Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ao làng thành bể bơi: Trẻ em thích thú, người lớn thấp thỏm

Phóng viên - 04/05/2021 | 6:09 (GTM + 7)

Đến hẹn lại lên, mùa hè tới cũng là thời điểm các bậc phụ huynh “đau đầu” tìm những địa điểm học tập, vui chơi và trông coi con trẻ.

Trong bối cảnh hồ bơi, sân chơi công cộng thiếu hụt trầm trọng; các khóa học, trại hè là điều chỉ dám “nằm mơ” với nhiều gia đình thì việc trẻ nhỏ tắm mát trong ao hồ, hay vui chơi tại những địa điểm không an toàn luôn là nỗi lo thường trực. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Clip: từng nhóm trẻ em, độ tuổi lớp 3 - 4 trở lên hồ nhiên bơi lội, nhẩy cầu ao

Khi Hà Nội bắt đầu có những buổi chiều rất oi bức thì những khoảng mặt nước như ao làng, hồ bơi luôn rất quý với trẻ em. Và ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội có 2 ao nhỏ như vậy được kè lại trong khoảng 1 năm trở lại đây. Cứ buổi chiều tan học thì đây trở thành hồ bơi của trẻ em thôn Nhân Hòa.

Theo quan sát của PV VOVGT, từng nhóm trẻ em, độ tuổi lớp 3-4 trở lên, rất hồn nhiên bơi lội, nhảy cầu ao tại đây. Cách đó không xa là những người đàn ông đang câu cá, những chị phụ nữ đang ngồi hóng mát bên hồ:

"Trẻ con đầy xóm, cứ đi học về là chúng nó ra đây bơi".

"Kè này bằng bê tông, đá, nhảy không khéo thì…"

"Con nhà này xoạc chân rồi đấy! Ông ý bơi giỏi lắm, nhưng không nhảy xuống, nhát nên cứ thế tụt xuống, xước một lần chảy máu là ông ý sợ!"

"Có đỉa đấy! Ao này ao tù mà, ngày trước người ta cứ rửa rau ý!"

Ngoài đỉa, ngoài kè xi măng có thể dẫn đến tai nạn thương tích khi trẻ em nhảy từ bờ kè xuống nước, thì ở những góc ao, vỏ nilon, vỏ nhựa thỉnh thoảng được gió đưa xuống, nổi dập dềnh. Mặt nước thỉnh thoảng có những đám váng màu lục hoặc rêu, sẽ được đánh tan ra khi đám trẻ khuấy động.

Ao sâu nguy hiểm. Cấm tắm, cấm bơi lội dưới ao

Đó là khảo sát của PV vào ngày 23/4. Đến ngày 28/4, một tấm băng rôn màu đỏ với nội dung: “Ao sâu nguy hiểm. Cấm tắm, cấm bơi lội dưới ao”, được treo nổi bật, ngay bên bờ ao Nhân Hòa.

Trao đổi với PV VOVGT, ông Lưu Quý Hợi, Phó chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, việc cấm bơi tại đây để tránh tai nạn đáng tiếc, bởi ao làng được cải tạo không phục vụ cho việc bơi lội. 

Ông Hợi cũng thừa nhận tình trạng thiếu sân chơi công cộng trên địa bàn. Cụ thể, xã Tả Thanh Oai hiện có 2 bể bơi, nhưng đa phần người dân không thể tiếp cận, do bể bơi tại trường THCS chỉ phục vụ việc dạy và học, còn bể bơi tại Khu đô thị Đại Thanh chỉ phục vụ cho cư dân nội khu.

7 tổ dân phố và thôn xóm đều có nhà văn hóa, nhưng quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu; trang thiết bị tập luyện và vui chơi còn thiếu do ngân sách hạn chế:

"Riêng về bể bơi thì rất khó cho xã, vì bể bơi phải theo quy chuẩn và tiêu chuẩn. Xã hội hóa cũng khó, chúng tôi cũng kêu gọi nhưng mặt bằng không có, hai là quy hoạch phải theo UBND thành phố cũng như huyện. Để đáp ứng được nhu cầu bể bơi cũng như sân chơi cho các cháu, cũng kính đề nghị UBND huyện tạo điều kiện, vì quy mô trên 2.000m2 sân chơi là huyện sẽ đầu tư".

