Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chơi pháo hoa dịp lễ tết, sinh nhật: Người bán và mua cần nắm đúng quy định

Phóng viên - 11/01/2021 | 15:54 (GTM + 7)

Việc đưa vào quản lý chặt chẽ thay vì cấm tiệt pháo thể hiện tư duy tiến bộ của các nhà làm chính sách. Nó cho thấy nỗ lực tìm tòi, lấp đầy khoảng trống về pháp lý, đáp ứng một nhu cầu có thật và rất lớn của người dân trong thực tiễn đời sống tinh thần.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Từ 11/1/2021, Nghị định 137 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định: người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương…

Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Nghị định cũng giải thích rõ pháo hoa khác với pháo hoa nổ, nó tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong một số dịp đặc biệt. Ảnh: Hoài Nam/Báo Tin tức
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong một số dịp đặc biệt. Ảnh: Hoài Nam/Báo Tin tức

Khi tiếp cận thông tin Nghị định 137 cho phép bắn pháo hoa dịp lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương,  nhiều người dân bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Thiều Minh Tân, sinh viên trường Đại học Sân khẩu điện ảnh cho rằng, pháo trong ngày Tết được cho là một nét đặc trưng đời sống của người dân từ xa xưa, vì vậy việc Nhà nước cho phép sử dụng loại pháo hoa không nổ cũng là hợp lý.

Tuy vậy, cần rạch ròi trong việc được phép và không được phép sử dụng những các loại pháo nào:

“Mình cũng đã từng theo các anh chị, bạn hàng xóm đi mua pháo diêm nổ. Pháo đó thì âm thanh phát ra rất to và chính bản thân cũng đã nhìn thấy những trường hợp bị cháy, bị bỏng bởi loại pháo đấy rồi. Mình nên vừa quy định, vừa có những hình minh hoạ những loại pháo nào được phép sử dụng, những loại nào không được phép sử dụng để cho người dân có thể biết”

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hảo (Trú tại Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, dù người dân không được phép đốt pháo hoa nhưng trên thực tế, ở nhiều vùng quê, việc đốt pháo vẫn đang diễn ra tự phát.

Vì vậy, anh Hảo bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh trật tự khi Nghị định 137 chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, một bộ phận người dân có thể hiểu lầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo:

“Mình cũng háo hức, nhưng những loại pháo phụt, pháo hoa mà không có tiếng nổ thì nó rất dễ gây ra biến tướng. Mọi người sẽ nhập nhằng và rất dễ xảy ra hệ luỵ về sau. Nhà nước nên quản lý chặt chẽ”

Trên thực tế, một chủ cửa hàng tạp hoá trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: dù đã bị cấm nhiều năm nay, nhưng những loại pháo nổ, pháo phụt vẫn được nhiều người tìm mua. Hiện các cửa hàng trên phố hầu hết chỉ bán những loại pháo giấy, pháo bông, pháo sáng sinh nhật...

Điểm chung của các loại pháo ở các cửa hàng này đều là không có thuốc pháo và không phát ra tiếng nổ.

“Người ta hỏi có bán pháo hoa không, rồi bán pháo bông, các loại pháo, cái pháo mà người ta cứ gọi là pháo phụt toé lên ấy nhưng mà thực ra cũng không có. Đa số bây giờ người ta chỉ dùng những loại pháo rẻ tiền thôi, không phụt được, cũng không có lửa. Chứ pháo nổ là tuyệt đối không ai bán”

Trái ngược với sự rụt rè của người bán hàng tạp hóa, không khí mua bán pháo hoa, pháo nổ trên không gian mạng lại vô cùng sôi nổi. Chúng được rao bán, quảng cáo công khai trên các trang, nhóm mạng xã hội.

Theo khảo sát của phóng viên, pháo bánh 5m có giá khoảng 400.000 đồng, pháo trứng dao động từ 20.000- 25.000/quả, pháo bi dao động từ 350.000-450.000 đồng,… Thậm chí có lọai pháo giàn từ 36, 49 cho tới 100 quả, giá dao động từ 500.000 tới 1,5 triệu đồng. Đặc biệt, các chủ tài khoản đều cho biết, mặt hàng này chỉ nhận giao hàng gián tiếp, chứ không bán trực tiếp vì là “hàng cấm”.

Cửa hàng trên phố Hàng Mã chỉ bán pháo giấy, không bày bán các loại pháo hoa, pháo có thuốc nổ. Ảnh: PV
Cửa hàng trên phố Hàng Mã chỉ bán pháo giấy, không bày bán các loại pháo hoa, pháo có thuốc nổ. Ảnh: Lao động

Những năm gần đây, công tác kiểm soát mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại pháo nói chung được các ngành chức năng thực hiện rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc người dân vi phạm vẫn xảy ra khá nhiều, gây ra không ít sự cố, tai nạn trong quá trình sử dụng. Có những trường hợp do người sử dụng pháo hoa, pháo nổ là người chưa đủ điều kiện năng lực dân sự, hoặc trong trạng thái thiếu tỉnh táo, có những trường hợp lại thiếu hiểu biết, không phân biệt được loại pháo nào bị cấm.

Theo đánh giá của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp, Nghị định 137/2020 của Chính phủ là văn bản pháp lý quan trọng thay thế cho Nghị định số 36/2009, với nhiều quy định chặt chẽ hơn liên quan đến pháo nổ, pháo hoa.

“Một đặc điểm nổi bật nhất là Nghị định này đã thống nhất những khái niệm thế nào là pháo nổ, pháo hoa. Pháo hoa là loại pháo không phát ra tiếng nổ mà chỉ có âm thanh, ánh sáng. Với loại pháo hoa nổ thì được xếp vào nhóm pháo nổ và vẫn quy định là cấm. Thứ hai là đối tượng được phép sử dụng pháo hoa ở đây cũng quy định là người từ 18 tuổi mà có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Đồng, Giảng viên đại học PCCC cho rằng, một điểm đáng chú ý của Nghị định 137 là việc quy định rõ về trình tự, thủ tục trong sản xuất, nhập khẩu và bán các loại pháo này. Đây là điều rất cần thiết bởi hiện nay, pháo hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện rất nhiều trên thị trường.

“Ở Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất là Bộ Quốc phòng được Chính phủ cho phép sản xuất các loại pháo hoa từ pháo hoa dạng nổ, pháo hoa dạng đốt hoặc kích điện. Trên bao bì sản phẩm bao giờ có tên tiếng Việt và nguồn gốc cơ sở sản xuất. Còn các loại pháo hoa nước ngoài như của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mang về, hoặc được nhập lậu và bán tràn lan trên thị trường thì đều thường không có tên tiếng Việt. Bởi vì chúng ta cấm nhập khẩu, buôn bán sản xuất, sử dụng các loại pháo theo Nghị định số 36 từ nhiều năm trước nữa.”

Có thể nói, nếu so sánh với Nghị định 36/2009 thì Nghị định 137/2020 đã có nhiều quy định rõ ràng hơn liên quan đến việc sử dụng pháo hoa, pháo nổ, từ đó giúp người dân có thể phân biệt, sử dụng pháo hoa một cách an toàn, đúng pháp luật. Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo:

“Người dân mua thì chỉ được phép mua tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Mọi hành vi mua tại cửa hàng cửa hiệu tạp hóa hoặc là những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà không được phép bán thì đó là hành vi mua bán trái phép. Với hành vi mua bán, sử dụng trái phép pháo hoa thì sẽ bị xử phạt hành chính, nếu số lượng lớn có thể gây nguy hiểm thì có thể bị truy cứu hình sự về tội buôn bán, vận chuyển hàng cấm”.

Theo Nghị định 137/2020, người dân chỉ được mua pháo hoa của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Ảnh minh họa.
Theo Nghị định 137/2020, người dân chỉ được mua pháo hoa của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Ảnh minh họa.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Pháo hoa – sản phẩm chỉ dành cho người trưởng thành”.

Nghị định 137 về quản lý và sử dụng pháo cho phép người dân được chơi pháo hoa vào những dịp lễ đặc biệt, trọng đại. Thoạt nghe, đây là một văn bản Luật mang tính nới lỏng các biện pháp quản lý pháo. Tuy nhiên, về bản chất, Nghị định 137 đã siết chặt hơn, đi vào chi tiết các “ngóc ngách” của vấn đề sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng mặt hàng đặc biệt này.

Cần lưu ý tới những vấn đề mới mà văn bản đặt ra: Người đủ 18 tuổi trở lên mới được mua và sử dụng pháo hoa; Chỉ tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép mới được sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, pháo hoa hợp pháp không dành cho trẻ em, kể cả các loại pháo hoa phụt. Các bậc phụ huynh cần biết: việc trẻ em cầm pháo hoa nhảy múa trong các buổi tiệc sinh nhật, lễ cưới hay chương trình văn nghệ là hành vi bị nghiêm cấm. Nó được nhận diện là sản phẩm chỉ dành cho người có đầy đủ năng lực hành vi.

Trong khi đó, nhận thức của người dân cũng được kỳ vọng nâng cao hơn với việc xử phạt hành vi mua pháo tại các tiệm tạp hóa, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trước đây, ra Hàng Mã mua pháo hoa không nổ về làm lễ đầy tháng, hoặc tổ chức văn nghệ tại trường là điều mà nhiều người nghĩ là việc bình thường, không được quản lý chặt. Thì nay, việc mua bán, trao đổi này sẽ gặp một rào cản lớn, xuất phát từ sự chủ quan của người tiêu dùng.

Và Nghị định 137 cũng khẳng định: pháo nói chung, pháo hoa không nổ nói riêng là những loại hàng hóa đặc thù, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng hóa chất, nhà xưởng, quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cộng đồng lại giật thót với những tin tức về cháy nổ nhà, xưởng do sử dụng, bảo quản pháo gặp sai sót, sự cố. Buôn lậu và tiêu thụ chui hàng cấm diễn ra âm ỉ và như một căn bệnh ám ảnh xã hội.

Việc đưa vào quản lý chặt chẽ thay vì cấm tiệt pháo thể hiện tư duy tiến bộ của các nhà làm chính sách. Nó cho thấy nỗ lực tìm tòi, lấp đầy khoảng trống về pháp lý, đáp ứng một nhu cầu có thật và rất lớn của người dân trong thực tiễn đời sống tinh thần.

Và thông qua văn bản Luật mới, các nhà quản lý cũng gửi một thông điệp tới người dân: Chỉ những người trưởng thành về nhận thức, hành vi mới có thể chơi pháo ngày lễ, tết một cách an toàn.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //