Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

ĐBSCL: Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Phóng viên - 07/05/2019 | 15:30 (GTM + 7)

Thực trạng thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích rừng tại ĐBSCL đang ở mức cảnh báo cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm...

Hiện nay, diện tích rừng trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những ngày vừa qua, với cái nắng như thiêu như đốt kéo dài nhiều ngày liền diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ có khi lên tới 37 – 38 độ, đặc điểm này không chỉ gây bất lợi đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn có nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng. Và trên thực tế, hiện nay, diện tích rừng trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. 

Cụ thể, trên bản đồ cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm có thể kể tên một số tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... Trước tình trạng khẩn cấp này, các địa phương đã có kế hoạch gì để bảo vệ các cánh rừng? Trong quá trình triển khai công tác, có những thuận lợi và khó khăn ra sao? 

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận 27 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại là 44 ha, so với năm ngoái giảm 19 vụ, diện tích rừng thiệt hại giảm 38 ha. Tuy nhiên, trong đợt nắng nóng gần 1 tuần (từ ngày 18 đến ngày 24/4), số vụ cháy trên địa bàn cả nước phát hiện đã tăng hơn rất nhiều. Nhận định về diễn biến các vụ cháy rừng đáng báo động trong thời gian qua, ông Lê Đình Thơm- Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết:

“Đợt nắng nóng vừa qua thống kê sơ bộ 5 ngày vừa qua đã có 45 vụ cháy rừng xảy ra. Con số này là các vụ cháy vừa xảy ra nên chưa có số liệu chính xác về diện tích, thế nhưng số vụ thống kê được 45 vụ. Như vậy đến thời điểm này nếu cộng cả 5 ngày vừa qua số vụ cháy đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái”.

Cũng theo Cục Kiểm lâm, diện tích cháy lớn nhưng phần bị thiệt hại chủ yếu là rừng non tái sinh, rừng phục hồi sau nương rẫy và thảm thực bì, thực vật, chưa ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, nếu tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới thì nguy cơ cháy rừng vẫn còn rất cao.

Cùng chịu ảnh hưởng nắng nóng khắc nghiệt, kéo dài như nhiều địa phương khác trên cả nước, các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang… cũng đang phải căng mình trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), thậm chí một số địa phương cũng đã ghi nhận một số điểm cháy nhỏ. 

Mặc dù những ngày vừa qua, ĐBSCL đã đón một vài cơn mưa trái mùa nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ “hạ nhiệt” cho các cánh rừng. Thậm chí theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chính những cơn mưa này lại là mối lo ngại về cháy rừng vì khi nắng nóng trở lại, hơi nước bốc nhanh, lá ủ, tạp chất ở các chân rừng sẽ trở thành vật liệu cháy rất nhanh.

Theo đó, tại Hậu Giang, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của Tỉnh đã nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV nguy hiểm lên cấp V cực kỳ nguy hiểm để nâng cao sự cảnh giác của người dân và chủ rừng. Thống kê từ ngày 25/3 đến nay, Hậu Giang đã ghi nhận có 12 vụ phát lửa ở các khu rừng trên địa bàn 2 huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ, trong đó có 10 vụ phát cháy ven rừng. 

Để bảo vệ hơn 4.000 hecta rừng, lực lượng kiểm lâm đã xây dựng các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, tiến hành đóng các cửa rừng, không cho người lạ đi đốt ong rừng trái phép, đặc biệt lưu ý những khu vực có diện tích đất nông nghiệp của người dân; đồng thời tổ chức diễn tập phòng cháy rừng để nâng cao sự phối hợp của các bộ phận, kiểm tra thiết bị.

Lực lượng kiểm lâm huyện Tri Tôn tuần tra bảo vệ rừng (Ảnh: Báo điện tử Cần Thơ)

Tại Kiên Giang, vào chiều ngày 24/4 vừa qua, ông Đào Xuân Nha- Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết, một đám cháy lớn đã bùng phát ở khu vực rừng phòng hộ Hòn Đất – Kiên Hà thuộc xã Nam Thái Sơn, gây thiệt hại hơn 30ha rừng phòng hộ. Trước đó vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 23/4, người dân phát hiện lửa bùng cháy ở khu vực rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà. 

Ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, cơ quan công an, dân phòng, kiểm lâm đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ với khoảng 40 máy chữa cháy phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng và các lực lượng tại chỗ đến khu vực xảy ra đám cháy, tổ chức nhiều biện pháp để dập lửa, ngăn đám cháy lây lan ra các khu vực khác. 

