Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Con đường mùa xuân trên những rẻo cao

Phóng viên - 07/02/2020 | 6:20 (GTM + 7)

Hạnh phúc giản dị lắm, chỉ là một con đường được làm mới kéo lên tận thôn, tận bản. Bởi lẽ, giao thông phát triển, đồng nghĩa với kinh tế - xã hội địa phương khởi sắc theo.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đường vào Lủng Chư xa xôi và khúc khuỷu

“Trời mưa thì đường khó đi, xe máy không đi được mà đa số chỉ đi bộ thôi. Vào đây mất khoảng 2 tiếng. Các em đi học thì khó khăn. Sáng chủ nhật là học sinh lên trường chính. Còn một số điểm trường thì học sinh vẫn học tại xóm” - Vừa siết chặt tay lái chiếc xe wave lọc xọc, bám đầy bùn đất, vượt qua những ổ voi, sống trâu, gồng mình tập trung cho những cú bẻ cua sát vực thẳm, thầy giáo Lê Duy Kiên vừa kể chuyện dạy học ở Thượng Phùng, miền biên viễn của Hà Giang.

Chốc chốc, vượt qua một thung lũng, lại có vài đứa trẻ cắt cỏ bên đường đứng khoanh tay “chào thầy ạ” khi thấy chiếc xe wave lạch bạch chạy qua. Thầy Lê Duy Kiên quê Vĩnh Phúc, về Hà Giang công tác từ năm 1994, thấm thoát đã 15 năm dạy học ở Thượng Phùng. Do địa lý cách trở, 2 vợ chồng thầy hiện đều dạy ở vùng cao này, còn 2 con gửi ở quê nhờ ông bà chăm.

Con duong mua xuan tren nhung reo cao
Giao thông khó khăn vẫn là thách thức với các tỉnh miền núi

Khi được chúng tôi hỏi, điều gì là trở ngại lớn nhất với cuộc sống nơi đây? Thầy Lê Duy Kiên không chút ngập ngừng chia sẻ: “Đó là đường sá đi lại!”. Bản thân thầy luôn phải “thủ” sẵn bơm, vá săm trong cốp xe, bởi muốn xuống điểm trường Lủng Chư dạy học, phải chạy xe đường đất quanh co, lại nhiều đá lở từ núi xuống.

“Mình vừa thay nhông xích ở thị trấn, vào đây còn bị tụt ngang đường. Lúc nào trong cốp cũng phải có bơm là 1, săm là 2, bộ móc lốp là 3”, thầy Kiên nói.

Nhưng hỏng xe vẫn chưa phải thử thách lớn với thầy Lê Duy Kiên và những người dân nơi đây. Đáng sợ nhất là sơ sẩy để bị ngã, hậu quả vô cùng khó lường. Không ít trường hợp từng ngã gãy chân, hoặc để xe máy rơi tan xác dưới vực thẳm…

Thượng Phùng là một trong ba xã biên giới của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện Mèo Vạc chừng 40 cây số. Vài năm về trước, đường vào Thượng Phùng hầu hết là đường đất, chỉ đi được bằng xe máy vào mùa nắng. Còn ngày mưa, đến đi bộ cũng là một hoạt động mà nhiều người cho rằng “mang tính chất mạo hiểm”.

Theo khảo sát thực địa của phóng viên VOV Giao thông, cách trở dường vậy, đất ở vùng này lại là núi đá vôi, có độ dốc lớn, không thích hợp với canh tác nông nghiệp. Cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết khí hậu, khan hiếm nước sinh hoạt khiến đời sống kinh tế của bà con đồng bào “khổ càng thêm khổ”.

