Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cổng bệnh viện bị bủa vây: Các nơi đá 'quả bóng trách nhiệm'

Phóng viên - 27/07/2020 | 15:16 (GTM + 7)

Khu vực trước cổng viện vẫn thiếu vắng các điểm dừng đỗ hợp pháp cho taxi, xe chở bệnh nhân, tổ chức giao thông vẫn tạm bợ và chưa có giải pháp căn cơ để xóa triệt để tình trạng xe đi “rùa bò”, bao vây cổng viện.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thực tế lộn xộn trước cổng các bệnh viện ở Hà Nội đã và đang là tác nhân trực tiếp gây ùn ứ giao thông, mất an ninh trật tự, mang lại trải nghiệm rất tệ cho người dân tới khám, chữa bệnh tại các cơ sở này.

Khu vực trước cổng viện vẫn thiếu vắng các điểm dừng đỗ hợp pháp cho taxi, xe chở bệnh nhân, tổ chức giao thông vẫn tạm bợ và chưa có giải pháp căn cơ để xóa triệt để tình trạng xe đi “rùa bò”, bao vây cổng viện.

bạch mai vovgiaothong
Giao thông hỗn loạn trước cổng bệnh viện Bạch Mai

Như VOV Giao thông phản ánh liên tục trong thời gian qua, khu vực trước cổng một số bệnh viện trên địa bàn TP.Hà Nội thường xuyên bị quây kín bởi xe taxi, xe chạy dịch vụ. Thực trạng này dẫn tới ùn ứ, ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người có nhu cầu tới thăm khám, điều trị.

Thực tế hiện trường cùng tổ công tác Đội CSGT số 4, Công an TP Hà Nội trước cổng bệnh viện Bạch Mai, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận tình trạng các xe dừng đỗ, đi “rùa bò” đón trả khách xảy ra liên tục, bất chấp tại đây có nhân viên bệnh viện dùng loa nhắc nhở, đẩy đuổi cũng như hệ thống biển cấm, camera phạt nguội.

Khi bị xử phạt, đa số tài xế đều cho rằng, do khu vực đón trả khách bên trong cổng viện bị quá tải, dẫn tới hàng xe xếp hàng chờ quá lâu, nên… đành vi phạm.

“Tôi định đi vào chỗ cho dừng thì lại không có chỗ nữa. Lúc ấy xe đang đông thì người ta bảo đi ra ngoài đi vì đang tắc. Mà ở ngoài thì không biết gửi chỗ nào, bình thường mới lên lần đầu thì chịu.

“Tôi trả khách ở bệnh viện. Nhưng lúc ấy quá đông, nên bắt buộc tôi phải thả khách để thoát xe tôi ra. Chứ không phải lỗi cố tình”

Tương tự là khu vực trước cổng viện Trung ương Quân đội 108, một tài xế hãng G7 thẳng thừng cho biết, biên bản xử phạt 500 nghìn đồng cũng không ngăn được anh này tiếp tục đón trả khách sai quy định tại đây.

“Các anh lập biên bản, bọn em vẫn chấp nhận thôi. Em sai mà, chứ em có nói em đúng đâu. Cuộc sống thì vẫn phải đón khách thôi, biết là sai mà làm được gì đâu. Bây giờ cho bọn em vào viện thì bọn em dừng đỗ ở ngoài làm gì”.

Taxi ngang nhiên đón khách trước biển cấm dừng đỗ
Taxi ngang nhiên đón khách trước biển cấm dừng đỗ tại cổng bệnh viện 108

Trao đổi với phóng viên, các đội CSGT địa bàn đều khẳng định, từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với lực lượng công an phường, thanh tra giao thông kiên quyết xử phạt hàng trăm trường hợp dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, gây lộn xộn trước cổng bệnh viện. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế nhu cầu có thật của người dân, cùng những bất cập về hạ tầng giao thông tĩnh, tình trạng này vẫn diễn ra dai dẳng. Việc xử phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Trung tá Trần Văn Công – Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 – chia sẻ:

“Cổng bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng ra vào rất lớn. Khi bệnh nhân tới viện, trước cổng viện không có điểm dừng đỗ để trả người xuống phương tiện. Đặc biệt, viện không bố trí hết được chỗ cho các phương tiện vào đón, trả khách trong đó”.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến – Tổ trưởng tổ xử lý Đội CSGT số 1 – nêu những bất cập:

“Khu vực cổng viện 108 1B Trần Hưng Đạo, chúng tôi đã có đề xuất. Cụ thể, điều chỉnh 2 bến xe buýt đối diện nhau trên cùng một tuyến đường rất hẹp, hai chiều ngay sát cổng viện. Bất cập nữa là không bố trí được điểm dùng đỗ cho xe taxi, xe dịch vụ đón trả khách. Đây là nhu cầu thiết yếu rất lớn. Dẫn tới việc CSGT phải căng mình để đảm bảo hoạt động đi lại của nhân dân”.

Đại diện bệnh viện Bạch Mai và 108 đều cho rằng, đã phối hợp rất tích cực với công an địa phương, thanh tra giao thông để ổn định trật tự giao thông trước cổng viện. Các bệnh viện thừa nhận đã hết quỹ đất để cho xe taxi, xe dịch vụ chở người ra vào đón trả khách bên trong khuôn viên bệnh viện.

Một số phương án tổ chức giao thông cho xe cấp cứu, chở người cao tuổi, người khuyết tật ra vào viện cũng có lúc gặp khó khăn trong giờ cao điểm khi lượng xe vượt quá sức chứa tại khu vực mà các bệnh viện sắp xếp.

Các bệnh viện khẳng định, trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, ATGT bên ngoài cổng viện thuộc các lực lượng chức năng bên ngoài. Về đề xuất tạo một lối vào và ra thông suốt bên trong viện cho xe ô tô là không thể vì sẽ gây tình trạng lộn xộn, tranh giành khách, thiếu an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Thực tế, cách đây vài năm, VOV Giao thông từng đặt câu hỏi với Sở GTVT Hà Nội về tình trạng thiếu hụt các điểm dừng đỗ cho xe taxi, đặc biệt xung quanh bệnh viện. Một cán bộ Phòng quản lý kết cấu hạ tầng cho biết, đang trong quá trình nghiên cứu những vị trí phù hợp để đề xuất cắm biển. Tuy nhiên, sau 3 năm, Hà Nội hiện mới thí điểm 6 điểm taxi đón trả khách không quá 2 phút. Đặc biệt, rất ít điểm trong số này phát huy hiệu quả.

Taxi ngang nhiên đón khách trước biển cấm dừng đỗ
Việc xử phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề

Bày tỏ quan điểm với VOV Giao thông, Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội nói, vấn đề này phụ thuộc vào quỹ đất của thành phố và của các bệnh viện, bệnh viện lớn thì có quỹ đất để cho xe taxi vào dừng đỗ, nhưng bệnh viện nhỏ thì không.

“Thành phố Hà Nội đang giao cho Hiệp hội taxi Hà Nội khảo sát các điểm đỗ. Tới đây chúng tôi cũng sẽ đề xuất với thành phố về các trạm dừng không quá 2 phút cho xe taxi. Chúng tôi cũng đang đề nghị các bệnh viện, dù lớn hay nhỏ, thì cũng bố trí một số vị trí để xe taxi được đỗ để phục vụ cho chính bệnh nhân của họ”.

Ông Nguyễn Công Hùng cũng lưu ý, các bệnh viện nên chọn lựa những doanh nghiệp lớn, uy tín để vào phục vụ trong bệnh viện, người dân. Tránh cho bệnh nhân khi ra viện thì phải ra tận ngoài đường, bắt phải “xe dù” và thiệt hại về sức khỏe, kinh tế.

Theo chuyên gia giao thông Phan lê Bình, đây là vấn đề chung, vì lợi ích của nhân dân, nên không thể “đá quả bóng trách nhiệm” giữa các bên liên quan. Việc các bệnh viện không đáp ứng được nhu cầu người dân đi taxi đến khám chữa bệnh là đi ngược với xu thế của thế giới. Lực lượng chức năng thiếu chú trọng đến các điểm đỗ xe cho taxi cũng thể hiện việc thiếu ưu tiên cho nhóm người yếu thế đi phương tiện công cộng.

“Ở đây thiếu tư duy rất căn bản, đó là phải dành ưu tiên cao nhất cho bệnh nhân, những người rất yếu thế về giao thông chứ không phải là ưu tiên cho những người đi xe ô tô. Chúng ta thấy thiếu các điểm đỗ xe dành cho taxi gần các bệnh viện. Chúng ta cũng thấy vẫn tồn tại những diện tích đỗ xe ô tô chứ không phải taxi xung quanh các khu vực bệnh viện đó".

