Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cuộc gọi, tin nhắn 'rác' vẫn quấy rầy người dân

Phóng viên - 05/04/2021 | 14:34 (GTM + 7)

Mặc dù các nhà mạng đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để lọc, chặn, khóa các số di động có dấu hiệu gọi điện quảng cáo phiền nhiễu người dân, tuy nhiên, thực trạng này vẫn tồn tại và ảnh hưởng tới tinh thần, thời gian và công việc của các n

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những cuộc gọi quảng cáo gây phiền nhiễu người dân.

"-Alô

-Dạ, em chào anh. Em là Hằng, em kết nối với anh từ Tập đoàn Yes Vacation ạ. Em thông báo và chúc mừng gia đình mình đã trở thành 1 trong 30 gia đình may mắn được nhận một phần quà 1 gói voucher nghỉ dưỡng miễn phí 100% tiền phòng nghỉ 5 ngày 4 đêm. Đêm nay ngày mai bên em tổ chức sự kiện để trao phần quà cho gia đình mình ở 94 Lò Đúc.

-Nhưng sao bạn biết số điện thoại của mình?

-Có thể anh đã đi du lịch ở đâu đó và để lại số điện thoại, bên em lại có chương trình khảo sát về du lịch, nên bên em có số điện thoại của gia đình mình anh nhé"

Vừa rồi là một trong những cuộc gọi khá phổ biến được các doanh nghiệp du lịch, bất động sản sử dụng để câu kéo khách hàng đến dự các sự kiện giới thiệu sản phẩm.

Phần thưởng là các voucher nghỉ dưỡng nghe thì hấp dẫn nhưng lại có điều kiện áp dụng rất khó sử dụng, ví dụ như không được sử dụng vào những tháng cao điểm, không được áp dụng vào cuối tuần. Nhiều gia đình đã ngã ngửa khi biết mục đích thực sự của các đơn vị tổ chức.

Điển hình như anh Phạm Ngọc Hùng (Q. Hà Đông, Hà Nội) khi lỡ nhận lời tham dự sự kiện giới thiệu kỳ nghỉ du lịch:

“Họ bắt phải cả 2 vợ chồng cùng đến, phải mang chứng minh thư, sau 2 vợ chồng phải cùng ký để hứa là cùng đi. Mà đầu tiên họ chèo kéo rất ngon ngọt. Nhưng khi phát hiện ra, mình từ chối các cuộc gọi đấy hoặc từ chối tham dự những hội thảo đấy thì họ nặng lời, có khi còn chửi cả mình. Mình cũng rất khó chịu với việc đấy, thắc mắc tại sao họ lại có được số điện thoại.”

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thắm (Q. Ba Đình, Hà Nội) cũng vô cùng bức xúc khi trung bình mỗi ngày nhận từ 5-6 tin nhắn, cuộc gọi rác từ các đầu số thuê bao cá nhân, từ quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ ưu đãi, bất động sản, bán sản phẩm, đến việc đầu tư chứng khoán, cho vay, thu hồi nợ… Việc làm phiền này bất kể giờ giấc theo theo hình thức “dội bom” và không cần biết người nhận có nhu cầu hay không, gây bức xúc cho người nhận.

“Nó gọi nhiều, cứ cô ơi bất động sản này thế nọ thế kia, nói chung là nhiều thứ lắm. Giờ ý mình đang cơm nước, mình không thoải mái lắm. Mình có nhàn rỗi đâu, thí dụ mình có nhu cầu thì mình sẽ trả lời được. Mình không có nhu cầu nên cũng không muốn trả lời”

Hầu hết những lời mời gọi qua điện thoại đều có giọng điệu chắc nịch, mở ra vận hội tài lộc cho người nghe. Nhưng nếu để ý kỹ, sẽ thấy những lập luận của người gọi đều thiếu cơ sở, thiếu kiến thức và phi logic.

Trong một lần rảnh rỗi, anh Nguyễn Mạnh Dũng (ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thậm chí còn kiên nhẫn tư vấn ngược lại người gọi mời chào giao dịch chứng khoán, lĩnh vực mà anh rất có kinh nghiệm.

“Cũng có những lần tôi cũng thử trao đổi qua với những bạn tư vấn viên, nhưng tôi nhận thấy kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ của những tư vấn viên trong những mảng đang làm thì không phải sâu lắm. Ví dụ, hôm trước cũng có một bạn tư vấn về sàn giao dịch chứng khoán nhưng khi tôi có hỏi về cổ phiếu, cổ tức, cổ đông thì bạn ý không hiểu được bản chất.”

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông), chỉ trong 2 tháng đầu của năm 2021, đã có hơn 22.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý bởi các nhà mạng. Trước đó, trong 6 tháng cuối cùng của năm 2020, trung bình mỗi tháng, các nhà mạng đã chặn lọc thành công khoảng 15.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác/tháng.

Đây là kết quả của chiến dịch “quét dọn” rác viễn thông được Cục Viễn thông triển khai từ tháng 7/2020. Sau đó, từ tháng 10/2020, Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác bắt đầu có hiệu lực cũng góp phần mang lại chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

Theo Cục Viễn thông, có 5 tiêu chí dùng để xác định thế nào là một cuộc gọi rác, bao gồm tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng của người dùng di động.

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông còn sử dụng các tin nhắn dưới dạng USSD đằng sau mỗi cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác để ghi nhận ý kiến phản hồi từ phía người tiêu dùng.

Mặc dù cơ quan quản lý và các nhà mạng di động đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp, gồm cả ứng dụng trí thông minh nhân tạo, song các tổ chức, cá nhân vẫn tìm cách vượt mặt các hệ thống chặn, lọc. Đơn cử như liên tục thay đổi số điện thoại, giãn cách các cuộc gọi, hoặc dùng giọng nói tự động để mời chào, lừa đảo.

Tin nhắn rác ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ảnh: Tạp chí tài chính

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lê Đình Nhân, Giám đốc đào tạo Trung tâm an ninh mạng Athena nhận định, việc chặn lọc số hay nhắn tin, thực hiện cuộc gọi “rác” là cần thiết, nhưng cũng gặp không ít thách thức từ chính rào cản kỹ thuật.

“Theo quan điểm của tôi, việc hiện nay các nhà mạng chặn, lọc theo công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) thì đó là một vấn đề kỹ thuật khó. Bởi vì, làm sao về mặt kỹ thuật nhận dạng được đây là một cuộc gọi rác nếu như chúng ta nhận diện nó trên những con số, những đầu số thay đổi liên tục. Hay chúng ta nhận diện trên cách nói chuyện, cách nói chuyện thì dựa theo những vùng miền. Thì mình nghĩ với công nghệ AI của nước ta hiện nay thì việc này đang nằm ngoài tầm kiểm soát”

Ông Nhân cũng khẳng định, việc bảo mật thông tin cá nhân ở các cơ quan, đơn vị vẫn hết sức lỏng lẻo;

“Các đơn vị khi họ lấy thông tin của khách hàng thì họ chưa đảm bảo các quy trình để bảo vệ lại những thông tin đó. Ví dụ khi chúng ta đi mua một món hàng, chúng ta lưu lại những thông tin về họ tên, số điện thoại liên hệ khi cần bảo hành. Một công ty lớn thì tập khách hàng của họ cũng sẽ lớn và chắc chắn có những chỗ để họ lưu lại những thông tin đó để dùng mục đích kinh doanh. Và đôi khi chính những thông tin đó lại được lưu trữ ở những môi trường không an toàn”

Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường thừa nhận, bản thân ông cũng là “nạn nhân” của những cuộc gọi rác. Theo ông, việc gọi điện liên tục cho người dân truyền thông, quảng bá các dịch vụ của doanh nghiệp là một cách làm phản tác dụng, cho thấy thiếu tầm nhìn, chiến lược marketing.

“Đây là cách làm truyền thông không thông minh của doanh nghiệp. Trước đây không có luật, chưa có chế tài thì họ có thể làm vậy nhưng bây giờ, khi luật đã được ban hành mà các doanh nghiệp làm như vậy là đang vi phạm luật. Nếu như tìm kiếm khách hàng bằng những cách dễ dãi như hiện nay, mua danh bạ của bên thứ 3 rồi gọi điện tấn công thì cuối cùng doanh nghiệp cũng sẽ thất bại”

Ông Cường cũng tin tưởng, việc các doanh nghiệp, đơn vị “tấn công” người dùng bằng việc gọi điện, nhắn tin chắc chắn sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian tới. Do vậy, những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phải chuyển hướng tiếp thị để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thời làm lãnh đạo Cục An toàn thông tin từng chia sẻ với VOV Giao thông về khuyến cáo quan trọng với các tổ chức, doanh nghiệp.

“Chúng tôi nhấn mạnh cả biện pháp kỹ thuật, bảo vệ hệ thống và biện pháp quản lý. Vì có rất nhiều trường hợp, vụ việc chúng tôi ghi nhận lộ lọt thông tin người dùng từ chính những nhân viên cũ đã từng làm việc trong các cơ quan tổ chức tiết lộ ra. Kỹ thuật là không đủ, các cơ quan cần biện pháp quản lý phù hợp, như điều khoản thỏa thuận không tiết lộ ghi trong hợp đồng để sau này có thể truy cứu trách nhiệm những bên liên quan”.

Việc nắm được thói quen, hành vi mua sắm, tiêu dùng của khách hàng là khao khát của các doanh nghiệp, do đó, thị trường mua bán dữ liệu đã hình thành với sự tham gia của các doanh nghiệp, và cả tin tặc.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng viễn thông để ngăn tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm phiền người dân, một trong những giải pháp bền vững cho vấn đề là nâng cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mỗi người.

“Thông tin cá nhân của mỗi người trước hết là tài sản, cũng như xe máy, điện thoại. Mỗi cá nhân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ. Bên cạnh nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân, cũng sẽ tăng cường tuyên truyền những kỹ năng đơn giản cơ bản để mọi người biết phòng chống. Chúng tôi đã ra mắt trang khonggianmang.vn để phổ biến kiến thức cho toàn xã hội về vấn đề này”.

Một trong những giải pháp bền vững cho vấn đề là nâng cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mỗi người.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Dữ liệu cá nhân và thái độ của chủ nhân”.

Đã từng có thời, đa số giới văn phòng cười nhạo về vấn đề bảo mật đối với các tài khoản trên mạng. Những câu mỉa mai vô tư được thốt ra, kiểu như: “Tôi làm gì có gì mà hack?” “Phải là ai đó nổi tiếng hoặc có tiền mới là mục tiêu chứ”.

Nhưng đó là thời các diễn đàn, hội nhóm chủ yếu tồn tại trên nền tảng website, ít sự kết nối chặt chẽ như các “siêu ứng dụng” trên smartphone ngày nay. Chúng đã tiến hóa tới mức khiến người dùng lệ thuộc vào. Họ tên, ngày tháng năm sinh, email, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, địa chỉ nhà, tên người thân, vợ chồng, con cái của mỗi người phần lớn đều “online”, tức tồn tại trên mạng.

Một cô bé, cậu bé sinh ra có thể đã có tài khoản mạng xã hội trước cả giấy khai sinh. Thật hiếm nếu bạn tìm được một ai đó “không tồn tại” trên không gian mạng.

Nhiều người phải đến khi trở thành nạn nhân của hacker mới tá hỏa tìm cách tăng cường bảo mật mật khẩu, email và giấu đi những thông tin bí mật đời tư trên mạng. Nhiều người đã sững sờ khi phát hiện có nhiều tài khoản giả mạo bản thân để lừa đảo tài chính với bạn bè, họ hàng của mình. Cũng có nhiều đối tượng lợi dụng sự cả tin của người già, gọi điện, đến tận nhà của họ lừa trúng thưởng hòng cuỗm đoạt tiền, tài sản.

Nhưng ngay cả khi không bị hack, bạn vẫn có thể là nạn nhân của tin nhắn, cuộc gọi rác. Khi mua hàng, sử dụng dịch vụ, cả online lẫn ngoài đời thực, để nhận được ưu đãi bạn luôn được yêu cầu để lại số điện thoại để đơn vị, cửa hàng thực hiện nhiệm vụ “chăm sóc khách hàng”.

Những thông tin số điện thoại, tên tuổi của bạn sau khi được trao đi, chúng sẽ được quản lý như thế nào, bảo vệ ra sao? Chỉ có các doanh nghiệp mới biết! Doanh nghiệp càng lớn, dữ liệu khách hàng càng có giá trị, bán càng được giá!

Và khi xảy ra chuyện, thật khó để truy cứu ai, khi mà bạn đã trao gửi thông tin cá nhân cho quá nhiều nơi mỗi lần thực hiện giao dịch. Bản thân các doanh nghiệp có thể cũng không biết thông tin bị chính nhân viên trong đơn vị tuồn ra ngoài.

Nhà chức trách đã có rất nhiều biện pháp để bảo vệ người dân khỏi tin nhắn, cuộc gọi rác, như nhắn tin để từ chối cuộc gọi rác, phản ánh số điện thoại gây phiền toái đến tổng đài 5656; các nhà mạng cũng thu thập ý kiến khách hàng khi nghi ngờ thuê bao phát tán cuộc gọi rác bằng nút “có” hoặc “không” sau cuộc gọi. Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp giải quyết phần ngọn.

Điều đầu tiên, và đơn giản nhất, mỗi người dùng cần biết thận trọng và cảnh giác để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, đừng quá dễ dãi trao số điện thoại, tên tuổi cho bất cứ ai, kể cả nơi gọi bạn là “thượng đế”./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

// //