Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chống ngập cho Hà Nội (Bài 1): Vì sao nội thành ngập?

Theo TTXVN - 26/06/2022 | 14:27 (GTM + 7)

Vấn đề ngập lụt “phố thành sông” luôn có tính thời sự và thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Mỗi lần mưa lớn không những gây cản trở đi lại, sinh hoạt mà còn thiệt hại lớn về vật chất.

 Đã từ lâu, mỗi lần xảy ra sự cố ngập, nhiều người vẫn định kiến và mặc nhiên cho rằng, lỗi là của chính quyền, nhà quản lý. Trên thực tế, việc ngập lụt luôn có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan; trong đó, có cả những yếu kém của các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan, nhiều chiều, có như vậy thì vấn đề mới được giải quyết mang tính lâu dài. 

Dư luận và giới chuyên gia luôn mổ xẻ về nguyên nhân Hà Nội ngập sau những cơn “đại hồng thủy”. Có người thì cho rằng, cơ sở hạ tầng yếu kém; có ý kiến thì đổ cho công tác quy hoạch…

Vậy Hà Nội đã làm những gì cho những điều nói trên và thực trạng hệ thống thoát nước của Hà Nội ra sao?

Hà Nội ngập nặng sau mưa lớn

Hà Nội ngập nặng sau mưa lớn

Đâu là nguyên nhân?

Những ai đã sinh sống ở Hà Nội liên tiếp trong nhiều giai đoạn có thể cảm nhận rằng, lâu nay Hà Nội rất ít ngập lụt, có chăng chỉ là ngập cục bộ trên một số tuyến đường. Nhưng gần đây, đặc biệt là trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, thành phố đã phải hứng chịu nhiều đợt ngập sâu, trên nhiều tuyến phố, khiến nhiều xe máy, ô tô hư hỏng, gây xáo trộn đáng kể đời sống nhân dân.

Trước tiên, xin đề cập đến nguyên nhân khách quan, là do biến đổi khí hậu phức tạp, gần đây có những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ, hàng chục năm qua mới diễn ra một lần.

Điển hình như trận mưa ngày 29/5 và ngày 13/6, do lượng mưa quá lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế (hệ thống cống 70mm/h). Những đợt này, lượng mưa phổ biến trên 100mm, riêng địa bàn quận Tây Hồ trên 160mm, quận Cầu Giấy 180mm nên nhiều khu vực trên địa bàn ngập từ 20-40 cm, có vị trí trên 50cm. Vì lượng mưa vượt cao quá mức so với thiết kế nên nước tiêu thoát không kịp.

Một nguyên nhân cơ bản nữa, hiện nay hệ thống thoát nước Hà Nội đang yếu nhất đấy là rất thiếu các hồ điều hòa để phân chia nước, giảm áp lực cho hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, mật độ các miệng cống hút nước từ mặt đường xuống cống ngầm còn chưa cao. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ miệng ga thu nước này cần được đánh giá để bổ sung thêm, phù hợp với công suất của ống cống ngầm.

Một nguyên nhân nữa là hệ thống thoát nước Tả Nhuệ và Hữu Nhuệ chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn tới việc đẩy nước từ con sông này về kênh La Khê để cấp nước cho nhà máy bơm tiêu thoát nước Yên Nghĩa chưa kịp thời.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan rất lớn nữa là sự quản lý thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ của các quận huyện đối với hệ thống thoát nước. Nhiều nơi được đầu tư đồng bộ, nhưng vẫn để tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi. Thậm chí có nơi, người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, cố tình bịt miệng cống để tránh mùi hôi thối bốc lên.

Mặc dù ngập lớn, nhưng có thể thấy chỉ sau 2 giờ đồng hồ sau mưa, nước đã rút, giao thông trở lại hoạt động. Để được như vậy, các đơn vị thoát nước đã huy động 100% nhân lực, thiết bị ứng trực mở ga, bơm tiêu thoát nước; tổ chức ứng trực thực hiện tua vớt rác, mở miệng cống thu nước vào hệ thống; sử dụng bơm di động, hệ thống phản lực tạo áp tăng cường thoát nước; mở cửa trữ nước hồ điều hòa; vận hành bơm 100% công suất để rút ngắn thời gian và mức độ úng ngập trên địa bàn.

Hệ thống thoát nước ở Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn đề

Hệ thống thoát nước ở Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn đề

Thực trạng hệ thống thoát nước

Theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTG ngày 10/5/2013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được chia thành 4 lưu vực: Tô Lịch, Tả sông Nhuệ, Hữu sông Nhuệ, Long Biên.

Đến nay hệ thống thoát nước Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2 thuộc địa bàn 8 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Điển hình là cụm công trình đầu mối Yên Sở bao gồm trạm bơm Yên Sở 90m3/s cùng hệ thống kênh mương, hồ điều hòa; với thiết kế cường độ mưa 310mm/2ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với hệ thống cống.

Bên cạnh đó còn một số khu vực khác là các trạm bơm chính: Bắc Thăng Long 20m3/s, Cầu Đông Trù 2m3/s, Đồng Bông 1-16m3/s, Đồng Bông 2-12 m3/s, Cổ Nhuế 12 m3/s, Cầu Bươu 5m3/s…; 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải (Yên Sở, Kim Liên, Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Tây, tổng công suất trung bình năm khoảng 235.000 m3/ngày.

Còn lại các khu vực khác như: Tả sông Nhuệ, Hữu sông Nhuệ, Khu vực Long Biên, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Chẳng hạn như: trạm bơm Liên Mạc (170m3/s), trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/s); hiện đang đầu tư Trạm bơm Yên Nghĩa 120m3/s chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá 270.000m3/ngày và hệ thống thu gom nước thải nhưng chưa hoàn thiện; sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè sông là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo thoát nước cho thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng – Lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ.

Thời gian qua, thành phố đã cố gắng khắc phục tình hình úng ngập tại một số vị trí như: xóa bỏ 5 điểm úng ngập trong các năm 2020, 2021 tại Thanh Đàm; Trường Chinh; Giải Phóng; Đội Cấn; Phạm Văn Đồng. Do các dự án đã triển khai hoàn thành đã phát huy hiệu quả thoát nước.

Cùng đó, 5 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% so với các năm trước như: Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. Do thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước và hoàn thành một số dự án cải thiện được tình hình thoát nước.

Riêng 1 điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm đáng kể (khoảng 70%) so với năm 2020.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có 5 điểm chưa cải thiện nhiều về tình trạng úng ngập như: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Chính; đường gom Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân là do bất lợi địa hình, xa nguồn xả.

Như vậy tính đến năm 2022, Hà Nội đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại thành phố đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện. Các điểm ngập nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng đã bố trí ứng trực, giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước thành phố nhiều khu vực, nhất là tại các ngõ ngách địa bàn 12 quận nội thành hệ thống thoát nước đã đầu tư từ lâu đã xuống cấp; các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhiều khu vực đô thị hóa nhưng chưa có hệ thống thoát nước đô thị, cần lập danh mục đầu tư, nâng cấp, thiết kế bổ sung hệ thống thoát nước đô thị, điển hình như tuyến Đại lộ Thăng Long, tại các hầm chui dân sinh... ./.

Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //