Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bảo vệ, phòng ngừa bạo lực trẻ em: Cơ chế ngăn ngừa tội ác từ 'gốc'

Phóng viên - 30/12/2021 | 6:54 (GTM + 7)

Một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM tử vong nghi do bị bạo hành đang khiến dư luận dậy sóng. Thực tế, những vụ việc trẻ em bị chính người thân thiết bạo hành ngày một nhiều. Trong khi đó, cộng đồng lại chưa chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng nên

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tối 27/12, nhiều người tưởng niệm bé V.A. trước sân chung cư. Ảnh: Zing

Là người đang hỗ trợ cho gia đình bé gái các thủ tục pháp lý để đưa vụ việc ra ánh sáng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết, có nhiều nghi vấn cho thấy bé đã bị hành hạ một thời gian trước đó và bị giữ trong nhà dẫn đến tử vong.

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, điểm đáng lưu ý là em bé bị chính người thân trong gia đình bạo hành và không có khả năng tự vệ; những người sống xung quanh đã báo với ban quản lý chung cư nhưng họ thờ ơ, không thông tin tới cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp:

"Ở đây nếu chúng ta nói là những người vô cảm thì chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng và dư luận cùng hỗ trợ để đòi lại công bằng cho bé, chứ đã báo ban quản lý chung cư rồi mà vẫn không ngăn chặn để hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi rất buồn, những người làm công tác trẻ em rất bức xúc. Muốn tình trạng bạo lực trẻ em chấm dứt thì chúng ta phải chung tay, chung sức, chung lòng. Thứ 2 là những trường hợp bạo hành phải xử lý nghiêm, có những việc chưa xử lý đến nơi, đến chốn".

Trước vụ việc đau xót này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, nếu như người dân, hàng xóm biết được thông tin và tố cáo, tố giác sớm thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em vào cuộc thì bé gái không phải đau đớn trả giá bằng mạng sống:

"Rất tiếc mọi người đều không nên tiếng tố cáo và các cá nhân tổ chức khi nhận được thông tin bạo hành trẻ em thì cũng không thông tin đến các địa chỉ đã quy định như tổng đài Quốc gia 111, cơ quan công an, UBND phường nơi xảy ra vụ việc; đáng tiếc hơn nữa là TP.HCM là nơi có các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em nhưng nhận thức của người dân về việc mạnh dạn lên tiếng tố cáo xâm hại trẻ em và việc tiếp nhận thông tin này chưa thật sự tích cực. Để cứu sinh mạng trẻ em, chúng tôi kêu gọi phải lên tiếng trước những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em".

Chị Hà Hồng Gấm ở Thanh Xuân, Hà Nội theo dõi vụ việc này mấy ngày nay cũng cho rằng, cách để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi bạo lực, hành hạ trẻ em là những người sống xung quanh cần phải lo "chuyện bao đồng" để kịp thời can thiệp, nói chuyện với người lớn, thậm chí thông báo tới cơ quan công an khi thấy con trẻ bị đánh mắng:

"Giá như những người hàng xóm đừng chỉ bàng quan, đèn nhà ai nhà nấy rạng, hãy quyết liệt hơn với những tiếng chửi mắng, đánh trẻ nhỏ từ hàng xóm, thì sẽ không có những cái chết thương tâm. Bởi vì trẻ nhỏ không biết tự bảo vệ mình, nhưng người lớn, hoàn toàn có thể ngăn được những câu chuyện như mẹ đẻ với bố dượng đánh chết bé 3 tuổi, và giờ đây là bé gái 8 tuổi".

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý thực hiện chương trình, Tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh, quan trọng nhất là giải pháp để ngăn ngừa bạo lực đối với trẻ em từ gốc chứ không chỉ xử lý phần ngọn:

"Biện pháp cần làm lâu dài, bền bỉ và toàn diện, cung cấp các kiến thức về pháp luật về cha mẹ, cho trẻ em về những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chăm sóc, giáo dục trẻ em; không thể coi bạo lực là được phép trong quá trình chăm sóc trẻ em; cần cung cấp các thông tin ngắn gọn, dễ hiểu để bảo vệ trẻ em. Chúng tôi mong đợi sự vào cuộc và phối hợp của ngành giáo dục để đảm bảo rằng trẻ có thể báo cáo, tìm kiếm sự trợ giúp, tránh sự việc đau lòng tương tự".

Trước đó, chia sẻ cùng VOV Giao thông, bà Nguyễn Thị Mai Thoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến về việc cần bổ sung quy trình thông tin, cơ chế phối hợp để hỗ trợ và bảo vệ kịp thời các nạn nhân như phụ nữ, trẻ em trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

"Hiện nay dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã đề xuất một số biện pháp nhưng tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh hơn nữa những quy định về công tác báo tin, trách nhiệm xác minh, phân loại, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Về các biện pháp phòng ngừa, hiện nay dự thảo luật cũng đã bổ sung một số quy định, tuy nhiên cần quy định về lực lượng nhân viên công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình"

Ở góc độ chuyên gia chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bà Đoàn Thị Hương, Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Share cũng khẳng định, cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhất là tại cơ sở để có đủ khả năng, năng lực bảo vệ trẻ:

"Chúng ta cần củng cố và làm cho hệ thống bảo vệ trẻ em đang có hoạt động hiệu quả hơn, để đảm bảo các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em làm tốt hơn vai trò và chức năng của mình, phải làm rõ tổ chức này có nhiệm vụ gì? Ai là người chịu trách nhiệm. Chúng ta phải làm theo một hệ thống, không một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào có thể giải quyết hiệu quả ngăn ngừa bạo lực trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường yêu thương và bảo vệ"

Ông N.Q.V, bác ruột của bé N.T.V.A - bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành đến tử vong, đã đến Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhờ trợ giúp pháp lý chiều 27/12. Ảnh: Song Mai/Thanh niên

Sự quan tâm, sát sao sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện ra những sự việc bất thường và có các biện pháp kịp thời để bảo vệ trẻ em. Hơn thế, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, chúng ta cần các giải pháp để trở thành "Cơ chế ngăn ngừa tội ác"

Câu chuyện về bé gái 8 tuổi ở TP.HCM đã khiến bất kỳ ai có lương tri cũng đều bàng hoàng. Hơn cả một nỗi đau, nó còn là sự sững sờ, khi những hành vi táng tận, đi ngược nhân tính này lại diễn ra ngay giữa một đô thị hàng đầu.

Hơn cả sự tổn thương, nó còn là một sự xúc phạm các giá trị đạo đức và pháp luật của cộng đồng, khi đã cả một hệ thống pháp luật với rất nhiều điều khoản không ngừng được hoàn thiện bổ sung, cả một bộ máy bảo vệ trẻ em đến từng địa bàn dân cư, mà vẫn có những đứa trẻ bị bạo hành đến chết.

Và đau xót hơn nữa, nó không phải là cái chết đầu tiên với lý do tương tự, chỉ trong vòng mấy tháng trở lại đây.

Người ta đặt câu hỏi vì sao những âm thanh bất thường của tra tấn và đòn roi đã xuất hiện nhiều lần, nhưng không ai can thiệp cho đến khi sự việc xảy ra. Sự bàng quan hoặc dè dặt, ngại ngần của những người xung quanh, có vô hình trung làm cho các hành vi bạo hành trẻ em có cơ hội lún sâu hơn, và biến thành tội ác.

Điều đó thật khó chấp nhận, nhưng lại đang là một tồn tại xã hội, khi mà lối sống công nghiệp, những quan niệm về sự riêng tư đang đẩy con người ngày càng xa cách nhau hơn.

Cộng thêm, sự biệt lập và kiên cố của kiến trúc công trình đôi khi khiến cho việc phát hiện ra dấu hiệu bất thường xung quanh và định vị được nó, cũng gặp khó khăn nhất định. 

Tuy nhiên, đó không phải là lý do để người dân không thể tham gia giám sát và ngăn chặn các hành vi phạm tội nói chung, phạm pháp với trẻ em nói riêng. Dấu hiệu của tội ác dù mơ hồ, cũng sẽ được cảnh báo sớm khi người dân có thói quen liên hệ tới các số điện thoại đường dây nóng của cơ quan bảo vệ pháp luật để phản ánh, tố giác.

Với điều kiện, cuộc gọi của họ phải được thực hiện dễ dàng, chứ không phải là những tín hiệu liên tục báo bận tổng đài, hoặc chỉ sang tổng đài chuyên trách khác. Và quan trọng hơn, thông tin phản ánh phải được thực sự lưu tâm, tìm hiểu, xử lý như một cách phòng ngừa sớm tội ác.

Ý tưởng về việc thống nhất mọi phản ánh nóng của người dân về một tổng đài khẩn cấp quốc gia đã được nêu ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Khi chưa có nhiều vụ việc được phát giác và ngăn chặn từ các cuộc gọi tổng đài, niềm tin của người gọi cũng phần nào hạn chế.

Trong khi đó, bộ máy bảo vệ trẻ em tới từng địa phương, từng cấp chính quyền đang gặp khó khăn không nhỏ với mô hình tổ chức dân cư ở đô thị. Với các khu chung cư, khu đô thị lớn, vai trò của chính quyền cơ sở chưa rõ nét, nếu không muốn nói là khá mờ nhạt.

Người dân lại càng không có thói quen báo với tổ trưởng dân phố, cán bộ chính quyền xã phường về những vấn đề an ninh trật tự xung quanh, nếu không trực tiếp liên quan đến họ.

Nhất là khi, can thiệp vào việc “dạy dỗ” con cái của nhà hàng xóm vẫn được coi là việc thiếu tế nhị, và đòi roi vẫn được nhiều người chấp nhận ở mức độ nào đó, không coi là bạo hành. 

Sẽ có rất nhiều việc phải làm để giảm các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình, từ hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thực thi, song điều quan trọng hơn cả vẫn là khâu giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sớm. Muốn vậy, các công cụ để phục vụ người dân giám sát phải được cải thiện không ngừng. Song, quan trọng hơn cả công cụ, đó là động lực, lý do để những người xung quanh thấy mình cần phải lên tiếng.

Đó là khi, họ ý thức việc phản ánh, tố giác của mình trước mỗi dấu hiệu phạm pháp không phải là hành vi “tọc mạch”, “bao đồng”, mà là trách nhiệm tham gia bảo vệ pháp luật, bảo vệ những giá trị của cộng đồng. Đó là lúc, họ nhận thức thức rõ ràng rằng, lên tiếng vì trẻ em khác cũng chính là bảo vệ môi trường sống an toàn cho con em mình./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //