Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đấu thầu và “hoa hồng”

Chu Đức - Sở Nguyên - 27/06/2022 | 15:44 (GTM + 7)

Ngành Y tế và BHXH đang rất lúng túng trong câu chuyện chỉ đạo, hướng dẫn người đứng đầu các đơn vị y tế địa phương, giám đốc bệnh viện thực hiện mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, giải quyết vấn đề thiếu thuốc, không thể chi trả dịch vụ máy mượn, máy đặt.

Nhiều nơi đang án binh bất động sau một loạt vụ án bị khởi tố liên quan nâng khống giá. Vấn đề nâng khống giá trị hợp đồng, tăng tỉ lệ “hoa hồng” ăn chia giữa các bên cần được nhìn nhận như thế nào?

Vấn đề này xuất phát từ cá nhân, cơ chế hay cả hai? Giải pháp nào hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng hối lộ, tham nhũng tinh vi này?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một bác sĩ ở một bệnh viện công tại Hà Nội cho biết, nhiều bệnh nhân đang phải mòn mỏi chờ thuốc, vật tư để được điều trị, phẫu thuật. Nguyên nhân do việc mua sắm, đấu thầu đang bị “tắc”.

Với những vật tư nhỏ, bệnh viện có thể chỉ định bệnh nhân mua sắm trực tiếp, nhưng với vật tư lớn, cần kinh phí cao thì bắt buộc phải chờ, trường hợp vạn bất đắc dĩ, cần kíp quá, bệnh nhân sẽ được chuyển sang cơ sở khác có đủ vật tư tiêu hao để được can thiệp kịp thời.

Chính điều này sẽ gây nên sự căng thẳng giữa mối quan hệ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với bác sĩ: "Về nguyên tắc, cấp cứu là phải tìm mọi cách, bằng mọi giá cứu lấy tính mạng bệnh nhân. Nhưng trong quá trình làm việc, với trang thiết bị, vật tư tiêu hao còn thiếu. Nếu người nhà bệnh nhân hợp tác, mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Nếu người nhà không hợp tác, trong lúc cấp cứu bảo họ đi mua cái nọ, cái kia do quá trình đấu thầu của bệnh viện chưa hoàn thiện, chưa mua được thì có thể gây tình trạng bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”.

Tình trạng này khá phổ biến tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Khánh Hào, TP.HCM và các địa phương khác.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, có một thế khó từ ngành y vào lúc này, là không ai có thể tự tin đảm bảo về kết quả đấu thầu, bởi nếu đáp ứng hết tất cả quy trình, thủ tục… thì lại dẫn đến là không có hàng hoặc sản phẩm đó không đáp ứng chất lượng.

Bà Lan nêu ví dụ như mặt hàng thuốc, chủ trương đặt mục tiêu càng rẻ càng tốt, năm sau phải rẻ hơn năm trước.

Và khi các bệnh viện trúng thầu (có nghĩa là giá đáp ứng yêu cầu rẻ) nhưng thời gian sau, thuốc đó được đấu thầu ở một địa phương cách rất xa với giá rẻ hơn thì BHYT sẽ yêu cầu áp theo giá rẻ hơn đó và xuất toán. Bà Lan băn khoăn thuốc càng rẻ, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Câu chuyện ăn chia “hoa hồng” có thể được coi là nguồn cơn của mọi sai phạm

Câu chuyện ăn chia “hoa hồng” có thể được coi là nguồn cơn của mọi sai phạm

Trong khi đó, Luật sư Phạm Thành Tài cho rằng, có sự e ngại, sợ mua sắm, đấu thầu vì đây là thời điểm nhạy cảm, khi hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý.

Trong khi đó, quy trình, chính sách liên quan đến công tác đấu thầu hiện nay còn tương đối rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho cả bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình thực hiện.

Luật sư Tài nhấn mạnh giải pháp ban hành quy định, hướng dẫn sớm, và áp dụng CNTT, đơng giản hóa thủ tục, minh bạch hóa các quy trình: “Mặc dù vậy, nhìn chung những vướng mắc trong thủ tục chỉ là một phần nhỏ. Nhanh hay chậm thì phụ thuộc các yếu tố khác như ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về đấu thầu, cần có phương án bố trí nguồn nhân lực đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện”.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Chiến chỉ ra một kẽ hở mà các bên thường vận dụng để bắt tay nâng khống giá trị đấu thầu: “Các cơ quan thẩm định giá được giao quyền độc lập thỏa thuận với bên thuê thẩm định, dẫn đến cấu kết, làm giá, thẩm định giá khống làm căn cứ để cơ quan đấu thầu nâng giá, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, câu chuyện ăn chia “hoa hồng” có thể được coi là nguồn cơn của mọi sai phạm.