Ông Thân Thế Cảnh, Phó Bí Thư Đảng ủy xã Thượng Phùng chia sẻ: “Nếu nói về phát triển kinh tế thì đường xá đi lại khó khăn ảnh hưởng rất nhiều. Bà con sản xuất được nông sản thì cũng không thể mang đi làm hàng hóa được. Để các cháu đi học thì đường sá đi lại khó khăn. Dân trí thấp nên kinh tế không phát triển được”.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ Trung ương, xã Thượng Phùng đã có chiến lược tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhất là đường nông thôn. Dù quá trình thực hiện còn không ít vướng mắc, song chính quyền xã hạ quyết tâm làm bằng được. Bởi theo chia sẻ của ông Cảnh, đó không chỉ là những con đường liên thôn, liên bản mà còn là con đường dẫn đến cuộc sống mới của bà con. 

“Nói về đường giao thông nông thôn hiện nay để bê tông hóa thì có các chương trình hỗ trợ, ví dụ như 1 triệu tấn xi-măng của tỉnh ủy Hà Giang đã hỗ trợ. Có thuận lợi là nhà nước đã hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30%. Mà làm đường nông thôn này thì mới phát triển được", ông Cảnh cho biết thêm.

Một phần các tuyến đường ở Mèo Vạc đã được bê tông hóa giúp cải thiện đời sống của bà con
Một phần các tuyến đường ở Mèo Vạc đã được bê tông hóa giúp cải thiện đời sống của bà con

Thầy giáo Lù Văn Bằng, người dân tộc Nùng, hiện đang công tác tại điểm trường tiểu học Lủng Chư 1 và Lủng Chư 2 thuộc xã Thượng Phùng. Tâm sự với chúng tôi, anh bảo, sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, nên anh chứng kiến sự tác động rất rõ từ việc làm đường nông thôn. Trước kia, tình trạng học sinh nghỉ học, thậm chí là bỏ học xảy ra rất phổ biến. Ngoài nguyên nhân do kinh tế gia đình khó khăn, một lý do quan trọng khác khiến các em ít tha thiết với việc học do đường xá không thuận lợi, nhất là khi mưa gió khiến việc đi học quá vất vả.

Thầy Bằng tâm sự: “Năm xưa thì rất là khó khăn. 2,3 năm nay, được chế độ chính sách là làm nông thôn mới hết, nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân góp sức đi làm nên đường bê tông rải gần hết, còn 1 số chỗ là khó khăn chút thôi.”

Phát triển giao thông, xóa đói giảm nghèo

Công tác tại huyện Mèo Vạc từ năm 2004, ông Vũ Đình Trọng, Phó chánh văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chia sẻ, bản thân ông cũng cảm nhận được nhiều thay đổi. Hiện Mèo Vạc đã đổ bê tông được hơn 250 km đường, mở mới 160km, nâng cấp hơn 203km đường từ thôn lên thôn: “So với trước đây, bộ mặt nông thôn khác rất nhiều. Năm 2004, cơ bản chỉ là đường đất thôi. Nhưng đến nay đã đạt gần 50%. Các thôn cơ bản đã có đường bê tông. 100% số thôn đã có đường đi lại mặc dù là đường đi xe máy nhưng cũng đã đi lại được đến trung tâm rồi”

Ông Vũ Đình Trọng phân tích: Giao thông nông thôn có vai trò hết sức đặc biệt, có chức năng kết nối từ các nhóm hộ, các thôn, xã đến hệ thống giao thông đường quốc lộ, tỉnh lộ, tạo ra “mạch máu” giao thông từ địa phương tới cơ sở, đem lại lợi ích hết sức thiết thực cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Về giáo dục, khi chưa có đường giao thông, các xã phải có các điểm trường riêng lẻ ở các thôn. Nhưng khi có đường rồi, việc đi học của các cháu hết sức thuận lợi cho gia đình cũng như nhà trường. Điều này giúp cho huyện giảm được số biên chế về giáo viên đứng lớp tại các điểm trường.

Giao thông phát triển tạo điều kiện cho giáo dục và mọi mặt đời sống phát triển theo
Giao thông phát triển tạo điều kiện cho giáo dục và mọi mặt đời sống phát triển theo

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Sơn – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết, thay đổi về giao thông giúp người dân tiếp cận gần hơn với các dịch vụ xã hội, hỗ trợ về sản xuất, lưu thông, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông nghiệp dịch vụ do chính người dân sản xuất, xóa bỏ tình trạng tự cung tự cấp: “Chúng tôi sản xuất được đặc sản quý như thảo quả nhưng không bán được thì thảo quả ở lại trong rừng thôi không thành sản phẩm đem cho xã hội. Vì vậy khi bê tông hóa các tuyến đường vào tận trong thôn xóm bản như vậy thì sản phẩm của chúng tôi đã đến được tay người tiêu dùng với giá hợp lý và chất lượng bảo đảm”

Theo ông Trần Ngọc Sơn, tính đến hết năm 2019, 100% số xã phường tại Lào Cai đã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông. 98% số thôn bản có đường đi lại thuận lợi với 500km đường thôn (xóm) được kiên cố, cứng hóa. Có được kết quả tích cực này, ngoài sự quan tâm đầu tư của nhà nước, còn có sự đóng góp và ủng hộ của nhân dân, đồng bào địa phương: 

“Những việc xây dựng đường giao thông nông thôn, không phải chỉ là công việc nữa mà khi làm đến tuyến đường nào đó của thôn xã thì trở thành ngày hội của người dân. Người ta nô nức đi để làm những tuyến đường phục vụ cho chính bản thân mình. Vùng cao không khó khăn để vận động người dân làm đường đâu. Người ta tự nguyện hiến đất làm đường, tự tham gia, tự bỏ công sức, vận động chính quyền nên quy hoạch tuyến đường đó vào thôn bản cho người ta”

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch hiệp hội vận tải Việt Nam đánh giá cao sự thay đổi của bộ mặt giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian gần đây. Nhiều huyện miền núi không khác gì miền xuôi, tất cả là nhờ có giao thông: “Hoàn toàn thay đổi diện mạo. Những người cách đây 20-30 năm đi lên những vùng đó, giờ quay lại thì không tưởng tượng được.  Hệ thống đường huyện, đường xã cơ bản đã hình thành được. Cơ bản xóa được việc đi đến vùng sâu, vùng xa bằng đi bộ, đi ngựa. Giờ ô tô đến được tận nơi. Từ đấy tạo điều kiện cho nâng cao đời sống người dân”   

Xuân này, các em nhỏ trường mầm non Thượng Phùng cũng như các xã khác ở Mèo Vạc đã đỡ đi phần nào vất vả đường đến trường
Xuân này, các em nhỏ trường mầm non Thượng Phùng cũng như các xã khác ở Mèo Vạc đã đỡ đi phần nào vất vả trên đường đến trường

Trò chuyện cùng VOV Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh dẫn báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010-2020 đã cho kết quả khá toàn diện. Cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa hơn 345 nghìn km đường, hơn 30 nghìn cầu; Giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; Tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ gần 38 % năm 2010 lên gần 70%  năm 2019.

Nhờ phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn, bộ mặt nông thôn, đặc biệt các xã miền núi đã có sự chuyển biến tích cực. Trong 10 năm từ 2008 đến 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng 3,5 lần từ 9,1 triệu đồng/năm lên 32 triệu đồng/năm.

Nhìn từ huyện Mèo Vạc và các địa phương khác trên cả nước, có thể khẳng định: Phát triển giao thông vùng cao – Lợi đủ đường!

Tết này với đồng bào ở Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang), không chỉ có cành đào, bánh chưng xanh, điệu múa khèn rộn rã, mà niềm vui đón xuân mới còn đến từ những con đường bê tông nối thôn này sang thôn khác. Chúng tôi gọi đó là những “Con đường mùa xuân”, bởi chúng chở theo những ước mơ đổi đời, ước mơ thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn vùng cao.

Hy vọng rằng, sắc xuân với khí thế mới, vận hội mới, sẽ trải đầy trên những cung đường ở tận vùng sâu, vùng xa, miền biên viễn của Tổ quốc. 
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //