Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cắt giảm hết cỡ, doanh nghiệp vận tải khách gượng dậy ra sao?

Phóng viên - 08/03/2021 | 5:42 (GTM + 7)

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đã cắt giảm nhân công, cắt giảm chuyến lượt để tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp vận tải hành khách cắt giảm đến 75% phương tiện xuất bến. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng phục

Do tâm lý e ngại dịch Covid-19, lượng hành khách đến bến xe trọng điểm phía Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự, hầu hết đều sụt giảm đến 50% lượng khách, khiến lượng xe phục vụ hằng ngày cũng giảm từ 30 đến 50%

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Có mặt tại một số bến xe lớn của Hà Nội như Bến xe Giáp Bát, Bến xe Gia Lâm, PV VOV Giao thông ghi nhận lượng hành khách thời điểm này có tăng so với trước Tết - thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, các “lốt xe” trống khá nhiều và mỗi xe chỉ có dăm ba hành khách. Khó khăn của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải cùng sự điều chỉnh để thích ứng là điều ai cũng có thể nhận thấy rõ.

Tại bến xe Mỹ Đình, ông Thiều Văn Hùng, Công ty TNHH và Du lịch Cường An - chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, mỗi ngày đơn vị có 33 lượt xe xuất bến. Tuy vậy, với tình trạng lượng khách giảm sút nghiêm trọng, nên hiện tại mỗi ngày đơn vị chỉ có 10 lượt xe xuất bến, nhưng trên mỗi xe chỉ có 3-4 hành khách:

"So với mọi năm thì lượng khách năm nay giảm rất nhiều lần, năm ngoái 10 phần thì năm nay chỉ được 1/10. Lý do là người ta sợ xe khách đông người, đông người thì sẽ lây lan rộng nên là chạy cầm chừng, vì lượng khách không có".

Không chỉ vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn đối với doanh nghiệp còn đến từ giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua (cụ thể, giá dầu diesel hiện đã tăng khoảng 20% so với thời điểm tháng 9/2020) cũng là thách thức đối với hoạt động vận tải.

Do vậy, không chỉ cắt giảm chuyến lượt, một số nhà xe còn cắt giảm nhân công để tiết giảm chi phí. Về điều này, đại diện Nhà xe Phiệt Học - khai thác tuyến Hà Nội - Thái Bình cho biết:

"Xe 29 chỗ chỉ cần 10 người là đẹp lắm rồi! Xăng dầu lên cũng hơi khó khăn một tý, tính ra đổ thêm mất 200 nghìn/lần đấy! Công ty Phiệt Học trước thì 2 phụ xe, giờ chỉ 1 phụ 1 lái xe thôi, và cắt giảm những chuyến không cần thiết, dồn chuyến lên cho khách đi, rồi hỗ trợ nhân viên,…" 

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, thống kê cho thấy, trong năm 2020, bình quân mỗi ngày có khoảng 850 lượt xe xuất bến, nhưng 2 tháng đầu năm 2021, mỗi ngày chỉ có chỉ đạt từ 500-550 lượt xe xuất bến:

"Hầu hết các tuyến trên bến xe Mỹ Đình đều giảm khá nhiều, giảm khoảng 50% lượng khách trên xe, mỗi xe xuất bến chỉ có khoảng 5-10 khách. Thậm chí có một số tuyến giảm quá một nửa".

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, do tâm lý e ngại dịch Covid-19, lượng hành khách đến bến xe trọng điểm phía Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự, hầu hết đều sụt giảm đến 50% lượng khách, khiến lượng xe phục vụ hằng ngày cũng giảm từ 30 đến 50%:

"Lượng khách sụt giảm thì nhà xe cũng giảm tần suất hoạt động để đảm bảo chi phí. Chúng tôi cũng đồng hành các đơn vị, đảm bảo công tác phòng dịch; hỗ trợ các nhà xe thủ tục xe ra vào bến nhanh gọn, thuận tiện nhất; rà soát các đơn vị không thực hiện đủ chuyến lượt trong thời điểm dịch, động viên các đơn vị vượt qua khó khăn".

Nếu như lượng hành khách tại Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giảm tới 50% thì lượng hành khách tại Bến xe Gia Lâm còn có mức giảm “khủng khiếp” hơn, tới 80-90%.

Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do rất nhiều phương tiện hoạt động tại Bến xe Gia Lâm có lộ trình đi Hải Phòng, Quảng Ninh, trong khi đó, từ khi dịch bùng phát, các phương tiện xuất phát đi Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đều phải dừng hoạt động:

"Bến Gia Lâm được đánh giá là ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước Tết chỉ một tuần, toàn bộ xe đến tỉnh Hải Dương đã dừng hoạt động, Quảng Ninh cũng đã đóng. Công ty đã có chủ trương tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải, giảm mức thuê diện tích quầy vé, văn phòng với mức 30% trong tháng 2 và tháng 3. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã bắt đầu có sự phục hồi nhưng còn chậm".

Do một số nhà xe cắt giảm tần suất, nên phần nào ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách. Tuy vậy, một số hành khách cho rằng, tình trạng vắng khách khiến họ phải chờ đợi xe cũng là điều dễ hiểu:

"Thời điểm này so với mọi năm là ít hơn, đi trên xe thấy thưa vắng hơn mọi năm. Kinh doanh vận tải mà ít khách là thu nhập người ta ít rồi!"

"Thấy mấy chú lái xe nói là từ hôm Rằm đến giờ xe chỉ được 5-6 người thôi. Lên bến xe cũng thế, thấy vắng hơn trước nhiều! Chị chờ xe cũng lâu đấy, không có xe đi, cũng phải thông cảm cho nhà xe thôi!"

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải đã trải qua 2 đợt dịch năm 2020, nên hoàn toàn có đủ kinh nghiệm ứng phó, thậm chí phục hồi khi dịch được khống chế:

"Nhu cầu vận tải hành khách sụt giảm là hoàn toàn bình thường. Năm 2020 họ đã có kinh nghiệm của cả 2 đợt dịch rồi, nên họ phải chờ cơ hội để phục hồi thôi, mà những cái này bản thân những doanh nghiệp thừa khả năng đối phó với câu chuyện đấy".

Đã có không ít nhà xe phải chuyển hướng hoạt động, bằng cách giảm số xe chạy tuyến cố định và đầu tư thêm xe limousine. Có doanh nghiệp chạy “nửa bến nửa dù”, thậm chí chuyển hẳn sang chạy “dù”, chỉ mong qua cơn bĩ cực

Dịch Covid-19 đang có dấu hiệu được khống chế, nhu cầu vận tải hành khách cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy vậy, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải trong việc thích ứng với nhu cầu thị trường, rất cần sự hà hơi tiếp sức của cơ quan quản lý, nhất là việc lành mạnh hóa thị trường vận tải.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Bàn tay thị trường, bàn tay cơ chế

Sự cắt giảm chưa từng có về số chuyến lượt và nhân công của các doanh nghiệp vận tải đang đặt ra nhiều lo ngại về khả năng hồi phục và hoạt động an toàn của lĩnh vực này, khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lo ngại là có căn cứ, bởi nhân lực trong ngành vận tải không thể “vơ bèo vạt tép”, cũng không thể tuyển dụng theo kiểu thời vụ, nếu không muốn đẩy những chuyến xe, chuyến hàng vào hành trình đầy rủi ro. 

Người lao động một khi đã khỏi doanh nghiệp, sẽ không ngồi nhà đợi được gọi trở lại, vì áp lực cuộc đống buộc họ phải lập tức kiếm kế sinh nhai.

Bản thân doanh nghiệp cũng rủi ro, vì giảm chuyến lượt đồng nghĩa với việc tự tự thu hẹp thị phần. Hơn nữa, nhiệm vụ vận tải đối mặt rủi ro, nếu số lượt chuyến bị cắt giảm quá sâu.

Chẳng hạn, dịp cao điểm 30/4, 01/5 sắp tới với kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, nếu tình hình được kiểm soát tốt, nhu cầu đi lại của người dân chắc chắn tăng cao.

Tuy vậy, nếu đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, sẽ thấy, cắt giảm chuyến lượt và nhân công là một quyết định cực chẳng đã. Một năm mòn mỏi với COVID, các mùa làm ăn lớn trong năm của họ đều đã bị COVID “phá ngang”. Cộng thêm với sự phát triển mau chóng của ô tô cá nhân, sự nở rộ của xe kinh doanh dịch vụ trá hình… tất cả đã đẩy doanh nghiệp vận tải khách vào chỗ lao đao.

Đã có không ít nhà xe phải chuyển hướng hoạt động, bằng cách giảm số xe chạy tuyến cố định và đầu tư thêm xe limousine. Có doanh nghiệp chạy “nửa bến nửa dù”, thậm chí chuyển hẳn sang chạy “dù”, chỉ mong qua cơn bĩ cực.

Sự vận động của thị trường cùng sóng gió mà dịch bệnh gây ra đã khiến hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh rời khỏi lĩnh vực này, và đẩy rất nhiều doanh nghiệp khác đứng trước bờ vực phá sản. Chấp nhận một phần sự sàng lọc tự nhiên đó, nhưng các cơ quan chức năng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn.

Bởi vận tải khách tuyến cố định vẫn được xác định là phương thức vận tải rất quan trọng, đảm bảo chủ yếu nhu cầu đi lại của người dân các địa phương, vùng miền, ngay cả khi đường sắt và đường không có phát triển mạnh trong tương lai, bởi ưu thế về tính tiện lợi và kinh tế của nó.

Vậy nên, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần một câu trả lời: Cơ quan quản lý muốn họ sống sao?

Nếu để doanh nghiệp tự vận động, các kịch bản vận tải khách được đảm bảo như thế nào trước nhu cầu tăng giảm của người dân, theo diễn biến tình hình dịch bệnh và theo mùa vụ trong năm, hay thả nổi thị trường cho các loại hình phi chính thức?

Còn nếu muốn doanh nghiệp đủ sức đáp ứng các nhiệm vụ vận tải được giao và yên tâm theo nghề, thì những biện pháp “hà hơi tiếp sức” phải đủ độ, phải kịp thời khi họ đang suy kiệt; môi trường sống cho hoạt động vận tải phải đảm bảo đủ lành mạnh, quy định phải đủ chặt chẽ để “người ngay” không sợ “kẻ gian”, thay vì thả nổi kéo dài, để mặc vận tải tuyến cố định bị bóp nghẹt bởi xe hợp đồng trá hình nhởn nhơ hoạt động.

Ngay cả các kịch bản vận tải mùa dịch cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, truyền thông tích cực hơn để người dân yên tâm sử dụng xe khách, một khi đã đảm bảo chặt chẽ quy định phòng dịch, dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tránh tình trạng quản không hết, để lọt những chuyến xe có ca bệnh đi xuyên tỉnh, dẫn tới tâm lý lo ngại lây lan, ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Dĩ nhiên, trong bất kỳ biến cố nào, doanh nghiệp trước tiên phải nghĩ cách tự cứu mình.

Song, khi tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp gắn chặt với an toàn của giao thông, với khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân đô thị và các địa phương, thì đó không còn là chuyện riêng của doanh nghiệp./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //