Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

'Bữa tiệc' điện ảnh Việt nửa đầu 2021: Phập phù chất lượng

Phóng viên - 10/05/2021 | 6:17 (GTM + 7)

Tất cả các cụm rạp trên toàn quốc đều đang tạm đóng cửa vì dịch COVID-19. Một số phim Việt đã phải rút khỏi rạp ngay tại thời điểm vàng- mùa hè, mùa phim có doanh số lớn nhất trong năm.

Dù vậy, đây là cơ hội để các nhà làm phim nhìn lại những tháng vừa qua để rút kinh nghiệm và nắm bắt đúng thị hiếu công chúng tạo sức bật doanh thu khi dịch bệnh lắng xuống.

Trong vòng 5 tháng qua, bên cạnh tác phẩm điện ảnh doanh thu trăm tỉ đồng phá kỷ lục phòng vé, hàng loạt phim Việt đã phải rời rạp với doanh thu thua lỗ nặng. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo thống kê, 46% phim điện ảnh Việt có doanh thu trên trăm tỷ đồng đều là kịch bản chuyển thể
Theo thống kê, 46% phim điện ảnh Việt có doanh thu trên trăm tỷ đồng đều là kịch bản chuyển thể

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, phòng vé phim Việt đã vô cùng sôi động với cuộc đổ bộ của hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Theo số liệu của trang Box Office Vietnam, tính đến thời điểm các rạp tạm đóng cửa vì dịch Covid19, phim "Trạng Tí", "Thiên thần hộ mệnh" và "Lật mặt 48h" được thống kê có doanh thu dẫn đầu phòng vé. 

Ra mắt vào giữa tháng 3, phim "Bố già" phá kỷ lục doanh thu phòng vé với gần 400 tỷ thu về trong một tháng, trở thành phim Việt ăn khách nhất. Tiếp nối ngay sau thành công của "Bố già", phim "Lật mặt 48h" của Lý Hải cũng có doanh thu hơn 150 tỷ đồng.

Dù vẫn còn nhiều điểm trừ nhưng phim đủ sức chinh phục, chạm tới trái tim khán giả. Bạn Vũ Ngọc Trâm, ở Hà Nội là khán giả thường xuyên ra rạp và đặc biệt ủng hộ phim Việt cho ý kiến:

"Từ đầu năm tới giờ có nhiều phim Việt hơn, tôi cũng ủng hộ. Phim ấn tượng nhất là "Bố già" về tình cảm gia đình cũng dễ cảm thụ hơn, nhiều lứa tuổi xem được".

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng vừa quay lại sân chơi điện ảnh sau 4 năm ở ẩn đã kết hợp với ekip mang lại thắng lớn cho "Bố già". Anh nói rằng: Kỹ thuật trong phim không quá mới lạ mà chính Trấn Thành và câu chuyện phim là yếu tố quyết định thành công.

Nhiều người xem phim thấy gia đình, hàng xóm, con ngõ quen thuộc của mình trong đó. Và khi nhìn lại toàn cảnh "bữa tiệc điện ảnh" mấy tháng qua, anh vừa mừng, vừa lo: 

"Cái mừng nhất là các phim đầu tư lớn, hoành tráng hơn để phim chỉn chu hơn để làm được tất cả những gì kịch bản viết ra. Nhưng mà đôi khi nó dở vì có ekip tên tuổi nhưng kịch bản dở thì phim dở. Có những phim đầu tư dữ dội nhưng tài hơi ít cũng dở. Mình chỉ trách phim làm ẩu, lố lăng ấy".

Cùng việc chứng kiến 2 phim có doanh thu lớn, hàng loạt phim Việt đã thua lỗ nặng nề thời gian qua. Phim “Võ sinh đại chiến” chiếu dịp đầu năm chỉ thu về chưa đầy 1,4 tỉ đồng khi bỏ vốn tới 25 tỉ và đã sớm phải rút khỏi rạp. “Người cần quên phải nhớ” cũng thất bại tại phòng vé, mà lý do được nhà sản xuất Charlie Nguyễn thẳng thắn thừa nhận là bởi kịch bản kém.

“Cậu Vàng” rời rạp, thua lỗ tầm 20 tỉ đồng và nhận nhiều lời chê bai về kịch bản lẫn kỹ thuật. Phim Kiều@ được báo chí gọi là "phim thảm họa", còn phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền cũng bị chê tơi tả. 

Ngoài yếu tố khách quan là do ảnh hưởng của dịch, khán giả mang tâm lý ngại ra rạp, thì các phim kể trên đều mắc chung một sai lầm trong khâu phát triển kịch bản. Một số khán giả cho biết: 

"Em thấy dạo này phim Việt ra rạp cũng nhiều. Nhưng xem trailer không hấp dẫn. Thể loại phim em thích hài hước, hành động không quá lố và trailer phim Việt không hứng thú lắm vì mình như biết gần hết rồi".

"Em không có ra rạp nhưng xem phim Việt thì em có xem trên trình duyệt trực tuyến có: Hai Phượng, Sắc đẹp ngàn cân, Ông ngoại tuổi 30. Do dịch nên em cũng tránh, với giá vé hơi đắt so với sinh viên như em. Mà xem trực tuyến cũng tiện".

Theo thống kê, 46% phim điện ảnh Việt có doanh thu trên trăm tỷ đồng đều là kịch bản chuyển thể. Biên kịch Trang Đào viết kịch bản phim "Song song" được đánh giá tốt, khẳng định, chúng ta vẫn có những người viết tốt nhưng không có một thế hệ được đào tạo viết kịch bản sống được bằng nghề: 

"Để phim ăn khách hay không nhiều yếu tố nhưng kịch bản là một trong những cái quan trọng nhất. Khi làm phim giống như nấu ăn ấy. Kịch bản như nguyên liệu tốt nếu không có thì không ăn nổi. Bây giờ khán giả cũng kén chọn, gu xem cũng được nâng cấp".

Thị hiếu, tình yêu của khán giả với phim nội địa luôn dành phần hơn nếu phim đáp ứng được nhu cầu giải trí của họ. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đánh giá: Dịch bệnh làm cho quá trình phân hóa chất lượng phim rõ hơn: 

"Trước đây phim bình thường kiếm doanh thu 10 tỷ, 20 tỷ dễ dàng ở thị trường Việt Nam. Nhưng trong năm vừa rồi phim ở mức vậy ở mức thấp. Phim thất bại thảm hại tăng lên nhiều. Quá trình này tiếp tục diễn ra khi cạnh tranh của nền tảng trực tuyến càng phát triển khi khán giả họ có thể ở nhà xem phim chất lượng cao tại sao họ lại ra rạp xem phim chất lượng tồi mất thời gian, tiền bạc".

Thói quen của khán giả thay đổi sau một năm trải qua dịch Covid19. Khi trở lại rạp chiếu, họ khắt khe, chọn lọc hơn. Phim hay hoặc dở, hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội sẽ góp phần truyền thông cho phim theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Trong một số tọa đàm điện ảnh về phim Việt gần đây, giới trong nghề mổ xẻ hiện trạng loạt tác phẩm "chết yểu". Đa số nhà sản xuất chung nhận định: Phim muốn ăn khách, nội dung là yếu tố tiên quyết.

Luật Điện ảnh sửa đổi sắp trình Quốc Hội có nhắc tới điểm mới là việc tạo điều kiện thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp điện ảnh
Luật Điện ảnh sửa đổi sắp trình Quốc Hội có nhắc tới điểm mới là việc tạo điều kiện thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp điện ảnh

Một tác phẩm điện ảnh đòi hỏi phải có sự đầu tư chỉn chu từ chất lượng kịch bản đến dàn diễn viên tốt, âm nhạc, kỹ thuật và kết hợp vào đó là yếu tố may mắn, đúng thời điểm. Nhưng một kịch bản tốt có thể quyết định 50% khả năng "thắng" của phim.

Đây cũng là góc nhìn của kênh VOVGT qua bài bình luận: Thiếu kịch bản tốt, phim Việt vẫn sẽ phập phù chất lượng

Trái ngược với cảnh ảm đạm năm ngoái, 5 tháng đầu năm nay, chưa bàn tới chất lượng chúng ta được thưởng thức “bữa tiệc điện ảnh” có đến hàng chục phim Việt ra mắt liên tiếp. Không thể phủ nhận tín hiệu đáng mừng về sự sôi động của thị trường và dám đầu tư của các đơn vị sản xuất phim tư nhân. 

Trước khi phải đóng cửa các rạp chiếu vì làn sóng dịch mới, các phim Việt  có doanh thu tốt nhất tại các rạp toàn quốc. Khán giả nước nhà vừa qua cũng phải trầm trồ trước cú xô đổ kỷ lục doanh thu phòng vé của phim "Bố già". Với gần 400 tỷ thu về vào đầu tháng 4, bỏ xa cột mốc kỷ lục của "Em chưa 18" năm 2017, phim này đã mở ra kỳ vọng mới về thị trường phim Việt. 

Tuy vậy, một vài phim thắng lớn cũng không khỏa lấp được sự thật: phần lớn phim Việt đã thua lỗ nặng trên sân nhà. Thậm chí, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn cho rằng "không thể chấp nhận việc làm phim cẩu thả" khi xem một số sản phẩm. 

Càng làm nhiều phim, các nhà sản xuất, đạo diễn Việt lại càng rõ hơn ai hết vai trò của kịch bản. Phim "Bố già" dù vẫn còn thiếu sót nhưng đã kể mượt mà câu chuyện gần gũi và chạm tới cảm xúc của khán giả nước nhà. Đó là lý do phim này đạt doanh thu kỷ lục như vậy.

Cần rất nhiều yếu tố để có thể tạo ra một bộ phim tốt, nhưng câu chuyện hay là điểm khởi đầu và cũng là yếu tố then chốt. Khi các nền tảng xem phim trực tuyến trả phí đang trở nên phổ biến, khán giả hoàn toàn có thể ở nhà theo dõi các bộ phim kinh điển của Hollywood hay Hàn Quốc...

Việc dễ dàng tiếp cận với nhiều thể loại phim, chất lượng tốt đã tạo ra cộng đồng khán giả xem phim thông thái. Lý do kéo khán giả ra rạp chỉ có thể là chất lượng, mà tiên quyết là nội dung hấp dẫn. 

Kịch bản chuyển thể cũng được, kịch bản gốc thì càng hay nhưng đó phải là những kịch bản có dấu ấn văn hóa Việt được kể hấp dẫn, để người xem có thể cảm nhận được câu chuyện của mình trong phim. Bởi vậy, những người trong nghề vẫn nói: Làm phim thì dễ, làm phim hay mới khó. Và ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc luôn là hình mẫu mà nền điện ảnh ở ta khao khát trở thành.

Khoảng 20 năm trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc tăng tốc phát triển rực rỡ chinh phục thị trường nội địa và vươn tầm thế giới. Gần đây nhất, phim “Parasite” thắng 4 trong 6 đề cử Oscar năm 2020, năm nay "Minari" bộ phim về giấc mơ Mỹ của người Hàn cũng càn quét hàng loạt giải thưởng quốc tế. 

Nguyên nhân thành công của điện ảnh Hàn Quốc phải kể đến chất lượng và sự sáng tạo vượt trội của kịch bản. Các đề tài hiện thực mổ xẻ vấn đề nóng bỏng của xã hội như: tham nhũng, hối lộ, phân biệt giai cấp, tôn giáo... đều được đưa lên màn ảnh rộng, phá bỏ giới hạn. Bảo chứng về tên tuổi người viết kịch bản luôn là tiêu chí hàng đầu để khán giả, trong đó có khán giả Việt lựa chọn xem phim Hàn. 

Luật Điện ảnh sửa đổi sắp trình Quốc Hội có nhắc tới điểm mới là việc tạo điều kiện thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp điện ảnh. Đây là hành trình dài và nếu “đánh nhanh thắng nhanh” sẽ mất khoảng vài chục năm như Hàn Quốc với sự vào cuộc của tất cả các bên.

Nhưng trước khi "đủ lông đủ cánh" rộng đường ra thế giới, phim Việt cần chinh phục chính khán giả nước nhà. Việc cần làm ngay vẫn là tìm kiếm, đào tạo được đội ngũ viết kịch bản có tài và sống được bằng nghề. Chỉ khi có kịch bản tốt, phim Việt mới hy vọng thoát tình trạng phập phù chất lượng như hiện nay.
 

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

// //