Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cần bao nhiêu văn bản để khói thuốc hết bủa vây?

Phóng viên - 22/03/2021 | 5:45 (GTM + 7)

Đã 9 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có tới 9 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng tới nay, đâu vẫn hoàn đấy, khói thuốc vẫn bủa vây nơi công cộng, thậm chí ở nơi công sở, bệnh viện…

Vì sao các văn bản quy phạm pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đem lại hiệu quả, và cần phải bổ sung, điều chỉnh ra sao để nó đi vào cuộc sống? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cần đặt ra câu hỏi, vì sao có quy định đầy đủ mà việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến
Cần đặt ra câu hỏi, vì sao có quy định đầy đủ mà việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến

Có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), PV VOVGT dễ dàng bắt gặp hình ảnh người hút thuốc lá, cả thuốc lá điếu lẫn thuốc lá điện tử. Từ người trung tuổi đến trẻ tuổi vô tư phì phèo điếu thuốc, mặc kệ những người xung quanh phải bịt mũi, đi nhanh qua.

Điều đáng nói là không chỉ tại đây, khói thuốc vẫn xuất hiện ở nhiều địa điểm công cộng khác bất chấp những quy định của pháp luật:

"Nhiều khói thuốc lá ở các điểm xe buýt, bến ga, bến tàu, hoặc là khu vui chơi trẻ con. Khuôn viên bệnh viện có, nhưng ít hơn. Người ta đã bị ốm rồi, còn ngửi mùi thuốc lá là rất khó chịu".

"Xử phạt chỉ là cảnh cáo cho có lệ. Nếu xử lý hành chính thì phải làm thật, nhìn thấy là xử luôn thì người hút thuốc mới sợ”.

Như vậy, vi phạm liên quan đến hút thuốc lá nơi công cộng đang rất phổ biến, ngay cả những địa điểm theo quy định tại Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó là việc bán thuốc lá cho người sử dụng khá dễ dàng. Một người bán lẻ thuốc lá ở vỉa hè Hà Nội cho biết, lượng người mua vẫn đều đặn, có phần còn nhỉnh hơn so với trước đây:

“Mình thấy Nghị định ban hành ra chỉ là hình thức thôi, không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Người mua thuốc thì vẫn mua thuốc. Mỗi ngày mình bán đều đặn, nhiều cũng được 3-4 cây. Có người trẻ, người già, nói chung là nhiều lứa tuổi mua lắm”.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, là bước tiến đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, sau 9 năm đi vào cuộc sống, việc triển khai luật phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng.

Vì thế, GS. Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội y tế công cộng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi, vì sao có quy định đầy đủ mà việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến:

“Bây giờ mình đặt câu hỏi là vì sao mức phạt tăng lên mà người ta không giảm thuốc lá thì sẽ phát hiện ngay ai là người đi phạt. Một trong điều quan trọng để luật thực thi là chế tài phạt, nếu tái phạm thì phạt nặng hơn, mình không có cái đó thì không nhấn mạnh được tầm quan trọng của pháp luật”.

Đề cập giải pháp thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội dẫn kinh nghiệm quản lý tại một số nước, là mỗi người chỉ được mua tối đa 2 cây thuốc lá, kể cả ở sân bay, trong khi tại Việt Nam, mua bao nhiêu cũng có. Vì thế, theo ông Bộ, cần những điều chỉnh để việc thực thi Luật “trúng đích”; 

"Ở các nước, thứ nhất là họ quản lý nguồn cung, thứ hai là họ quản lý theo hướng đẩy giá của bao thuốc lá lên rất cao, cho nên, người bị đánh chính là người tiêu thụ, đánh vào chính túi tiền của họ thì hiệu quả rất cao, nhưng chúng ta chưa đánh đúng điểm mà chúng ta cần tấn công”.

Dẫn ví dụ cụ thể về dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá do Bộ Công thương đang soạn thảo, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho rằng, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hầu như không hề nhắc đến quan điểm lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe làm trọng.

Trong khi, ngành công nghiệp thuốc lá có mâu thuẫn lợi ích với sức khỏe cộng đồng thì những văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa cho thấy điều đó:

“Trên thế giới cũng như trong nước, Luật và công ước quốc tế về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đều quy định về nguyên tắc, Nhà nước không được khuyến khích cho việc mở rộng, sản xuất, kinh doanh thuốc lá, vậy phải chăng Nghị định này lại đi theo hướng thúc đẩy, làm dễ dàng thuận tiện hơn cho ngành công nghiệp thuốc lá”.

Từ thực tế là dù đã hiện thực hóa thành luật nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều hạn chế, bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm – Trưởng ban Tư vấn và Phản biện xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng giải pháp tối ưu là cần truyền thông để người dân nâng cao ý thức về tác hại của thuốc lá cũng như các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mặt khác, các đơn vị thanh tra, kiểm tra chuyên trách phải đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời. 

“Phải tăng cường truyền thông để người dân hiểu về trách nhiệm thực hiện; công tác kiểm tra phải đảm bảo các cửa hàng bán thuốc đúng quy định, không để dễ dàng ở đâu cũng mua được thuốc lá như hiện nay. Nhà nước làm nghiêm và sau khi bị phạt thì người dân sẽ thực hiện tốt hơn”.

Luật đã ban hành, nhưng các văn bản dưới luật chưa đủ tạo ra công cụ để “nạn nhân” của khói thuốc lên tiếng trước chất độc chết người đang hàng ngày bủa vây họ (Ảnh: Báo Giao thông)

Để Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này thực sự đi vào đời sống rất cần có sự nỗ lực và thay đổi từ nhiều phía. Trong đó, cần ưu tiên hoàn thiện về nội dung, quy định nhằm phát huy triệt để vai trò và giá trị pháp lý của Luật.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, nội dung và cơ chế thực thi quy định này phải rõ ràng, triệt để, không “Mơ hồ như khói thuốc” thì mới mong có hiệu quả.

9 năm, gần bằng tuổi thọ trung bình của một bộ luật ở Việt Nam (đối với luật mới ban hành, không kể các luật sửa đổi bổ sung), nhưng Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, dù số văn bản hướng dẫn thực thi cứ trung bình mỗi năm một văn bản.

Nếu so sánh với Luật phòng chống tác hại của rượu bia, sẽ thấy có một sự khác biệt không hề nhỏ. Được Quốc hội Khóa XIV thông qua vào giữa năm 2019, chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia song hành với những chế tài mạnh của Nghị định 100 ngay từ những bước đầu tiên, từ đó tạo thành bàn tay thép, mạnh mẽ đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông. Không chỉ người lái xe sợ bị phạt, mà thủ trưởng các cơ quan đơn vị cũng rất ngại bị “bêu” danh, nếu để cấp dưới vi phạm.

Trong khi đó, cũng với tác hại chết người (chỉ khác là từ từ, không ngay lập tức như bia rượu với lái xe), nhưng khói thuốc chưa được ngăn chặn theo cách này. 

Một đánh giá về tình trạng hút thuốc lá được đưa ra năm 2020 nhận định: qua 7 năm triển khai Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tình hình đã có “chuyển biến tích cực”, thể hiện qua mật độ khói thuốc ở không gian công cộng giảm bớt, qua thái độ không chấp nhận của mọi người xung quanh đối với hành vi hút thuốc lá.

Điều đó có thể đúng, nhưng cũng có thể chỉ là lạc quan chủ nghĩa, khi đánh giá không cho biết đã khảo sát bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu không gian công cộng, với thời gian bao lâu, và bằng những phương pháp nào.

Thái độ của những người hút thuốc lá bị động, cứ cho là mạnh mẽ hơn xưa, nhưng không thể là dữ liệu khẳng định tình trạng hút thuốc lá đã giảm đi trông thấy. Số liệu về tổng mức tiêu thụ thuốc lá lại càng khó phản ánh đúng tình hình, khi mà thị phần thuốc lá lậu có những tỉnh thành lên tới hơn 50%, cùng rất nhiều dạng thuốc lá mới ồ ạt xuất hiện.

Từ những bước sải đầy dứt khoát của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia trong giao thông, soi chiếu trở lại Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy rõ vấn đề đang nằm ở quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền thông, vận động. Luật đã ban hành, nhưng các văn bản dưới luật chưa đủ tạo ra công cụ để “nạn nhân” của khói thuốc lên tiếng trước chất độc chết người đang hàng ngày bủa vây họ.

Cũng chưa thấy thủ trưởng nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng hút thuốc lá sai quy định trong các không gian mà họ quản lý. Lại càng chưa thấy cá nhân nào bị xử lý hành vi hút thuốc lá ở nơi bị cấm, mặc dù mức phạt hút một điếu thuốc bằng giá trị cả một cây thuốc cũng không phải là nhẹ.

Và khi hút hay không hút, ngăn hay không ngăn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự ý thức, tự điều chỉnh của các chủ thể liên quan, thì phản ứng của nạn nhân cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt, lọt thỏm giữa khói thuốc mịt mùng.

Để bia rượu không còn là hiểm họa với giao thông, thực tế đã chứng minh rằng không thể trông chờ vào sự lên tiếng của những người có nguy cơ là nạn nhân, cũng không thể đợi kết quả thuyết phục của cha mẹ, vợ chồng, con cái, bởi quá trình đó quá dài, trong khi tính mạng con người và an toàn của cộng đồng không thể bị tàn phá thêm. Với khói thuốc, điều đó cũng tương tự.

Vậy nên, 9 năm, 9 văn bản hay nhiều hơn thế nữa, mọi thứ vẫn sẽ giậm chân, nếu quy định chỉ hướng đến mục đích kêu gọi tự thức tỉnh. Mà muốn có hướng đi, cách đi phù hợp để tới đích, thì điều trước tiên là cần biết, mình thực sự đang ở đâu.

Chừng nào các đánh giá tổng kết về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn ghi nhận “chuyển biến tích cực” một cách cảm quan, thì e rằng, các giải pháp thực thi sẽ vẫn mơ hồ như làn khói thuốc./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //