Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chính sách cấp bù lãi suất 2%, làm sao để minh bạch, kịp thời?

Hoàng Hà - 05/05/2022 | 15:56 (GTM + 7)

Theo Nghị quyết 11, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022-2023. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống cần làm rõ tiêu chí, minh bạch về đối tượng và quan trọng là phải kịp thời, tránh trục lợi từ chính sách.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sau 2 năm gần như “đóng băng” vì dịch, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay Bình Thuận đón khoảng 80.000 lượt khách du lịch, tăng khoảng 33% so với năm ngoái. Tại các bãi biển và điểm vui chơi trên địa bàn đều đông nghịt du khách, các cơ sở lưu trú không còn chỗ trống.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận chia sẻ, đây là tín hiệu tích cực về sự phục hồi của du lịch nội địa, tuy nhiên so với năm 2019 khi dịch Covid 19 chưa bùng phát thì lượng khách mới đạt 45-50% vào ngày lễ và ngày thường khoảng 20-30%. Để vực dậy ngành du lịch, chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cần sớm được triển khai.

"Ngân sách nhà nước hỗ trợ 2% là cũng tốt rồi, nhà nước đã đưa ra khá nhiều chính sách, bây giờ làm sao tất cả các chính sách Chính phủ đang áp dụng hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2022.

Và chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ sớm hướng dẫn để ngân hàng thực hiện, từ đó mỗi doanh nghiệp có cách để thích ứng, tồn tại và phát triển", ông Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Khoảng 80 nghìn lượt du khách đến Bình Thuận dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Thanh niên

Khoảng 80 nghìn lượt du khách đến Bình Thuận dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Thanh niên

Ngành vận tải cũng chịu nhiều tổn thương trong 2 năm qua. Sau nửa năm mở cửa, thích ứng và sống chung với dịch, Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Hà Nội vẫn mỏi mắt tìm nhân sự, đến nay doanh nghiệp này vẫn thiếu 30% lái xe.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh Hà Nội khẳng định, doanh nghiệp rất mong chờ chính sách cấp bù lãi suất 2%, tuy nhiên để vực dậy ngành vận tải rất cần những chính sách hỗ trợ trung và dài hạn từ phía Chính phủ.

"Đối với doanh nghiệp chính sách đó rất tốt, nhưng giờ này các doanh nghiệp vận tải vẫn đang điêu đứng vì không có lái xe. Để khôi phục sản xuất, giúp doanh nghiệp tồn tại thì cái quan trọng nhất là cho áp dụng các chính sách mang tính dài hạn, bây giờ doanh nghiệp cần nhất là cấp tín dụng trung và dài hạn, gia hạn các khoản cơ cấu nợ trung và dài hạn. Bởi vì sau 31/5 doanh nghiệp được hoãn giãn bao nhiêu tháng thì phải nộp lại bấy nhiêu", ông Nguyễn Công Hùng nói.

Ngoài các lĩnh vực vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, thì doanh nghiệp vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ…cũng sẽ được hưởng chính sách cấp bù 2% lãi suất.

Để chính sách đi vào cuộc sống cần làm rõ tiêu chí, minh bạch về đối tượng và quan trọng là phải kịp thời, tránh trục lợi từ chính sách. Ảnh: Hà Nội mới

Để chính sách đi vào cuộc sống cần làm rõ tiêu chí, minh bạch về đối tượng và quan trọng là phải kịp thời, tránh trục lợi từ chính sách. Ảnh: Hà Nội mới

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam đây là chủ trương đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ, nhưng với các dự án nhà ở thì thời gian hỗ trợ 2 năm là quá ngắn, doanh nghiệp không đủ thời gian tiếp cận: "Chủ trương thì đúng nhưng thời hạn thực hiện hỗ trợ tín dụng đối với các dự án nhà ở là quá ngắn.

Để hoàn thiện được các thủ tục, ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng nhanh nhất cũng phải 3 năm, mà gói tín dụng này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm.

Như vậy, doanh nghiệp chưa kịp có hồ sơ thì gói hỗ trợ tín dụng hết hiệu lực rồi. Tôi nghĩ rằng nên gia hạn thì mới có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp".

Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là cần nới lỏng các điều kiện được hưởng chính sách này, bởi hơn 2 năm dịch bệnh nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay nhảy nhóm.

Ông Đào Anh Tuấn,TGĐ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn bày tỏ: "Dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thực sự rất khó khăn, nên rất mong muốn được tiếp cận với gói hỗ trợ này. Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp để làm sao điều kiện vay, tiếp cận phải mở và thoáng hơn. Bởi trước đây Chính phủ đã đưa ra rất nhiều gói nhưng doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn này rất khó. Chúng tôi mong muốn với từng điều kiện cụ thể của doanh nghiệp để tháo gỡ, chứ chỉ chung chung thì chính sách chỉ là chính sách thôi, chưa đi vào cuộc sống".

TS. Trần Du Lịch, nguyên Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, việc ban hành Nghị định hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất quá chậm trễ: "Tôi cho rằng việc triển khai như vậy rất chậm, bởi chính sách này nó cấp thiết cũng giống như cấp cứu, nếu chậm thì thuốc không còn ý nghĩa nữa. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ, nếu chậm vậy thì ý nghĩa của chính sách không còn, những đối tượng bị tổn thương bởi đại dịch khó có khả năng phục hồi".

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng: "Về quy trình, ngân hàng họ cũng muốn có những cái chắc chắn, sau này hạn chế rủi ro kiểm toán, kế toán. Gói này cứ làm, đừng đợi quá hoàn hảo, luật là do mình, trong quá trình làm có những vứng mắc, phát sinh thì mình linh hoạt điều chỉnh và chấp nhận rủi ro ở mức nhất định". 

Dưới góc nhìn khác, PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách cấp bù lãi suất 2% cần khẩn trương song phải hết sức thận trọng: "Kịp thời là cần thiết nhưng làm sao phải thận trọng, phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn thế nào.

Ví dụ đối với du lịch hiện nay có những doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, phải chăng phải hạ những tiêu chuẩn, điều kiện cho vay của ngân hàng hay không?

Cũng không quá cầu toàn nhưng làm không hợp lý, không đúng tiêu chuẩn, đối tượng thì sẽ mất tác dụng, như trước kia nhiều doanh nghiệp đi vay nhưng cuối cùng lại gửi lại ngân hàng, có đơn vị cho vay không đúng mục đích, đưa vào chứng khoán, bất động sản".

Chính sách cấp bù lãi suất 2% cần khẩn trương song phải hết sức thận trọng

Chính sách cấp bù lãi suất 2% cần khẩn trương song phải hết sức thận trọng

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giúp họ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất rẻ hơn, giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo động lực để phục hồi và phát triển. Thế nhưng, sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn đang đi ngược lại với mục tiêu mà Đảng, nhà nước đề ra.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần khẩn trương đưa chính sách này vào cuộc sống, cũng như nới lỏng các điều kiện tiếp cận, đừng “đánh đố” doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế nước ta, để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 trình Bộ Chính trị, Quốc hội phê duyệt. Ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ngày 30/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 tháng nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp vẫn “phấp phỏng” chờ đợi.   

Một số ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Hiện nay vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đó là thời hạn hỗ trợ của gói tín dụng này khá ngắn, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nhà ở, doanh nghiệp chưa kịp “xoay sở” xong thủ tục về dự án và trình ngân hàng vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực.

Đồng thời, các điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất tương đối khắt khe, nhiều doanh nghiệp đang vướng nợ xấu, nếu không được hạ chuẩn tín dụng sẽ khó có cơ hội tiếp cận và gượng dậy sau đại dịch. Vì thế để gói hỗ trợ này không còn nằm trên giấy, cần xem xét kéo dài thời gian thực thi cũng như cắt giảm các thủ tục “làm khó” doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, với khoản "vốn mồi" 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm vốn đối ứng. Đây là con số rất lớn nên ngành ngân hàng phải có những bước đi thận trọng là cần thiết.  

Để khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ, đúng đối tượng, tránh “vết xe đổ” năm 2009, Bộ Tài chính cần phải công khai, minh bạch các đối tượng được thụ hưởng, trên cơ sở đó các ngân hàng thương mai thực hiện khấu trừ cho các khoản vay này.

Bài học từ gói cấp bù lãi suất 4%/năm năm 2009 cho thấy, đã có nhiều khoản vay không đúng đối tượng, không đúng mục đích, tiền ngân sách nhà nước đã đổ vào chứng khoán, bất động sản, thậm chí có những doanh nghiệp đi vay rồi mang chính số tiền đó gửi lại ngân hàng để hưởng lợi.

Vì thế đến nay sau 12 năm nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong hạng mục này. Bởi vậy, gói hỗ trợ lần này cần được tính toán cẩn trọng, tránh những hệ lụy sau này là điều tất yếu.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Nơi âm dương không cách trở

Nơi âm dương không cách trở

Phố Giáp Nhị (Q. Hoàng Mai) có nhiều ngõ ngách chằng chịt đặc trưng đúng chất Hà Nội phố. Nhưng có điều kỳ lạ khi khám phá ngang dọc con phố này sẽ thấy một khu phố mà người dân đang chia sẻ không gian sống với những ngôi mộ.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng/ năm, tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.

Bình trà đá nghĩa tình

Bình trà đá nghĩa tình

Không riêng tại thành phố Hồ Chí Minh mà thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở ĐBSCL, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những bình trà đá miễn phí dành cho mọi người, đặc biệt là bà con lao động khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều.

// //