Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn 5 năm: Cần cân nhắc kỹ

Phóng viên - 31/01/2021 | 14:25 (GTM + 7)

Như VOV Giao thông đã thông tin, trong Dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi quy định việc thi đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh 5 năm một lần, nhằm kiểm tra, sát hạch năng lực chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh.

Việc này giúp lựa chọn được đội ngũ nhân lực y tế có chất lượng, nâng cao chất lượng KCB, tuy nhiên, làm sao để tránh những tác động ngoài mong muốn? 

Quy định thi đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh 5 năm một lần là không cần thiết. Bởi lẽ “thi cử” sẽ gia tăng thêm thủ tục hành chính, gây áp lực và khó khăn cho bác sĩ và những người hành nghề khám chữa bệnh. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

"Quy định thi rất tốt, 5 năm phải thi lại để bắt buộc phải đào tạo lại, phải học. Thế nhưng việc đánh giá khách quan hết sức quan trọng, tức là việc tổ chức để đánh giá trình độ đó, mà việc đánh giá không có gì tốt hơn và khách quan hơn bằng máy và phải xây dựng một hệ thống câu hỏi chuẩn, chứ không cần bất cứ hội đồng nào".

"Tính tích cực là người nào muốn có chứng chỉ nghề thì phải liên tục cập nhật học hỏi, nhưng hướng tiêu cực là tạo thành áp lực cho những người cần chứng chỉ nghề, có thể sẽ sinh ra những tiêu cực và đây có phải là giấy phép con hay không?"

Vừa rồi là chia sẻ của một số bác sĩ về việc thi đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh 5 năm một lần được quy định trong Dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi do Bộ Y tế soạn thảo.

Theo bác sĩ Trần Văn Thiết, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, quy định thi đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh 5 năm một lần là không cần thiết. Bởi lẽ “thi cử” sẽ gia tăng thêm thủ tục hành chính, gây áp lực và khó khăn cho bác sĩ và những người hành nghề khám chữa bệnh. 

"Bất cập nhất là chứng chỉ hành nghề, đã học ngành y 6 năm ra trường là bác sĩ rồi, nhưng sau 18 tháng mới được công nhận người đấy mới được làm lĩnh vực gì và có được chứng chỉ là gần 8 năm và để làm được việc sẽ phải học thêm 2 năm nữa để có bằng chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ, như vậy mất 10 năm. Bây giờ cứ lúc lúc lại đi thi chứng chỉ thì đúng là vẽ ra phiền toái cho cán bộ y tế".

Lý giải vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu dựa trên việc xem xét về thủ tục hành chính, tức là dựa vào bằng cấp kèm theo giấy xác nhận thời gian thực hành tại cơ sở KCB. Quy định này sẽ giải quyết được những bất cập về sự chênh lệch trong chất lượng đào tạo nhân lực ngành y. 

"Học tập kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta phải tổ chức 1 kỳ thi quốc gia để kiểm tra người hành nghề có đảm bảo các điều kiện tối thiểu cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh hay không? VN đang là quốc gia duy nhất trên thế giới có chứng chỉ hành nghề vô thời hạn, kể từ khi ra trường có chứng chỉ hành nghề cho đến khi chết vẫn cứ hành nghề mà không cần biết người ta có đạt chuẩn khám chữa bệnh hay không, cho nên chứng chỉ phải có thời hạn. Từ thời hạn đấy có cơ sở xem xét lại người này có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ không".

Đồng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Anh Trí cho rằng việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là việc làm cần thiết, bởi lẽ các loại bằng cấp như: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...mới chỉ là điều kiện cần khẳng định trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, còn điều kiện đủ để được quyền hành nghề thì cần thiết phải trải qua kì sát hạch khác – kỳ thi cấp giấy phép hành nghề. 

"Lâu nay mình đánh đồng như thế này, anh học có trình độ kiến thức ra thì đương nhiên được khám chữa bệnh, cái đó không đúng, nó chỉ đúng trong trường hợp chiến tranh, còn bây gờ hội nhập thì phải làm khác. Quyền được khám chữa bệnh thì phải bổ sung thêm những khía cạnh khác không chỉ là kiến thức, đó là sự am hiểu về luật lệ, sự tuân thủ về chính sách, rồi đạo đức, tư cách...tất cả những cái đó thuộc về quyền được khám chữa bệnh".

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Anh Trí bày tỏ băn khoăn về cách thức tổ chức kì thi như thế nào để hạn chế sự phiền toái và tránh tiêu cực. Đồng thời, ông cũng đề xuất, đối với bác sĩ mới ra trường trong 10 năm đầu 5 năm thi cấp chứng chỉ 1 lần, sau đó 10 năm cấp lại 1 lần và sau 3 lần sát hạch thì chứng chỉ sẽ có thời hạn vĩnh viễn. 

Ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo, nguyên ĐBQH Nguyễn Văn Tiên cho rằng, việc tổ chức kì thi cấp chứng chỉ hành nghề là xu hướng tất yếu của thế giới. Thông qua các kì thi quốc gia, buộc những người hành nghề y không ngừng tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 

"Các bác sĩ đều có sứ mệnh như nhau, bác sĩ trường Y Hà Nội hay bác sĩ từ các trường khác đào tạo cùng trên một sân chơi, cùng chịu trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của người dân thì tất yếu phải qua một cái sàng thi tuyển xem có đáp ứng nhu cầu chung hay không. Và au 5 năm anh có tiếp tục học tập để phục vụ nghề hay không thì phải sang lọc và tiếp tục thi. Tôi nghĩ đây là điều tất yếu chugns ta phải làm để đảm bảo chất lượng đội ngũ cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân".

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề xuất chứng chỉ hành nghề có thời hạn của Bộ Y tế là vấn đề cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thích hợp trong lần sửa luật lần này, bởi điều kiện thực tế ở nước ta khác với quốc tế. 

"Chứng chỉ hành nghề thì đối tượng nào phải có chứng chỉ hành nghề, là ai. Ngoài ra trong nội dung này cần có đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh, cơ quan tổ chức thi hành đánh giá năng lực và cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh là ai, cơ quan nào, thời hạn... đây là nội dung cần được nghiên cứu xem xét sửa đổi trong dự thảo luật".

Việc sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề Khám chữa bệnh là cần thiết nhằm kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng được đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp “hậu kiểm” sau đào tạo, quan trọng hơn là có sự giám sát chất lượng “đầu vào” ngay từ khi đào tạo

Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh là một loại giấy phép hành nghề của những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng khám chữa bệnh và quyền được hành nghề của họ.

Ở lần sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này Bộ Y tế đang quyết tâm sàng lọc, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc “sát hạch” 5 năm một lần. Tuy nhiên dưới góc nhìn của VOVGT làm sao tránh những tiêu cực phát sinh cũng như giảm phiền hà từ các thủ tục này. 

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Sát hạch chứng chỉ hành nghề - Đừng cõng thêm thủ tục hành chính trong y tế”

Vấn đề “sát hạch” định kỳ đối với cán bộ, công chức là xu hướng tất yếu hiện nay và thực tế đã diễn ra nhiều năm nay ở các ngành nghề khác nhau, đặc biệt là đối với ngành y trên thế giới.

Bởi lẽ, nền y học thế giới không ngừng phát triển, các phương pháp mới, các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại không ngừng thay đổi, điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ y khoa phải không ngừng học hỏi, nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 80.000 bác sỹ đang làm việc. Trong những năm qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ý tế.

Tuy nhiên, trước tình trạng "trăm hoa đua nở" trong đào tào ngành y tại các trường từ công lập cho tới dân lập, dẫn đến chất lượng đào tạo có độ “vênh” khá xa giữa các trường. 

Trong khi đó, ở nước ta từ trước đến nay để được cấp Chứng chỉ hành nghề, bác sĩ y khoa (đào tạo 6 năm) chỉ cần thực hành thêm 18 tháng tại các cơ sở y tế. Còn y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên... sau khi đào tạo chỉ cần thực hành 9 tháng.

Đặc biệt, chứng chỉ này hiện có hiệu lực suốt đời sau khi được cấp mà hoàn toàn không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thực tế hay thông qua kỳ thi sát hạch nào như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. 

Vì lẽ đó, việc sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề Khám chữa bệnh là cần thiết nhằm kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng được đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp “hậu kiểm” sau đào tạo, quan trọng hơn là có sự giám sát chất lượng “đầu vào” ngay từ khi đào tạo.

Vì vậy, Bộ Y tế nên có quy hoạch trường y để vừa đảm bảo đào tạo đủ nguồn lực chất lượng, vừa tránh trường hợp khủng hoảng thừa như ngành sư phạm thời gian qua. 

Một vấn đề nữa là thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề cũng cần xem xét kỹ, không nên quy định “cứng” là 5 năm với chứng chỉ hành nghề kể từ khi cấp. Bởi, thực tiễn nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành với nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu thì không nhất thiết phải thi lại để cấp chứng chỉ hành nghề, vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần phải xây dựng phương án “sát hạch” sao cho đơn giản, thuận lợi, tránh biến thành những thủ tục xin - cho, giảm tối đa phiền hà và áp lực cho bác sĩ.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //