Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp tại ĐBSCL: Vì sao khó kiểm soát?

Phóng viên - 29/05/2019 | 6:04 (GTM + 7)

Vì sao dù đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng dịch tả này vẫn lây lan nhanh chóng tại các tỉnh ĐBSCL?

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát tại ĐBSCL (Ảnh: Tiền Phong)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Xuất hiện đầu tiên tại Hưng Yên vào đầu tháng 2/2019, tới nay dịch tả heo Châu Phi đã lây lan ra nhiều địa phương trên khắp cả nước, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Tại khu vực ĐBSCL, tính đến ngày 27/5, đã có 7 tỉnh thành công bố phát hiện dịch tả heo châu Phi. 

Vậy diễn biến cụ thể của dịch bệnh ra sao? Các địa phương trong khu vực đã và đang là gì để đối phó với tình hình? Vì sao dù đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng dịch tả heo châu phi vẫn lây lan nhanh chóng tại các tỉnh ĐBSCL? 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện một ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, với tổng đàn 55 con. Cụ thể, ngày 24/5, dịch bệnh xảy ra trên đàn heo của gia đình chị Lâm Thị Thu Sang ngụ tại xã Thạnh Phú. 

Sau đó, ngành chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và trong sáng ngày 26/5, khi có kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y và chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh. Ông Quách Văn Tây – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết:

“Hiện nay về phía tỉnh chúng tôi đã làm hết động tác về thực hiện tiêu hủy theo luật của Thú y và có chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với UBND huyện Mỹ Xuyên để công bố dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn của xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên theo quy định pháp luật”.

Như vậy, đến ngày 27/5, toàn khu vực ĐBSCL đã có 7/13 tỉnh thành công bố phát hiện dịch tả heo châu Phi là Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Sóc Trăng. Trước đó, vào ngày 14/5, Hậu Giang là địa phương đầu tiên của vùng thông báo có dịch. 

Trong đó, một ổ dịch xuất hiện ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A vào cuối tháng 4 và một ổ dịch xuất hiện tại xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy vào đầu tháng 5. Sau khi phát hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo ngành thú y phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tiến hành tiêu hủy 68 con heo nhiễm bệnh tại hai hộ chăn nuôi, đồng thời triển khai các biện pháp chống dịch.

Tiếp sau Hậu Giang, tới ngày 22/5 đến lượt An Giang và Vĩnh Long công bố dịch.  Đến chiều ngày 24/5, tỉnh Đồng Tháp cũng xác nhận sự xuất hiện dịch tả heo Châu Phi tại 4 hộ chăn nuôi, thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Tổng đàn heo mắc bệnh là 187 con. Trước đó, chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vùng 7. Kết quả cho thấy dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả heo Châu Phi. 

Theo thống kê sơ bộ, Đồng Tháp có tổng đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó nhiều nhất là ở thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan, bà Phạm Thị Kim Ngân, chủ một trang trại chăn nuôi heo ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng rất lo lắng: 

“Ở khu vực biên giới thì lo lắng, sợ dịch tả heo này quá. Giờ cũng phải chích vắc xin, phụ thuốc sát trùng thường xuyên thôi. Lực lượng thú ý thì kiểm tra và hỗ trợ mình thường xuyên”.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, sáng 24/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này cũng phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp, UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo 33 con của gia đình Bà Nguyễn Sol Pha ở xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp do có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo Châu Phi. Đây là ổ dịch được phát hiện đầu tiên ở Kiên Giang. 

Theo bà Nguyễn Sol Pha, ban đầu 4/33 con trong đàn heo của gia đình có biểu hiện sốt cao, không ăn, lười vận động, ủ rũ. Gia đình đã đến cơ sở thú y mua thuốc về tự tiêm nhưng không hết. Nghi ngờ heo có khả năng nhiễm dịch tả Châu Phi nên bà Pha đã trình báo ngành chức năng địa phương: 

“Có 2 con có bầu bị trước. Ba ngày sau 2 con kế bên cũng bị luôn, trong đó có 4 con nái.  Sáng nay thấy có 1 con bị chết. Mấy ngày trước em cũng báo bên trạm vô lấy mẫu máu nên em đợi kết quả. Thật ra mấy ngày trước em cũng muốn bán đại đi nhưng suy nghĩ thấy dịch bệnh nhiều quá nếu mình bán thì dịch bệnh lại tràn lan ra nhiều nữa, ảnh hưởng cho mấy hộ nuôi khác nên em chịu đựng, thà là em chấp nhận lỗ”.

Công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: SK&ĐS)

Sau 5 tỉnh trong khu vực ĐBSCL phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi là Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, đến ngày 25/5 TP Cần Thơ Cũng công bố dịch. Các ổ dịch được phát hiện ở những hộ chăn nuôi tại phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ thuộc quận Cái Răng và tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Số heo bị nhiễm bệnh dịch tả phải tiến hành tiêu hủy trên 100 con.

Thực tế, từ khi dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đến giữa tháng 5, Hậu Giang liên tiếp phát hiện các ổ dịch và phải tiêu hủy hàng trăm con heo. 

Tuy nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện ở Hậu Giang vẫn chưa được xác định, nhưng điều đó cho thấy công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn khó khăn. Tuy rằng phần lớn lượng heo hiện nay được vận chuyển bằng đường bộ, nhưng cũng không loại trừ khả năng đi bằng đường sông. 

Và với sông ngòi chằng chịt của đồng bằng thì đây thật sự là một vấn đề khó đối với công tác quản lý. Sở dĩ có lo ngại đó là bởi hiện nay hầu hết các trạm, các chốt kiểm dịch động vật đều tập trung vào đường bộ, còn đường thủy thì gần như bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở các lần xảy ra dịch bệnh trước đây, không ít lần cơ quan chức năng phát hiện tình trạng thương lái lợi dụng địa hình phức tạp của đường sông để đưa heo từ vùng dịch ra ngoài.

Câu chuyện về những nỗi lo đối với dịch tả heo Châu Phi tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa dừng lại ở đó. Hiện vẫn còn nhiều người nuôi heo chưa nắm rõ thông tin về dịch bệnh. Một khi thông tin về dịch tả heo Châu Phi chỉ gói gọn trong những lời nghe đồn, nghe nói thì chính người nuôi sẽ đối mặt với những nguy cơ thiệt hại.

Theo ghi nhận của ngành thú y các địa phương trong khu vực, những trường hợp xảy ra dịch tả heo Châu Phi đa số là hộ chăn nuôi quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, con giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau. 

Nguyên nhân dịch xuấn hiện tại ĐBSCL nhiều khả năng là do lây lan từ việc cho heo ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín kỹ, không thực hiện tốt công tác ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại. Ngoài ra, việc vận chuyển heo từ vùng dịch vào tỉnh để giết mổ cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh.

Trước tình hình dịch tả heo Châu phi bùng phát và lây lan nhanh, các địa phương tại ĐBSCL đang phải căng mình phòng chống dịch. Tại Kiên Giang – một trong 7 tỉnh thành đã xuất hiện dịch, vào chiều 27/5, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh yêu cầu các địa phương, ban ngành cắt, giảm các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chống dịch, không để dịch bùng phát trên diện rộng; đồng thời cho biết sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn, phòng, ban chủ quan lơ là, đùn đẩy trách nhiệm trong phòng chống dịch.

“Đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ trên địa bàn xã có mấy điểm giết mổ, cái nào có phép, cái nào không phép phải kiểm soát. Lực lượng thú y, tổ kinh tế kỹ thuật ở xã phải kiểm soát các cơ sở giết mổ này, trước khi heo đưa vô giết mổ xem có triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu phi hay không”.

Ngoài 7 tỉnh thành đã có dịch, khu vực ĐBSCL hiện còn 6 địa phương chưa ghi nhận sự xuất hiện của tả heo châu Phi là: Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các địa phương này là rất lớn. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo, với số lượng hơn 560.000 con, trong đó chăn nuôi hộ gia đình chiếm 99%. 

Hiện nay, các ngành, các cấp và hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả heo Châu phi. Cụ thể như: phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền về dịch bệnh, giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi của từng hộ dân, trang trại, nhằm phát hiện bệnh sớm. 

Đồng thời, duy trì 7 chốt kiểm dịch để ngăn ngừa và phòng chống dịch xâm nhập. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cấp phát 2.500 lít thuốc sát trùng, đã phun xịt chuồng trại của hơn 47.000 hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả heo Châu phi huyện Cái Bè cho biết:

“Trên địa bàn huyện chúng tôi đã thực hiện tất cả các giải pháp, như: tiêu độc sát trùng, tiêm phòng, giám sát dịch bệnh. Khi có bệnh thì vận động người dân tiêu hủy, về cơ bản chúng tôi đã kiểm soát được. Chúng tôi đã giao cho chính quyền xã phải giám sát dịch bệnh, nếu khi có dịch bệnh xảy ra phải hướng dẫn người dân tiêu hủy đúng quy trình, không để mầm bệnh lây lan”.

Những hệ quả mà dịch tả heo Châu Phi gây ra cho ngành chăn nuôi là rất lớn (Ảnh: Chính phủ)

Cũng giống như Tiền Giang, tại Bến Tre, một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi và số hộ chăn nuôi heo với quy mô nông hộ vào bậc cao trong khu vực ĐBSCL, dù chưa ghi nhận dịch tả heo châu Phi nhưng thời gian qua ngành chức năng và các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã căng mình triển khai nhiều phương án nhằm đối phó, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thái – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre. 

PV: Ông cho biết, tình hình kiểm soát dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện diễn ra như thế nào?

Ông Trần Quang Thái: Tình hình dịch tả heo Châu phi có diễn biến rất phức tạp, xuất hiện từ tháng 2 ở miền bắc và hiện nay đã lan xuống phía nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Tại Bến Tre hiện nay thì vẫn chưa phát hiện bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre. 

Thống kê nhanh về đàn heo tỉnh Bến Tre trong tình hình dịch bệnh hiện nay có giảm rất rõ. Nói chung tỉnh hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Thực tế mà nói thì một số nơi người ta kiểm soát dịch bệnh rất tốt nhưng dịch bệnh vẫn có xảy ra. Như vậy ngoài 1 số yếu tố lây lan của bệnh này thì còn một số nội dung chúng ta kiểm soát không được như sự hợp tác của người dân hay đối tượng vận chuyển không được tốt. 

Chẳng hạn như trong công tác vận chuyển chúng ta phải thực hiện nghiêm ngặc như mua heo thì phải khỏe mạnh, vận chuyển phải có kiểm dịch và phải tiêu độc khử trùng cả phương tiện và động vật. Làm không tốt khâu đó thì có thể xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt là một số trường hợp trốn tránh không kiểm dịch động vật hoặc không tiêu độc khử trùng phương tiện.  

Thứ hai là với những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở này không thực hiện được khâu kiểm soát thú y thì rất quan trọng trong quá trình kiểm soát DTHCP. Bởi vì những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mà không được kiểm soát dịch bệnh thì đây là nhưng nơi có thể tập kết những con heo bệnh và có thể phát tán mầm bệnh ra ngoài. Khi mà đưa heo bệnh từ các tỉnh về đây mà không được kiểm dịch thì có thể làm phát tán mầm bệnh ra ngoài. 

PV: Hiện nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 7/13 tỉnh thành của ĐBSCL và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo ông, vì sao dịch bệnh này lại khó kiểm soát như vậy?

Ông Trần Quang Thái: Nói về việc khó kiểm soát dịch tả heo Châu phi thì có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là chưa có vacxin điều trị. Do đó mầm bệnh luôn có khả năng lây lan nếu như chúng không khống chế được các nguyên nhân khác, đặc biệt là khâu vận chuyển, mua bán gia súc có bệnh hoặc có cảm nhiễm. 

Ngoài ra nó còn lây lan ở các đường khác như sử dụng thức ăn thừa, hoặc sử dụng thức ăn mà chưa giết được mầm bệnh. Khi nó có cơ hội lây lan rồi thì nó sẽ lây lan từ vùng này sang vùng khác và bùng phát dịch. Đặc biệt sức đề kháng của con virus này rất cao nên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn. 

PV: Hiện nay dịch tả heo châu Phi chưa được phát hiện tại Bến Tre, tuy nhiên, có thể nói, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất lớn. Để đối phó với tình hình, ngành chức năng và người chăn nuôi trong tỉnh đang thực hiện những giải pháp nào?

Ông Trần Quang Thái: Với đặc điểm lây lan của dịch tả heo Châu phi thì giải pháp đầu tiên là ta kiểm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và tiêu độc khử trùng. Thứ hai là vận động tuyên truyền người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo cơ sở chăn nuôi để hạn chế nhiễm từ từ bên ngoài.

Thứ ba là khuyến cáo người dân không nên sử dụng thức ăn thừa và vệ sinh tiêu độc khử trùng ở nơi chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Hoặc diệt các vật chủ trung gian mà có nguy cơ lây lan bệnh vào chuồng trại để hạn chế xâm nhiễm dịch tả heo Châu phi. Đó là một số giải pháp ưu tiên hàng đầu để chúng ta thực hiện các công việc có liên quan. 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Có thể thấy, tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến rất phức tạp tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Những hệ quả mà dịch bệnh nguy hiểm này gây ra cho ngành chăn nuôi là rất lớn. Ngành chức năng các địa phương đang căng mình thực hiện nhiều giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Về phía người chăn nuôi, khi phát hiện đàn heo có biểu hiện nhiễm bệnh, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh việc dấu bệnh khiến dịch càng lây lan nhanh và khó kiểm soát. 

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Những dấu chân hoa

Những dấu chân hoa

Tháng 3 ở Hà Nội là tháng của nhiều mùa hoa đến và đi trong tiết trời xuân rất đặc trưng của miền Bắc. Đó là sắc trắng miên man của hoa sưa, sắc tím nhẹ mong manh của hoa ban, hay màu đỏ rực của hoa gạo đã bung nở, khoe sắc, khoe hương rồi rụng rơi trên hè phố.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Quý I/2024, khó khăn nhất với doanh nghiệp vẫn là dòng tiền

Quý I/2024, khó khăn nhất với doanh nghiệp vẫn là dòng tiền

Quý I/2024 đã gần trôi qua và số liệu về đăng ký doanh nghiêp từ đầu năm tiếp tục phát đi tín hiệu về những khó khăn chưa vơi nhiều trong cộng đồng kinh doanh.

// //