Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

An ninh phức tạp tại các chung cư: Cứ đỗ xe là mất tiền

Phóng viên - 10/10/2021 | 7:47 (GTM + 7)

Tháng 8/2021, nhiều cư dân tại chung cư Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội bị đập phá ô tô. 1 tháng sau, hàng loạt ô tô tại khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm bị tạt sơn vào thân xe, nắp capo và cửa kính. Điểm chung của các vụ việc này là

Những người không gửi xe tại các bãi trông xe tự phát gần đó sẽ bị phá hoại tài sản. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

VIDEO: TÌNH TRẠNG XE CỦA NGƯỜI DÂN Ở CHUNG CƯ NAM XA LA BỊ ĐẬP PHÁ

“Đập cả sau và 2 bên cánh, sau đó chồng em đăng bài lên trang của cư dân thì ngay sau đó xe bị đập phá tiếp.”
“Xe của em bị 3 lần, xe của cậu em em 4 bánh thì rạch rách 3 bánh.”

Vừa rồi là chia sẻ đầy bức xúc của các cư dân chung cư Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội khi tài sản ô tô bị kẻ gian đập phá. Theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, số gia đình có ô tô bị phá hoại lên tới 11 hộ, một số hộ bị nhiều lần.

Chia sẻ nguồn cơn, một đại diện cư dân cho biết, thực trạng này xuất hiện từ tháng 1/2021, sau khi một số cư dân không gửi xe vào một bãi xe “lậu” gần đó.

Đến cuối tháng 8/2021, sau khi báo chí lên tiếng, vụ việc mới ngã ngũ. Công an phường Phúc La đã xác minh ông Nguyễn Công Đoàn, sinh năm 1988 là người có liên quan đến các hành vi gây mất trật tự công cộng, vi phạm quy định phòng chống COVID-19, đúng như phản ánh của người dân. Cộng với các hành vi “Trông giữ xe sai quy định”, “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, người đàn ông này bị xử phạt tổng cộng 7,2 triệu đồng.

Tương tự là sự việc hàng loạt xe ô tô bị hắt sơn xảy ra ở khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Một số nhân chứng chia sẻ, các đối tượng tình nghi được cho là người của bãi giữ xe “lậu” gần khu đô thị:

“Đến cơ quan thì thường anh em vẫn đỗ ở ngoài đây, để xe qua đêm thì bị sơn tạt hết một bên xe.” 

“Dân ai cũng bức xúc, rất là mong có sự yên bình, thì mong là có sự vào cuộc của pháp luật.” 

Khi được hỏi về sự tồn tại của bãi giữ xe tự phát chưa được cấp phép, một đại diện UBND phường Trung Văn nói: “Các vị trí vi phạm nằm trong khuôn viên đất nông nghiệp, giao cho các hộ gia đình, do đất hoang hóa không sử dụng nên có tình trạng nhảy dù, làm các bãi xe trái phép.”

Vụ việc đến nay vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Bày tỏ quan điểm, luật sư Phạm Thành Tài phân tích: các hành vi phá hoại, tạt sơn, làm xước kính, vẽ bậy lên xe dù bất cứ lý do nào cũng vi phạm pháp luật. Ngoài bị xử phạt hành chính lên tới 5 triệu đồng, bị buộc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự, các đối tượng vi phạm có thể lĩnh hình phạt nặng hơn. Lực lượng công an, cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết xử lý, thiết lập lại an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích của người dân.

Luật sư Phạm Thành Tài cho biết:

“Trường hợp tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với mức phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.   

Xe ô tô của cư dân nếu không gửi xe vào bãi đều bị đập phá.
Xe ô tô của cư dân nếu không gửi xe vào bãi đều bị đập phá.

Ông Trần Khánh, Chủ tịch CLB Quản lý toà nhà Hà Nội cho rằng, điểm chung của tình trạng mất an ninh trật tự tại các khu vực này là do thiếu điểm đỗ ô tô cho cư dân. Thực tế, trong định hướng của Nhà nước, của thành phố cũng đã những quy định cụ thể, như một tòa nhà thì bao nhiêu tầng hầm để đáp ứng nhu cầu trong thời điểm hiện tại và tương lai:  

“Đối với những tòa nhà mà không có đủ điều kiện để trông giữ cơ bản được thì phải có những cái có phương án, một là, bố trí xe trên sân đường tại những vị trí mà không ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thứ hai là phải quy hoạch, kẻ biển, đường, vị trí đỗ để bảo đảm an toàn và đảm bảo an ninh cũng như là thông thoáng đi lại. Chủ đầu tư cũng phải đề nghị với các địa phương để xem là có những khoảng đất trống xung quanh để bố trí, đăng ký xin phép để trông giữ xe tập trung cho cư dân.

Về các biện pháp để bảo đảm tài sản thì đối với các chung cư hiện nay thì đa phần chung cư đều có đều có lắp camera nhưng đặt camera chủ yếu là phục vụ trong nội bộ nhà chung cư. Lực lượng tuần tra thì cũng có nhưng còn phụ thuộc chi phí dịch vụ mà các tòa nhà bỏ ra”

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn dẫn một bất cập trong việc dành diện tích đỗ xe tại chung cư hiện nay. Cụ thể, Nhà nước quy định chung cư cao tầng phải dành tối thiểu 20 mét vuông đỗ xe trên 100 mét vuông sàn diện tích sử dụng, nhưng thực tế lại rất khác:

“Nếu chiếu theo tỷ lệ trung bình hiện nay thì với 100 mét vuông sàn sử dụng thì thông thường là sẽ dành cho khoảng 5 người, trong 5 người đó thì chắc chắn là sẽ có khoảng hai người có sở hữu xe. Vậy thì tỷ lệ 20 mét vuông cung cấp chỉ đủ cho một phương tiện đỗ thôi.

Vì thế, rõ ràng chung cư mà càng cao cấp thì tỷ lệ sở hữu ô tô ngày càng lớn mà tỷ lệ này người ta áp dụng cho tất cả các loại chung cư, nó sẽ chưa hợp lý so với thực tế và thực tế so với cả những nhu cầu tối thiểu chung cư tầng lớp bình dân”.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, không có một quốc gia, một thành phố phát triển nào có đủ nguồn lực về đất đai, về không gian để cung cấp cho tất cả các nhu cầu đỗ xe, đặc biệt là ở những thành phố mà đang trong giai đoạn phát triển nóng về phương tiện cơ giới cá nhân.

Hà Nội không phải ngoại lệ khi tốc độ tăng trưởng mua sắm ô tô cá nhân trên 10%/năm, nhưng tỉ lệ này với năng lực cung cấp hệ thống đỗ xe chỉ dưới 1%/năm. Về lâu dài, mức độ mất cân bằng sẽ ngày càng lớn, phát sinh nhiều vấn đề, bãi giữ xe lậu, mất an ninh trật tự là hệ quả nhãn tiền.

Để giải quyết vấn đề này, hầu hết các nước trên thế giới đều phải tăng cường quản lý để hạn chế sự gia tăng các phương tiện cá nhân, đồng thời, nâng cao năng lực của hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra, tại các thành phố hiện đại trên thế giới hiện nay, các bãi đỗ xe phải được tồn tại một cách hợp pháp:

“Với những bãi đỗ xe như vậy thì họ sẽ có những tiêu chuẩn về quản lý riêng. Một trong những tiêu chuẩn đó là đảm bảo về an ninh an toàn và đặc biệt vấn đề về giám sát an ninh, trong đó sử dụng các thiết bị giám sát. Ví dụ như camera an ninh và những hệ thống cảnh báo khi có sự cố xảy ra. Ví dụ, những sự cố liên quan đến cháy nổ, sự cố liên quan đến mất cắp rồi những sự cố an ninh khác”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗi ấm ức cứ đỗ xe là mất tiền

Một thời gian, người dân Thủ đô thường rỉ tai nhau: kiếm được một chỗ đỗ xe tạm thời trên phố không mất phí cứ như đi… hái sao trên trời. Việc kiểm chứng cũng không có gì khó. Chỉ cần đỗ xe tại một vị trí không cấm dừng, cấm đỗ, cũng không có biển báo bãi giữ xe, chỉ nửa phút thôi, sẽ có người chạy lại đòi tiền trông xe hộ.

Cho dù, người đó không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào về vai trò của mình, cũng như chứng minh được họ có liên quan tới đoạn đường này.