Thông thường khi mua sắm một số lượng lớn, một khách hàng thường xuyên thì bên bán luôn có một mức chiết khấu cho người mua. Về nguyên tắc, trong nền kinh tế quốc dân, người ta hạch toán phần chi phí này vào giá thành của quá trình mua sắm, làm giảm trừ giá trị hàng hóa.

Việc chiết khấu lẽ ra phải được công khai minh bạch ngay trong hợp đồng. Nếu điều đó được thực hiện nghiêm túc, có lẽ đã không xảy ra những vụ án liên quan đến đấu thầu thời gian gần đây, nhất là với một ngành đặc thù như ngành Y tế.

“Chính Bộ Y tế phải đưa ra cái này từ lâu rồi vì trong nền kinh tế chúng ta đã đưa vào giá thành lâu rồi. Nếu có những việc chiết, trừ trong quá trình mua sắm thì chúng ta giảm trừ vào giá thành thiết bị mua sắm đó một cách công khai minh bạch thì sẽ hết chuyện hoa hồng nữa”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, ở thời điểm trước mắt, giải pháp tối ưu mà Bộ Y tế cần thực hiện càng sớm càng tốt, đó là việc có một kho dữ liệu tin cậy, chuẩn xác về giá của các trang thiết bị, vật tư y tế, để các địa phương đối chiếu, tham khảo.

Nhưng không thể để các doanh nghiệp tự ý kê khai giá, đưa giá ảo mà cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.

Hoa hồng, tham nhũng sẽ luôn lộng hành, khi cơ chế không thể khống chế được lòng tham

Hoa hồng, tham nhũng sẽ luôn lộng hành, khi cơ chế không thể khống chế được lòng tham

“Hoa hồng”, lòng tham và cơ chế

Tháng 6/2021, có một thông tin đáng chú ý từ phiên xử phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Tòa cho biết, đã nhận đơn của CDC khắp các tỉnh thảnh cả nước xin giảm nhẹ hình phạt cho nguyên giám đốc CDC Hà Nội và cấp dưới. Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

VOV Giao thông từng phân tích, việc xử lý thần tốc sai phạm tại CDC Hà Nội (nâng khống gói thầu mua máy từ hơn 4 tỷ đồng theo giá thị trường lên trên 9 tỷ đồng) được coi là một hình thức phạt làm gương, “bêu giữa ba quân”, mục tiêu khiến những người vi phạm khác tự giác dừng hành vi và khắc phục hậu quả.

Dù sau vụ án, một hiệu ứng domino xảy ra khi hầu hết các tỉnh thành đều điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng đấu thầu, nhưng đến nay, sau đúng 1 năm, chuyện cũ không những lặp lại mà còn lan rộng. 2 cựu Bộ trưởng và hơn 60 cán bộ, trong đó có cả người kế nhiệm Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt vì liên quan vụ án nâng khống giá kit test Việt Á.

Mấu chốt trong các vụ án này đều xoay quanh hai chữ “Hoa hồng” – một dạng chi phí “lại quả”, hối lộ được các bên thống nhất, thường là bên trúng thầu chia tỉ lệ phần trăm nhất định trên tổng giá trị gói thầu cho người phê duyệt.

Đương nhiên, muốn đẩy “hoa hồng” đậm hơn, thì các bên phải nâng khống giá trị hợp đồng lên càng cao. Đây là một hình thức rút ruột ngân sách nhà nước, tiền thuế của nhân dân.

Có thể hiểu được tâm lý của CDC các tỉnh khi nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho đồng nghiệp. Bởi lẽ, những người này hiểu, từ trước sự kiện CDC Hà Nội, việc đấu thầu vật tư ở các đơn vị công lập, không riêng gì ngành y mà các lĩnh vực khác nữa, gần như luôn phải có chi phí “bôi trơn”, hoa hồng.

Lý do có thể thấy tại khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): gần 60% doanh nghiệp quan niệm, chi hoa hồng là luật bất thành văn. Nếu không sẽ bị hoạch họe, lập rào cản bởi các thủ tục, ảnh hưởng tiến độ và gây thiệt hại lớn hơn khoản chi này.

Trên 35% doanh nghiệp ngỏ ý sẵn sàng chi số tiền này và tự động thực hiện, không chờ gợi ý từ người tiếp nhận hồ sơ.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu xử lý rốt ráo, “cơn bão” chống hối lộ, tham nhũng sẽ lan ra cả nước. Dường như nó đang dần trở thành sự thật, và càng cho thấy tình trạng nghiêm trọng, thâm căn cố đế của vấn đề.

Thực tế, tham nhũng là điều khó tránh ở mọi quốc gia. Nó là hiện tượng kinh tế xã hội rất phổ biến đi liền với hình thái nhà nước, khi tài sản công, quyền lực tập trung vào một số người, khi cơ chế xin-cho vẫn tồn tại một cách mặc định trong quan hệ giữa công chức, người nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Không thể triệt tiêu tham nhũng, nhưng có thể hạn chế nó đến mức ít gây ảnh hưởng nhất cho đời sống xã hội.

