Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành trong mùa dịch

Phóng viên - 13/09/2021 | 6:31 (GTM + 7)

Hành lang pháp lý đã có, song để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, để các em không trở thành nơi ‘trút nỗi bức xúc’ của người lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ khi chứng kiến nhiều trẻ em là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình
Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ khi chứng kiến nhiều trẻ em là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình

Từ đầu năm tới nay, dư luận xã hội không ít lần bức xúc khi chứng kiến nhiều trẻ em là nạn nhân trong các vụ bạo hành gia đình. Có thể kể đến vụ việc xảy ra đầu năm nay, cháu N.H.B (SN 2009, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) bị chính mẹ ruột bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục. Sự việc đau lòng chỉ bị phát hiện khi một người bác phát hiện và trình báo cơ quan Công an.

Cuối tháng 6 vừa qua, đoạn clip ghi lại cảnh cháu bé 12 tháng tuổi, ở phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình bị một phụ nữ giữ chân, tay và nhét giẻ vào mồm, được chia sẻ trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.

Hay mới đây nhất, vào tháng 8 vừa qua, tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, một bé trai không mặc quần áo liên tục bị một nam thanh niên đấm đá, quăng quật rồi dẫm đạp lên người. Dù em bé khóc lóc van xin nhưng nam thanh niên vẫn không dừng tay.

Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc điều tra, xác minh nạn nhân là bé N.P.A (5 tuổi) và nam thanh niên đánh cháu bé là Lê Hoài Nam (29 tuổi), người sống cùng hai mẹ con cháu từ năm 2020 tới nay. Công an thành phố Thuận An đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nam để điều tra về tội hành hạ người khác. 

Chị Trương Thu Hương, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, phải chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất do hành vi bạo lực gây nên. Hậu quả để lại không chỉ là những tổn thương về mặt thể xác mà còn là những di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe tinh thần sau này cho cháu”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, đại dịch COVID-19 còn tác động mạnh tới mối quan hệ trong mỗi gia đình. Tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn hoặc các vấn đề ứng xử giữa cha, mẹ và con cái đều có thể dẫn tới bạo lực gia đình gia tăng với mức tổn thương nhiều hơn.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: 

“Đại dịch COVID-19 đã gây rất nhiều tổn thất nặng nề cho các bậc cha mẹ và các bậc cha mẹ cũng đã có những sự đuối sức nhất định sau một khoảng thời gian dài. Điều này khiến cho tỷ lệ trẻ em, kể cả phụ nữ trong gia đình có nguy cơ bị bạo lực, ngược đãi tăng lên. Con số báo cáo của một số quốc gia cho thấy, sự hạn chế đi lại, cách ly xã hội, kèm theo áp lực kinh tế, xã hội, sự cô đơn, những xung đột giữa các thành viên trong gia đình đã làm cho bạo lực đối với trẻ em tăng lên từ 30% đến 300%”

Chia sẻ quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho biết: 

“Đương nhiên câu chuyện bị gò bó không được đi làm, suốt ngày luẩn quẩn trong gia đình không kiếm ra tiền, và việc suốt cả ngày nhìn thấy con cái có thể sinh ra rất nhiều tâm lý stress. Với các gia đình có nề nếp giáo dục từ trước đến nay thì câu chuyện bạo lực không thể xảy ra. Nhưng với những gia đình không có nề nếp từ trước sẽ xảy ra các hiện tượng này, mà lo ngại nhất vẫn là vấn đề tai nạn thương tích và vấn đề bạo lực”. 

Cho dù chỉ là dấu hiệu của hành vi bạo lực, Cục Trẻ em cũng khuyến khích người dân lên tiếng.
Cho dù chỉ là dấu hiệu của hành vi bạo lực, Cục Trẻ em cũng khuyến khích người dân lên tiếng.

Còn theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch, vấn đề xâm hại, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em thời gian qua xảy ra khá nhiều, nhất là khi đời sống vật chất khó khăn, một số đối tượng bị tác động ngược về mặt tinh thần, bị ức chế, dẫn đến hành vi bạo lực đối với trẻ em: 

“Dưới góc độ xã hội đây là những hành vi rất đáng lên án. Bởi trẻ em là những đối tượng yếu thế, không có khả năng phòng vệ. Bất kỳ hành vi nào tác động, xâm hại đến trẻ em thì đều bị xem là tình tiết tăng nặng trong các vụ án hình sự hoặc khi xử phạt vi phạm hành chính. Chúng ta biết rằng trẻ em không có cách nào phản kháng lại hay tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của người lớn, rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra ngay cả ở Hà Nội và một số địa phương và cũng đã được pháp luật xử lý nghiêm minh”.