Ông Lưu Quý Hợi cho biết thêm, Nhà văn hóa thôn Tả Thanh Oai quy mô 2.400m2 đang được huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng, còn khu vực sân chơi, cây xanh rộng 5.000m2 gần Nhà văn hóa thôn Thượng Phúc đã được xã đề xuất với huyện.

Nếu như xã Tả Thanh Oai cấm hoạt động bơi lội tự phát thì tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội, người dân lại chung tay “biến” ao làng thành điểm vui chơi an toàn.

Ngoài kè xi măng có thể dẫn đến tai nạn thương tích khi trẻ em nhảy từ bờ kè xuống nước, thì ở những góc ao, vỏ nilon, vỏ nhựa thỉnh thoảng được gió đưa xuống, nổi dập dềnh

Ông Nguyễn Phi Hậu, Chủ nhiệm CLB bơi lội xã Dương Liễu cho biết, các hội viên đã cải tạo nguồn nước, ngăn nước thải chảy vào ao; đổ cát xuống đáy ao để giảm độ sâu, đặt thước đo và căng dây ngăn các khu vực có độ sâu khác nhau; xây cầu nhảy vươn ra lòng hồ để tránh va đập vào bờ kè; trang bị áo phao và cắt cử hội viên trông coi:

"Tôi thấy hiện tượng “mù bơi” diễn ra ở xã tôi và nơi khác rất nhiều, tôi mới nghĩ ra để cải tạo ao này để “giải phóng” nhân dân khỏi nạn “mù bơi” ở xã chúng tôi. Mà cái này đã thành công là duy trì đã được 5 năm, bà con hưởng ứng rất cao. Mỗi năm diễn ra giải thể thao dưới nước như ngày hội. Bọn tôi đã đi kiểm định nước, loại tôm riu và tép trắng yếu nhất ở dưới nước mà nó sống được, tắm mà không có rêu bám vào nghĩa là nước sạch rồi!".

Trong khi nhiều người còn khá dè dặt khi nhìn thấy con trẻ bơi dưới ao hồ thì ThS. BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng, cải tạo các địa điểm hiện hữu thành nơi vui chơi công cộng an toàn là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh thiếu hụt sân chơi như hiện nay:

"Hãy đặt một phép tính giữa trẻ em bị chết đuối do không có kỹ năng an toàn dưới nước với một bên cho tập bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước tại những khúc sông, hồ, ao được cải tạo, nước an toàn. Thế còn lo lắng về vệ sinh thì có thể nhỏ tai, nhỏ mũi,… Phải đặt phép toán đấy lên để cố gắng vận động lãnh đạo địa phương cải tạo, tạo thành những sân chơi cho em bé trong dịp hè".

Nhìn nhận những bất cập về sân chơi và đầu tư sân chơi cho trẻ thời gian qua, bà Lê Quỳnh Lan, Tổ chức Plan International Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chưa lấy trẻ em là trung tâm, chưa đặt những nhu cầu chính đáng của trẻ trong quy hoạch xã/phường, các khu chung cư hay trường học. Để giải quyết bất cập này, bà Lan cho rằng, giải pháp về chính sách là rất quan trọng:

"Rất nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư trong lĩnh vực vui chơi. Câu chuyện quay trở lại các chính sách. Những địa điểm vui chơi cho trẻ em cần phải được hỗ trợ ở nơi trẻ em có thể tiếp cận được, người ta mới có cơ hội được hồi vốn. Thứ hai, sự tham gia của chính quyền địa phương. Chúng ta không thể giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho các doanh nghiệp, bởi chúng ta cũng đã nhìn thấy các bài học nhãn tiền là điểm vui chơi không đảm bảo an toàn".

Mô hình cải tạo ao làng thành hồ bơi an toàn cho người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội là rất đáng quý (Ảnh: Facebook CLB bơi lội xã Dương Liễu)
Mô hình cải tạo ao làng thành hồ bơi an toàn cho người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội là rất đáng quý (Ảnh: Facebook CLB bơi lội xã Dương Liễu)

Sân chơi thiếu cả về số lượng và chất lượng, việc đầu tư xây dựng sân chơi “mắc” ở ngân sách và thủ tục là thực tế tồn tại trong nhiều năm qua và chắc chắn chưa thể tháo gỡ trong “một sớm một chiều”.