Trước tình hình cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa hanh khô, Chi cục đã yêu cầu các chủ rừng triển khai ngay các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng cũng như phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt. 

Qua khảo sát cho thấy, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng năm 2019 toàn tỉnh là 41.147 ha, cụ thể gồm: huyện Phú Quốc 16.000 ha, Kiên Hải 1.349 ha, Giang Thành 1.626 ha, Kiên Lương 2.249 ha, Hòn Đất 7.295 ha, U Minh Thượng 9.100 ha, An Minh 2.783 ha, TP Hà Tiên 745 ha. 

Là địa phương có hơn 17.000 ha rừng, tập trung ở vùng Bảy Núi bao gồm các huyện như Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc…, tỉnh An Giang cũng đã cảnh báo cháy rừng cấp 5 với hơn 7.500ha rừng có nguy có cháy rất cao như khu vực Núi Phú Cường, núi Tà Lọt, khu vực Đa-ta-la, núi dài nhỏ, rừng tràm Trà Sư… thuộc huyện Tịnh Biên. 

Ông Lý Vĩnh Định - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn cho biết, do địa bàn rộng cũng như ở đồng bằng và đồi núi nên việc bảo vệ hết sức gian nan. Thời điểm này, nhiệt độ tăng cao và dự báo rừng ở đồng bằng nguy hiểm hơn rừng ở đồi núi do mực nước ngầm xuống thấp. Vì thế, ngoài việc canh giữ nghiêm ngặt, lực lượng kiểm lâm còn phải quản lý chặt không để người lạ mặt tự ý vào rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy.

Nắng nóng gay gắt kéo dài thời gian gần đây cũng đã làm toàn bộ lâm phần rừng tràm Cà Mau, với hơn 33.000 ha khô hạn nghiêm trọng. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, gần như toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau đã khô nước. Tại Vườn Quốc gia U Minh hạ, toàn bộ khoảng 8.500 ha rừng đã ở mức độ báo cháy từ cấp cao trở lên. Trong đó, đã có hơn 1.900 ha ở mức báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. 

Ông Lê Thanh Dũng- Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh hạ cho biết: Hiện đơn vị này cùng các cơ quan liên quan đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Vấn đề quan ngại nhất hiện nay là việc một số đối tượng vào rừng trái phép để lấy ong, có nguy cơ gây cháy rừng cao:

“Số đối tượng vào rừng trái phép, lén lút vào. Mình phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn như tuần tra, kiểm soát chặt. Đặc biệt những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy cao thì được siết chặt. Trên mỗi địa bàn có một chạm đóng để xử lý tình huống kịp thời”.

Mặc dù đã chủ động triển khai các công tác PCCCR những điều đáng lo ngại nhất hiện nay ở địa phương này là gần như 8.000ha rừng U Minh Hạ, nước đã cạn kiệt, lớp thực bì khô cháy. Ngay từ đầu mùa khô, Cà Mau đã chủ động đắp 85 con đập giữ nước, thi công 90km đường băng cản lửa, trang bị đầy đủ máy bơm công suất lớn ở các lâm phần có nguy cơ cháy cao, nhưng câu chuyện làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các cánh rừng vẫn là nỗi lo canh cánh. 

Đảm bảo an toàn cho các cánh rừng – nguồn tài nguyên quý giá đang có dấu hiệu suy giảm là trách nhiệm mỗi chúng ta!

Theo Cục Kiểm lâm, vào thời điểm này, phần lớn diện tích rừng tại ĐBSCL đang ở mức cảnh báo cháy cực kỳ nguy hiểm. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, không ai dám chắc các cánh rừng sẽ an toàn qua mùa khô này. Ghi nhận về những định hướng của ngành chức năng địa phương trong công tác PCCC rừng cũng như những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, PV đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Lê Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau. 

PV: Thưa ông cho biết thời gian qua, công tác PCCCR tại địa phương đã được triển khai thực hiện ra sao?

Ông Lê Văn Hải: Đối với đặc thù rừng U Minh Cà mau thì mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 5, tháng 6 năm sau. Ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm Lâm chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh kiện toàn các ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. 

Đồng thời tham mưu Tỉnh xây dựng phương án PCCCR và phê duyệt các phương án phòng cháy của các chủ rừng; Chủ trì cùng cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCCR ở cơ sở, 27 chủ rừng và lực lượng các xã, có 162 lực lượng tham gia. 

