Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chứng chỉ không có lỗi

Phóng viên - 13/06/2021 | 9:06 (GTM + 7)

Ở những vị trí làm việc khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau, không nhất thiết tất cả phải biết tin học, ngoại ngữ. Chưa kể, yêu cầu cơ bản như chứng chỉ đặt ra, hầu hết đã được học từ phổ thông và đại học.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bộ Nội vụ mới đây đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Nguyên nhân bởi nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

Đây là tín hiệu tích cực trong việc giảm những giấy tờ mang tính hình thức nhằm “làm khó” người lao động, đồng thời việc tồn tại những bất cập này một thời gian dài cho thấy: chứng chỉ chưa được xem trọng đúng mực.

 

Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp (Ảnh minh họa)

Anh C.H, phóng viên một tờ báo chuyên về giới trẻ ở Hà Nội, rất hoan nghênh đề xuất bãi bỏ việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng viên chức.

Lý do khá đơn giản, ở những vị trí làm việc khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau, không nhất thiết tất cả phải biết tin học, ngoại ngữ. Chưa kể, yêu cầu cơ bản như chứng chỉ đặt ra, hầu hết đã được học từ trong ghế nhà trường phổ thông và đại học.

“Trong quá trình học, tôi cũng đã được thực hiện cấp những chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng anh. Đến khi làm việc thì tôi thấy việc cấp lại một lần nữa những chứng chỉ đấy thì tôi thấy không thật sự cần thiết. Đó cũng là một cái tôi thấy còn rườm rà, mang tính thủ tục”.

Ngược lại, có những chứng chỉ đào tạo không bắt buộc như MC, dẫn chương trình, anh C.H thấy rất cần thiết. Do đó, theo anh, nên bỏ những chứng chỉ không phù hợp, thiếu thực tiễn, hoặc chuyển từ bắt buộc phải có sang dạng chứng chỉ bổ trợ.

Trong khi đó, công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm, lương hơn 5 triệu đồng/tháng, anh H.H.T phải bỏ ra một số tiền bằng nửa tháng lương để đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Anh T. đang là giáo viên THPT hạng III nên cần lấy chứng chỉ hạng III để giữ hạng. Nếu sau này có cơ hội lên hạng II, anh cần đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II tương ứng.

“Khi mà mình đang ở hạng III mà mình muốn lên hạng II, lên lương thì mình phải đi học. Cứ đến đợt mà có kỳ thi của Sở hoặc của Thành phố thì sẽ có công văn về trường để những ai đăng ký thi thì họ sẽ xét dựa trên bộ tiêu chí xem mình có đủ điều kiện không. Nếu mình đủ điều kiện rồi thì sẽ được thi và thi chung của thành phố luôn, vừa rồi là phải thi tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ thăng hạng giáo viên”

Anh T nói, thời gian học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp diễn ra cũng hết sức “nhẹ nhàng”: học vào các ngày cuối tuần, thời gian học cả ngày, trong vòng 2 tuần. Trong quá trình học, nếu bận, người học có thể được tạo điều kiện, nghỉ 1-2 buổi.  Hầu hết các chương trình được học anh đều đã biết, không có gì mới, cập nhật.

Cũng theo anh T, thực tế, sau 4 năm học đại học, có những người làm việc đúng chuyên môn 30 - 40 năm, thậm chí có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành và đang giữ chức vụ trưởng/phó phòng nhưng lại bắt buộc phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Điều này rất phi lý, thậm chí coi thường các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng, bỏ qua kiến thức và kinh nghiệm làm việc của viên chức:

“Ngày trước cũng có đợt người ta yêu cầu phải học để bằng với đội ngũ mới vào, thế nhưng các giáo viên mới phản bác lại. Ví dụ bây giờ tôi 50 tuổi mà lại yêu cầu tôi như một người 22 tuổi mới ra trường thì nó không đúng, thứ hai là trình độ khác nhau. Mới ra trường thì học, kiến thức còn mới, còn những  người đã học lâu, những người già thì làm sao người ta có thể tiếp thu được về ngoại ngữ, tin học như những người mới. Mà nó bị lệch về mặt kiến thức, ví dụ người nhiều tuổi hơn chắc chắn khối lượng kiến thức và phương pháp giảng dạy sẽ nhiều hơn so với người mới ra trường nên là lấy chứng chỉ ra để đánh giá là không đúng”

Cán bộ công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Cán bộ công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với VOV Giao thông, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng, nguyên nhân căn bản dẫn tới bức xúc của một số viên chức, công chức về một vài chứng chỉ là do hiện nay, các quy định, văn bản “đang bị ngược”.

“Ví dụ như giáo dục, tiêu chuẩn chương trình bồi dưỡng năm 2016, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì đầu 2019, 2020 bắt đầu lại ban hành. Khi tiêu chuẩn ban hành nhưng vẫn yêu cầu sử dụng các chương trình cũ thì là sai rồi. Nó sai ở chỗ, người giáo viên người ta làm công việc dạy học nhưng mình lại đưa lồng ghép các nội dung như là người cán bộ quản lý trong nhà trường. Như vậy là không đúng”

TS.Hoàng Ngọc Vinh cũng khẳng định, yêu cầu phải học có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là chuyện cách đây hàng thập kỷ vì khi đó, đây là những nội dung lạ lẫm cần phải đưa vào chương trình. Nhưng hiện nay, ai cũng có thể tự học, tự trau dồi kỹ năng đó. Vì vậy, không chỉ bỏ các chứng chỉ bắt buộc dạng này, các Bộ ngành cần tổng rà soát lại các quy định, văn bản đề phù hợp hơn với thực tiễn.

“Nếu chạy theo một cách cực đoan, bỏ hết tất cả các chứng chỉ thì bản thân chứng chỉ không có lỗi, là do chúng ta thiết kế các vị trí tiêu chuẩn, vị trí việc làm không chuẩn. Thành ra phải chấn chỉnh đồng bộ, không phải trên hình thức văn bản mà còn cả cách làm. Kể cả việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp rồi thì xây dựng chương trình bồi dưỡng gắn cho nó”

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc loại bỏ các chứng chỉ cũng cần áp dụng đối với từng đối tượng phù hợp. Bởi nếu quy định thiếu tính thực tiễn sẽ phát sinh tiêu cực mua-bán chứng chỉ.

“Việc quy định cho những người đang là cán bộ, công chức, viên chức 40, 50 tuổi thi bằng ngoại ngữ, tin học để đáp ứng cái này, đáp ứng cái kia thì đây là một quy định rất là hình thức. Trong một thời gian dài đã mua được sự giả dối trong xã hội, cuối cùng chỉ là chạy bằng, chạy để lên lương, lên ngạch”

Ở góc nhìn khác, giảng viên báo chí Nguyễn Cao Cường cho rằng, chứng chỉ rất cần thiết trong thực tiễn đời sống. Không thể vì một vài loại chứng chỉ lỗi thời mà phủ định chứng chỉ.

“Những ý kiến phàn nàn hay phản đối câu chuyện chứng chỉ, họ đều nhìn ở góc độ chứng chỉ đó đang gây phiền phức, không phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan cần thanh kiểm tra xem nó còn phù hợp với thực tiễn hay không. Nếu không hoặc bị thực tiễn bỏ xa thì chỉnh sửa. Đó là điều rất bình thường. Và chúng ta không thể quy chụp chung cho tất cả chứng chỉ khác”

Ông Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh, chứng chỉ nghiệp vụ là yêu cầu bắt buộc trong hệ thống quản lý nhà nước về viên chức, công chức. Và trong khối nhà nước cũng có các công cụ quản lý hiệu quả công việc (KPI) mà một số loại chứng chỉ nằm trong công cụ đó. Chứng chỉ sẽ rất hữu ích với người thực sự cần nó.

Việc loại bỏ các chứng chỉ cũng cần áp dụng đối với từng đối tượng phù hợp.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Chứng chỉ không có lỗi".

Bên cạnh đề xuất thiết thực của Bộ Nội vụ bỏ hẳn những chứng chỉ rườm rà, hình thức, một số Bộ, ngành cũng có động thái tương tự.

Bộ Nông nghiệp không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bộ Thông tin Truyền thông đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên. Bộ GD-ĐT cũng từng kiến nghị theo hướng chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, thực tiễn tinh giản, sửa đổi các quy định “cứng” về chứng chỉ nghiệp vụ đã buộc các cơ quan quản lý phải thay đổi. Vấn đề là từ đề xuất đến thực hiện liệu có kịp thời, “gỡ thế khó” cho viên chức?

Đối tượng cần bàn ở đây cũng chính là người thiết kế, áp dụng chứng chỉ. Cần khẳng định, về bản chất, chứng chỉ không có lỗi. Nó được sinh ra để quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, nó là bảo chứng cho người được cấp về khả năng hành nghề.

Hãy thử tưởng tượng một ngày thế giới không còn chứng chỉ: Ai cũng có thể hành nghề bác sĩ và có thể “nhỡ tay” gây chết người, ai cũng có thể bán đồ ăn và nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc hàng loạt!

Chúng ta đang ứng xử với chứng chỉ không đúng mực. Tại sao một người có chứng chỉ tin học nhưng vẫn phải nhờ nhân viên phòng kế toán chỉnh sửa bảng kê năng suất cá nhân? Do đâu một người lấy được chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B nhưng không thể khai thác thông tin cơ bản trên website nước ngoài?

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các loại chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác. Người học xem nhẹ, còn người hậu kiểm cũng thờ ơ.

Việc coi những chứng chỉ này như một công đoạn hợp thức hồ sơ, học không thực chất, thậm chí mua bán tràn lan, đã dẫn tới việc chứng chỉ vô hiệu về mặt thực tiễn nghiệp vụ. Công việc của một người, nay phải nhờ 2 tới 3 người tham gia để hoàn thành, dù cả 3 người đều bằng cấp, chứng chỉ đủ cả, và dĩ nhiên, được nâng ngạch, nâng lương vẫn đều đặn.

Cũng có nhiều trường hợp bị chậm trễ thăng tiến do không biết thông tin hoặc không được cử đi học các lớp bồi dưỡng dạng này dù năng lực đã được khẳng định qua thực tiễn công việc. Vô hình chung, chứng chỉ được bàn tay nào đó thao túng, tạo ra “rào cản kỹ thuật” đối với người có thực tài, có năng lực để vươn tới vị trí việc làm tương xứng.

Có nhiều giáo viên giỏi mãi mãi không có cơ hội làm “giáo viên cao cấp”. Có nhiều phóng viên giỏi không hề ham hố chức danh “phóng viên hạng I” hay “phóng viên chính”, thậm chí không cần tốt nghiệp khoa báo. Đó là thực tế phũ phàng, thể hiện rõ nhất cách chứng chỉ đang được ứng xử ra sao.

Nếu chứng chỉ được coi trọng, được thiết kế và quản lý sát với thực tiễn, cán bộ thiết kế chứng chỉ có hiểu biết, phân tích về nghề nghiệp, vị trí việc làm chuyên nghiệp, khoa học, có sự kết hợp với chính người sử dụng lao động ở vị trí đó, khi ấy, chúng ta mới có được hệ thống chứng chỉ mà các học viên sẽ mong mỏi nộp đơn đi học, thay vì những cái nhăn mặt, thể hiện sự chán chường, phiền toái.

Chứng chỉ cần được trả lại ý nghĩa, giá trị thực chất./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc: Cần phát huy tốt hiệu ứng từ xử lý nồng độ cồn

Xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc: Cần phát huy tốt hiệu ứng từ xử lý nồng độ cồn

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc đường bộ nước ta, mới đây lực lượng cảnh sát giao thông cho biết sẽ tăng cường tuần tra và xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm tốc độ khi lưu thông trên đường cao tốc.

Giá vé máy bay tăng trần, ngành du lịch tăng khó khăn

Giá vé máy bay tăng trần, ngành du lịch tăng khó khăn

Từ ngày 1/3/2024, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với trước đây, tương đương tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng một vé một chiều. Việc tăng giá này là để bù đắp phần nào chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi thời gian qua.

Kiểm soát tốc độ 24/24h để tránh tai nạn trên cao tốc

Kiểm soát tốc độ 24/24h để tránh tai nạn trên cao tốc

Gần đây trên các phương tiện truyền thông liên tục thông tin tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc Bắc – Nam, gây thương vong về người, hư hại phương tiện nghiêm trọng. Và hiện còn nhiều bất cập trên cao tốc cũng gây ra hiểm họa tiềm ẩn dẫn đến tai nạn.

Hương bưởi thơm cho bộ hành bối rối

Hương bưởi thơm cho bộ hành bối rối

Dạo phố mùa tháng Hai, tháng Ba, chúng ta không khỏi bối rối khi bắt gặp một mùi hương nồng nàn, quen thuộc trên phố. Đó là hương thơm của hoa bưởi, trên những chiếc xe đạp chở hoa được bán dạo nhiều trên một số con phố của Hà Nội như khu vực phố cổ, phố Xã Đàn, Láng Hạ, Lê Duẩn...

Báo chí phải là Diễn đàn để phát huy dân chủ, những giá trị văn hóa, tiến bộ

Báo chí phải là Diễn đàn để phát huy dân chủ, những giá trị văn hóa, tiến bộ

Sáng nay (15/3) tại TP.HCM, diễn ra lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.

Tân Cảng Sài Gòn lần thứ 2 nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Tân Cảng Sài Gòn lần thứ 2 nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Với những đóng góp quan trọng trong 35 năm qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã vinh dự được Đảng và Nhà Nước lần thứ 2 trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Bước đầu tổ chức lại giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng

Bước đầu tổ chức lại giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng

Chưa đầy 1 tháng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nền về người và tài sản.

// //