Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chợ truyền thống, đứa con rơi của quy hoạch

Phóng viên - 06/01/2020 | 10:45 (GTM + 7)

Việc đầu tư nửa vời, coi chợ truyền thống như “đứa con rơi” trước sự phát triển của siêu thị, trung tâm thương mại đã và đang tạo ra những điểm nóng về nguy cơ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm giữa lòng Thủ đô.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chợ Trung tâm huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội mặc dù được xây mới từ năm 2003 với cơ sở hạ tầng và diện tích khá bề thế, nhưng những bất cập trong công tác PCCC vẫn hiện hữu ở gần như mọi khâu.

CHỢ pccc
Bóng đèn, công tơ và dây điện xuất hiện khá chằng chịt ngay trên đầu các sạp hàng

Ở tầng 1, các bóng đèn, công tơ và dây điện xuất hiện khá chằng chịt ngay trên đầu các sạp hàng. Trong khi đó, chỉ cần quan sát bằng mắt thường, cũng dễ dàng nhận thấy các tiệm tạp hóa bày bán hàng tràn quá diện tích cho phép, xếp các loại đồ vật liệu dễ cháy với mật độ dày đặc trong ki-ốt.

Bà Nguyễn Thị Mai, bán hàng hơn 17 năm tại chợ, cho biết, bản thân từng chứng kiến nhiều vụ chập cháy trong chợ, và hiểu rất rõ các mối nguy cơ dẫn đến cháy nổ từ thói quen cũng như điều kiện kinh doanh ở đây:

“Ban quản lý chợ cũng kêu gọi mọi người không nên thắp hương. Như mình nghĩ cũng chỉ thắp hương ở nhà thôi, không cần thiết thắp hương ở chợ. Chợ là nơi kinh doanh. Tự mình cũng nghĩ đến nguy cơ cháy nổ. Hàng thịt thì không lo mấy nhưng nhất là hàng khô, hàng quần áo thì dễ bén”

Mặc dù vậy, khi được hỏi từng tham gia diễn tập phòng cháy do ban quản lý chợ, lực lượng chức năng tổ chức bao giờ chưa, bà Mai lại… cười xòa:

“Mọi người có tổ chức diễn tập phòng cháy, nhưng mình không có thời gian tham dự là vì đúng lúc giờ bán hàng, giờ cao điểm. Mọi người hay đi làm vào trưa hoặc đầu giờ chiều. Có hôm buổi sáng thì mình đi ngủ, có hôm buổi chiều thì mình đang bận bán buôn”

Năm 2019, trên địa bàn huyện Đông Anh xảy ra vụ cháy lớn tại chợ Tó khiến hàng nghìn m2 ki-ốt giữa chợ bị thiêu rụi. Sau sự cố này, nhiều bà con tiểu thương ở các khu chợ truyền thống trên địa bàn Đông Anh đã có chuyển biến tích cực trong công tác PCCC.

“Mình cũng rút kinh nghiệm được ra là mình dùng điện thì cũng phải tuân thủ theo ở chợ này thôi. Người ta yêu cầu thế nào thì ta phải chấp hành. Những cái mình không biết mà người ta hướng dẫn mình thì rất hữu ích”

“Chợ hình thành thế này rồi, để chập cháy như thế mà để hình thành lại chợ thì khó lắm, vất vả lắm. Chị em mong muốn ban quản lý chợ lo cho những việc đấy để chúng tôi đỡ vất vả”

bóng đèn, công tơ và dây điện xuất hiện khá chằng chịt ngay trên đầu các sạp hàng

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, ở chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phần lớn bà con cũng có ý thức về phòng chống cháy nổ, tập huấn 3 lần mỗi năm và tự trang bị bình bọt phòng cháy theo tiêu chuẩn.

“BQL hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, không để vải sát quá với điện, không đốt đối vàng, đốt nến, đốt vía nói chung cái gì sử dụng đế lửa là không bao giờ thực hiện trên này”.

“Thấy phát hiện cháy trước tiên tôi sẽ ngắt cầu giao và chạy ra ngoài hành lang chỗ bấm chuông chống cháy, bấm chuông đấy và hô hoán”.

“Nếu như phát hiện đám cháy tôi sẽ sử dụng bình chữa cháy tại chỗ để xử lý đám cháy còn nếu không thì sẽ báo công an PCCC 114”.

Chia sẻ về thực trạng PCCC tại các khu chợ trên địa bàn huyện Đông Anh, Thiếu tá Lê Xuân Đại - Phó đội trưởng Đội PCCC, Công an huyện Đông Anh cho biết, một khó khăn chung là nhận thức của các tiểu thương khá hời hợt và chủ quan. Dù hàng tuần, lực lượng PCCC đều cử cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền trên loa cũng như hướng dẫn cụ thể các tình huống phòng chống cháy nổ, nhưng tỉ lệ tiểu thương tham dự rất ít, lấy lý do bận buôn bán để vắng mặt, hoặc chỉ cử đại diện cho có lệ.

“Các chợ Tó và chợ Trung tâm thì đã tổ chức tuyên truyền tại chỗ, phát giấy mời 200 tiểu thương đến xã Huy Nội, cách chợ Tó có khoảng 100m để tổ chức tuyên truyền. Tuy nhiên, buổi tuyên truyền đấy thì rất ít bà con đến, họ rất chủ quan lơ là.”

bóng đèn, công tơ và dây điện xuất hiện khá chằng chịt ngay trên đầu các sạp hàng
Theo Thiếu tá Lê Xuân Đại, một khó khăn chung là nhận thức của các tiểu thương khá hời hợt và chủ quan

Theo Thiếu tá Lê Xuân Đại, vụ cháy chợ Tó năm 2019 để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm. Trước khi xảy cháy, dù đã được nhận diện có nguy cơ cao, cơ sở hạ tầng không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC, đã tuyên truyền rất nhiều lần, nhưng việc khắc phục và hoàn thiện các “lỗ hổng” này vẫn chậm chạp.

“Đối với chợ đã được thẩm duyệt, nghiệm thu như chợ Dâu vừa đưa vào hoạt động thì phải duy trì điều kiện PCCC như thời điểm đã thẩm duyệt. Đối với các chợ truyền thống, đặc biệt là những chợ xây dựng đã lâu thì hệ thống PCCC về công tác thẩm định nghiệm thu vẫn chưa có”.

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng ban quản lý chợ Đông Anh đề cập một khó khăn mà các chợ truyền thống hiện nay gặp phải – Đó chính là cơ sở hạ tầng. Việc trang bị hệ thống PCCC tự động, hạ ngầm các đường dây điện vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Minh nói, đã kiến nghị về cơ chế đầu tư cải tạo nâng cấp các chợ trên địa bàn chưa có cơ chế tài chính rõ ràng lên huyện để có văn bản với thành phố nhằm gỡ khó với những chợ đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn PCCC, không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tại quyết định số 40/2015 ngày 14/9/2015 của thủ tướng quy định ngân sách nhà nước chỉ đầu tư cho chợ dân sinh, chợ đầu mối có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, theo thông tư số 92 ngày 18/9/2017 quy định không chi thường xuyên để xây  dựng các hạng mục công trình đã có, trong đó có chợ. Do vậy về quy định chính sách của Hà Nội hiện nay kể cả Đông Anh không được lấy nguồn ra để đầu tư, cải tạo chợ”

Do đó, trước mắt, Ban quản lý chợ tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh về việc tuân thủ các quy định PCCC, nghiêm cấm thắp hương, đốt vàng mã trong chợ, kiên quyết lập biên bản với các vi phạm, đặc biệt là cơi nới diện tích bán hàng trái phép.

“Nếu vi phạm lần đầu chúng tôi sẽ ngừng cung cấp dịch vụ là điện, nước, các hộ dân đều phải ký cam kết. Nếu vi phạm lần hai sẽ chấm dứt hợp đồng và không cho bán hàng”.

PCCC
Lực lượng chức năng hướng dẫn tiểu thương cách sử dụng bình chữa cháy

Đề cập bức tranh tổng thể về chợ dân sinh, chợ truyền thống hiện nay, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, đây là một thiết chế tất yếu của đô thị. Cuộc sống dân sinh, dân kế và cung cấp thực phẩm cũng như giao tiếp về mặt thương mại cho tầng lớp lao động và bình dân tại đây.

Điều đáng tiếc là ở Hà Nội, quá trình quy hoạch chợ đã sai lệch, thất bại. Các khu chợ dân sinh được xây với mức đầu tư không phù hợp, thiết kế công năng “nửa nạc nửa mỡ”, dẫn đến bị thờ ơ, quay lưng. Hậu quả là chợ dân sinh hiện tại có thực trạng hạ tầng yếu kém, nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh tăng cao.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích:

“Vấn đề không phải là chợ dân sinh, vấn đề là các cấp quản lý không nhìn nhận chợ dân sinh như phần tất yếu của phát triển và phải đồng bộ phát triển cùng với kinh tế xã hội với các mô hình giao tiếp. Kết quả của các đánh giá cháy nổ vừa rồi thể hiện chúng ta thiếu quán tâm đến”.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, chợ truyền thống đang tồn tại và “mắc kẹt” giữa các kế hoạch phát triển. Trong khi kế hoạch ngân sách thành phố không chú trọng đầu tư, thì nhu cầu tiêu dùng lại rất lớn, thiếu mô hình quản trị chợ truyền thống phù hợp.

Minh chứng là hàng loạt chợ truyền thống xây xong không thu hút được chính tiểu thương tham gia buôn bán. Nguồn lực từ tiểu thương khó khăn, chính quyền địa phương lúng túng trong chiến lược, ngân sách hạn hẹp nên việc chuyển đổi các khu chợ này sang mô hình tiên tiến, hiện đại, phù hợp hơn với đời sống kinh tế không phải dễ.

“Những chợ truyền thống đầu tiên còn đang tồn tại ví dụ như chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm, chợ Châu Long hay Long Biên thì đó là mô hình thành phố nên tập trung làm thí điểm giải quyết vấn đề về hạ tầng chợ truyền thống được an toàn, đảm bảo cháy nổ, an toàn vệ sinh, kiểm soát nguồn thực phẩm vào ra bằng hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Chúng ta thực hiện chợ lớn như vậy thành công sẽ là lời giải đáp cho các chợ còn lại”

Rõ ràng, công tác PCCC ở các khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang gặp vướng mắc lớn về cơ chế, chính sách và thậm chí là cả chiến lược cải tạo, phát triển. Và trong khi chờ những chuyển biến mới, những nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu, không có cách nào hạn chế rủi ro.

Chợ truyền thống – Đứa con rơi của quy hoạch

chợ truyền thống
Câu chuyện tiến thoái lưỡng nan trong công tác PCCC ở chợ truyền thống không còn mới trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lao động thủ đô

Câu chuyện tiến thoái lưỡng nan trong công tác PCCC ở chợ truyền thống không còn mới trên địa bàn Hà Nội. Lực lượng chức năng tuyên truyền năm này qua năm khác, các hộ dân tự trang bị các công cụ phòng chống cháy nổ, ký cam kết, nhưng sau đó, cháy thì vẫn cứ… cháy.

Ý thức không tự sinh ra, mà cần các điều kiện như: Quy định, nội quy, các chế tài xử lý vi phạm, môi trường thuận lợi để chấp hành. Các tiểu thương đương nhiên muốn nơi mình buôn bán không có nguy cơ cháy nổ, bởi một khi xảy ra sự cố, họ là nạn nhân trực tiếp đầu tiên. Tuy nhiên, khả năng phòng cháy chỉ trong phạm vi tự thân của họ mà thôi.

Môi trường để thực hành phòng cháy, cơ sở hạ tầng để hạ thấp tối đa các mối nguy cơ, mồi dẫn đến cháy nổ, như hệ thống PCCC tự động, nguồn điện hạ ngầm, độc lập với bên ngoài chợ, diện tích, vị trí buôn bán đúng quy chuẩn, thì lại đang bị thả nổi.

Nhìn rộng ra, hạ tầng yếu kém ở các khu chợ truyền thống hiện nay đến từ sai lầm của quy hoạch. Việc “khoác áo mới” cho chợ truyền thống, ý đồ biến những khu chợ nhếch nhác thành các trung tâm mua sắm khang trang đã thất bại, khi hàng loạt khu chợ rơi vào tình trạng hẩm hiu, ế khách, còn “chợ cóc”, “chợ tạm” vẫn lẩn khuất giữa lòng các khu đô thị. Tất cả tạo nên nét vẽ nghệch ngoạc trong bức tranh thành phố.

Để dẫn đến cớ sự như hiện nay, ngoài thiết kế thiếu hợp lý, xây dựng ở vị trí không phù hợp, không lường trước nhu cầu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, vấn đề còn nằm ở chiến lược về chợ truyền thống, khi việc cải tạo chúng vốn không phải là ưu tiên. Hà Nội hiện có trên 400 chợ, thì chỉ 10% là chợ loại 1, còn lại là loại 2, 3, 4, trong khi có những năm thành phố không có đồng nào dành cho công tác cải tạo chợ.

Việc đầu tư nửa vời, coi chợ truyền thống như “đứa con rơi” trước sự phát triển của siêu thị, trung tâm thương mại đã và đang tạo ra những điểm nóng về nguy cơ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm giữa lòng Thủ đô.

Có lẽ, để công tác PCCC ở các khu chợ có chuyển biến tốt, cần bắt đầu từ bàn tay quy hoạch, cải tạo hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành. Nhưng muốn vậy, cần một góc nhìn đúng đắn và thấu đáo về vai trò của chợ truyền thống hiện nay.

Chợ đang đóng góp 80% doanh số bán lẻ ở Hà Nội và các tỉnh. Chúng có xứng đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn? Hay trong tương lai gần, khi nhắc về chợ truyền thống, sẽ chỉ là hình dung “hồn trương ba da hàng thịt”./

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //