Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Còn trầm ê nếu trên nóng dưới lạnh?

Phóng viên - 27/01/2021 | 15:36 (GTM + 7)

Dự án giải quyết ngập triều TP.HCM được người dân kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành và có kết quả trong năm 2021 sau rất nhiều lần “tắc nghẽn”, trễ hẹn do vấn đề pháp lý và giải phóng mặt bằng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10
Ngập nước đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM do triều cường. Ảnh: Tuổi trẻ

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn làm nhiều người dân Sài Gòn nghĩ lại mà chưa hết ngán ngẩm. Mực nước dâng cao được coi là “kỷ lục” trong vòng 20 năm qua khiến cho nhiều người phải vật lộn trong con nước khi trở về nhà. Nhiều người lần đầu "nếm" cảm giác nước triều dâng gây nhiều thiệt hại vật chất và đảo lộn cuộc sống sinh hoạt.

"Bây giờ chỉ còn cách be lại thôi chứ đâu có nâng nền lên nổi. Với mình đâu biết nước nó dâng đến cỡ nào đâu mà nâng nền".

"Mấy bữa đó bọn em gửi xe ngoài rồi lội nước vào. Chứ cứ cố đi là chết máy. Nước đợt này ngập còn cao hơn mấy năm trước nhiều".

"Mỗi lần nước tràn vô là mình bơm, mà không có cái này là nước nó vô đầy nhà luôn. Vào hố ga là mình bơm ra. Còn nếu không có bơm với cái gì chắn là nước nó vào đầy nhà luôn".

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án ngăn triều) do UBND TP.HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam ký kết thực hiện vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018.

Với 6 cống kiểm soát triều lớn là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều cho diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Công trình sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp TP chủ động điều tiết hạ thấp mức nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị. Nhưng cho đến cuối năm 2020, dự án vẫn bị trễ hẹn vì nhiều lý do.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, Chủ đầu tư dự án chia sẻ với báo chí:

"Hợp đồng dự án ngăn triều của phải kết thúc trong tháng 6/2019, sau đó hết hạn hợp đồng và gia hạn tiếp đến tháng 6/2020 và giờ cũng hết hạn. Và hiện nay phụ lục hợp đồng chưa được UBND ký để tiếp tục. Nếu chưa ký phụ lục hợp đồng mà vẫn tiếp tục triển khai nó sẽ dẫn đến một số hệ lụy về pháp lý. Chúng ta gia hạn hợp đồng một năm nhưng thủ tục cứ kéo dài, kéo dài, kéo dài, đến khi thủ tục được chấp thuận thì còn lại có mấy tháng. Bên cạnh đó phải nói rằng, công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban và Huyện cũng hứa rất nhiều lần…"

Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: TN
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Nhân dân

Trước đó, vào ngày 23/5/2020, đoàn công tác của UBND TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan dẫn đầu đã có chuyến thực địa dự án này.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh ý nghĩa của công trình trong công tác chống ngập và được người dân quan tâm nên các quận, huyện, sở, ngành cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

"Hiện nay có vướng lại công tác giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân để triển khai thi công thuận lợi thì cố gắng tập trung phối hợp các đơn vị liên quan triển khai khẩn trương lên. Đây là công trình phục vụ cho công tác chống ngập và việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP thì nên có vận động để bà con cùng hợp tác với mình".

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết việc nhiều lần trễ hẹn về đích khiến người dân rất lo lắng. Tuy nhiên, với nỗ lực của lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành và của chủ đầu tư nên đến nay đã cơ bản tháo gỡ được hết các khó khăn. 

Còn về phía Tập đoàn Trung Nam lại cho rằng, mặc dù đã hoàn thành được 93% khối lượng, nhưng nếu dự án này càng kéo dài, nguy cơ vượt con số 10.000 tỷ là rất lớn. Và hệ lụy gây ra không hề nhỏ.

"Hệ lụy thế nào? Đó là kéo dài thời gian thì phải dừng thi công. Sau này huy động lại thì phải mất từ 3-4 tháng mới huy động được máy móc thiết bị. Thứ hai là vấn đề về an sinh xã hội, tức là giao thông thủy bị dừng lại, khả năng xảy ra tai nạn giao thông thủy tại các vị trí cống rất lớn. Vì sẽ không đủ kinh phí và không biết phải duy trì giao thông thủy như thế nào.

Chi phí chờ đợi này thì lãi ngân hàng sẽ được cộng vào trong tổng vốn đầu tư, như vậy, có khả năng vượt 10.000 tỷ. Rồi tất cả những chi phí phát sinh do dừng dự án mà chủ đầu tư và nhà đầu tư phải gánh chịu, có khả năng dẫn đến là nhà đầu tư chịu không nổi với mức chi phí kéo dài. Trách nhiệm thuộc về ai thì chưa trả lời được".

Theo GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TPHCM, vấn đề chống ngập tại TPHCM cần có nhiều giải pháp khác nhau chứ không riêng gì công trình chống ngập gần 10 ngàn tỷ đồng. Giải pháp kỹ thuật trước giờ đã có và thực tế là chúng ta không cần sáng tạo gì mà quan trọng nhất chỉ là ý chí chính trị của TP.

Về công trình dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, ông Long Phi đề xuất cần phải xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc, không chỉ quá trình xây dựng công trình mà còn ở quá trình duy trì hoạt động, sửa chữa:

"Chuyện vướng mặt bằng lâu nay đã gặp chứ không phải mới đây. Tức là đụng tới cái gì liên quan mặt bằng là rối rắm đủ chuyện. Mà thành phố đang dựa vào cái đó giống như phao cứu sinh, nhưng xong rồi sao nữa, không chỉ riêng Trung Nam mà sẽ còn nhiều cái giống vậy nữa. Vậy thành phố xoay tiền ở đâu ra, cơ chế vốn sao để giải quyết chuyện đó?".

Cống Phú Xuân đã gần về đích
Cống Phú Xuân đã gần về đích. Ảnh: Báo Giao thông

Ngày 21/8/2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 307/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cùng đại diện các bộ, ngành vào làm việc với lãnh đạo TP.HCM.

Theo đó, đối với việc gia hạn giải ngân cho dự án, Thủ tướng giao UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm xem xét, xử lý việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không để ảnh hưởng tiến độ hoàn thành.

Trên thực tế, những vướng mắc trong dự án này cần phải được các cơ quan chức năng tháo gỡ như thế nào để công trình mang tầm vóc lớn của TP phát huy tác dụng trong thời gian sớm nhất?

Mời quý vị cùng đến với bài bình luận: “Dự án chống ngập ngàn tỷ ở TPHCM: Còn trầm ê nếu trên nóng dưới lạnh” của nhà báo Bùi Trọng Điển – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sau nhiều lần lỗi hẹn giờ lại đang trong sự ách tắc không đáng có.

Đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay công trình đã hoàn thành được hơn 90%, chỉ còn không nhiều hạng mục là có thể hoàn thành và kết thúc vào giữa năm nay.

Tuy nhiên điểm mấu chốt nhất hiện nay là hợp đồng đã kết thúc từ tháng 26/6/2020 nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa được UBND TP.HCM ký thêm phụ lục hợp đồng để có căn cứ pháp lý triển khai.

Điều đáng nói là do dự án nhiều lần bị trễ hẹn nên các phụ lục hợp đồng liên tục phải gia hạn. Sở Kế hoạch Đầu tư đã thành lập tổ đàm phán với sự tham gia của các bên để điều chỉnh một số hạng mục theo yêu cầu; trên cơ sở tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh về việc có ký tiếp phụ lục hợp đồng hay không.

Tuy nhiên đến nay việc ký phụ lục hợp đồng vẫn chưa được tiến hành. Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  cũng kiến nghị Thường trực UBND TP rà soát lại pháp lý toàn bộ dự án vì cho rằng, có một số nội dung hợp đồng, đặt biệt là các điều khoản về thanh toán là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; nên tiếp tục xin ý kiến Chính phủ.

Theo chủ đầu tư, việc làm này vô tình sẽ kéo dự án gần như trở lại vạch xuất phát ban đầu vì trong quá trình thi công thời gian qua, dự án đều được thực hiện trên các cơ sở pháp lý đầy đủ với sự đồng ý của nhiều cấp, nhiều ngành của thành phố và các cơ quan trung ương. Việc kiểm đếm đến tính pháp lý dự án từ ban đầu đến nay sẽ rất mất thời gian và đẩy dự án vào thế án binh bất động.

Cũng do chưa có phụ lục hợp đồng nên Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thể bảo đảm có tái cấp vốn để làm tiếp hay không. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng xem xét các phần nợ lãi phát sinh cũng như đợi Chính phủ có đồng ý cho gia hạn trả nợ hay không.

Rõ ràng công trình chục ngàn tỷ mang lại niềm kỳ vọng rất lớn trong giảm ngập lụt của TP.HCM đang trong thế cheo leo. Nếu ngừng thi công một thời gian dài sẽ kéo theo các hệ lụy như máy móc thiết bị bị hư hao; công trình không thi công, không đảm bảo kế thừa ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là chưa kể vấn đề an toàn cho tuyến giao thông thủy ở khu vực công trình khó được đảm bảo.

Công trình ngừng thi công kéo theo nợ kéo dài, lãi vay phát sinh; các phát sinh không đáng có nếu vượt mức sẽ vượt thẩm quyền của thành phố sẽ rất khó giải quyết.

Vấn đề lúc này là khi đã nhận diện rõ mặt tích cực, hiệu quả mà dự án chống ngập 10 ngàn tỷ mang lại cho hàng triệu người dân thành phố thoát cảnh bì bỗm lội nước về nhà khi triều lên,mưa xuống.

Ngay lúc này, các cấp, các ngành liên quan của thành phố cần tập trung các nỗ lực để giải quyết các vướng mắc,kịp thời kiến nghị các cơ chế, chính sách, tháo gỡ cho dự án được triển khai thi công; về đích đúng như dự kiến.

Tránh kiểu trên nóng dưới lạnh khiến dự án trầm ê, kéo dài vừa lãng phí lại không hiệu quả như nhiều dự án đã từng xảy ra trên địa bàn thành phố./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

// //