Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

An toàn thực phẩm tại chợ tự phát, nỗi lo không của riêng ai

Phóng viên - 14/01/2022 | 10:31 (GTM + 7)

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, việc thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh từ các khu chợ tự phát tại TP.HCM là nỗi lo không của riêng ai.

Sau nhiều tháng tạm ngưng vì dịch COVID-19, các chợ đầu mối, chợ truyền thống và chợ tự phát tại TP.HCM đã hoạt động nhộn nhịp trở lại. Đáng chú ý, cả người bán lẫn người mua tại chợ tự phát vẫn còn lơ là các quy định phòng dịch COVID-19.

Việc các chợ tự phát ăn theo các chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã trở thành căn bệnh “trầm kha” từ nhiều năm nay. Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại những khu vực này cũng gần như bị “bỏ ngỏ”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chợ tự phát xung quanh khu vực chợ Bình Quới, quận 11 bày bán tràn lòng đường vào tháng 10. Ảnh: Vietnamnet

Dọc hai bên đường Nguyễn Linh, trước khi rẽ vào chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh, TP.HCM kẻ bán người mua tấp nập từ lúc chiều tối cho đến nửa đêm và rạng sáng hôm sau.

Đường tắc nghẽn. Xe tải đậu ngay bên đường để bán cả rau củ, gia cầm.

Mặc dù TP.HCM đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, nhưng chợ tự phát vẫn hoạt động nhộn nhịp, đặc biệt trong những ngày cận Tết Nguyên Đán.

Ông Nguyễn Trí Thành - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm môi trường - chợ Bình Điền cho biết,  việc kinh doanh tự phát ngoài chợ đầu mối Bình Điền đã ảnh hưởng không nhỏ đến các tiểu thương buôn bán trong chợ.

"Bên trong thì siết chặt, bên ngoài bỏ lỏng, tiểu thương cũng so bì. Thứ hai nữa là tất cả vấn đề sơ chế hàng hoá còn chưa triệt để, ví dụ như bắp cải, cải thảo còn bùn đất,.... Khó khăn chung là thời gian lấy mẫu để ra kết quả kéo dài 5-7 ngày, nên để xử lý vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm khó khăn.

Tình trạng thương nhân kéo ra ngoài, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương để thực hiện triệt để vấn đề buôn bán trái phép bên ngoài. Sau thời gian thực hiện, tiểu thương vào được khoảng 90% rồi. Riêng trường hợp bán bên ngoài là do người ta tự buôn bán chứ không phải thương nhân ở chợ".

Tại phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, những người buôn bán, nhỏ lẻ, tự phát vẫn tràn ra lòng lề đường, bất chấp lực lượng của phường hàng tuần vẫn ra quân kiểm tra. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch phường Tam Bình chia sẻ:

"Những người buôn bán ở đây sống bằng tiền mưu sinh hàng ngày, duy trì cuộc sống, tràn ra đường bán từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Người ta canh mình, mình canh người ta... Khó lắm... Lực lượng của phường chỉ có vài người nên chưa được triệt để. Từ giờ đến Tết vẫn phải làm liên tục. Phương án là phối hợp với công an phường Bình Triệu, chợ đầu mối Thủ Đức tổ chức ổn định kinh doanh cho các tiểu thương bán hàng tồn từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa đưa vào trong chợ để bán, bên ngoài sẽ kiểm soát và xử lý vi phạm".

Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan từ các khu chợ tự phát rất lớn
Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan từ các khu chợ tự phát rất lớn (Ảnh minh họa)

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, TP đã ban hành và triển khai quyết liệt kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết trên nhiều mảng khác nhau, trong đó nhấn mạnh vấn đề ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh kiểm tra trước, trong và sau Tết, và nâng cao nhận thức cho cộng đồng. 11 đoàn thanh tra các quận, huyện và các chợ đầu mối tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh những kho bãi tích trữ thực phẩm để tung ra trong dịp Tết cũng như công tác lấy mẫu để phát hiện trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, trong lúc TP thực hiện giãn cách xã hội và ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, hiện tượng các chợ tự phát mọc lên xung quanh khu vực các chợ đầu mối gây mất trật tự, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và đặc biệt là sức khoẻ người tiêu dùng khi các thực phẩm buôn bán tràn lan không rõ nguồn gốc.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc kiểm soát các chợ tự phát này còn nhiều khó khăn:

"Đa số nơi vỉa hè, xung quanh chợ đầu mối là để cạnh tranh, giành giật khách hàng với các tiểu thương trong chợ đầu mối. Có một thực tế là, trong chợ đầu mối, thời gian chống dịch, chúng ta đóng cửa chợ, khi cho hoạt động trở lại, các tiểu thương ở cả 3 chợ đầu mối đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng chống dịch, từ xét nghiệm lấy mẫu, khử khuẩn, chích ngừa, và kể cả người đến chợ cũng phải tuân thủ - có đôi lúc không được thoải mái.

Nhưng có một nghịch lý là xung quanh vỉa hè thì chẳng phải xin phép ai, và chẳng có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh gì cả. Chúng ta phải lập lại trật tự và không để tiếp diễn, vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ về bùng phát dịch bệnh.

Đối với hiện trạng này rất cần sự vào cuộc của cả người dân. Ai cũng mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn, nhưng khi mua sắm lại muốn tiện lợi ví dụ đi làm về chỉ cần ghé xe vào cửa hàng, người bán hàng thì không cố định, cũng không được kiểm định thực phẩm... như vậy, tự bản thân mình đã đặt mình vào nguy cơ rất lớn".

Thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trong năm 2021, đơn vị đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó, phát hiện hơn 109 cơ sở vi phạm, xử phạt 100 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ban quản lý phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM, kiểm tra hơn 7.000 lượt xe, phát hiện 23 lượt xe vi phạm quy định kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển.

Chợ tự phát gần Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, tháng 6/2021.
Chợ tự phát gần Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, tháng 6/2021. Ảnh: Vnexpress

Buôn bán bên ngoài chợ đầu mối là vấn đề nhức nhối nhiều năm chưa giải quyết được và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng bởi hầu hết các thực phẩm bày bán đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các quy định về an toàn thực phẩm cũng bị người bán lẫn người mua “phớt lờ”. 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2022, các cấp, các ngành cùng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cần phải có giải pháp tăng cường siết chặt hơn nữa. Bên cạnh đó, người dân cũng cần ủng hộ các cơ sở buôn bán hợp pháp, uy tín và được kiểm soát chất lượng.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông:“An toàn thưc phẩm tại chợ tự phát - Nỗi lo không của riêng ai”.

Đã thành thông lệ, dịp cuối năm, hoạt động mua bán lương thực, thực phẩm diễn ra nhộn nhịp ở cả vùng nông thôn lẫn thành thị. Nhà nhà người người đều lo đón Tết. Tâm lý chung của mọi người là dù khó khăn thế nào cũng phải lo cho bữa cơm gia đình 3 ngày tết tươm tất. Nhiều người còn tổ chức mua quà tặng nhau để cùng vui tết.

Hoạt động mua bán hàng hóa thực phẩm vì thế luôn sôi động. Đây cũng là dịp để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có nguy cơ được tuồn ra thị trường. Ở vùng đô thị, các chợ tự phát sau một thời gian đóng băng vì dịch covid, giờ hoạt động tấp nập trở lại.

Tờ mờ sáng ở nhiều con đường ngõ phố, rau củ quả đã được chở ùn ùn từ các vùng ngoại thành vào nội đô bán buôn sôi động. Khi trời sáng chợ tự phát hoạt động nhộn nhịp, bày bán đủ loại; từ gia súc gia cầm,thủy hải sản đến các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều món ăn còn nóng hổi. Người mua, người bán chộn rộn. Lực lượng chức năng dù ra quân nhưng không xuể vì cứ vắng bóng họ là người mua bán lại tràn ra vỉa hè, lề đường để giao dịch.

Nhiều nơi làm quyết liệt nhưng có nơi lại chần chừ vì đa số người bán đều nhỏ lẻ, do khó khăn mới bám chợ tự phát để kiếm sống. Người mua vì thu nhập thấp, mua đồ ăn thức uống ở chợ vỉa hè lề đường vừa rẻ, dễ trả giá mà lại tiện lợi không phải gửi xe, thủ tục nhiêu khê khai báo dịch tễ như siêu thị. Đây là những nguyên nhân chợ tự phát cứ mỗi ngày một nở rộ; không sao chấm dứt nhất là dịp cuối năm.

Điều đáng nói là do mua bán tự phát nên việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm bị bỏ ngỏ. Người mua chỉ nhìn trực quan và bằng cảm nhận của mình để quyết định. Chưa kể do bày bán ở nơi lề đường hè phố nên hàng hóa nhiều lúc bám đầy khói xe, bụi đường. Người qua lại tấp nập văng cả vi khuẩn theo trao đổi, không khí nhiễm vào đồ ăn thức uống. Nhưng do mắt thường không nhìn thấy nên cũng chẳng mấy người e ngại.

Đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm; nhiều người bị bệnh đường ruột, bệnh tiêu hóa vì mua thức ăn ở chợ tự phát nhưng vẫn không đủ sức ngăn cản sự hấp dẫn và các tiện ích mà chợ tự phát mang lại. Người mua người bán vẫn miệt mài trao đổi. Hoạt động thanh tra kiểm tra thỉnh thoảng vẫn có nhưng cũng chỉ làm qua loa, chiếu lệ vì không xuể.

Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ tự phát dịp cuối năm là rất lớn. Nhất là khi dịch covid-19 vẫn còn vây ráp khắp nơi. Nhiều nơi dịch tiếp tục bùng phát với số ca lên đến hàng ngàn người mỗi ngày. Hoạt động của chợ tự phát cũng là một nguyên nhân khiến cấp độ dịch ở nhiều địa phương tăng. Chợ tự phát trở thành nỗi lo không chỉ riêng ai.

Do vậy, các địa phương, xã, phường cần ra quân lập lại trật tự mua bán ở lòng lề đường, nhất là ở các chợ tự phát. Cương quyết đóng cửa các nơi tụ họp gây mất trật tự an toàn giao thông, cản trở đường đi lối lại. Tổ chức chức kiểm tra kiểm soát, nhắc nhở người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán.

Tạo điều kiện thuận lợi để các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích được mở rộng hoạt động; phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Tập trung truyền thông để người bán người mua có trách nhiệm hơn, nhất là hàng hóa lương thực thực phẩm phải đảm bảo an toàn. Cương quyết xử lý với hành vi tiếp tay cho việc bán hàng hóa quá hạn, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng cần bình tĩnh, nhận diện rõ cái lợi cái hại của việc mua bán hàng hóa ở những nơi trôi nổi, không ai kiểm soát. Vì những đồ ăn thức uống không được vệ sinh sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của chính mình và người thân.

Để từ đó nói không với lương thực thực phẩm không đảm bảo chất lượng; chung tay cùng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dip tết đến xuân về hiện nay.

Tags:
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm  2024

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm 2024

Dù tình hình thế giới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt tốt các tín hiệu thị trường để duy trì hiệu quả xuất khẩu.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu từ vùng đỉnh 7 tháng

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu từ vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 16/4, trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, có đến 22 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index sụt giảm ngày thứ hai liên tiếp từ vùng đỉnh 7 tháng, với mức giảm 0,67% xuống 2.308 điểm.

// //