Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cần cơ chế thích hợp để có nguồn lực di dời nhà ở ven kênh rạch

Phóng viên - 26/11/2021 | 14:38 (GTM + 7)

Do quá trình đô thị hóa cộng với việc chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ khiến sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng. Để cải tạo hệ thông kênh rạch này, thành phố phải di dời gần 14.000 căn hộ sống ven bờ.

Tuy nhiên, nhiều người không khỏi nghi ngại khi rất nhiều dự án trước đây “lỡ hẹn” do những khó khăn về tái định cư, cơ chế bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Đây là bài toán thực sự không dễ dàng khi thành phố phải quy hoạch cải tạo làm sao để vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân, vừa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những căn nhà lụp xụp hai bên rạch Xuyên Tâm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh Thanh Niên

Dọc nhiều tuyến đường như Phạm Thế Hiển, Trần Xuân Soạn (quận 8), Bến Vân Đồn và Tôn Thất Thuyết (quận 4), đang tồn tại nhiều căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo đang có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tại đây, theo ghi nhận của phóng viên VOVGT, hàng trăm căn nhà dọc theo bờ kênh Đôi được chằng chống bởi nhiều cây gỗ. Nhiều cây gỗ bị mục nát, hư hỏng nghiêm trọng nhưng vẫn được người dân sử dụng chống đỡ cho căn nhà của mình.

Nếu muốn tiếp cận những căn nhà này, phải đi qua rất nhiều con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, có khi chỉ vừa đủ một xe máy lưu thông. Dù điều kiện sống cơ bản như điện, nước sạch, phòng cháy, chữa cháy, dịch bệnh… không đảm bảo, nhưng khu vực này lại là nơi “an cư” của hàng ngàn người dân.

Với hơn 20 năm sống bên dòng kênh Đôi, chị Trần Thị Thu chia sẻ: 

"Chị ở đây từ trước tới nay, rác ngày trước người ta múc, múc xong ngày trước ngày sau rác cũng trở lại y như vậy à. Rác từ các nơi nó trôi vào đây nè, bao rồi người ta đựng những cái gì nó cũng trôi vào, đủ thứ thành phần cái gì cũng có. Nước mà ngập lên là kêu bằng ở nhà tát thoải mái luôn á. Tát vô tư luôn, một tháng là có thể 8 đến 10 ngày nước ngập".

Cũng vì tạm bợ mà nhiều gia đình sống ven kênh rạch còn đối diện với nhiều nguy cơ khác. Gia đình chị Nguyễn Mai Thanh cách đây vài năm đã bị trộm vào nhà lấy tài sản theo lối cửa sau bằng đường sông đến giờ chị vẫn cảm thấy bất an khi nhà cận bờ sông và không được xây dựng một cách kiên cố.

Chị Thanh chia sẻ: 

"Đêm đó mình không nhớ là có đóng cái cửa này không mà đêm đó bị ăn trộm. Ăn trộm đường sông nó lên nó lấy điện thoại với tiền. cuộc sống của mình nó không được an toàn nhưng cũng phải sống thôi".

Gia đình 3 thế hệ bà Phan Thị Thúy Phượng, Quận 8 đang sống trong căn nhà nằm sát kênh, hàng đêm dù đi ngủ nhưng luôn phập phồng lo sợ căn nhà có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào. Được xây dựng cách đây vài chục năm, nhưng vì không có tiền để sửa chữa và chuyển chỗ mới nên gia đình bà vẫn cố bám trụ dù biết nguy hiểm luôn rình rập. Khó khăn chồng chất khi khu nhà bà đang trong diện giải tỏa trên giấy, còn thực tế thì vẫn chưa được thực hiện:

"Nhà chật quá mà ở tới 3 hộ lận, tất cả có 9 ngườ. 9 người ở nhà nhỏ này nếu sửa chữa mình cũng không có tiền sửa.

Nếu có tiền sửa cũng không được tại nhà nước không có cho mình sửa". 

Những căn nhà ven kênh Tàu Hũ - Ảnh Thanh Niên

Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Sau đó, Thành phố điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, song nhiệm kỳ qua chỉ di dời được 2.479 căn, đạt tỷ lệ 12,4%.

Trước thực trạng này ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, TP đã nỗ lực thực hiện cải tạo môi trường, nhà trên kênh rạch từ hơn 20 năm nay, nhưng kết quả chưa như mong đợi:

"Cải tạo kênh rạch lớn của TP không chỉ là di dời nhà ở ven kênh rạch mà còn là cải tạo môi trường, phát triển hệ thống giao thông hai bên bờ kênh để trả lại màu xanh trong sạch như nó vốn có, cũng tạo động lực để phát triển du lịch".

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có Tờ trình gửi UBND Thành phố về chương trình Kế hoạch Chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở chỉ đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với Kế hoạch.

Tuy nhiên nhiều người không khỏi nghi ngại về kế hoạch này khi số lượng nhà trên và ven kênh rạch quá lớn, trong khi cơ chế bồi thường, hỗ trợ chưa rõ ràng; những căn nhà này hầu hết xây dựng không hợp lệ khiến việc tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa khó thực hiện nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia về phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để các nhà đầu tư “mạo hiểm” tham gia vào lĩnh vực này: 

".Chúng ta phải làm sao có thể một là thu trước và 2 là thu sau. Thu không chỉ trong danh mà có thể thu ngoài danh để bên hưởng lợi và không phải đóng góp. Các công cụ về thuế cải thiện hay công cụ về chuyển nhượng quyền phát triển thì cho phép chúng ta làm điều đó".

Còn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc di dời nhà trên kênh, rạch không hẳn là bài toán “hóc búa” nếu TP.HCM mạnh dạn tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia vào lĩnh vực này:

"Khi chúng ta thực hiện xã hội hóa về đầu tư, có thêm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài điều này sẽ rất tốt để chúng ta triển khai nhanh các chương trình trọng điểm của thành phố, đặc biệt là chương trình chỉnh trang và di dời nhà trên và ven kênh rạch thành phố".

Ảnh minh họa - Pháp luật TP.HCM
Ảnh minh họa - Pháp luật TP.HCM

Kế hoạch chỉnh trang đô thị của Thành phố triển khai không chỉ đơn thuần là di dời nhà ở trên kênh rạch, mà còn cải tạo môi trường, tạo động lực để phát triển thương mại du lịch.

Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua TP.HCM vẫn “lận đận” với các dự án này. Để giải bài toán mang tên “cải tạo kênh rạch” cần có cơ chế thích hợp. Về nội dung này, Nhà báo Bùi Trọng Điển, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông tại TP.HCM có bài bình luận: “Cần cơ chế thích hợp để có nguồn lực di dời nhà ở ven kênh rạch”

Đề án di dời, ổn định đời sống người dân phải sống ven kênh, rạch ở TP.HCM nhiều năm đã có nhưng vẫn chưa chuyển động bao nhiêu. Nguyên nhân là nhiều nơi có làm nhưng vẫn mang tính thời vụ, đối phó;thiếu sự tập trung, thống nhất. Thành phố vẫn loay hoay tìm lối đi cho mình từ bố trí nơi ở mới, chi phí giải phóng mặt bằng đến sinh kế cho người dân khi phải di dời.

Vấn đề lúc này là trên cơ sở đề án, thành phố cần chi tiết hóa các kế hoạch của mình để bắt tay thực hiện. Theo đó, cần chọn các bờ sông, kênh rạch với một nhóm dân cư nhất định để di dời, tái định cư như đã từng làm với Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè từ nhiều năm trước.

Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cho những nơi tiếp theo. Để làm được điều này, ngân sách thành phố phải bỏ ra cho giải phóng mặt bằng; sử dụng quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư có sẵn; giúp người dân đến nơi ở mới có điều kiện khang trang hơn.

Khi đó mọi người sẽ tự khắc đồng thuận,chấp nhận di dời thay vì cuộc sống bấp bênh, đầy rủi ro như hiện tại. Khi bờ sông, ven kênh thông thoáng, bề thế sẽ cho đấu giá quyền sử dụng đất hai bên để xây dựng các công trình công cộng kết hợp với khai thác thương mại, dịch vụ nhằm thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, chia sẻ lợi ích.

Thành phố cũng có nguồn thu để tái đầu tư cho các đoạn kênh,rạch còn lại. Vấn đề hiện nay, là phải hình thành được cơ chế để xã hội hóa nguồn lực này, đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận; đồng thời phục vụ tốt yêu cầu di dời các hộ dân.

Theo nhiều nhà đầu tư,nguyên  nhân chủ yếu nhiều người chưa mặn mà chính là quỹ đất dành cho mục đích thương mại dịch vụ để khai thác 2 bên bờ kênh, sông rạch là quá ít, không đảm bảo có lợi nhuận thu về. Đây chính là nút thắt khiến doanh nghiệp chưa hưởng ứng dù nhiều lần đã khảo sát, lên kế hoạch.

Do vậy, muốn tháo gỡ để triển khai nhanh, hiệu quả đề án di dời hộ dân hai bên bờ sông, kênh rạch thì sự chịu trách nhiệm đến cùng của các cấp, các ngành của thành phố, nhất là các ngành: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, quy hoạch và chính quyền các quận, huyện là rất cần thiết.

Sự phối hợp, thống nhất, phân công rõ ràng của các đơn vị sẽ giúp cho lãnh đạo thành phố ra các quyết sách táo bạo để di dời thành công hàng chục ngàn hộ dân sống ven kênh rạch trong tương lai gần.

Trong đó có việc kiến nghị trung ương chấp thuận cho phép sử dụng diện tích đất nhiều hơn cho mục đích thương mại, dịch vụ để hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, chỉnh trang.

Bên cạnh đó là sự chuẩn bị chu đáo, lâu dài từ đào tạo nghề, bố trí công ăn việc làm mới; ổn định đời sống cho người dân phải di dời cũng phải được làm đồng bộ và thực chất; tránh để người dân rơi vào thế đi cũng dở mà ở không xong.

Hệ thống kênh rạch, sông ngòi đang góp phần làm nên hồn cốt một đô thị phát triển, hiện đại nhưng trữ tình, sâu lắng cho TP.HCM, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách.

Việc di dời các nhà ở tạm bợ để tạo ra các bờ sông,bờ kênh sạch đẹp, khang trang và thơ mộng đang rất cần sự tận tâm, tận lực của các cấp, các ngành và mỗi người dân thành phố cả trước mắt và lâu dài.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Những dấu chân hoa

Những dấu chân hoa

Tháng 3 ở Hà Nội là tháng của nhiều mùa hoa đến và đi trong tiết trời xuân rất đặc trưng của miền Bắc. Đó là sắc trắng miên man của hoa sưa, sắc tím nhẹ mong manh của hoa ban, hay màu đỏ rực của hoa gạo đã bung nở, khoe sắc, khoe hương rồi rụng rơi trên hè phố.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

// //