Có một phát ngôn rất đáng chú ý của một vị Bộ trưởng những ngày gần đây trước Quốc hội, đại ý là trong thời điểm này, không ai dám làm sai. Một câu nói mà nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực, có nghĩa trước đây, biết là sai nhưng nhiều người vẫn vận dụng để làm sai.

Những cán bộ đã bị bắt, những cán bộ làm sai nhưng chưa bị lộ, tất cả buộc phải kinh qua nhiều vị trí, chức vụ, được tổ chức Đảng, đoàn thể tín nhiệm, đã được rèn luyện về bản lĩnh, đạo đức mới vươn lên được vị trí cao.

Vì vậy, giải pháp trông mong vào sự trong sáng, lương tâm cá nhân vào lúc này là điều không thể.

Lòng tham luôn nảy sinh khi có điều kiện. Công cụ minh bạch hóa cơ chế, quy trình, triệt tiêu những điểm mờ, môi trường dung dưỡng lòng tham nảy nở cần được nhìn nhận như một giải pháp bền vững.

Không phải vô cớ, hiện nay nhiều bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị vì giám đốc không dám đấu thầu vật tư. Nhiều người viện dẫn quy định đang vướng, cần gỡ khó cho đấu thầu y tế.

Nhưng cũng cần đặt ngược lại vấn đề, trước sự kiện CDC Hà Nội, không phải “hoa hồng” vẫn tồn tại đó sao? Và các bệnh viện đâu thiếu thuốc?

Phải chăng do vấn đề khó nói là “hoa hồng” đang bị “soi chiếu” gắt gao? Nếu cứ làm theo “luật bất thành văn” là sẽ bị khởi tố? Còn làm theo đúng quy định, đúng lương tâm, không xin-cho, không lại quả thì lại… “khó”!?

Cơn địa chấn mang tên Việt Á là một dịp hiếm có để hệ thống chính trị, các nhà làm luật nhìn nhận lại các quy định, cơ chế và cả con người.

Chúng ta có thực sự muốn vá những lỗ hổng ấy không? Chúng ta đã tạo ra được cơ chế đủ mạnh bảo vệ ngân khố quốc gia, ngăn chặn những hành vi sai trái ngay từ khi họ muốn làm sai?

Hoa hồng, tham nhũng sẽ luôn lộng hành, khi cơ chế không thể khống chế được lòng tham.

Ý kiến của bạn
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành “chạy vượt rào” ra sao?

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành “chạy vượt rào” ra sao?

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, tạo hành lang Đông - Tây cho khu vực phía Nam.

Nghỉ lễ 30/4: Nhiều người 'bỏ' máy bay, doanh thu công ty du lịch giảm tới 80%

Nghỉ lễ 30/4: Nhiều người "bỏ" máy bay, doanh thu công ty du lịch giảm tới 80%

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là thời điểm nhiều người dân lựa chọn đi du lịch hoặc về quê thăm người thân. Năm nay, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao hơn mọi năm, xu hướng du lịch, nhu cầu đi lại của người dân có sự thay đổi như thế nào?

Để phát huy tiện ích của vé xe buýt “ảo”

Để phát huy tiện ích của vé xe buýt “ảo”

Hà Nội đã khai trương thẻ vé thẻ phi vật lý cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hành khách không còn phải chờ đợi để dán vé xe buýt hàng tháng, đơn vị vận hành cũng giảm bớt thủ tục, chi phí quản lý. Tuy nhiên, hiện chưa nhiều hành khách biết và sử dụng vé “ảo”.

Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá vàng

Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá vàng

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu "xử lý ngay và luôn" tình trạng giá vàng miếng trong nước và quốc tế chênh lệch cao.

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản tiếng rao...

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản tiếng rao...

Những thanh âm của phố phường Hà Nội từ xưa đến nay đã tô điểm cho Hà Nội thêm phần thi vị, trong đó có thanh âm của những tiếng rao. Những tiếng rao cất lên từ những con người mưu sinh rong ruổi trên phố phường Hà Nội.

Phát triển nhà ở xã hội: Xin đừng thất hứa...

Phát triển nhà ở xã hội: Xin đừng thất hứa...

Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, dù đã trải qua gần 1 nửa chặng đường nhưng số dự án nhà ở xã hội đến được người cần là chưa đáng kể.

Sống thấp thỏm, ngủ không dám đóng cửa

Sống thấp thỏm, ngủ không dám đóng cửa

Hơn 9 tháng qua, hàng chục hộ dân sống dọc bờ kè Thanh Đa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) phải sống trong thấp thỏm lo sợ khi hàng trăm mét bờ kè tại đây bị sạt lở vẫn chưa được khắc phục.

// //