Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chống đua xe mùa dịch: Quyết liệt nhưng cần bền bỉ lâu dài

Phóng viên - 27/04/2020 | 6:02 (GTM + 7)

Việc ngăn chặn nạn đua xe trái phép không chỉ quyết liệt trong mùa dịch hay các thời điểm có nguy cơ cao, mà cần những biện pháp mang tính bền bỉ, lâu dài. Và cần phòng ngừa từ những đứt gãy trong mối liên hệ giữa người trẻ với xung quanh.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Như VOVGT đã đưa tin, thời gian gần đây, tình trạng đua xe trái phép có dấu hiệu tái diễn tại nhiều địa phương, gây sự lo ngại cho người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Ngay tại Hà Nội, những ngày đầu tháng 4/2020 cũng đã xảy ra những vụ tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây bức xúc trong dư luận.

Hàng chục 'quái xế' tụ tập đua xe quanh Hồ Gươm bất chấp lệnh cách ly
Hàng chục 'quái xế' tụ tập đua xe quanh Hồ Gươm vào đêm 9/4 vừa qua bất chấp lệnh cách ly. Ảnh: Thanh niên

"Có những hôm tôi đi 2-3h sáng nhìn thấy đội ấy tôi sợ lắm, tôi phải dẹp vào chứ, nó nẹt pô, đánh võng, sợ lắm, mất an toàn giao thông của người đi đường, lo ngại lắm".

"Cá nhân tôi cũng có một vài lần gặp chạy trên phố, bốc đồng lên là chạy. Việc không chấp hành, không tuân thủ an toàn giao thông nhìn thấy sợ lắm, nhất là chị em phụ nữ sợ đã ngã rồi, chưa nói gì đến va chạm".

"Việc tụ tập như thế cực kỳ nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là phụ nữ phải đi làm công việc đêm hôm. Thứ hai nữa là họ có thể gây nguy hiểm cho chính họ và những người sinh sống ở khu vực đó".

Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho thấy, năm 2019, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý 55 vụ đua xe trái phép. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT toàn quốc cũng phát hiện và xử lý 40 vụ đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, trong đó riêng tại TP.HCM là 18 vụ; Hải Phòng 20 vụ.

Đánh giá về tình trạng này, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết:

"Lợi dụng việc giãn cách xã hội, khi đường phố thoáng đãng, vắng vẻ, một số thanh thiếu niên đã tụ tập, điều khiển mô tô, xe máy chạy với tốc độ rất cao, lạng lách, đánh võng, thậm chí đua xe trái phép và cổ vũ đua xe trái phép này. Thậm chí phạm tội gây thương vong cho cán bộ chiến sĩ công an trong quá trình phòng ngừa, ngăn chặn đua xe".

Đáng lo ngại, có những đối tượng trọng độ tuổi vị thành niên, chưa đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên mức xử phạt chỉ là cảnh cáo và phạt hành chính. Thậm chí có trường hợp các đối tượng này lợi dụng chế tài xử lý nhẹ nên vẫn tái phạm.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP. Hà Nội cho biết:

"Trong số các đối tượng bị bắt giữ, xử lý cũng có những trường hợp đã từng thực hiện hành vi điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng trên đường và đã bị xử lý. Các đối tượng đó còn trong độ tuổi vị thành niên, nên sự quản lý giáo dục của gia đình và các cơ quan ban ngành không sát sao thì vẫn để các đối tượng có các hành vi vi phạm như vậy".

Cảnh sát giao thông-Cảnh sát cơ động chốt chặn phòng chống đua xe
Cảnh sát giao thông-Cảnh sát cơ động chốt chặn phòng chống đua xe. Ảnh: TTXVN

Từ thực tế này, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Theo đó, CSGT là lực lượng thường trực, phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác tổ chức lực lượng thường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động trên những tuyến đường hoặc chốt tại những khu vực trọng điểm, kịp thời phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đua xe trái phép.

Cùng với đó, các đơn vị sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh, để xử lý các đối tượng vi phạm; tiếp nhận hình ảnh vi phạm do các tổ chức và cá nhân cung cấp để làm rõ và xử lý...