“Cẩm nang” được giới tài xế thuộc nằm lòng, đó là ngậm bồ hòn làm ngọt. Thà mất vài chục nghìn để mua lấy sự yên tâm, còn hơn nếu cứ rời đi, không hợp tác với các đối tượng, lại nơm nớp lo xe bị cào, bẻ gương, chọc thủng lốp. Rồi thiệt hại kinh tế lại gấp hàng chục, hàng trăm lần, người chịu thiệt vẫn là chủ phương tiện.

Những tưởng trong mùa giãn cách xã hội, khi lưu lượng phương tiện lên phố vãn bớt, hiện tượng này sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, nó lại trở nên nghiêm trọng và diễn biến phức tạp hơn tại các khu đô thị, chung cư tập trung đông dân cư, nơi hạ tầng giao thông tĩnh không đáp ứng được nhu cầu đỗ xe của người dân.

Những chủ xe thiếu may mắn, hết chỗ đỗ xe dưới hầm tòa nhà sẽ đứng trước hai lựa chọn: Một là bất chấp đỗ xe ở đường nội khu, các tuyến đường lân cận không có biển cấm dừng đỗ; hai là lựa chọn các bãi trông giữ xe tự phát.

Ở lựa chọn thứ hai, người gửi sẽ rất bất an vì không được bảo hiểm mất cắp, cháy nổ và mọi rủi ro nếu có cũng không biết bắt đền ai dù mỗi tháng mất tiền triệu cho… người lạ. Ở lựa chọn còn lại, họ sẽ trở thành “cái gai” trong mắt các đối tượng trông giữ xe “lậu”, và xung đột, mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản, dằn mặt, trả thù, xô xát cũng từ đây mà ra.

Không sợ dân đã đành, những dân anh chị, máu mặt đứng ra lập bãi giữ xe còn công khai tranh giành địa bàn và cũng chẳng kiêng nể gì chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng. Bởi lẽ nguồn lợi từ một bãi giữ xe quy mô trung bình cũng lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, quá đủ để họ “nhờn luật” trước những mức xử phạt vài triệu đồng mỗi lần bị lập biên bản vi phạm các lỗi như: Trông giữ xe không phép, trông giữ xe quá diện tích, sai vị trí được cấp phép, vẫn hoạt động khi giấy phép hết hạn…   

Ở một đô thị có gần 7 triệu phương tiện, nhưng giao thông tĩnh chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu trông giữ xe, tất yếu sẽ sinh ra những dịch vụ ngoài luồng – các bãi giữ xe lậu. Đối trọng duy nhất với hiện tượng này, hòng đảm bảo lợi ích chủ phương tiện, tránh thất thu ngân sách nhà nước là các dự án bãi trông giữ xe trong quy hoạch của thành phố. 

Thế nhưng, hầu hết chúng lại đang nằm trên giấy. Có những dự án đỗ xe thông minh đã bắt đầu triển khai thì lại vướng thủ tục và bị “hô biến” thành các bãi trông giữ xe tạm thời. Lâu ngày cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, các bãi xe này lại mở rộng quy mô trở thành những bãi xe “lậu”.

Một vòng lẩn quẩn diễn ra khi Nhà nước bất lực nhìn miếng bánh hàng chục nghìn tỷ đồng của nền kinh tế trông giữ phương tiện rơi vào tay các nhóm lợi ích đằng sau những bãi giữ xe tự phát.

Cuộc sống vẫn phải vận động. Người có xe vẫn phải gửi xe, người bị buộc phải sử dụng dịch vụ “trông xe hộ” thì vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Lời rỉ tai “cứ đỗ xe là mất tiền”, vì thế, như một nỗi ẩn ức khó nói của không chỉ riêng ai.

Tags:
Ý kiến của bạn
Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền Hỏa Thần là di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương.

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Dù Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định đối với xe hoán cải, song với sự ra đời ngày càng nhiều xe nhà ở di động ngày càng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng để quản lý riêng loại hình phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong quý I/2024

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong quý I/2024

Thống kê trong 3 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng TPDN Bất động sản chiếm tỷ trọng 43%.

Để tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen

Để tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen

Hằng năm, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 lại diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất. Tại Việt Nam, nhiều hoạt động hưởng ứng đã diễn ra nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích việc bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên, để tiết kiệm điện trở thành thói quen của mọi người dân thì cần nhiều giải pháp hơn nữa.

// //