Vì vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, sự thiếu hụt sân chơi và sự thấp thỏm, âu lo về tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước sẽ không còn khi và chỉ khi người lớn thực sự tận tâm với con trẻ!

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Trẻ em đủ sân chơi khi người lớn đủ tâm huyết 

Thiếu sân chơi công cộng là vấn đề đã được đề cập rất nhiều lần và càng “nóng bỏng” hơn khi mùa hè đến. Mỗi năm, Việt Nam có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và rất nhiều vụ tai nạn thương tích khác khi trẻ vui chơi trên đường phố hoặc những địa điểm không an toàn. Con số này khiến chúng ta bàng hoàng, nhưng nếu suy xét kỹ thì đó dường như là hệ quả khó tránh.

Trẻ em, với bản tính hiếu động, sẽ tắm mát ở đâu trong mùa hè khi cả nước chỉ có khoảng 5.000 bể bơi, tỷ lệ tương đương 2 xã/phường mới có 1 bể? Trẻ em sẽ vui chơi gì trong những tháng nghỉ hè khi sân chơi công cộng đang thiếu trầm trọng?

Hà Nội, một trong những địa phương có nhiều điểm vui chơi nhất cả nước, cũng chỉ có khoảng 300 công viên, vườn hoa, sân chơi công cộng để phục vụ 10 triệu dân, trong đó có 1,8 triệu trẻ em.

Nhiều sân chơi đã cũ kỹ, xuống cấp hoặc bị chiếm dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Sự chênh lệch về điều kiện, số lượng, chất lượng các địa điểm vui chơi ở thành thị và nông thôn hiện còn rất lớn.

Việc cấm đoán là không đủ để ngăn cản con trẻ tràn ra ao hồ, sông ngòi hay đường phố khi sân chơi còn quá thiếu

“Thiếu thì xây” là giải pháp không đơn giản như lời nói. Bởi những khóa học bơi trị giá tiền triệu, hay những tấm vé vào bể bơi, khu vui chơi từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng vẫn là điều xa xỉ với nhiều gia đình, đặc biệt ở nông thôn.

Do đó, không nhiều cá nhân, doanh nghiệp mặn mà với “xã hội hóa”, đầu tư cả trăm triệu đồng cho lợi nhuận chưa được đảm bảo. Các huyện ngoại thành có quỹ đất dư dả hơn các quận trung tâm, nhưng ngân sách để xây dựng bể bơi, sân chơi còn thiếu, chưa kể đến nhiều thủ tục, điều kiện đầu tư còn phức tạp.

Vì thế, mô hình cải tạo ao làng thành hồ bơi như ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức là rất đáng quý. Thực tế 5 năm vận hành đã chứng minh sự an toàn và vệ sinh hoàn toàn được đảm bảo nếu như những người thực hiện có tâm và có trách nhiệm. Chỉ tiếc là tương lai của mô hình này khá mờ mịt.

Huyện Hoài Đức đang thực hiện tu bổ, cải tạo ao làng Thiên và CLB bơi lội xã Dương Liễu đứng trước nguy cơ không còn địa điểm hoạt động. Còn với các trường hợp hồ bơi “bất đắc dĩ” khác, việc căng biển cấm bơi của chính quyền sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc kêu gọi mạnh thường quân và nhân dân cùng đóng góp xây dựng.

Tuy nhiên, việc cấm đoán là không đủ để ngăn cản con trẻ tràn ra ao hồ, sông ngòi hay đường phố khi sân chơi còn quá thiếu. Người lớn chỉ hết thấp thỏm trước mối nguy tai nạn rình tập con trẻ khi thực sự tận tâm với chúng. Với gia đình, nhà trường là sự quan tâm, giáo dục và nhắc nhở con em thường xuyên.

Với chính quyền các địa phương là sự trách nhiệm trong công việc. Chỉ khi những nhu cầu chính đáng của người dân nói chung và trẻ em nói riêng được coi là trọng tâm trong công tác quy hoạch thì sự thiếu thốn ở nông thôn và “ngột ngạt” ở đô thị mới phần nào giảm bớt.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

// //