Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đánh giá cán bộ công chức: 100% hoàn thành nhiệm vụ, trừ... nhiệm vụ chung

Phóng viên - 28/11/2019 | 7:23 (GTM + 7)

Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, cho thôi việc được không? Đương nhiên là được, khi Luật đã ban hành và chính thức có hiệu lực, với sự thống nhất của gần 90% đại biểu dân cử. Nhưng cũng đương nhiên là không thể được, nếu vẫn giữ nguyên

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, có quy định về việc buộc thôi việc, miễn nhiệm cán bộ, công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ trước đến nay, các buổi bình bầu, đánh giá cán bộ hàng năm thường mang tính hình thức, cả nể, rất ít trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.Để Luật đi vào cuộc sống, quá trình tinh giảm biên chế được hiệu quả thì khâu đánh giá chất lượng công chức, viên chức phải đổi mới như thế nào?

Để Luật đi vào cuộc sống, quá trình tinh giảm biên chế được hiệu quả thì khâu đánh giá chất lượng công chức, viên chức phải đổi mới như thế nào? (Ảnh: Thanh Niên)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động đánh giá công chức, viên chức hàng năm có mục đích là nhằm khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân có thành tích xuất sắc, kích thích các cán bộ công chức, viên chức phát huy sự sáng tạo trong công việc; loại bỏ những cá nhân không đủ năng lực để hoàn thành công việc. 

Tại điều 29 và Điều 58 Luật Cán bộ công chức, viên chức có hiệu lực từ năm 2008 cũng đã quy định “công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị thôi việc”. Thế nhưng, thực tế chưa có trường hợp nào có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, PGS-TS Ngô Thành Can – Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự- Học viện Hành chính quốc gia ghi nhận:

“Trước đây, chúng ta hy vọng khi đưa ra những người nào không hoàn thành, năng lực không đáp ứng bị đưa ra ngoài công vụ. Nhưng rất nhiều năm chưa có trường hợp nào rơi vào danh sách này. Mặc dù cũng có nhiều lãnh đạo cho rằng năng lực hạn chế do đó, mức độ hoàn thành có mức độ và có không ít không hoàn thành”.

Theo Luật cán bộ công chức, viên chức, kết quả đánh giá công chức, viên chức được phân loài thành 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Thành Can dẫn chứng, báo cáo của các đơn vị có trách nhiệm, những người không hoàn thành thường ít chỉ khoảng 1%. 

Trong khi đó, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa ra “hạn ngạch” cho 3 mức đánh giá đầu tiên theo tỷ lệ nhất định và cũng đã có không ít cơ quan, đơn vị “nhường nhau”, luân chuyển danh hiệu “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng công tác đánh giá công chức, viên chức hàng năm tại các cơ quan đơn vị mang tính hình thức, không đạt được hiệu quả và kỳ vọng khuyến khích năng lực sáng tạo của các cá nhân, tập thể, chuyên gia xã hội học Thạc sỹ Đinh Phương Thảo cho rằng, các quy định hiện nay về đánh giá cán bộ công chức, viên chức còn mang tính định tính, chưa có định lượng công việc rõ ràng về nhiệm vụ chức năng, cũng như khối lượng công việc phải hoàn thành. 

Bên cạnh đó, việc cán bộ công chức viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu quy về trách nhiệm tập thể, người đứng đầu cũng là một rào cản rất lớn để quy định đi vào cuộc sống, cản trở cho sự phát triển của đơn vị nói riêng và xã hội nói chung: 

“Trên thực tế, không lãnh đạo nào mong muốn đơn vị mình có người không hoàn thành trách nhiệm bởi vì họ sẽ có trách nhiệm phải giải trình lên cấp trên lí do vì sao trong đơn vị lại có trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Và với xu hướng chung, họ sẽ đẩy hết nhau lên để cho lên lao động tiên tiến”.

Ông Ngô Thành Can cho biết thêm, hiện nay việc đánh giá cán bộ công chức thông qua hình thức giơ tay biểu quyết cũng là trở ngại cho việc bình bầu được khách quan, minh bạch. Cán bộ công chức dễ có tâm lý giữ mối quan hệ với đồng nghiệp, bình bầu theo kiểu “có đi có lại” và mang tính chất cào bằng

Đại biểu quốc hội, PGS- TS Hoàng Văn Cường- Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế quốc dân, Đoàn Hà Nội cho hay, hiện nay mục tiêu đánh giá cán bộ của Việt Nam đang nghiêng về tiêu chí cán bộ có chấp hành đúng các nội quy, quy chế hay không hơn là việc đánh giá hiệu quả công việc và kết quả công tác. 

Trong khi đó, việc chấp hành các quy định, quy chế chỉ là chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đánh giá một cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vậy, đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị: 

“Việc này liên quan đến việc xác định vị trí việc làm của mỗi một người, thực hiện những nhiệm vụ gì và gắn với việc làm. Chúng ta phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của họ. Dựa vào tiêu chí đó mới đánh giá xem người cán bộ này hoàn thành đến đâu”.

Ông Cường cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ công chức, viên chức, chúng ta có thể xem xét đến phương pháp đánh giá toàn diện. Bản thân cán bộ công chức, viên chức phải kê khai công việc đã làm, kết quả công việc theo tiêu chí được quy định. Đồng thời, sử dụng đánh giá ngang và đánh giá từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên và các thủ trưởng, người quản lý ra quyết định cuối cùng về mức độ hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất, bổ sung các quy định liên quan và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc các cá nhân phải tự chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ, không để ảnh hưởng đến trách nhiệm, thành tích của người quản lý và tập thể đơn vị liên quan. Có như vậy, việc tinh giảm biên chế, loại bỏ những cá nhân không đủ năng lực làm việc mới có thể thực hiện hiệu quả.

Cần phải chấm dứt tình trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức theo kiểu hình thức, cào bằng, xuê xoa và cả nể lâu nay

Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ công chức viên chức có thể phát huy năng lực sáng tạo của các cá nhân, tập thể nếu được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, chân thực. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng công tác đánh giá cán bộ có thể là rào cản cho sự phát triển của đơn vị, tổ chức, làm cho bộ máy tổ chức thêm cồng kềnh, kém hiệu quả . 

100% hoàn thành nhiệm vụ, trừ… nhiệm vụ chung

Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, cho thôi việc được không? Đương nhiên là được, khi Luật đã ban hành và chính thức có hiệu lực, với sự thống nhất của gần 90% đại biểu dân cử. Nhưng cũng đương nhiên là không thể được, nếu vẫn giữ nguyên cách đánh giá xếp loại cán bộ công chức như hiện tại.

Bởi, đến viên chức, người làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng, có quy định rõ ràng theo luật lao động, mà vẫn đỏ mắt tìm không ra người không hoàn thành nhiệm vụ, nói gì đến cán bộ cấp quản lý. 

Việc đánh giá xếp loại công chức viên chức, lâu nay vẫn được coi như việc “đến hẹn lại làm”, và như một thủ tục để hoàn thành nhiệm vụ tổng kết công tác cuối năm, chứ không phải cơ hội để thẳng thắn nhìn nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của viên chức. 

Tự đánh giá mình, không mấy ai dám tự nhận mình “không hoàn thành nhiệm vụ”. Còn cấp trên đánh giá, thì lại càng khó hơn, vì sợ mếch lòng người “gửi gắm”, sợ “mất anh mất em” và cảm thấy không phải đối với những nhân viên cấp dưới lâu nay vốn dĩ rất “biết điều”, và vì e ngại gây tâm lý căng thẳng. 

Trên hết, là vì chẳng mất gì nếu đánh giá 100% hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, một khi viên chức đã trả lương tháng đều đều từ đầu năm cho đến cuối năm, thì đương nhiên họ tối thiểu phải “hoàn thành nhiệm vụ”, nên có đánh giá xếp loại cuối năm cũng không thể mâu thuẫn với điều này.

Bởi vậy mới có chuyện các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, 100% cán bộ, công chức viên chức hoàn thành nhiệm vụ, mà người dân vẫn chưa hài lòng khi đến thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính công. 

Nhiều công việc vẫn trì trệ, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng liên hoàn và làm giảm hiệu quả của cả một chuỗi công việc khác mà nó đóng vai trò mắt xích. 

Mới có chuyện, nhân lực thiếu vẫn thiếu, mà thừa vẫn thừa, dù ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là toàn ở mức “tốt”“xuất sắc”. 

Mới có chuyện, muốn gì thì muốn, các danh hiệu về lao động, thi đua trong năm, “suất” đầu tiên vẫn phải dành cho cán bộ quản lý, “lọt sàng” thì mới “xuống nia”, như một luật bất thành văn trong các cuộc bình bầu.

Đương nhiên, với cách đánh giá xếp loại như vậy, thì không có động lực nào cho những sự cố gắng vượt trội, cũng chẳng có lý do nào mà không tìm cách “né” việc, hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”, dẫn đến hiệu quả công việc không đi đôi, thậm chí tỉ lệ nghịch với sự cồng kềnh của bộ máy, và là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự ì trệ của khối này.

Do vậy, để có thể xem xét cho thôi việc được các cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp như Luật đã quy định, thì điều kiện tiên quyết, là phải chấm dứt tình trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức theo kiểu hình thức, cào bằng, xuê xoa và cả nể lâu nay. 

Mà muốn chấm dứt được, thì phải “dứt” từ ngọn, là việc tuyển dụng, bổ nhiệm dựa trên quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, là những sợi dây lợi ích đan cài vướng móc với nhau giữa người có thẩm quyền xếp loại với người được xếp loại, chi phối trực tiếp kết quả đánh giá.

Đây cũng là tinh thần mà Đảng đã chỉ đạo quyết liệt tại Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII cùng nhiều nghị quyết gần đây về công tác cán bộ. Và để Luật đi vào cuộc sống, cần sự sát sao, nghiêm khắc trong khâu giám sát quá trình tổ chức thực thi. 

Cần những sự chất vấn và trả lời chất vấn một cách sòng phẳng cho câu hỏi, vì sao 100% cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ, mà nhiệm vụ chung lại vẫn không thể hoàn thành?
 

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

// //