Trong khi đó, Chuyên gia đô thị, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, quy hoạch di dời các bệnh viện ra khỏi nội đô Hà Nội đang được thực hiện một cách nửa vời. Việc mở thêm và nâng cao chất lượng bệnh viện cơ sở ngoại ô để “chia lửa” cho các cơ sở bị quá tải cũng chưa mang lại hiệu quả.

“Các bệnh viện hiện nay phải “biên tập” lại, vì chúng ta đang không theo tầm bậc. Các quận phải nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế quận. Cấp cứu tức thời thì có trạm y tế, có phòng khám đa khoa, còn lại bệnh viện thì chuyển khỏi nội đô”.

Mời quý vị cùng đến với góc nhìn của VOVGT về vấn đề này qua bài bình luận: “Bán xe đổi biển và những hệ lụy”
Nếu có bàn tay của các nhà quản lý, nhà tổ chức giao thông, việc hành khách lên xe taxi chắc chắn sẽ trở nên bớt lộn xộn và trật tự hơn, thay vì sự hỗn loạn như hiện nay.

Dưới đây là góc nhìn của VOVGT về vấn đề này qua bài bình luận: "Điểm đỗ taxi gần bệnh viện: Sao khó thế!?”

Quan sát thực tế trước cổng một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, có thể nhận ra một nghịch lý. Người dân, người bệnh, nhóm người yếu thế có nhu cầu, phải ra tận cổng viện tìm taxi. Còn tài xế taxi bất chấp biển cấm, camera phạt nguội, thậm chí biên bản xử phạt hành chính, để chờ bắt khách.

Nghịch lý này, đáng buồn thay, lại là tất yếu. Bởi lẽ, cung và cầu đã gặp nhau. Tuy nhiên, nếu có bàn tay của các nhà quản lý, nhà tổ chức giao thông, việc hành khách lên xe taxi chắc chắn sẽ trở nên bớt lộn xộn và trật tự hơn, thay vì sự hỗn loạn như hiện nay.

Đề án thí điểm “điểm taxi đón trả khách không quá 2 phút” đã được Hà Nội triển khai 3 năm nay, nhưng không đem lại hiệu quả. Những điểm này thường xuyên bị xe cá nhân, xe hợp đồng lấn chiếm, vô hiệu hóa công năng.

Ngay cả khi được nhân rộng lên 65 điểm như dự kiến trong năm 2020, nó vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh Thủ đô hiện có hàng chục nghìn taxi.

Không phủ nhận, tỉ lệ giao thông tĩnh mới đạt 4-6% quỹ đất ở Hà Nội, không gian các bệnh viện cũng hết sức chật chội. Nhưng nếu tinh ý, có thể nhận ra, muốn tìm một chỗ gửi ô tô ở Hà Nội lại… không khó, kể cả khu vực gần bệnh viện. Những bãi xe “lậu” không phép, theo một cách nào đó, vẫn sinh sôi, nảy nở và tồn tại.

Câu hỏi đặt ra: chính sách của chúng ta đang dành ưu tiên cho ai? Chúng ta đã tận dụng triệt để quỹ đất trống, dự án treo vì mục đích công cộng? Chúng ta có sẵn sàng giảm bớt các điểm trông giữ xe dưới lòng đường để nhường chỗ cho các điểm dừng, chờ dành cho phương tiện công cộng?

Chúng ta đang khuyến khích người bệnh và người nhà của họ đến viện bằng taxi, nhưng lại không tạo ra sự thoải mái, tiện ích từ việc sử dụng dịch vụ đó, còn cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn đi làm bằng phương tiện cá nhân!?

Những bệnh viện hướng tới cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn khách sạn, họ đã tính đến việc dành một phần diện tích trong dự án cho tổ chức giao thông, đặc biệt là taxi? Hay sẽ nhường cho các hạ tầng dịch vụ sinh lời khác?

Rất nhiều thắc mắc và cũng có rất nhiều lời giải. Nhưng có lẽ, đáp án chuẩn xác nhất phải xuất phát từ sự chia sẻ, “hy sinh” từ tất cả các bên, vì một mục tiêu duy nhất là lợi ích cộng đồng.

Các nhà quản lý cũng nên thay đổi tư duy, góc nhìn về taxi, một phương tiện chuyên chở người khối lượng lớn, được người dân đặc biệt yêu thích vì tính tiện dụng. Chúng xứng đáng được nhìn nhận, ưu tiên và hưởng những chính sách tương tự phương tiện công cộng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //