Chia sẻ của MC Kiều Tuyết trong giờ cao điểm sáng 11/11 trên Kênh VOV Giao thông.
Đường Trần Phú mở rộng lòng đường. Ảnh: Huyền Vân
Sự ngột ngạt của giao thông trên trục đường Quang Trung – Trần Phú – Nguyễn Trãi đã diễn ra trong suốt thời gian dài, song hành với việc thi công đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngay cả khi các hạng mục liên quan đến phần đường bên dưới đã xong từ lâu, và ngay cả khi vỉa hè đã được xén tới mức tối đa, làn buýt riêng cũng được trưng dụng cho tất cả phương tiện, thì vẫn không đỡ nổi áp lực giao thông trên tuyến này. Rất nhiều giải pháp tổ chức giao thông đã được thử nghiệm, nhưng ùn vẫn hoàn ùn. Và sáng nay, các đoạn dải phân cách giữa còn có thể xén được từ chỗ ĐH Kiến Trúc đến ga đường sắt Phùng Khoang đã được xén tiếp.
Thôi thì, xén được cứ xén. Một mét khổ rộng đường cũng có thể là rất đáng quý trên lộ trình bức bối này. Nhưng cũng sẽ chẳng là gì, với lượng xe luôn gấp nhiều trăm phần trăm khả năng chịu tải. Và sáng sáng, chiều chiều, cứ mỗi khi chôn chân tại chỗ ở đoạn đường này, bà con lại nghển cổ ngóng về “biển” người và xe phía trước”, rồi lại ngửa cổ ngao ngán nhìn đường sắt trên cao.
Tắc mãi cũng phải quen!
Ùn tắc thường xuyên xảy ra trên tuyến đường Trường Chinh. Ảnh: Nhân Trần
Ùn tắc trọn vẹn 3 tiếng ở ngã ba Trường Chinh – Vương Thừa Vũ. Tắc “điên đảo” các tuyến đường liên quan như Nguyễn Ngọc Nại, Chùa Bộc, Tây Sơn. Nhiều thính giả thở vắn than dài, có người thì bực bội, bức xúc. Nhưng cũng có người điềm đạm đến thản nhiên: “10 năm lái xe ở Hà Nội, tôi quen rồi, không tác mới lạ!”
Thế đấy, khi không thể thay đổi tình hình, thì học cách chấp nhận nó, và coi nó là một phần của cuộc sống đô thị, cũng là một cách tiếp cận không tồi. Thở than chẳng ích gì, cáu kỉnh chỉ thêm già thêm xấu. Ra đường sớm hơn, và luôn căn dư thời gian di chuyể. Vì đường ngắn có thể sẽ rất dài, vì áp lực của giờ cao điểm có thể sẽ rất trễ, tới tận 10h, như sáng nay!