Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cần một cuộc 'đại phẫu' ngăn ngừa lao động trẻ em

Phóng viên - 20/12/2019 | 16:45 (GTM + 7)

Để tiếp tục nhân rộng mô hình phòng ngừa lao động trẻ em thì không thể trông chờ vào những dự án xã hội mang tính riêng lẻ vì dù có làm tốt đến mấy cũng sẽ như “muối bỏ bể”. Đã đến lúc cần một cuộc “đại phẫu” để ngăn ngừa lao động trẻ em bằng hành động cụ

Những gia đình sống ''treo'' trên kinh thành Huế
Những gia đình sống ''treo'' trên kinh thành Huế (Ảnh: kenh14)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thách thức với chính quyền địa phương

Đã từ lâu sự vững mạnh của mỗi gia đình chính là bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định con đường phát triển bền vững, hiệu quả của đất nước. Thế nhưng, hầu hết các mâu thuẫn hay vấn nạn xã hội như bạo lực, tệ nạn, hành vi phi đạo đức lại được phôi thai ngay ở trong gia đình.

Chính những hoàn cảnh gia đình éo le đã đẩy một bộ phận trẻ em phải đối diện với nhiều cám dỗ, thậm chí bị dụ dỗ, lôi kéo, buộc phải lao động sớm để mưu sinh và va vấp vào những toan tính cuộc sống khi tuổi đời còn rất trẻ. 

"Chú đó lấy túi của con, lục lấy hết tờ vé số, rồi lấy tiền của con, 1,2 triệu. Lấy xong rồi chú lấy cây đập con, con thấy chú đó chạy thì con chạy theo, con thấy có một chú thì kêu cứu".

Đó là lời thuật lại của một cậu bé đã trải qua sự việc kinh hoàng ở bìa rừng keo xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vào trưa ngày 15/07/2019, cậu bé mới 13 tuổi đã bị một gã đàn ông to khỏe dụ vào rừng rồi dùng cành cây đánh gẫy tay, bầm tím đôi chân và cướp đi 1,2 triệu đồng tiền bán vé số vừa kiếm được.

Rất may, cậu bé được một người dân nhìn thấy và đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Có lẽ, nỗi đau thể xác đó là quá to lớn đối với một cậu bé mới 13 tuổi tranh thủ những ngày nghỉ hè bán vé số phụ giúp bố mẹ đau yếu, mắc bệnh tâm thần. 

Hoàn cảnh éo le, phải lao động sớm ngoài giờ học đã vô tình đẩy một bé gái đến tai họa khi mới 8 tuổi. Sự việc xảy ra vào ngày 29/10/2019 tại Phú Quốc, khi đang bán vé số dạo trên đường Mạc Cửu, thị trấn Dương Đông, bé gái đã bị một gã đàn ông dụ dỗ cho tiền rồi chở đến rừng cây gần sân bay Phú Quốc để thực hiện hành vi xâm hại và cướp hết số tiền khoảng 1 triệu đồng. Vụ việc đã gây rúng động dư luận và sau đó 14 ngày công an huyện Phú Quốc đã bắt được tên yêu râu xanh, đòi lại công bằng cho bé gái.

Hai trẻ em bị đánh đập, bị xâm hại nêu trên chỉ là bề nổi đau lòng của tình trạng trẻ lang thang kiếm sống trong tổng số 1.75 triệu trẻ em đang phải lao động sớm tại Việt Nam.

Theo báo cáo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em tại Việt Nam mới đây, trong tổng số 1,75 triệu lao động trẻ em có tới gần 569.000 em, chiếm 32,4% có thời gian làm việc trên 42 giờ trong tuần và đang làm các công việc thuộc danh mục cấm sử dụng lao động trẻ em hoặc môi trường làm việc có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Vì sao trẻ em lại bị lạm dụng để lao động sớm? 

Có một thực tế, chủ sử dụng lao động thuê trẻ em làm việc vì tiền công rẻ, dễ phục tùng nên bất chấp mọi giá để thực hiện, thậm chí lôi kéo, ép buộc các em phải lao động nặng nhọc, độc hại, ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Chính vì vậy, trẻ cũng dễ bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực từ xã hội.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đó không chỉ là những rủi ro tức thời mà còn để lại những hệ lụy lâu dài, kéo từ thế hệ này sang thế hệ khác: 

"Trẻ lao động sớm dễ bỏ học, dễ tổn thương thể chất và tâm lý, dễ bị lạm dụng, bóc lột, cũng như rơi vào các điều kiện lao động tồi tệ. Bên cạnh nghèo khó là nguyên nhân hàng đầu thì các rào cản tiếp cận giáo dục và nhận thức sai lầm của phụ huynh về việc học hành và lao động của con cái, sự phân biệt đối xử".

Mặt khác, theo ông Bùi Ngọc Chương - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tình trạng sử dụng lao động trẻ em sớm đang bùng phát ngày một phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy.

Có những chủ sử dụng lao động vô tình hoặc cố tình biết sử dụng lao động trẻ em là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp thực hiện vì lợi ích kinh tế, vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Thực tế này rất rõ ràng nhưng chúng ta lại chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương, từ cơ quan có trách nhiệm trong việc giám sát việc trẻ em lao động sớm. 

"Điều quan trọng theo tôi là các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền địa phương rồi các cơ quan giúp việc có thể nói là không quan tâm đầy đủ đến việc theo dõi này cho nên chúng ta thấy xử lý, xử phạt chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe. Dù luật cũng có quy định về xử lý hành vi hình sự nhưng chúng ta ít thấy các vụ việc được đưa ra xử lý".

Sớm bước vào thị trường lao động cũng là lối rẽ dẫn đến sa ngã vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo, lừa bán… Thế nhưng đó không phải là lựa chọn mà là hoàn cảnh của những đứa trẻ phải phụ giúp gia đình, không còn nơi nương tựa, hoặc phải di cư cùng cha mẹ để mưu sinh.

Điều này đặt ra rất nhiều thách thức với chính quyền mỗi địa phương về vấn đề việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, tiếp cận an sinh xã hội của người lao động, cơ hội học tập, chăm sóc của trẻ nhỏ. 

Trẻ em bán hàng rong đường phố tại Huế (Ảnh Codes)
Trẻ em bán hàng rong đường phố tại Huế (Ảnh: Codes)

Khó nghèo - Kiếm sống - Khó nghèo

Có thể thấy vấn đề nghèo đói vẫn được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em sớm. Chính tư duy của bố, mẹ và chính trẻ em, của người sử dụng lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nên dẫn tới tương lai của trẻ có thể là những con đường mịt mù, trong đó cơ hội thì ít, rủi ro thì  nhiều.

Thực tế này đang diễn ra tại thành phố Huế - nơi đang có một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử của tỉnh này, với những thách thức cho chính quyền về vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, về bảo đảm quyền học tập, phòng ngừa lao động sớm cho trẻ em. 

Khi vệt nắng cuối chiều dần tắt, xuôi theo những con đường ven dòng Hương hiền hòa, chúng tôi tìm đến đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát, thành phố Huế.

Một nhịp sống sôi động đúng chất thành phố du lịch hiện ra trước mắt. Giữa cái huyên náo của phố sá, của những nói cười vui vẻ, xen vào giữa là những lời mời chào mua bánh phồng tôm, đậu phộng của hai bé gái chừng hơn 10 tuổi:

PV: Cháu bán được lâu chưa?

Bé gái: Dạ rồi, từ lúc cháu 6 tuổi.

PV: Bây giờ cháu mấy tuổi?

Bé gái: Dạ 12. 

PV: Cháu hay bán ở đâu?

Bé gái: Dạ, nhiều đường. Mấy đường có quán nhậu: Đường Bà Triệu, đường Hà Huy Tập, đường Trường Chinh…

PV: Thế đi bán từ mấy giờ?

Bé gái: Dạ từ 5 giờ mấy đến gần 10 giờ. 

PV: Có ai đánh hay động chạm gì mình không?

Bé gái: Dạ cũng có vài người, sờ tay…

PV: Thế hai chị em cùng đi bán à?

Bé gái: Dạ hai chị em đi bán, còn có hai em nhỏ ở nhà nữa.

PV: Cháu có mơ ước gì sau này?

Bé gái: Cháu cũng không biết.

Ánh mắt nhanh nhẹn, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng không hề sợ hãi, ngượng ngùng. Dường như cô bé này đã quá quen với những va chạm của cuộc sống mưu sinh không ước mơ, không mặc cảm mà chỉ cần tìm mọi cách bán hàng, kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Trong lúc chúng tôi hỏi chuyện những đứa trẻ nơi quán nhậu về mơ ước của chúng, một người phụ nữ chạy xe máy lại gần và lặng lẽ quan sát. Chị là Lan - mẹ của hai bé gái vừa bán bánh cho chúng tôi, vì một mình nuôi 4 đứa con, mà buộc phải để hai con gái lớn 10 và 12 tuổi đi làm thêm ngoài giờ học cùng với mẹ:

"Mình quá khó khăn vì có 4 đứa con, kinh doanh mặt bằng không có tiền rồi, mẹ lao động không đủ luôn".

Khó nghèo – lang thang kiếm sống - khó nghèo. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn mà hàng nghìn hộ dân vạn đò sông Hương chưa thể bứt ra bấy lâu nay. Những đứa trẻ trong các gia đình này, phải sống dựa vào kinh tế vỉa hè vốn khá phổ biến ở thành phố du lịch.

Nhận định về thực trạng này, bà Phan Minh Nguyệt – Phó Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận, một bộ phận bố mẹ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không phân biệt được con cái phụ giúp công việc với lao động trẻ em từ sớm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với trẻ em: 

"Có rất nhiều gia đình vẫn đang có tư tưởng là chẳng qua là các em phụ việc thôi hay là do khả năng tiếp thu học tập của các em không được nhiều nên là cho nghỉ sớm để làm các công việc khác".

Có cha, có mẹ còn khó khăn như vậy nhưng với Tuấn, 12 tuổi thì cuộc sống còn gian nan hơn vì chỉ có bà ngoại già yếu là chỗ nương tựa. Khi thì Tuấn bán hoa chuối, khi thì bán miếng rửa bát ở chợ Đông Ba, bao nhiêu cố gắng chỉ mong thêm chút tiền ăn qua ngày.

Sau khi lang thang khắp các góc chợ, đến chiều tối, Tuấn trở về nhà, khuất trong một con hẻm trên đường Xuân 68, phường Thuận Thành, thành phố Huế. Nơi được gọi là nhà ấy nằm tạm bợ sát bờ thành, được dựng lụp xụp bởi những tấm tôn, khó mà giữ ấm, chống dột cho hai bà cháu những ngày mưa, tháng giá. Xót xa khi cháu tự bươn chải kiếm vài đồng lẻ ngoài chợ, nhưng bà ngoại Tuấn chẳng thể làm gì được vì bệnh tật đeo bám, không còn sức lao động:

"Cha không có, mẹ thỉnh thoảng về thăm nhưng lấy chồng khác, có hai đứa con. Cuộc đời quá bế tắc. Nhiều khi ngồi ứa nước mắt với cháu. Buồn quá".

Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên bế tắc khi nơi cư trú của Tuấn và bà thuộc diện phải di dời đầu tiên theo “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” đang được chính quyền rốt ráo triển khai.

Không chỉ hai bà cháu mà còn rất nhiều hộ dân khác cũng phải di dời nên sẽ có rất nhiều gia đình mất sinh kế, nhiều đứa trẻ đối mặt với nguy cơ phải bỏ học, phải tham gia lao động sớm cùng gia đình trong các làng nghề hay bán rong trên hè phố để kiếm sống. 

