Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chợ dân sinh mùa dịch: Thay đổi thói quen, khó nhưng không phải bất khả thi

Phóng viên - 20/04/2020 | 15:37 (GTM + 7)

Các khu chợ không chỉ cần những đường kẻ vạch giãn cách giữa người bán và người mua, chúng cũng cần những đường gạch chân rõ ràng trong nhận thức người dân, của lực lượng chức năng, rằng: Chợ sạch hay bẩn, còn đến từ thói quen, nếp nghĩ của chúng ta.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Việc Bộ Y tế ra thông báo khẩn tìm tất cả những người đã từng tới chợ hoa Mê Linh (Hà Nội) từ ngày 20/3 đến nay để rà soát, sàng lọc Covid-19 cho thấy: Chợ dân sinh đang là một trong những địa chỉ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất hiện nay.

Nơi đó, mọi quy tắc giãn cách xã hội, biện pháp phòng dịch bị bỏ quên hoặc bị người dân lờ là, ngó lơ. Chính đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng từng cảnh báo về việc phải kiểm soát chặt chẽ các dân sinh để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

chợ dân sinh
Chợ dân sinh đang là một trong những địa chỉ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất hiện nay.

Nằm trên con phố sầm uất, mật độ cư dân cao, hàng ngày, chợ Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) diễn ra các hoạt động mua bán rất tấp nập, đặc biệt là tại khu vực Ngõ 2.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông ngày 16/4, quy định giữ khoảng cách giữa người bán với người mua hầu như không được thực hiện.

Tại các quầy bán rau, củ quả, quầy hàng thực phẩm tươi sống, người dân có tâm lý chủ quan. Trong khi người mua đứng sát nhau, thì người bán thỉnh thoảng lại kéo khẩu trang xuống bên dưới cằm để trao đổi với khách.

Đáng nói, tại khu vực chợ, mặc dù có người trực tại các lối ra vào nhưng việc nhắc nhở những trường hợp chưa tuân thủ các biện pháp phòng dịch hiếm khi được thực hiện. Chợ cũng không trang bị sẵn các điểm đặt nước rửa tay hay đo thân nhiệt.

Một người dân sống gần chợ Ngô Sĩ Liên chia sẻ, do mật độ dân cư quá đông, việc giữ khoảng cách phòng dịch rất khó đảm bảo:

“Đây là chợ truyền thống, chợ dân sinh, xung quanh không có chợ nào, chỉ có mỗi chợ này thôi. Kể cả Quốc Tử Giám, Cửa Nam rồi Điện Biên, nhiều nơi vào đây mua. Vừa là nhà người ta vừa là chợ nên không đóng được. Hàng quán vẫn để rìa này là bán này, không cho xuống lòng đường thôi”

Theo khảo sát của phóng viên, tại một số khu vực trên địa bàn quận Đống Đa còn tồn tại tình trạng người bán hàng rong hoạt động, vừa bán vừa canh chừng, khi thấy lực lượng chức năng là nhanh chóng thu dọn hàng hoá.

Ngoài chợ Ngô Sĩ Liên, vẫn còn nhiều chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội cũng chưa đáp ứng tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều khu chợ nhỏ, chợ tạm, như chợ ở đường Vũ Thạnh (Q. Đống Đa), chợ Vồ (Q. Hà Đông), chợ Mai Động (Q. Hoàng Mai)… do thiếu cơ sở vật chất nên các công tác đặt chốt kiểm soát, bố trí nước rửa tay, biển chỉ dẫn hay bố trí nhân lực để đôn đôc nhắc nhở cũng không được triển khai hoặc triển khai không thường xuyên…

Đây chính là những nơi có nguy cơ lây lan và phát tán COVID-19 nói riêng và các virus gây bệnh truyền nhiễm nói chung.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về những nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc thắt chặt các biện pháp phòng dịch đối với chợ dân sinh, phóng viên VOV Giao thông đã tìm hiểu công tác này tại khu chợ dài 150m nằm trên phố Yên Thái (Phường Hàng Gai, Quận Hoàn Kiếm).

UBND phường đã lập 3 chốt kiểm soát y tế tại các đầu vào chợ và kẻ một vạch sơn màu trắng chạy dọc theo tuyến phố Yên Thái (đoạn cắt từ phố Hàng Da đến phố Hàng Mành) để ngăn cách giữa người mua và người bán hàng. Người dân được khuyến cáo mua hàng đứng xa nhau ít nhất 2 mét, những trường hợp đứng quá gần, chủ hàng sẽ dừng bán và nhắc nhở khách.

Vừa chọn thực phẩm cho một ngày, chị Nguyễn Thanh Hương (trú ở phố Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ:

“Tôi rất hay đi chợ Yên Thái vì nhà tôi gần đây. Khi mà có chỉ thị cách ly toàn xã hội thì tôi thấy rất yên tâm khi đi chợ, tôi vẫn mua được thực phẩm tươi ngon theo ý của mình. Tôi thấy người dân của mình rất là ủng hộ, chấp hành nghiêm chỉnh việc kẻ vạch ngăn cách 2m”.

Treo biển trước cửa "Yêu cầu quý khách đeo khẩu trang khi mua hàng và đứng giãn cách khi mua hàng, nếu không, cửa hàng xin phép không phục vụ", chị Trần Thị Khanh, một tiểu thương, rất ủng hộ việc làm của chính quyền địa phương:

“Từ hôm Chỉ thị 16 ra thì tôi cảm thấy phường mình làm rất là tốt, rất quyết liệt, rồi kẻ vạch ra để cho dân đứng cách để tránh bệnh tật, mình cũng cảm thấy rất hài lòng. Kể cả sau khi hết dịch bệnh rồi thì muốn như thế này cũng vẫn được”.

Nhờ việc kẻ vạch, lập chốt, không cho đi xe máy vào mà lượng người mua bán trên phố đã giảm bớt, việc mua bán cũng quy củ, trật tự hơn. Đây có thể coi là mô hình đáng tham khảo đối với chính quyền các phường, xã khác nhằm kiểm soát tốt hơn các khu chợ, nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện cho người dân mua bán nhu yếu phẩm trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chợ dân sinh đang là một trong những địa chỉ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất hiện nay.
Cần lập chốt kiểm soát y tế tại các đầu vào chợ để đảm bảo công tác phòng dịch. Ảnh: quangtritv.vn

Bày tỏ quan điểm với VOV Giao thông, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, với những đặc tính như lây lan qua giọt bắn, bám lưu trên các bề mặt thì virus SarCov2 rất có khả năng lây truyền qua việc mua bán, trao đổi của người dân tại các khu chợ dân sinh:

“Việc lây lan Covid 19 có thể qua các đồ vật  khi mua bán từ tiền mặt, hàng hóa nên nguy cơ lây lan dịch ở các chợ dân sinh là cao. Thứ nhất là tập trung đông người rất sát nhau, mặc cả rồi ho hắng, nói chuyện, mà không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy cách. Thứ hai là các đồ vật của những người có mang virus còn đọng lại trên bề mặt từ giấy gói lương thực, thực phẩm đến đồ đạc là lây được. Thực tế là vấn đề chợ hoa Mê Linh hôm vừa rồi”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng ủng hộ những biện pháp kiểm soát của ngành y tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch Covid 19, bởi “thà làm chặt còn hơn bỏ sót”, nhất là trong thời gian tiến hành giãn cách xã hội như hiện nay:

“Thực ra vấn đề họp chợ thì người ta vẫn được phép, nhưng phải đảm bảo thế nào để bảo vệ bản thân mình và dự phòng lây lan cho những người xung quanh ra làm sao để giao thương, giao lưu như thế nào. Việc lập các trạm kiểm soát, các trạm đo nhiệt độ cơ thể các cá nhân ra vào vẫn có thể đảm bảo được việc phát hiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biện pháp bắt buộc, tự mỗi cá nhân phải tự giác với bản thân mình. Mình tiếp xúc với ai, làm gì thì chấp hành tuân thủ những quy định của Bộ Y tế, nếu có vấn đề thì phải khai báo".

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng cũng cho rằng, các đơn vị quản lý chợ, chính quyền địa phương phải là một trong những cơ quan đầu tiên vào cuộc nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan tại các khu chợ. Tuy nhiên, việc có triển khai các biện pháp chặt chẽ tại các khu chợ dân sinh hay không đòi hỏi sự tư vấn từ cơ quan y tế địa phương thì mới đạt được hiệu quả tốt.

“Thực ra những biện pháp chặt chẽ hơn thì nên áp dụng tại các khu đang có dịch. Tại các địa phương chưa có dịch thì có thể không áp dụng những biện pháp chặt chẽ đó. Vì chính quyền địa phương phải dựa vào tình hình dịch tễ tại đấy, phải tham vấn ý kiến của y tế địa phương để có biện pháp khử trùng thường xuyên trong chợ, phải chỉ định thực hiện những biện pháp đấy tùy theo từng khu vực. Khu vực nguy cơ cao thì bắt buộc kiểm tra chặt, thậm chí cấm họp chợ. Người ra vào cũng hạn chế bớt”.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế mua sắm, chỉ mua những vật dụng thiết yếu có thể sử dụng trong thời gian dài để khỏi đi chợ nhiều lần. Khi đi chợ, cần đeo khẩu trang, găng tay, cố gắng mua bán nhanh, tránh tiếp xúc nhiều người, nếu có điều kiện nên mang theo túi riêng để đựng tiền, vì tiền là vật trung gian lây bệnh.

Lúc đi chợ về, người dân rửa tay bằng xà phòng. Giày dép nên để ngoài, không đi vào nhà. Áo quần nếu đi chợ đông người mà đi chợ lâu thì nên gói lại để giặt. Nếu có thông tin về khu chợ có phát sinh bệnh tật, thì cần lập tức báo y tế biết và theo dõi sức khỏe của mình.

 

chợ dân sinh
Cần đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các khu chợ dân sinh

Thay đổi thói quen, khó nhưng không phải bất khả thi

Không phải đến khi dịch bệnh bùng phát, câu chuyện đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các khu chợ dân sinh mới được đề cập.

Việc này đã được tuyên truyền từ lâu và khá thường xuyên ở các địa phương, đặc biệt trong các khu dân cư đô thị. Tuy nhiên, do tính chất tạm bợ của nền kinh tế lòng đường, hè phố, việc thực hành và kiểm tra các biện pháp an toàn trong những khu chợ dân sinh, mà phần lớn chưa được kiên cố hóa, cũng trở nên úi xùi, qua loa.

Một bộ phận người lớn có thể la mắng trẻ nhỏ vì quên rửa tay trước khi ăn hay cho tay lên mắt, mũi, miệng, nhưng chính họ khi ra chợ lại quên mất rằng, bản thân đang giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều mầm bệnh. Đó có thể là một mớ thịt sống, một đồng tiền thối lại, hay chính người bên cạnh, nếu cả hai cùng không đeo khẩu trang.

Không phải ngẫu nhiên, hầu hết các dịch bệnh đều khởi phát từ các khu chợ. Tại đây có đầy đủ yếu tố để virus dễ phát triển và lây lan, như độ ẩm, nhiệt độ môi trường, mật độ người đông trong một diện tích chật hẹp.

Ngoài ý thức của người mua-bán trong chợ, việc thúc đẩy các quy tắc giãn cách, biện pháp phòng dịch còn phải có sự tham gia của các thiết chế, công cụ giám sát, mà đặc biệt là ban quản lý chợ, y tế cơ sở và lực lượng làm trật tự địa phương.

Nếu coi chợ dân sinh là một phần thiết yếu của đời sống đô thị, các cơ quan chức năng cần quản lý và biến nó trở thành một địa chỉ an toàn cho người dân đến mua sắm nhu yếu phẩm. Thật khó để chấp nhận, nơi lẽ ra phải an toàn nhất, đầu ra cho các thực phẩm để người dân ăn uống hàng ngày, lại là nơi được xác định tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Việc đưa ra mô hình phòng bệnh, các chốt kiểm soát thí điểm tại chợ Yên Thái (Hà Nội) có thể là chỉ dấu cho thấy bước đầu thay đổi trong nhận thức của chính quyền địa phương đối với vấn đề an toàn cho chợ dân sinh.

Các khu chợ không chỉ cần những đường kẻ vạch giãn cách giữa người bán và người mua, chúng cũng cần những đường gạch chân rõ ràng trong nhận thức người dân, của lực lượng chức năng, rằng: Nghĩ đến chợ, đâu phải lúc nào cũng là hình ảnh bẩn thỉu, mất vệ sinh. Chợ sạch hay bẩn, còn đến từ thói quen, nếp nghĩ của chúng ta.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //