Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đảm bảo an toàn trước làn sóng người dân đổ về quê

Phóng viên - 05/10/2021 | 15:23 (GTM + 7)

Dẫu biết về quê tự phát là không đúng quy định, là đối mặt với nguy cơ trở thành F0 bất cứ lúc nào, thế nhưng hàng ngàn người dân vẫn nhắm mắt làm liều vì với họ khả năng cầm cự đã không còn.

'Tôi ở Bình Dương về, ở trên đấy thất nghiệp 4 tháng nay rồi, không có việc gì làm nên đói. Chủ nhà trọ thì không có giảm tiền nhà trọ. Trợ cấp được 500 ngàn chủ nhà trọ cũng gạt ngang qua tiền nhà trọ luôn, không còn gì ăn hết'.

Tôi tự phát từ trên đó về đã biết là sai rồi, tuy nhiên, ai cũng mong muốn về được quê nhà hết. Về được tới quê nhà chúng em rất là vui mừng luôn. Yêu cầu là được về tới quê nhà thôi, tụi em phải cách ly cũng chịu, vì bây giờ ở trên đó cũng quá khổ cực rồi.

Nhiều bà con chia sẻ như trên. Họ cứ đi vì biết là phải đi chứ tiền trong túi còn chưa đến 100 ngàn; nếu hết tiền mua xăng thì đành dắt bộ. Số khác thì quyết phải tìm đường về quê vì gia đình có con nhỏ, vợ chồng có thể ăn mì gói đỡ đói qua ngày, nhưng con nhỏ không sữa, không tã, không thuốc than thì không được. 

Có thể nói mong ước lớn nhất của họ lúc này là có thể về quê để duy trì cuộc sống. 

0
Ảnh minh họa: vov.vn

ĐÓN BÀ CON AN TOÀN

Đến nay, dòng người vẫn tiếp tục đổ về ĐBSCL. Thống kê tổng số người tự phát về quê trong 3 ngày qua là gần 80.000 người. 
Là một trong những tỉnh đón số lượng người dân tự phát về quê nhiều nhất với gần 30.000 người trong 4 ngày, từ ngày 1/10 – 4/10/2021, tỉnh Sóc Trăng thể hiện rõ quan điểm phải đón bà con an toàn.

Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, kích hoạt lại các khu cách ly, mở các khu cách ly mới đạt chuẩn, chống lây nhiễm chéo. Riêng mỗi xã tổ chức 1 khu cách ly, công suất 30 người, mỗi xã tổ chức 1 khu điều trị công suất 20 F0 tầng 1 không triệu chứng. 

Ông Lâm Văn Mẫn- Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị: 'Bà con của mình về thì chúng ta trách nhiệm phải lo cho chu đáo, tiếp cho chu đáo và an toàn dịch bệnh. Một là các khu cách ly thì phải tiếp tục mở mới, hai là nâng cao năng lực điều trị'

Chỉ tính riêng từ sáng ngày 2/10 đến sáng ngày 3/10, cả tỉnh Sóc Trăng đã đón và đưa đi cách ly tập trung gần 16.000 người. Riêng huyện Châu Thành, đã tổ chức đón, tiếp nhận 2.058 người và đưa đi cách ly tại các khu cách ly tập trung an toàn.

Với số lượng lớn người về trong cùng một thời điểm như thế này đã làm cho công tác đón và đưa người dân đi cách ly của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Thượng tá Đinh Thanh Phong – Phó trưởng Công an huyện Châu Thành, khuyến cáo:
'Nếu người dân đang lao động, sinh sống tại các TP.HCM và các tỉnh đồng loạt trở về Sóc Trăng với số lượng lớn như những ngày qua sẽ dẫn đến quá tải tại các khu cách ly tập trung hiện nay. Và một số người đã về thời gian qua, qua xét nghiệm đã xác định một số ca dương tính với COVID-19, từ đó, sẽ là nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh trong thời gian tới tại địa phương. Đồng thời trong quá trình di chuyển, mọi người tiếp xúc gần, từ đó có khả năng lây dịch COVID-19 với những người đã đi chung'.

2
Ảnh minh họa: vov.vn

Còn tại An Giang, tính đến 12 giờ ngày 3/10, số người dân tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân là hơn 18.000 người. Trong thời gian chờ sàng lọc và đưa về các khu cách ly tại các địa phương, Tỉnh đã bố trí người dân vào khu vực tiếp nhận tạm thời, lực lượng chức năng cũng được tăng cường nhằm đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời hỗ trợ thức ăn, nước uống cho bà con. Đáng lo ngại là hiện nay, các khu cách ly tập trung  đã quá tải, vì vậy tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động xã hội hóa các cơ sở lưu trú để cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Trước mắt, tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi huyện, thị xã, thành phố; tạm thời hỗ trợ 50% tiền ăn của người dân trong 7 ngày đầu cách ly tập trung…

Cùng là địa phương đón số lượng lớn bà con về quê tự phát với hơn 2.500 người (tính đến ngày 3/10), Hậu Giang đã khẩn trương thiết lập thêm các cơ sở cách ly tập trung, thống nhất trưng dụng một số cơ sở cách ly trước đây để làm khu cách ly tập trung, gồm Trường Đại học Võ Trường Toản; Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ (Khu Hòa An); Trường Quân sự địa phương (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp)...

Dù đã rất kịp thời ứng pó với tình huống khẩn cấp nhưng ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vẫn lo ngại về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, ông yêu cầu: "Xã phường thị trấn vẫn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm. Người dân phải có trách nhiệm tự quản trong vấn đề này, cho nên mỗi người dân cũng phải tự ý thức thực hiện tốt 5K, chấp hành nghiêm túc, một cách đầy đủ, đúng quy trình. Dẫu người ở ngoài có bệnh vào thì chúng ta cũng đảm bảo việc an toàn.

Không thể để bà con bơ vơ trong khó khăn, Đồng Tháp đã rất nhanh chóng triển khai việc tiếp nhận người dân về quê. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương vẫn khuyến cáo người dân Đồng Tháp đang sống và làm việc ngoài tỉnh không nên tự ý về Tỉnh. Nếu có nhu cầu thì đăng ký để chính quyền địa phương có kế hoạch đón rước phù hợp.

Ông Đoàn Tấn Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: 'Bây giờ tốt nhất bà con ở đâu nên ở đó, để ổn định rồi tìm cách mưu sinh trở lại, còn di chuyển lúc này mang theo mầm bệnh khó kiểm soát, ảnh hưởng tới địa phương, mà gia đình họ trở về cư ngụ cũng khó khăn'.

1
Ảnh minh họa: vov.vn

CẢM THÔNG KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI CỔ SÚY

“Ta về ta tắm ao ta, dù trong hay đục ao nhà vẫn hơn”. Thời điểm này, nhiều bà con miền Tây đã không ngần ngại lựa chọn về “ao nhà” vì dù không phồn hoa đô hội nhưng nơi đây họ có người thân kề cận, dù phải bỏ lại giấc mơ đổi đời nơi quê người nhưng ít ra quê nhà sẽ cho họ những bữa cơm ấm lòng, no dạ.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì ai tha phương cầu thực mà lại không mong đến ngày về? Nhưng về trong hoàn cảnh này thì quả là chua xót, ngậm ngùi.

Nếu có được một công việc với đồng lương ổn định, nếu không phải ở phòng trọ chờ cứu trợ mấy tháng liền thì tin chắc rằng sẽ không ai lựa chọn hòa vào dòng người đông đúc khi dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Đó là chưa kể những rủi ro khác có thể gặp phải trên đường.

Vì vậy dưới góc nhìn của người đồng hương, tôi tin sự liều lĩnh của hàng chục ngàn bà con hồi hương tự phát kia hoàn toàn có thể cảm thông. Phải nhấn mạnh là cảm thông không đồng nghĩa với cổ súy; vì rõ ràng việc về quê tự phát, không theo tổ chức sẽ vô cùng nguy hiểm cho chính người về và người thân nơi quê nhà.

Không cần phải cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm nữa vì thực tế qua xét nghiệm, đã có những F0 được phát hiện, qua quá trình truy vết lại ghi nhận thêm nhiều những trường hợp F1, F2. Nếu con số này cứ tiếp tục được nhân lên trong khi năng lực y tế nhiều nơi còn hạn chế thì rõ ràng nguy cơ bùng dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để tránh bị động, tránh rơi vào thế khó trong bài toán làm sao để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa vẹn nghĩa đồng bào, thiết nghĩ các tỉnh/ thành cần có những kế hoạch cụ thể.

Thay vì để người dân tự phát về quê trong hoàn cảnh quá khó khăn, ngành chức năng cần nhanh chóng lên phương án hợp lý để đón những trường hợp cấp thiết về quê, tổ chức một cách bài bản và hiệu quả. Bên cạnh đó đừng lơ là công tác cứu trợ cho bà con quê mình, đừng để bà con rơi vào trạng thái sợ đói hơn sợ dịch.

Ở góc độ khác, người dân lao động cũng cần bình tĩnh để phân tích tình hình thực tế. Hiện nay, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang từng bước khôi phục sản xuất vì thế chính bà con sẽ là lực lượng lao động rất quan trọng được mời gọi để tham gia vào quá trình này, được đảm bảo các chế độ an sinh và đương nhiên là những điều kiện để sản xuất an toàn. Trong khi bà con về quê thời điểm này lại phải chờ đợi để tiêm đủ liều vaccine COVID-19 vì nguồn cung đang rất hạn chế.

Lại nói về những trường hợp hiện đã được đón về quê và tổ chức cách ly. Có lẽ thời điểm này bà con đã phần nào nhẹ nhõm nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Dù đã được tiêm 1 hay 2 mũi vaccine thì nguy cơ mắc COVID-19 vẫn còn đó, chỉ là tỷ lệ mắc bệnh sẽ thấp hơn những ai chưa được bảo vệ.

Nếu không may tiếp xúc với người bệnh chúng ta hoàn toàn có thể chịu những ảnh hưởng về sức khỏe, và thậm chí là trở thành người mang mầm bệnh cho người thân trong khi chúng ta khỏe mạnh.

Hãy luôn thật sự cảnh giác, tuân thủ những quy định phòng dịch để chia sẻ trách nhiệm phòng dịch cùng ngành chức năng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

---

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //