Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bảo hiểm giá xăng dầu, có phải là giải pháp căn cơ!?

Thái Sơn - 28/02/2022 | 10:44 (GTM + 7)

Trong bối cảnh nền kinh tế dần ổn định với trạng thái bình thường mới, rất cần xây dựng một giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu Việt Nam liên tiếp chứng kiến những diễn biến bất thường, đặc biệt giá xăng RON 95 đã tăng lên ở mức cao nhất trong 8 năm qua - Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu Việt Nam liên tiếp chứng kiến những diễn biến bất thường, đặc biệt giá xăng RON 95 đã tăng lên ở mức cao nhất trong 8 năm qua - Ảnh minh họa

Làm chủ một sạp rau củ quả tại chợ Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, mỗi ngày hai vợ chồng chị Bùi Thị Vì đều đánh xe tải đi gom hàng tại chợ đầu mối Thường Tín rồi về bán cho khách.

Chị Vì cho hay, sau Tết giá xăng tăng mạnh dẫn tới nhiều mặt hàng rau quả tăng theo, bên cạnh đó chi phí đi lại, vận chuyển cũng khiến thu nhập và công việc kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong bối cảnh sức mua giảm, chị Vì chỉ dám tăng giá nhẹ so với các cửa hàng khác với hy vọng giữ được mối khách quen và cầm cự qua thời gian này: “Xăng đắt lên cho nên những mặt hàng nhập trong miền Nam chuyển ra hay cam, quýt bọn tôi mua cũng tăng lên. Đi bán thì dân tình họ cũng mua ít hơn, người ta bảo không có tiền và kêu đắt cho nên hàng hóa chúng tôi bán ra cũng chậm hơn”.

Nghỉ công việc cắt tóc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh Nguyễn Minh Đức, quận Cầu Giấy, Hà Nội chuyển sang chạy taxi gia đình để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách đi ít cộng thêm giá xăng tăng cao khiến anh gặp rất nhiều khó khăn: “Tăng giá thì người ta bảo chặt chém, nhưng không tăng thì không đủ bù vào hao hụt xăng xe, thậm chí còn lỗ vốn. Làm ăn bây giờ tình hình là khó khăn lắm”.

Việc giá xăng dầu tăng phi mã thời gian gần đây tác động không nhỏ tới đời sống người dân, đặc biệt các hộ gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình, vốn đang rất khó khăn do đại dịch. Nhiều người cho biết, buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt tiêu dùng hàng ngày để cầm cự.

Chị Thanh Hương, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Xăng tăng thì đến mớ rau, cọng hành cũng tăng theo. Trước cầm 100 nghìn đi chợ là cũng mua đủ nhưng chừng đó bây giờ có khi chỉ đủ mua rau dưa thôi”.

Sau kỳ điều chỉnh hôm 21/2, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 bán ở mức 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng). 

Đây là kỳ tăng thứ năm liên tiếp của giá xăng kể từ cuối tháng 12/2021. Như vậy, giá xăng RON 95, E5 RON 92 hay dầu diesel đều tăng gần 3.500 đồng so với giữa tháng 12/2021; trong khi giá dầu hỏa cũng đắt thêm hơn 3.000 đồng.

Chưa kịp phục hồi hết công suất sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục đối mặt với vô vàn thách thức khi giá xăng tăng ‘dựng đứng’ thời gian qua. 

Giá xăng tăng tác động không nhỏ đến đời sống người dân và doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch
Giá xăng tăng tác động không nhỏ đến đời sống người dân và doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chiếm từ 40-45% cơ cấu giá cước. Chính vì vậy, giá nhiên liệu tăng cao tác động mạnh đến chi phí vận hành, đẩy doanh nghiệp vào tình thế ‘khó chồng thêm khó’: “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đang để lại hậu quả và còn sẽ còn rất lâu mới có thể khắc phục đối với vận tải đường bộ đó là nhu cầu đi lại của hành khách giảm rất lớn. Trong khi đó, vấn đề xăng dầu thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 diễn biến như hiện nay rõ ràng đang tác động trực tiếp vào hoạt động của vận tải khách đường bộ. Giá nhiên liệu tác động làm tăng khoảng 5-7% chi phí giá cước vận tải”.

Ông Mạnh cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vận tải Điện Biên vẫn quyết định giữ nguyên giá cước để hỗ trợ khách hàng, nhất là những người lao động chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 thời gian vừa qua.

Ông Mạnh bày tỏ, sắp tới hy vọng nhà nước sẽ có những chính sách để ổn định giá xăng dầu trong thời gian dài: “Từ góc nhìn của vận tải chúng tôi thấy rằng, câu chuyện của giá xăng cần có sự can thiệp cho phù hợp. Cũng cần xem xét các quỹ bình ổn để chúng ta điều hòa trong thời điểm này, đối với vận tải đường bộ đang rất khó khăn. Nếu có thể chúng ta hãy cứu lấy nó, để nó sống qua giai đoạn này đã”.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, đối với cơ cấu hình thành giá xăng dầu, hiện thuế và phí chiếm hơn 40% gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường. Trong đó, đáng kể nhất là thuế bảo vệ môi trường, với mỗi lít xăng ở mức 3.000-4.000 đồng/lít. 

Do đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, khi giá xăng dầu tăng mạnh, điều đầu tiên cần làm là xem xét các yếu tố cấu thành nên giá, trong đó có các loại thuế: “Mặc dù thuế, phí không phải là yếu tố cơ bản khiến giá xăng dầu tăng, nhưng do cơ cấu trong giá và khi giá xăng dầu tăng cao thì cần xem xét trước hết là từ các yếu tố làm nên giá xăng dầu, trong đó có các loại thuế. Nếu như liên quan đến việc sản xuất và tiêu dùng thì biện pháp đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến là giảm cơ cấu của thuế. Vậy thì nên tính toán mức giảm là bao nhiêu, giảm thế nào cho hơp lý”.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ đầu năm 2022, giá dầu thô WTI liên thông với Sở NYMEX và dầu thô Brent trên Sở ICE đã tăng lần lượt 24% và 22%. Bức tranh về giá dầu vẫn tiềm ẩn rất nhiều biến động, khi thế giới bước vào giai đoạn hậu Covid-19. 

Do đó, các công cụ bảo hiểm giá nổi lên như một giải pháp mà các doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng để phòng ngừa rủi ro trong trường hợp giá xăng dầu sẽ còn nhiều biến động lớn trong năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) bày tỏ: “Trên thị trường dầu thô đang giao dịch liên thông với Sở NYMEX và Sở ICE tỷ trọng của nhóm sản xuất và kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 60%, điều này cho thấy sự phổ biến của việc thực hiện bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn.

Ở Mỹ, các doanh nghiệp lớn thường bảo hiểm giá khoảng 50% sản lượng khai thác, trong thời gian từ 12-15 tháng tính từ thời điểm hiện tại. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro khi giá dầu biến động mạnh và là yếu tố then chốt tạo ra một thị trường xăng dầu ổn định tại các quốc gia đang phát triển. Với một nước vẫn đang phụ thuộc vào giá thế giới như Việt Nam thì việc bảo hiểm giá lại càng trở nên quan trọng hơn. Theo tôi các doanh nghiệp nên chủ động triển khai nghiệp vụ này càng sớm càng tốt”.

Chia sẻ quan điểm trên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định: “Để phòng ngừa rủi ro khi biến động về giá người ta sử dụng công cụ giao dịch hàng hóa phái sinh, đó là công cụ bảo hiểm giá. Hiện nay thế giới, các doanh nghiệp sử cụng công cụ này là phổ biến. Chúng ta đã có Sở Giao dịch hàng hóa và theo nghị định 51, Sở Giao dịch hàng hóa liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa thế giới. Cho nên đây là một điều thuận lợi rất tốt.

Theo tôi các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, do giá biến động một cách thất thường, chúng ta nên sử dụng công cụ này trong hoạt động kinh doanh để phòng ngừa rủi ro biến động giá và đem lại hiệu quả kinh doanh có lợi nhất”.

Trong bối cảnh nền kinh tế dần ổn định với trạng thái bình thường mới, rất cần xây dựng một giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân - Ảnh minh họa
Trong bối cảnh nền kinh tế dần ổn định với trạng thái bình thường mới, rất cần xây dựng một giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân - Ảnh minh họa

Có thể nói, giá xăng dầu trong nước tăng cao đang ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, bên cạnh đó tạo áp lực không nhỏ lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị vận tải cho biết, như đang ‘ngồi trên đống lửa’ trước đà tăng dựng đứng của giá nhiên liệu.

Chính vì vậy, làm thế nào để bình ổn giá xăng, dầu một cách hợp lý không chỉ là bài toán trước mắt mà còn phải tính đến giải pháp lâu dài. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Kiểm soát giá xăng dầu, cần giải pháp căn cơ”.

Ngay sau khi xăng, dầu tăng giá, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ dầu ăn, sữa, gạo cho tới mớ rau, cọng hành cũng tăng theo. Không ít doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng, rục rịch tăng giá cước để bù chi phí hoạt động.

Điều này khiến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đối mặt khả năng đội giá bởi phải gánh thêm chi phí, trong khi thu nhập của người lao động ngày càng eo hẹp trước tác động của dịch bệnh. 

Hiện nay, trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu, thuế và phí chiếm hơn 40%, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường... Do vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn tăng chưa có điểm dừng, cần giảm các loại thuế này để ‘kìm’ đà tăng của giá xăng, dầu trong nước.  

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu Liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2. Công điện nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc điều chỉnh thuế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành chủ động trong điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu, cần bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh chính sách bình ổn, công cụ bảo hiểm giá cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp nên tính đến. Việt Nam hiện đã có Sở Giao dịch Hàng hóa với đầy đủ các công cụ phái sinh, chính vì vậy các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, thực hiện hiệu quả công cụ này để dứng phó với những biến động khó lường của giá xăng, dầu trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thiết yếu của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới giá của nhiều loại hàng hóa khác.

Chính vì vậy, sự chủ động trước các biến động về giá sẽ giúp thị trường xăng dầu luôn vận hành ổn định, là yếu tố góp phần quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //