GTĐB cơ bản giữa nguyên về phạm vi điều chỉnh và kết cấu, có bổ sung sửa đổi một số điều cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của quản lý giao thôngvận tải đường bộ trong tình hình mới.

Đáng chú ý, so với luật giao thông đường bộ 2008, có thêm nhiều khái niệm mới được bổ sung vào dự luật sửa đổi này.

Tính nhân văn của Dự luật cũng được thể hiện rõ hơn qua việc bổ sung các quy tắc nhằm đảm bảo an toàn nhóm người yếu thế, như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, các khái niệm để phân biệt vận tải nội bộ với kinh doanh vận tải, về hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; quy định về xe đưa đón học sinh, hoạt động kết nối vận tải bằng phần mềm… cũng được bổ sung để đảm bảo tính cập nhật, bám sát thực tiễn của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này.

Dự án Luật GTĐB sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ, kể cả những loại hình vận tải của tương lai.

Dọn sẵn “đường” cho các phương tiện tương lai

Với rất nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi, Dự án Luật GTĐB sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ, kể cả những loại hình vận tải của tương lai.

Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi cùng bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam -  đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng dự thảo Luật GTĐB sửa đổi để làm rõ hơn những điểm mới này.

PV: Trước hết, bà có thể nói rõ hơn về những điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008?

Bà Hoàng Hồng Hạnh: Đầu tiên là các khái niệm chúng ta được bổ sung, đặc biệt là những phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh được bổ sung vào để có cái khung pháp lý sau này điều chỉnh. Thứ hai là về quy tắc về hệ thống báo hiệu thì sẽ sửa đổi toàn diện làm sao phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ.

Liên quan đến tổ chức giao thông thì phải đảm bảo từ khâu quy hoạch đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác.

Về kết cấu hạ tầng thì bổ sung mạng lưới đường giao thông nông thôn, đường thôn, xóm vào trong hệ thống. Theo đó điều chỉnh các hệ thống đường bộ để đảm bảo khai thác quỹ đất hiệu quả nhất, cũng như đưa ra các cơ chế liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống đường, trong đó có đường cao tốc, để làm sao giảm gánh nặng ngân sách.

Còn đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thì các phương tiện giao thông thông minh, các phương tiện mới sẽ được đưa vào khung pháp lý để khi phương tiện đó xuất hiện thì chúng ta có cơ chế điều chỉnh, không bị khoảng trống pháp lý.

Liên quan đến người điều khiển thì đưa ra các khung nguyên tắc để đảm bảo phù hợp với công ước Viên.

Về vận tải đường bộ thì dự thảo thay đổi, bổ sung các khái niệm để làm rõ, và đưa ra một số loại hình cũng như phân loại và đặc biệt là giao cho Chính phủ thẩm quyền điều chỉnh khi các loại hình nó phù hợp với điều kiện thực tế cũng như tập trung điều kiện kinh doanh liên quan đến đảm bảo chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông.

PV: Sau một số ý kiến góp ý của người dân và giới chuyên gia, đến nay, việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Hoàng Hồng Hạnh: Dự thảo được gửi xin ý kiến các bộ, ngành đăng tải rộng rãi và bên cạnh việc đăng tải thì chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo và đặc biệt là có một hội thảo với Phòng Thương mại và Công ghiệp VN (VCCI) thì chúng tôi nghiêm túc tiếp thu, giải trình tất cả các ý kiến đó trong hồ sơ trình Chính phủ. Các ý kiến đó giúp cho chúng tôi vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhưng phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh việc tiếp thu, sửa đổi thì cũng thông tin lại cho người dân cũng như các chuyên gia để đảm bảo tất cả các quy định được hiểu thống nhất. Cái gì mà trước mắt chúng ta cảm thấy khó khăn, nhưng nếu nó là cái tiến bộ phải hướng tới thì cũng đồng thuận để chúng ta sẽ hoàn thiện dự thảo cho một tương lai 10 đến 20 năm nữa, chứ không chỉ thời điểm hiện tại.

PV: Những mục tiêu nào được đặt ra khi Bộ Giao thông xây dựng dự án Luật GTĐB sửa đổi?

Bà Hoàng Hồng Hạnh: Xác định bên cạnh việc hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực đường bộ, thì dự thảo luật quy định để đảm bảo tăng cường đảm bảo công tác an toàn giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó chúng ta cũng phải tính đến lộ trình để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Dự thảo luật hướng tới việc huy động tối đa các nguồn lực để đột phá, phát triển kết cấu hạ tầng, vừa phát triển số lượng, phương tiện vận tải cũng như chất lượng dịch vụ vận tải và đặc biệt là lộ trình thực hiện để đảm bảo tất cả những việc đó không gây xáo trộn, không gây ảnh hưởng cho cả người dân và doanh nghiệp.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà.

Dự án Luật GTĐB sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ, kể cả những loại hình vận tải của tương lai.
Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân cũng đang còn nhiều hạn chế (Ảnh minh họa: Nguyễn Sử)

Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi sẽ tác động như thế nào đến xã hội?

Việc xây dựng một luật mới thay thế Luật GTĐB 2008 cấp thiết như thế nào trong thời điểm này? Các quy định mới nếu được ban hành, sẽ có thể tác động ra sao đến các nhóm xã hội khác nhau? Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vào thời điểm hiện nay?

TS Đinh Xuân Thảo: Về lĩnh vực giao thông đường bộ Việt Nam, qua tổng kết 10 năm thì cũng thấy rõ là chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bất cập lớn nhất đấy là cái kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát triển nó không theo kịp với phương tiện, giao thông tĩnh chưa đáp ứng.

Thứ hai là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân cũng đang còn nhiều hạn chế.

Thứ ba là về tai nạn giao thông thì xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của người dân. Thứ nữa là về giao thông thì chưa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội, là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế.

Vì vậy là cần sớm nghiên cứu để sửa đổi Luật Giao thông đường bộ một cách cơ bản và toàn diện và Chính phủ cũng đã đề nghị với Quốc hội và Quốc hội khóa 14 đã đưa vào Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 14.

PV: Với những quy định mới được đưa ra tại dự thảo luật sửa đổi lần này thì đối tượng nào được hưởng lợi, và đối tượng nào chịu tác động?

TS Đinh Xuân Thảo: Đối chiếu với Luật giao thông đường bộ năm hiện hành năm 2008 thì tôi thấy là nó có nhiều thay đổi, bổ sung và chính những thay đổi bổ sung đó thì nó sẽ có tác động đến xã hội, đến các đối tượng có liên quan. Tại Điều 2 về giải thích từ ngữ thì luật hiện hành chỉ có 32 khái niệm thôi, nhưng mà bây giờ trong dự thảo này đã có đến 81 khái niệm.

Quy định này nó rất dài. Nếu được thông qua thì đối với cơ quan thực thi pháp luật tôi thấy đã khó rồi, chưa nói đến người dân thì cái này cũng sẽ làm hết sức là khó khăn.

Đối với Chương III và Chương VI quy định về về kết cấu hạ tầng và về vận tải đường bộ thì ở đây bổ sung là quá nhiều quy định mới. Như vậy, với những thay đổi các nội dung của dự thảo luật so với luật hiện hành thì nó sẽ có một tác động rất lớn đến xã hội, đến Nhà nước, đối với từng người tham gia giao thông.

PV: Vậy theo ông, nên chỉnh sửa dự thảo luật này như thế nào để cân bằng lợi ích của các bên: người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý?

TS Đinh Xuân Thảo: Bởi vì nó có nhiều quy định mới mà lại quy định quá dài, ví dụ như quy định về giấy phép lái xe thôi, dự kiến là đưa lên 17 loại thì việc để nhớ đã rất khó rồi. Thứ hai là việc cấp đổi lại biển số xe, rồi bằng lái xe. Nếu theo Luật sửa đổi thì cái này phải làm lại. Đây là một công việc rất đồ sộ, rất lớn và nó cũng tốn kém nhiều tiền của.

Tiếp theo là thay đổi hệ thống biển báo, đèn báo chẳng hạn. Cái này cũng sẽ một khoản rất lớn, cũng rất tốn kém.

Về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản thì phải bảo đảm, thứ nhất là phải tính cụ thể; thứ hai là tính khả thi; thứ ba là tính ổn định cao. Thứ tư là tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ví dụ như nói vấn đề đầu tư thôi thì Luật đầu tư đã có rồi, đầu tư công, rồi công tư, PPP chẳng hạn người ta quy định như thế nào thì trong này là anh phải quy định nó phải bảo đảm sự tương đồng, thống nhất. Cuối cùng là tính công khai, minh bạch.

Một vấn đề lớn khi xây dựng luật, pháp lệnh là các chính sách mới của luật. Nó có liên quan đến chính sách đầu tư của Nhà nước thì cái này là phải xác định rõ cái nào là Nhà nước đầu tư, cái nào là xã hội hóa.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Các bạn có ý kiến ra sao về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi? Theo bạn, nên điều chỉnh, bổ sung các điểm nào để hoàn thiện Dự luật, góp phần đem lại các lợi ích tốt nhất cho tình hình giao thông, vận tải nói chung, cũng như cho mỗi người dân, doanh nghiệp?

Mời quý vị và các bạn gọi tới hotline 02437.91919 hoặc liên qua qua fanpage VOV giao thông, để cùng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

// //