Về công tác tuyên truyền, chi cục Kiểm lâm đã in, cấp phát cho các đơn vị các tờ bướm, tờ rơi, các bang đĩa tuyên truyền lưu động…; hướng dẫn cho các chủ rừng buộc các gia đình sống ven rừng ký cam kết PCCCR trên 5300 hộ; Đề nghị các chủ rừng sơn, sửa và làm mới các chòi quan sát lửa, mua sắm các trang tiết bị, máy bơm chữa cháy… để hoạt động. 

Trong công tác này, chúng tôi cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các đài PTTH, chỉ đạo các địa phương thực hiện PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ đầu mùa khô đến nay chưa xảy ra cháy rừng.

PV: Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất mà địa phương đã gặp phải trong quá trình triển khai, thực hiện công tác PCCCR thời gian qua?

Ông Lê Văn Hải: Nói chung công tác PCCCR tại Cà Mau cũng gặp khó khăn là do phụ thuộc vào thời tiết. Năm nay nắng nóng kéo dài nên nguy cơ cháy rừng rất cao, liên tục 3 thấng nay. Vì Cà Mau phụ thuộc vào lượng nước có sẵn dự trữ trong rừng, không có nguồn nước bổ sung, xung quanh phía ngoài bờ bao các cánh rừng bên trong là nước ngọt, bên ngoài là nước mặn, nên phải giữ nước PCCCR và ngăn mặn không cho xâm nhập vào rừng nên phụ thuộc vào thời tiết. Nắng nóng kéo dài thì độ ẩm của rừng sẽ khô cạn và nguy cơ cháy rất cao.

PV: Ông đánh giá như thế nào về ý thức của người dân trong việc phối hợp cùng lực lượng chức năng thực hiện công tác PCCCR?

Ông Lê Văn Hải: Đối với ý thức của người dân thì không phải riêng năm nay mà các năm vừa qua, qua công tác tuyên truyền, vận động và cam kết của các hộ gia đình cho thấy ý thức chấp hành công tác PCCCR đã tăng cao. Họ có ý thức trong việc bảo vệ phần đất của mình được giao, được khoáng; đồng thời tham gia cùng lực lượng chức năng trực và quan sát lửa rừng. Hiện nay, chúng tôi thấy được là rừng giao cho hộ dân, họ đã tiến hành trồng rừng thâm canh đạt năng suất cao. Họ giữ rừng tốt hơn trong những năm vừa qua.

PV: Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có những định hướng gì để đảm bảo an toàn cho các cánh rừng trong điều kiện nắng nóng còn tiếp tục kéo dài?

Ông Lê Văn Hải: Trong thời gian còn lại của mùa khô, dù thời tiết có vài cơn mưa trái mùa nhưng nguy cơ cháy vẫn còn cao vì thế chi cục tiếp tục tham mưu Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn PCCCR nhất là các hộ gia đình và cá nhân sống ven rừng. Đồng thời, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không tự ý vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao như Vườn Quốc gia U Minh hạ. 

Các vừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, đề nghị chủ rừng bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 để có thể xử lý tình huống ngay, không để cháy lan khi có tình huống cháy xảy ra. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng công tác tuần tra, nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân sống trong và ven rừng phải có ý thức cao trong việc sử dụng lửa. Khi đốt đất, đốt đồng, phải có biện pháp an toàn chống cháy lan vào rừng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trước thông tin dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn so với các năm trước và tình hình nắng nóng còn có thể ảnh hưởng nhiều đến các địa phương Tây Nam Bộ thì câu chuyện Phòng cháy chữa cháy rừng vẫn là đề tài rất đáng được quan tâm. Để trồng được một cánh rừng đôi khi là sự nỗ lực của cả một thế hệ nhưng ngược lại, một khu rừng rộng lớn lại có thể sẽ bị thiêu rụi chỉ trong vài giờ. 

Vì thế đảm bảo an toàn cho các cánh rừng – nguồn tài nguyên quý giá đang có dấu hiệu suy giảm, không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà là của mỗi chúng ta. 

Đó cũng chính là lý do vì sao tuyên truyền nhận thức cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng và chủ động, phối hợp bảo vệ, rừng luôn được xem là nhiệm vụ đi đầu trong công tác PCCCR của các địa phương. 
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền Hỏa Thần là di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương.

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Dù Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định đối với xe hoán cải, song với sự ra đời ngày càng nhiều xe nhà ở di động ngày càng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng để quản lý riêng loại hình phương tiện này.

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Ổ gà, ổ voi, bụi mịt mù khi có xe tải lưu thông qua, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện, … là những gì đang diễn ra tại một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ 927C nối giữa thành phố Ngã Bảy với huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

// //