Sân chơi cho trẻ em khu tái định cư Phú Hiệp - TP Huế.jpg
Sân chơi cho trẻ em khu tái định cư Phú Hiệp - TP.Huế

 Nuôi dường ước mơ

Mặc dù viễn cảnh khó khăn đang bủa vây nhiều gia đình vì cuộc di dân lịch sử nhưng có một dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” do Tổ chức Plan International Việt Nam hợp tác cùng ba tổ chức xã hội là Codes, Cycad và REACH đã hỗ trợ được hơn 400 trẻ em và nhiều thanh niên khác từ năm 2017 cho đến nay.

Dự án lấy trẻ em là trung tâm; lồng ghép nhiều giải pháp giáo dục, hỗ trợ y tế, kỹ năng sống, hướng tới tạo lập cho các em có một nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Điều gì đã làm nên sự khác biệt của dự án này =? 

Với sứ mệnh mang lại sự thay đổi bền vững cho trẻ em lao động và gia đình trẻ em nghèo tại các khu tái định cư của Thừa Thiên Huế, Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội Codes – một đối tác của Plan International Việt Nam đã hỗ trợ điều kiện học tập, trang bị cho những đứa trẻ và chính cha mẹ các em “Cẩm nang lao động đường phố”, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, biết cách ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, giúp các em hiểu hơn quyền lợi và giá trị của bản thân, đồng thời “nói không” với tệ nạn xã hội. Mẹ con chị Lan, bán hàng rong trên phố Trịnh Công Sơn nhờ vậy có thêm nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân trước những nguy cơ:

Chị Lan:  "Nhiều khi khách cũng chọc ghẹo nhiều chứ, mình phải biết cách trả lời".

Hai trẻ đồng thanh: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Bên cạnh đó, Codes còn kêu gọi sự trợ giúp từ nhiều phía, trong đó có chính quyền và doanh nghiệp địa phương, để tạo lập nên các sân chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ em ở các khu tái định cư, địa bàn có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu: không để tồn tại một khoảng trống thiếu an toàn, ẩn chứa tệ nạn với các em từ trong nhà ra tới cộng đồng. 

Tháng 7/2018, cũng từ nguồn vốn của dự án, Trung tâm REACH đã đưa vào hoạt động Nhà hàng Tre, một mô hình doanh nghiệp xã hội mà qua đó hỗ trợ cơ hội học nghề và việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, Nguyễn Thị Thủy - một học viên đã có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ về ngành du lịch, dịch vụ em còn dang dở trên ghế nhà trường:

"Em đang đi học năm 3 thì nhà em không thể đáp ứng được điều kiện đi thực tế tour nhiều. Em phải nghỉ. Lúc đầu thì thấy hụt hẫng nhưng sau thì em nghĩ là phải bắt đầu từ một cái khác. Khi vào làm ở Tre thì em được tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, giúp em biết xử lý nhiều tình huống đặc biệt".

Thêm một đứa trẻ có cơ hội đi học, thêm một thanh có cơ hội được học nghề, vay vốn là bớt đi một đứa trẻ lang thang, kiếm sống tạm bợ. Nhìn nhận về kết quả mà dự án mang lại đến nay, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:

"Những tổ chức này như là các cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để trợ giúp thêm cho nhóm trẻ em có nguy cơ phải bỏ học, hay là các trẻ em phải bỏ học để lao động sớm".

 Thế giới đang nỗ lực thay đổi...

Không chỉ ở Việt Nam, cuộc chiến phòng chống lao động trẻ em toàn cầu cũng không kém phần khó khăn và cam go. Theo thống kê của Tổ chức lao động Quốc tế, tính đến năm 2019, trên toàn thế giới có khoảng 152 triệu lao động trẻ em, đa số ở Châu Á và các quốc gia Mỹ La-tinh.

Ở một số nước, mặc dù có luật nghiêm cấm lao động trẻ em, song tình trạng lao động trẻ em vẫn tồn tại bởi sự bàng quan và lãnh cảm của xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự chung tay của chính phủ, các tổ chức cũng như người dân, tình trạng lao động trẻ em trong những năm gần đây đã giảm đáng kể. 

Để giúp trẻ em có động lực đi học, chính phủ Ấn Độ từ năm 1995 đã khởi động chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh dưới 13 tuổi tại các trường tiểu học công. Bên cạnh những bữa ăn miễn phí, việc thay đổi nhận thức của người lớn cũng không kém phần quan trọng.

Nhiều người cho rằng, việc trẻ đi học không đem lại nhiều lợi ích bằng ở nhà phụ giúp bố mẹ, hoặc lao động để có thêm nguồn thu nhập. Đó là sai lầm về nhận thức mà cho đến nay, Ấn Độ vẫn đang nỗ lực để thay đổi.

Santhosh Kumar, 9 tuổi, đã từng suýt bỏ lỡ cơ hội được đi học. Bố của Kumar muốn con mình nghỉ học để ở nhà phụ nghề sửa chữa xe máy. Tuy nhiên sau khi được công đoàn địa phương tới tận nhà giải thích, ông đã thay đổi ý định và đồng ý cho Kumar đi học:

“Từ giờ, tôi sẽ không bắt con mình phải làm công việc như thế này nữa. Chúng còn rất nhỏ, mà công việc sửa chữa xe máy lại rất khó và nguy hiểm, nếu không cẩn thận có thể bị thương hay bị bỏng”.

Theo ông Gotabaya, chuyên gia của Tổ chức lao động Quốc tế tại Ấn Độ, mục tiêu tương lai là giúp các gia đình hiểu được rằng, việc cho con em mình được học tập đầy đủ là tiền đề để các em có được những công việc tốt, có thể tự làm chủ cuộc sống của mình trong tương lai:

“Đội ngũ lao động của một nước bắt nguồn từ những trẻ em được chăm sóc, giáo dục và đào tạo bài bản. Và đến độ tuổi lao động, các em sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của quốc gia”.

Đến với một quốc gia khác tại Nam Mỹ là Bolivia. Quốc gia này từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi giảm tuổi lao động tối thiểu xuống còn 10 tuổi. Thống kê vào năm 2014 cho thấy, 20.2% trẻ em trong độ tuổi 7 tới 14 tại Bolivia đang phải lao động.

Để duy trì sinh kế cho bản thân, các em phải làm đủ các công việc từ làm nông, thu gom phế liệu cho đến những công việc trong những môi trường nguy hiểm như hầm mỏ, thậm chí là vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy. 

Tuy nhiên giờ đây, các lao động nhỏ tuổi tại quốc gia này đã có thể bảo vệ quyền lợi của mình nhờ sự vào cuộc của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cũng như chính quyền, công đoàn địa phương.

Một lớp học nhỏ được mở ra cho trẻ em đang phải bán hàng tại khu chợ trung tâm thành phố Santa Cruz, phía đông Bolivia để tạo cơ hội cho các em nhỏ tìm kiếm những công việc phù hợp cho bản thân trong tương lai.

Bà Lidia Mayser, nguyên thị trưởng của thành phố - người thành lập lớp học này chia sẻ: “Nếu các em muốn lớn lên sẽ làm việc ở ruộng mía như cha mẹ, điều đó là bình thường. Nhưng không thể vì đó mà bỏ đi quyền mơ ước của các em. Nếu trẻ muốn trở thành kiến trúc sư, hãy cho nó đi học và biết đâu, trong tương lai ước mơ đó sẽ thành sự thật”.

Người dân ở vùng nông thôn của Bolivia thường có mức sống rất thấp, trẻ em thường phải đi làm tại các ruộng mía với tiền công vô cùng ít ỏi, nhưng vẫn cần thiết để giúp đỡ gia đình.

Do đó, công đoàn địa phương thường xuyên phải tới từng nhà để vận động các em đi học, đồng thời hỗ trợ bút và sách vở. Mặt khác, công đoàn cũng vận động các doanh nghiệp địa phương thay đổi dần nhận thức để hạn chế sử dụng lao động trẻ em.

Tomasi Reymond, một chủ ruộng mía chia sẻ: “Trẻ em cần được giáo dục, sống trong điều kiện tốt hơn, với một sức khoẻ tốt hơn, được ăn uống no đủ, thay vì phải đi kiếm sống. Chúng cần được sống một cuộc sống của một đứa trẻ”.

... Việt Nam cần thay đổi gì?

Từ mô hình ngăn ngừa trẻ em của các nước trên thế giới đến kết quả khả quan của Dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế”, từ những đánh giá của các cấp chính quyền cho thấy Việt Nam đã có những mô hình phòng ngừa lao động trẻ em hiệu quả.

Tuy nhiên, để tiếp tục nhân rộng mô hình này thì không thể trông chờ vào những dự án xã hội mang tính riêng lẻ vì dù có làm tốt đến mấy cũng sẽ như “muối bỏ bể”. Đã đến lúc cần một cuộc “đại phẫu” để ngăn ngừa lao động trẻ em bằng hành động cụ thể và những thay đổi đột phá từ chính sách và pháp luật. Những thay đổi cần có là gì? Làm thế nào khơi dậy được nguồn lực của cộng đồng, xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em? 

Để người dân hưởng lợi lâu dài, bền vững từ các mô hình phòng ngừa lao động trẻ em hiệu quả tại cộng đồng thì chính quyền địa phương cần tiếp thu kinh nghiệm hay để nhân rộng thành quả dựa trên nền tảng có được từ các dự án xã hội.

Đó là những đúc kết của ông Lê Công Thành Tài, Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt quá trình đồng hành cùng dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế”:

"Chúng tôi quan niệm những tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ này là bước đầu cùng chính quyền tạo nền tảng để giúp họ có kỹ năng sống, thái độ sống tốt hơn. Quan điểm là tạo cho họ cần câu chứ không phải là con cá. Không phải là ngày một ngày hai, nhưng phải tác động thường xuyên, không nửa vời hoặc theo giai đoạn".

Nhìn rộng hơn, những dự án xã hội dù có hiệu quả đến mấy cũng thiếu tính bền vững và độ bao phủ nếu thiếu sự kết nối của chính phủ, chính quyền các cấp.

Điều 79 và 90 của Luật Trẻ em 2016 quy định: Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phân bổ ngân sách hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Chương, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá chính quyền một số cấp hiện nay chưa coi lao động trẻ em là vấn đề nóng nên chưa có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực tương xứng:

"Đây phải xác định trách nhiệm rồi, nhưng nhiều khi phân bổ ngân sách chưa hợp lý. Đến lúc đất nước phát triển lên thì các tổ chức quốc tế người ta sẽ không tài trợ nữa, họ rút dần đi thì chúng ta phải dùng nguồn lực của mình thôi. Nguồn lực ở đây vừa là nguồn lực ngân sách, tài chính của nhà nước nhưng mà chúng ta cũng phải khuyến khích tạo điều kiện để cho các tổ chức xã hội cho cộng đồng đóng góp, để cùng chung tay thực hiện những việc chăm lo cho trẻ em".

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐ-TB&XH
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐ-TB&XH

Cùng quan điểm này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, đối với các chương trình ngăn ngừa lao động trẻ em nói riêng và hỗ trợ trẻ em nói chung, cần thiết phải xây dựng giải pháp, vừa để thu hút nguồn lực xã hội vừa phải tạo niềm tin về hiệu quả thiết thực của dự án:

"Thứ nhất là chúng ta phải có giải pháp, mô hình hết sức rõ ràng và phải chứng minh được đã thành công. Vấn đề thứ hai là tạo niềm tin cho họ. Tất cả các nguồn lực của họ đóng góp cho dù đấy là công sức, là trí tuệ, hay là vật chất, tiền bạc thì đều phải được quản lý một cách công khai, minh bạch, đều phải có được giải trình rõ ràng".

Quy chuẩn doanh nghiệp không có lao động trẻ em

Phát huy vai trò của khu vực tư nhân cũng là vấn đề then chốt hiện nay, khi có tới 1,75 triệu lao động trẻ em làm việc trong khu vực phi chính thức – nơi các em gặp nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Do vậy, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef cho rằng, tạo ra các bộ quy chuẩn cho doanh nghiệp là điều Việt Nam phải làm được thời gian tới:

"Sự tham gia của khu vực tư nhân cũng rất quan trọng, cần phải có các quy tắc kinh doanh hoặc quy chuẩn kinh doanh trong đó vấn đề lao động trẻ em như một chỉ tiêu đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh không có lao động trẻ em".

Sự chung tay của các cấp, các ngành, các nguồn lực xã hội sẽ thu hẹp dần những khoảng cách, mảng trống trong quy trình phòng ngừa lao động trẻ em từ cấp trung ương đến địa phương. Đây là kỳ vọng của bà Phan Thu Hiền, Quản lý triển khai các dự án viện trợ của tổ chức Plan International Việt Nam:  

"Rất là mong chính quyền ở cấp Trung ương sẽ có những hướng dẫn những cách can thiệp kịp thời, những hướng dẫn kịp thời để cho địa phương triển khai, thực thi hóa các vấn đề về luật lao động hay luật giáo dục được thực tế, đáp ứng được việc triển khai ở địa phương".

Đánh giá cao về các giải pháp và hành động của chính phủ Việt Nam thời gian qua, TS Chang Hee Le, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về lao động trẻ em, có nhiều nỗ lực và mục tiêu cụ thể xóa bỏ lao động trẻ em.

Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ Chính phủ, nhất là khi đã được lựa chọn là một quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 - liên minh toàn cầu vì mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. ILO sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cùng Việt Nam hành động nhanh hơn, nhiều hơn, thử nghiệm các giải pháp mới để chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025:

"Tôi mong muốn tăng cường mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam và giúp cho Việt Nam giảm được những thách thức về kinh tế, nhân khẩu học, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo quyền cơ bản nơi làm việc, điều kiện lao động thỏa đáng cho cả người lao động và doanh nghiệp".

Chúng tôi đã chứng kiến những khuôn mặt bừng sáng, những tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo cất lên từ những sân chơi an toàn. Đó là thành quả từ những nỗ lực của các đoàn viên thanh niên, từ những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các tổ chức xã hội, có sự tiếp sức mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và hơn cả là sự vào cuộc quyết liệt, nhiệt thành của chính quyền địa phương.

Thiết nghĩ, để nhân rộng mô hình ngăn ngừa lao động trẻ em một cách hiệu quả, ngoài việc hoàn thiện thể chế pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, chúng ta cần phải đặt trọn niềm tin vào đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác định hướng, chỉ đạo liên quan đến ngăn ngừa lao động trẻ em.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “sức mạnh quần chúng là vô tận”, làm thế nào để phát huy các giá trị để niềm tin được lan tỏa đó mới chính là nguồn lực vô tận tiềm tàng trong mỗi cộng đồng, xã hội, mang lại những kết quả bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai của đất nước. 

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, giúp ổn định thị trường vàng.

“Bom hôi” bủa vây cổng trường

“Bom hôi” bủa vây cổng trường

Mới đây, bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận điều trị 19 em học sinh Trường THCS Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) với các triệu chứng ngộ độc như nôn ói, khó thở. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này xuất phát từ việc học sinh sử dụng đồ chơi bóng nổ có tên là Bom Hôi.

Đà tăng vẫn chiếm ưu thế, chỉ số giá hàng hóa duy trì ở mức đỉnh 7 tháng

Đà tăng vẫn chiếm ưu thế, chỉ số giá hàng hóa duy trì ở mức đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa tuần qua (8/4-12/4) với diễn biến phân hoá. Lực bán chiếm ưu thế trên nhóm nông sản và năng lượng.

Nhu cầu tín dụng cá nhân cho tiêu dùng, mua nhà bắt đầu tăng cao

Nhu cầu tín dụng cá nhân cho tiêu dùng, mua nhà bắt đầu tăng cao

Theo ghi nhận từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại sau 2 tháng đầu năm 2024. Không chỉ vậy, nhu cầu vay tiêu dùng và mua nhà cũng tăng cao, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang dần hồi phục.

// //