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, đơn vịđã đề ra kế hoạch phòng chống tội phạm nói chung, tệ nạn đua xe nói riêng, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn:

"Vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, các đối tượng có biểu hiện tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu các tụ điểm xuất hiện nhiều thanh niên tụ tập sau 24h đêm".

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép đang tái diễn tại nhiều địa phương, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng tại các cung đường nóng, thường xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp giáo dục con em mình để ngăn chặn từ gốc tệ nạn đua xe trái phép:

"Cần có những quy định về trách nhiệm phối hợp giữa gia đình, nhà trường đối với thanh thiếu niên - những người có lối sống buông thả, nhận thức cuộc sống lệch lạc, có những hành vi gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe trái phép".

Các ý kiến cũng cho rằng, với những vụ việc đã phát hiện, bắt giữ, cần nhanh chóng truy tố, xét xử nghiêm những đối tượng đua xe, tổ chức và cổ vũ đua xe trái phép, để xét xử lưu động ngay tại địa bàn nhằm răn đe, giáo dục chung.

Phòng ngừa đứt gãy

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2020, số vụ đua xe trái phép bị xử lý đã gần bằng cả năm 2019. Dưới góc nhìn của VOVGT, điều này cho thấy, việc ngăn chặn nạn đua xe trái phép không chỉ cần quyết liệt trong mùa dịch hay các thời điểm có nguy cơ cao, mà cần những biện pháp mang tính bền bỉ, lâu dài.

Và phòng ngừa đua xe trái phép, cần bắt đầu từ phòng ngừa những đứt gãy trong mối liên hệ giữa người trẻ với xung quanh.

Cảnh sát giao thông-Cảnh sát cơ động chốt chặn phòng chống đua xe
Phòng ngừa đua xe trái phép, cần bắt đầu từ phòng ngừa những đứt gãy trong mối liên hệ giữa người trẻ với xung quanh.

Đầu những năm 2000, khi xe máy tay ga vẫn còn là của hiếm, thì một thanh niên phố đã thường xuyên “đi bão” bằng xe hơi, “làm mưa làm gió” dọc các cánh đê sông Hồng. Nhiều lần cậu được Công an mời lên, nhắc nhở xong lại về, vì có người thân vai vế. Những cuộc đua ngông cuồng của tuổi trẻ chỉ dừng lại, khi cha cậu thất cơ lỡ vận, bán cả nhà để chạy nợ vào tận phía Nam.

Đam mê tốc độ là một nhẽ. Song đối với người trẻ, có rất nhiều lý do để họ tụ tập đua xe trái phép. Nô nức quá, phải thể hiện sao cho nổi bật, khác người. Buồn chán tuyệt vọng, phải “quẩy” để tung hê. Bình lặng quá, phải “bão” lên cho đời bớt tẻ.

Chưa trải qua mất mát để biết trân trọng sự sống còn, chưa sứt mẻ để biết quý cái lành lặn, chưa điêu đứng để thấm thía cái giá của sự bình yên... đó cũng là lý do vì sao đua xe trái phép thường chỉ rơi vào người trẻ.

Đua xe trái phép xuất hiện cùng với sự phát triển của đường sá, xe cộ, nhưng đằng sau đó còn là những sự thay đổi quá nhanh của đời sống xã hội trong nền kinh tế thị trường, những sự lung lay quan niệm về giá trị, về chuẩn mực đạo đức xã hội và nền tảng gia đình.

Không còn động lực vươn lên từ gian khó, cũng không được dẫn dắt bởi đam mê lành mạnh, một nhóm người trẻ tìm cách thể hiện mình theo những con đường lệch lạc nguy hại, mà chính họ cũng không hề hay biết, hoặc chẳng thèm bận tâm. Và cũng giống như người nghiện ma túy đang phê thuốc, họ sẵn sàng lao xe vào bất cứ vật cản nào trên đường, trong cơn say tốc độ.

Thời Covid, cảm giác tù túng của việc ở nhà lâu ngày, sự vắng vẻ của đường sá, trong điều kiện cả xã hội đang tập trung ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh, là thời cơ để đua xe trái phép tái bùng phát ở nhiều địa phương, khiến lực lượng chức năng phải lên kế hoạch trấn áp, đẩy lùi. Ngay cả sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng, niềm hưng phấn thái quá cũng có thể là lý do cho đua xe. Hoặc dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4, 1/5, nguy cơ cũng không thể xem nhẹ.

Song, để nạn đua xe trái phép không tái bùng phát mỗi khi có cơ hội, thì các chiến dịch trấn áp sẽ là không đủ, nếu thiếu sự vào cuộc của các gia đình.

Đua xe vẫn xuất hiện, khi những người trẻ vẫn chưa tìm được lý do chính đáng để chuyên tâm học hành, làm việc, hoặc theo đuổi những đam mê chính đáng, như cách mà số đông đang thực hiện.

Đua xe vẫn rình rập, khi người trẻ chưa tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình với những người xung quanh, chưa thấy một sự gắn kết, ràng buộc nào đủ mạnh để níu giữ.

Và đua xe vẫn là công cụ để một số người trẻ giải phóng năng lượng, giải tỏa tinh thần, chứng tỏ bản thân, một khi họ đã không được hướng dẫn, thuyết phục để tìm đến những cách tích cực, phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng.

Chàng thanh niên dành cả thanh xuân để đi “bão” ở trên, sau nhiều năm bôn ba, trở thành một giáo viên dạy lái xe điềm đạm và rất có nghề. Chút tiếc nuối khi nhớ về một thời ngông cuồng tuổi trẻ, cậu chỉ ước, bố mẹ mình đã đừng đã quá thừa tiền và quá thiếu thời gian như thế.

Phòng chống đua xe trái phép, vì thế, nên bắt đầu từ việc phòng chống sự đứt gãy trong mối liên hệ, ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa cha mẹ với con cái.

Bởi có lẽ, không một thanh niên nào sẵn sàng lao ra đường, gây náo loạn xã hội, gây sát thương cho người khác và tự sát hại chính mình, nếu họ biết rõ rằng, mình quan trọng thế nào đối với những người xung quanh.

Và nếu họ biết rằng, cuộc sống có vô số thứ đáng giá hơn rất nhiều so với cái cảm giác “phê” cùng tốc độ./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành “chạy vượt rào” ra sao?

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành “chạy vượt rào” ra sao?

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, tạo hành lang Đông - Tây cho khu vực phía Nam.

Nghỉ lễ 30/4: Nhiều người 'bỏ' máy bay, doanh thu công ty du lịch giảm tới 80%

Nghỉ lễ 30/4: Nhiều người "bỏ" máy bay, doanh thu công ty du lịch giảm tới 80%

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là thời điểm nhiều người dân lựa chọn đi du lịch hoặc về quê thăm người thân. Năm nay, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao hơn mọi năm, xu hướng du lịch, nhu cầu đi lại của người dân có sự thay đổi như thế nào?

Sống thấp thỏm, ngủ không dám đóng cửa

Sống thấp thỏm, ngủ không dám đóng cửa

Hơn 9 tháng qua, hàng chục hộ dân sống dọc bờ kè Thanh Đa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) phải sống trong thấp thỏm lo sợ khi hàng trăm mét bờ kè tại đây bị sạt lở vẫn chưa được khắc phục.

Hà Nội công bố Kế hoạch quản lý chất lượng không khí

Hà Nội công bố Kế hoạch quản lý chất lượng không khí

Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 với mục tiêu bảo đảm ít nhất 75% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI.

Phát triển nhà ở xã hội: Xin đừng thất hứa...

Phát triển nhà ở xã hội: Xin đừng thất hứa...

Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, dù đã trải qua gần 1 nửa chặng đường nhưng số dự án nhà ở xã hội đến được người cần là chưa đáng kể.

Cơ sở tái chế phế liệu 'bức tử' môi trường

Cơ sở tái chế phế liệu "bức tử" môi trường

Nhiều năm qua, môi trường xung quanh cơ sở thu gom tái chế phế liệu trú tại đường Phan Văn Bảy, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) đoạn đối diện cơ sở Làng Ta Farm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo người dân, cơ sở này hoạt động không có giấy phép và xả thải trực tiếp ra môi trường.

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản tiếng rao...

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản tiếng rao...

Những thanh âm của phố phường Hà Nội từ xưa đến nay đã tô điểm cho Hà Nội thêm phần thi vị, trong đó có thanh âm của những tiếng rao. Những tiếng rao cất lên từ những con người mưu sinh rong ruổi trên phố phường Hà Nội.

// //