Theo thống kê, trong thời gian giãn cách xã hội, số nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tại Hà Nội tăng so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em. 

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Chuyên gia giáo dục kỹ năng số chia sẻ: 

“Bạo lực gia đình dưới mọi hình thức đều vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận, không thể thông cảm hay dung thứ được. Đặc biệt, đối với trẻ em thì hành vi bạo lực gia đình để lại hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ. Bạo lực gia đình đối với trẻ em ngoài việc tạo nên những vết thương thể chất còn có thể tạo nên những tâm lý sợ hãi hoặc bực tức ở trẻ, và khi thường xuyên bị bạo lực thì trẻ sẽ có xu hướng thu mình lại.

Ngoài ra tôi cũng muốn lưu ý, theo những nghiên cứu khoa học, trẻ phải chịu những hình thức đánh mắng, trừng phạt thể chất, tinh thần sẽ có xu hướng bạo lực khi lớn lên, tin rằng việc sử dụng bạo lực là cách để đạt được điều mình muốn, đó là suy nghĩ và nhận thức vô cùng lệch lạc”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), ngay từ làn sóng COVID-19 thứ nhất ở Việt Nam, có nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình. Cha mẹ mất việc làm, căng thẳng do thu nhập không ổn định; trẻ em phải học online hay thậm chí thời gian ở trong nhà nhiều… tất cả những yếu tố đó khiến bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực về giới nói chung tăng hơn so với trước đây. 

Để giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình đối với trẻ em, Luật sư Trần Tuấn Anh nêu giải pháp: 

“Khi xã hội, kinh tế đang đặc biệt khó khăn do sự kiện khách quan là dịch bệnh thì chúng ta nên có những biện pháp cứu trợ về mặt kinh tế cho những gia đình, đối tượng khó khăn để họ ổn định tâm lý, tránh những sang chấn tâm lý cũng như kinh tế dẫn tới những hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Đó là những biện pháp trước mắt.

Còn về lâu dài, nên tạo cho họ công ăn việc làm. Bởi chúng ta nhìn nhận, đa số những vụ bạo hành trẻ em thường xảy ra trong những gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ nghề nghiệp không ổn định. Vậy thì chúng ta cần tạo cho họ công ăn việc làm, bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền, giải thích pháp luật, trang bị cho họ những kiến thức về mặt pháp luật”. 

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng

Có thể nói, để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực, xâm hại cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ gia đình, nhà trường, đến sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, bên cạnh đó là việc tôn trọng, lắng nghe tiếng nói từ chính trẻ nhỏ. 

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT: "Bảo vệ trẻ em mùa dịch, cần hơn những trách nhiệm của cộng đồng"

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế ra đường là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, điều này cũng đi đôi với sức ép kinh tế, xã hội dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo khảo sát, thời điểm bùng phát dịch, Việt Nam và thế giới đều ghi nhận sự bùng phát bạo lực trẻ em. Trong giai đoạn cao điểm, từ tháng 2 - 9/2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 của Cục Trẻ em đã tiếp nhận gần 750.000 cuộc gọi. Trong đó, một nửa là các cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em và gần 1/4 liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. 

Các vụ việc xảy ra thời gian gần đây cũng cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu hậu quả nặng nề nhất do hành vi bạo lực cũng như những rủi ro, tai nạn trong cuộc sống. Hậu quả để lại không chỉ là các tổn thương về mặt thể chất mà còn cả những di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe tinh thần của trẻ sau này.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, ngày 22/5/2021, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.

Điều 25, Nghị định 56/2017/NÐ-CP của Chính phủ cũng đề cập rõ về trách nhiệm trình báo của mỗi cá nhân khi chứng kiến, hoặc nghi ngờ về nguy cơ bị bạo hành, xâm hại của trẻ. Bốn đầu mối tiếp nhận thông tin gồm: Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, và cơ quan LÐ-TB&XH các cấp.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, để giảm thiểu vấn nạn bạo hành trẻ nhỏ, gia đình, nhà trường, xã hội cần tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn, giáo dục cho các em kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết và ứng phó với những tình huống nguy hiểm, rủi ro đối với bản thân. 

Thêm vào đó, trách nhiệm của cộng đồng và những người xung quanh trong việc nhận diện, tố cáo những vụ việc bạo hành là vô cùng quan trọng, góp phần kịp thời giải cứu trẻ nhỏ khỏi nỗi đau thể xác, tinh thần, trừng phạt kẻ có tội để răn đe, năng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức bảo vệ trẻ em.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //