Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chống 'virus' clip độc hại trên mạng xã hội

Phóng viên - 19/10/2020 | 14:10 (GTM + 7)

Chúng ta cần coi clip nhảm, độc hại như một thứ “virus” gây bệnh cho tâm hồn. Ngoài những liều thuốc đặc trị là chế tài xử phạt thật nặng, cần vắc xin phòng bệnh – Đó chính là “giải độc tâm trí” cho những người tạo nội dung video.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Với chính sách cho kiếm tiền dựa trên lượt xem, Youtube đã thúc đẩy việc ra đời nhiều kênh video sáng tạo, bổ ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có mặt trái là làn sóng xuất hiện các video nhảm, độc hại, câu view nhan nhản trên nền tảng mạng xã hội này.

Một số youtuber được xem là thần tượng giới trẻ nhưng có nội dung không phù hợp, kiếm tiền bằng mọi giá dựa trên thông tin giật gân, nhảm nhí, gây sốc, ảnh hưởng xấu tới người xem.

Hình ảnh trong video nấu cháo gà còn nguyên lông gây bức xúc của Hưng Vlog.

Sau khi bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì video nấu cháo gà nguyên lông, youtuber Nguyễn Văn Hưng (con trai “bà Tân Vlog”) vẫn tiếp tục ra mắt video phản cảm khác là ăn trộm heo đất. Chỉ đến khi cơ quan chức năng tiếp tục xử phạt, và Youtube đơn phương xóa một kênh phụ, tắt tính năng kiếm tiền kênh chính của Nguyễn Văn Hưng, các video nhảm nhí tương tự mới có dấu hiệu dừng lại.

Trước đó, đầu năm 2019, một số "giang hồ mạng" như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… đăng tải video có nội dung bạo lực, cờ bạc, cổ xúy vi phạm pháp luật cũng đã bị dư luận và cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ.

Điểm chung là những chủ tài khoản này là bất chấp việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính để tìm mọi cách câu view, kiếm tiền và danh tiếng. Một số thính giả chia sẻ quan điểm:

“Nhiều lúc nghe xong em cũng thấy không được ổn cho lắm, đấy là đối với bản thân em, còn các em nhỏ em nghĩ rằng càng không tốt để tiếp cận các em như vậy”.

“Gặp các clip đó cảm giác rất khó chịu em sẽ ẩn nội dung đi hoặc báo cáo bài viết, video đó, hạn chế nội dung, không theo dõi kênh đó nữa, chặn kênh đó đi, nên chọn lọc những kênh nên xem”.

“Vẫn không hiểu tại sao người ta có thể làm ra những clip như vậy. Thực sự nó rất phản cảm và vô bổ. Không hiểu sao càng những clip nhảm như thế này thì càng được lên top youtube, được chia sẻ nhiều. Nếu trẻ em xem được, bắt chước theo thì sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Được biết, cơ chế chia sẻ doanh thu do Youtube quy định là người dùng cần đạt điều kiện trên 1.000 lượt theo dõi, tổng hơn 4.000 giờ xem video… Do đó, nhiều người chọn cách “đi tắt” bằng việc đưa ra những nội dung nhảm nhí nhưng gây sốc, gợi trí tò mò. Hưng Vlog với gần 3 triệu lượt theo dõi là ví dụ tiêu biểu.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường lý giải, vì sao các video nhảm nhí, độc hại lại xuất hiện nhiều và dễ dàng như vậy trên các nền tảng mạng xã hội:

“Chúng ta thấy rằng cái dở, cái xấu, cái độc hại bao giờ cũng có tính ma mị, cuốn hút và dễ dàng lan tỏa hơn rất nhiều so với điều tốt, đó là một thực tế. Chính vì vậy, những thứ tạo nên cảm giác ngược dòng, đi ngược với trào lưu thông tin chung thì sẽ tạo ra được hiệu ứng thu hút, thích thú của rất nhiều người”.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Cao Cường, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ sản xuất các clip độc lạ, mang nội dung sáng tạo tích cực. Thế nhưng sau một thời gian làm việc nghiêm túc, cũng bị cuốn theo các nội dung nhảm nhí để thu hút người xem hoặc thỏa mãn thị hiếu của một bộ phận khán giả.

Người sử dụng mạng internet cần “ứng xử” có trách nhiệm khi phát hiện clip xấu, độc
Người sử dụng mạng internet cần “ứng xử” có trách nhiệm khi phát hiện clip xấu, độc. Ảnh: Hà Nội mới

Bày tỏ quan điểm với VOV Giao thông, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung nêu thực tế, mạng xã hội hiện nay là kênh truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh mặt tích cực cũng có mặt trái: Nhiều video tự làm với nội dung về lối sống không đúng thuần phong mỹ tục, những cách ăn uống mất vệ sinh, thậm chí những vấn đề chính trị, trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cá biệt là những trường hợp tự xưng trong giới giang hồ, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh không phù hợp để quảng bá về bản thân nhằm kiếm lợi. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng xấu tới đời sống tinh thần cũng như văn hóa của người dân, nhất là trẻ em, đối tượng làm quen với công nghệ từ rất sớm. Lứa tuổi các em luôn có xu hướng tò mò những điều không hay, như những lời nói thô tục, thích những hành động côn đồ, mạo hiểm.

Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn, giáo dục, gia đình cần có biện pháp quản lý. Nếu các bậc phụ huynh lơ là, thiếu quan tâm thì các em sẽ tò mò và dễ bị chệch hướng.

“Các em mới lớn luôn muốn tiếp thu cái mới thì thường tìm những trang đó để nghe và học theo những cách nói năng, xưng hô thiếu văn hóa, không theo trật tự xã hội, dẫn đến những đảo lộn trong gia đình và ngoài xã hội”.

Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh, nhiều người vẫn nghĩ rằng, những clip nhảm nhí như vậy là vô hại. Song chính suy nghĩ đó lại vô tình cổ xúy cho những hành vi lệch lạc, phản cảm, trái với logic thông thường của đời sống, như: ăn cắp, hành hung, chế biến những món ăn vô bổ, mất vệ sinh, lãng phí. Đáng chú ý là người sản xuất những video này không để tâm tới tác động tiêu cực mà chỉ chú ý tới lợi nhuận mà nó đem lại.

“Về bản chất, đấy là những nguồn thu không chính đáng. Động cơ của người sản xuất không có tính chất hướng thiện. Trên thực tế là người ta đã làm ra những sản phẩm độc hại, có tác động tiêu cực đối với quá trình tiếp nhận sản phẩm truyền thông của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.”

Theo chuyên gia Trịnh Hòa Bình, người xem cần được trang bị kiến thức để tránh bị ảnh hưởng, tác động. Đấy là vấn đề cốt lõi song lại không dễ thực hiện và đòi hỏi thời gian dài mới có hiệu quả. Trong ngắn hạn, các cơ quan chức năng cần mạnh tay với những đơn vị sản xuất ra những sản phẩm truyền thông “đen”.

Đồng tình quan điểm vừa nêu, Luật sư Đặng Văn Sơn, văn phòng Luật sư Đặng Sơn và cộng sự cho biết: Quy định xử phạt đối với hành vi đăng tải những nội dung không lành mạnh hiện đã có. Cụ thể như Nghị định số 15/2020 của Chính phủ, Luật an ninh mạng, Bộ luật hình sự cũng đã đề cập. Tuy nhiên chưa có quy định thực sự cụ thể và đủ mạnh để ngăn chặn xu hướng gia tăng của những video, clip có nội dung nhảm nhí, độc hại hiện nay.

“Để ngăn chặn những hành vi này cần có chế tài đủ mạnh, đủ tính răn đe. Sau khi xử lý hành chính thì có thể xử lý về mặt hình sự. Trong xử lý về mặt hình sự thì cần quy định cụ thể hơn. Nếu không quy định cụ thể rất khó để áp dụng”.

Luật sư Đặng Văn Sơn nêu một bất cập: Chưa nhiều chủ tài khoản mạng xã hội đăng nội dung không lành mạnh bị xử phạt hành chính. Mức phạt lại không đáng kể, dẫn đến tâm lý nhờn luật, sẵn sàng nộp phạt để kiếm nguồn thu lên tới hàng trăm triệu từ Youtube.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Clip nhảm – Thứ virus đầu độc tâm hồn”.

Cuộc sống hiện đại có quá nhiều vấn đề gây áp lực. VOV Giao thông từng lên sóng những chương trình như “Giải độc tâm trí”, hay “Vitamin cho tâm trí”, nội dung hướng tới thái độ sống lạc quan, tích cực cho người nghe.

Nhưng có lẽ, làn sóng FM91 sẽ cần nhiều hơn nữa những chương trình như thế, khi mà bên cạnh cuộc đời thực, cuộc sống ảo trên mạng cũng đang bị bủa vây bởi nhiều vấn đề rắc rối. Trong đó, video nhảm, độc hại trên mạng xã hội đang là thứ virus “ăn mòn” dần nhận thức, hành vi của giới trẻ. Nó là một “cơn đau đầu” với các bậc phụ huynh.

Đừng giật mình khi một cậu nhóc bậc tiểu học hô rất to ước mơ của mình là được làm “đại ca”, cũng chớ vội kinh hãi khi nghe những câu chửi tục của đám trẻ con trong những câu chuyện nội bộ với nhau. Chúng đơn giản là đang “sao chép” lại những gì chúng nghe, chúng thấy, và cho là “ngầu”, là “chất”. Chẳng phải thần tượng của chúng vẫn đang làm vậy và được tung hô, được tận hưởng cuộc sống giàu sang, tiện nghi?

Người lớn đang quá dễ dãi với ý nghĩa của từ “xu hướng”, “trending”. Các mạng xã hội thì quá dễ dãi với những “ngôi sao” của mình. Không thể ngụy biện bằng cách đặt vấn đề: Thị hiếu người xem tầm thường đang dẫn dắt nội dung sáng tạo. Những nhà truyền thông tử tế sẽ đặt câu hỏi: Nội dung sáng tạo đã đủ thuyết phục, tạo ra được xu hướng tích cực mới cho công chúng hay chưa?

Youtube đã có ứng dụng Youtube Kids dành riêng cho trẻ em. Những điều khoản ràng buộc trước khi sử dụng dịch vụ mạng xã hội này cũng rất rõ ràng, thậm chí trao cả quyền tố cáo nội dung xấu cho người dùng.

Nhưng có vẻ, chính mạng xã hội này cũng đang dần mất kiểm soát với những nội dung tiêu cực mà người dùng đang tạo ra hàng ngày. Họ đang siết chặt lại cơ chế bật kiếm tiền, vốn là “át chủ bài” để thu hút người làm nội dung, “linh hồn” của mạng video số 1 thế giới.

Cỗ máy rà soát nội dung xấu được trao cho trí thông minh nhân tạo. Nhưng máy móc không thể “khôn lỏi” hơn con người. Những tiểu xảo lách luật, chiêu trò gây sốc, câu view thì luôn được phát minh trước khi máy móc nhận diện đó là nội dung tiêu cực.

Trong vòng luẩn quẩn video xấu tung lên mạng - tiếp cận hàng triệu người xem - dư luận lên tiếng - rồi cơ quan chức năng xử phạt - xóa video, quãng thời gian ấy đủ để “ngấm” vào cái đầu chưa đủ khả năng nhận thức của những đứa trẻ.

Cần thừa nhận, hiệu ứng thị giác với hình ảnh video là trực diện và mạnh hơn rất nhiều so với nghe, đọc thông thường. Nhiều nội dung xấu bị lồng ghép một cách tinh vi, nhiều nội dung nhảm nhí nhưng được dàn dựng hiệu ứng, edit chuyên nghiệp lại có sức thu hút ghê gớm. Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là nội dung, là thông điệp của sản phẩm.

Chúng ta cần coi clip nhảm, độc hại như một thứ “virus” gây bệnh cho tâm hồn. Ngoài những liều thuốc đặc trị là chế tài xử phạt thật nặng, cần vắc xin phòng bệnh – Đó chính là “giải độc tâm trí” cho những người tạo nội dung video./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

Ngay sau phản ánh của VOV Giao thông về hộ kinh doanh Thái Khá hoạt động sản xuất bao bì đóng trú tại hẻm 688 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Chính quyền địa phương đã có chỉ đạo kiểm tra và giải quyết những nội dung phản ánh.

// //