Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xuân thay áo mới trên phố bích họa Phùng Hưng

Phóng viên - 18/02/2018 | 9:15 (GTM + 7)

VOVGT- Tết Mậu Tuất, ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm hấp dẫn, mới lạ dành cho mọi người du xuân, đặc biệt là những điểm nhấn trên các phố cổ Hà Nội...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Người Hà Nội mê mẩn trước sự thay đổi của phố Phùng Hưng. 19 bức tranh trên vòm cầu là 19 chủ đề mang những sắc thái riêng, nét đặc trưng riêng, tái hiện lại cuộc sống Hà Nội xưa qua bàn tay khéo của các nghệ sỹ. (Thái Sơn, Hải Bằng)

Dù là cái lạnh se se của mùa đông, vương chút mưa phùn của mùa xuân hay có thêm chút nắng nhẹ đầu mùa hạ thì không khí của những ngày đầu năm mới luôn có ý nghĩa thật đặc biệt. Đó là cảm giác háo hức, rạo rực, tươi mới, là cảm giác muốn được thỏa sức hít thở tận hưởng bầu không khí thoáng đãng, đường phố sạch sẽ, khang trang, người người thảnh thơi đi chơi tết, không còn những lo âu, vướng bận hay công việc bộn bề tất bật nữa.

Thời tiết dù có thế nào thì những người đi du xuân cũng đều tìm thấy sự thích thú, tìm thấy niềm vui và những điều an nhiên nhất. Bên cạnh đó, năm nay, ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm hấp dẫn, mới lạ dành cho mọi người du xuân, đặc biệt là những điểm nhấn trên các phố cổ Hà Nội dịp xuân Mậu Tuất này như phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố cổ, phố vòm cầu Phùng Hưng…

Diện mạo mới của con phố Phùng Hưng đã thu hút sự quan tâm của mọi người dân thủ đô ngay từ khi có đề xuất dự án, cho đến khi có những nét vẽ đầu tiên, và đúng là khi hoàn thành thì đã mang lại rất nhiều sự thích thú, ngỡ ngàng cho người dân thủ đô cũng như du khách.

Và trong chương trình Bánh xe đồng vọng hôm nay, chính những cổng vòm trên phố Phùng Hưng sẽ kể lại chúng ta nghe nhiều câu chuyện thú vị. Trước hết, chúng ta cùng ngược dòng thời gian, tìm những ký ức về một đại lộ danh tiếng và hiếm thấy một thời trên chính con phố được mang tên Phùng Hưng ngày nay qua thông tin từ họa sĩ Trần Hậu Yên Thế:

Sau đó mình tìm hiểu ra mới thấy bất ngờ đây chính là đại lộ Óc-lăng- 1 trong những đại lộ hiếm. Phố ở Hà Nội thì nhiều nhưng đại lộ thì ở Hà Nội chỉ có 1 vài đại lộ, mà đây là tên 1 thái tử, 1 nhà văn, nhà nhiếp ảnh, 1 nhà thám hiểm mà ông đã có cả cuộc đời gắn bó với Châu Á và chết ở Việt Nam, chết ở Sài Gòn. Những ghi chép của ông dọc con đường đi từ Tây Tạng qua Vân Nam, xuống Hà Nội là 1 con đường rất hay, mình xem rất nhiều và mình hình dung như là Thái tử đã trở về, theo ý nghĩa là nghệ thuật đã trở lại trên con phố này. Con phố đã có giai đoạn trở thành chợ tạm, bãi đậu xe, không còn hình dung được 1 đại lộ rất danh tiếng của HN thời đó nữa.

Hình ảnh của con phố Phùng Hưng những năm cuối thế kỷ 19 và sự hình thành những cổng vòm đặc biệt nơi đây cũng được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến – báo Hà Nội Mới – khách mời quen thuộc của chương trình cho biết thêm:

Phố Phùng Hưng xưa chính là làng Tân Khai, nằm ở phía ngoài của thành Thăng Long, xây từ đời Nguyễn. Từ khi người Pháp chiếm thành Hà Nội 1882, sau đó biến Hà Nội thành nhượng địa và đến năm 1894 thì họ quyết định phá thành. Công cuộc phá thành do 1 người phụ nữ trúng thầu, gọi là cô Tư Hồng. Phá từ năm 1894-1897 là xong. Phố Phùng Hưng hiện nay chính là 1 phần vừa là tường thành, 1 phần là con hào ngày xưa. Lúc này người Pháp bắt đầu quy hoạch lại giao thông ở Hà Nội, trong đó có đường sắt. Cùng với xây dựng cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, thì người Pháp cũng bắt đầu tiến hành xây dựng ga Hàng Cỏ vào cuối thế kỷ 19. Khi xây dựng cầu Long Biên, ngoài phần dành cho người đi bộ, xe cộ thì ở phía giữa cầu là phần dành cho đường sắt. Vì toàn quyền lúc đó là ông Pon Dume đã đặt chiếc bay bằng bạc và làm lễ khởi công xây dựng cầu Long Biên vào ngày 12/9/1898. Cùng lúc cầu Long Biên được xây dựng thì người ta cũng tiến hành xây 1 cái đường dẫn từ ga Hàng Cỏ ra cầu Long Biên vì cầu Long Biên cao hơn so với mặt bằng của Hà Nội. Vì thế cho nên người ta phải làm cầu.

Cầu dẫn nằm trên phố Phùng Hưng bắt đầu từ chỗ ngã 4 nay là phố Trần Phú. Chiều cao của cầu dẫn này tăng dần, tăng dần và từ cuối phố Phùng Hưng kéo dài ra đến chỗ hiện nay là phố Cửa Đông thì có 1 cái cầu sắt, và qua cầu sắt Cửa Đông là cao dần lên và đến phố Hàng Lược thì có 1 cầu sắt nữa. Vì sao mà lại có các ô như hiện nay mà ta đã biết? Công nghệ xây dựng khi đó vào thời điểm đó cũng rất hiện đại. Họ xây các vòm cuốn chính là để chịu lực cho đoàn tàu nặng nề khi chạy qua thì tất cả các vòm đấy nó cứ to dần, to dần, cho đến cầu sắt phố Hàng Lược. Và đặc biệt là từ chỗ phố Hàng Lược sang phố người Thiếp mà ra đến chỗ ga Long Biên hiện nay thì nó càng cao hơn. Các ô bắt đầu xuất hiện từ chỗ cầu sắt phố Cửa Đông.

Những vòm cầu trên phố Phùng Hưng cũng có sự thay đổi theo lịch sử của thủ đô, đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh. Vào thời Pháp thuộc, dưới những vòm cầu này được để trống và là các ô thông nhau, rất thông thoáng.

Trước năm 1945, người Pháp cấm tuyệt đối không sinh sống,họp chợ, buôn bán ở dưới những vòm cầu này nhưng sau năm 1945, đặc biệt là năm 1948, khi người Hà Nội đi tản cư tránh chiến tranh trở về, rồi rất nhiều người cũng tránh chiến tranh ở các tỉnh miền bắc kéo về Hà Nội trú ngụ thì bắt đầu xuất hiện ở các ô trong đấy là người ở, người bán hàng, thậm chí là có cả những gia đình quây quần sống ở dưới các ô đó.

Trong những bức hình chụp trước kia, chúng ta còn thấy, với các ô mà từ phố Nguyễn Thiếp mà đi ra đến ga Long Biên hiện nay thì bên trên nó còn có 2 cái vành xòe ra, vì thế cho nên rất nhiều người đã tận dụng các mái chìa của cái cầu để sinh sống dưới đó. Những cái ô mà người Pháp xây cao lên trên thì người ta lợp lá để ở phía dưới và lúc cao điểm thì có rất nhiều người ở.

Đặc biệt là sau năm 1954, rất nhiều người đã từng ở Hà Nội trở về quê nhưng đầu những năm 1960, Hà Nội lúc đó có vận động nhiều gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở vùng Tây bắc , sau khi lên khẩn hoang, sinh sống, cuộc sống rất khó khăn, nhiều người không chịu được quay về thì họ chọn gầm cầu là nơi sinh sống và lúc đó thành phố cũng không biết phải đuổi họ đi đâu vì họ không có chỗ ở. Vì thế cho nên họ trú ngụ, sống ở dưới gầm cầu, kéo dài cho đến những năm 1986.

Khi đó, lấy lý do là để xây dựng lại đô thị văn minh và để tăng sức chịu lực cho cây cầu tốt hơn nên chính quyền thành phố đã cho bịt hết tất cả các ô còn trống của cầu dẫn từ Phùng Hưng kéo ra đầu ga Long Biên. Vì thế tất cả những gia đình trú ngụ ở đây buộc phải rời đi nơi khác và từ đó trở đi, các khoang ở dưới gầm cầu dẫn lên cầu Long Biên là không còn ai cư trú ở đấy nữa.

Những thiếu nữ trong tà áo dài thả dáng bên bức tranh bích họa tại phố Phùng Hưng (Ảnh: Thái Sơn, Hải Bằng)

Nói về dụng ý xây dựng những vòm cuốn như thế ở đường dẫn lên cầu Long Biên, nhà báo người Ngọc Tiến cho biết thêm:

Khi thiết kế các đường dẫn lên cầu Long Biên, các kĩ sư công chính đã tính toán khả năng chịu lực của các đoàn tàu chạy từ ga Hàng Cỏ ra Long Biên đè lên cây cầu. Ngoài ra họ cũng rất ý thức cái chuyện vừa là công trình giao thông ,vừa phải tạo cảnh quan cho thủ đô Hà Nội nên họ làm những vòm cuốn rất đẹp, vật liệu chắc chắn, giữa bên này bên kia có thể đi lại được, đặc biệt những khoang lớn… Cái thứ 2 nữa là họ cũng tính toán 1 cách rất thực dụng là khi trời nắng, mưa, người ta có thể tránh mưa nắng ngay dưới những khoang gầm cầu này, và chính những khoang nối 2 phía với nhau tạo không khí trong đô thị được lưu thông và mùa hè nhờ thế mà thoáng mát hơn. Có nghĩa là các kỹ sư công chính đã tính đến tất cả các yếu tố phù hợp.

Giá trị thẩm mỹ từ những vòm cuốn của công trình này trên phố Phùng Hưng có thể mang lại cho đô thị ngày nay một không gian công cộng thấm đẫm chiều sâu lịch sử và cả những sắc màu hiện đại. Với mong muốn mang đến cho người dân đô thị một không gian công cộng chất lượng hơn nữa, mới đây, thành phố Hn đã thực hiện dự án cải tạo lại phố Phùng Hưng, bước đầu là đưa nghệ thuật đường phố và những bức bích họa vào một số vòm cổng trên phố Phùng Hưng. Phố bích họa Phùng Hưng vừa được khai trương vào ngày 2/2/2018 vừa qua để phục vụ nhu cầu du xuân, giải trí của người dân thủ đô dịp tết nguyên đán Mậu Tuất.

PV: có mặt trên phố bích họa Phùng Hưng và quả thật là tôi không còn có thể nhận ra hình ảnh của con phố Phùng Hưng trước kia như thế nào nữa. Trước mắt tôi là một đoạn phố rộng rãi, sạch sẽ và mang đậm sắc xuân từ màu sắc của những bức bích họa, những bông đào bung nở, từ những khuôn mặt hân hoan, rạng rỡ đón chào xuân mới.

Dự án cải tạo một đoạn phố Phùng Hưng thành không gian công cộng và bích họa một số vòm cầu trên con phố này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng thủ đô, và cho đến ngày nay, khi những đường nét trên phố đã thành hình, không gian công cộng đã mở ra vô vàn những điều mới lạ, hấp dẫn thì nơi đây đã thực sự trở thành một điểm du xuân không thể thiếu của người dân khi đến với thủ đô trong những ngày đầu xuân năm mới này. Ngay sau đây, chương trình đã có cuộc trò chuyện với KTS Trần Huy Ánh- Hội KTS Việt Nam, người đã dành nhiều tâm huyết, quan tâm và đồng hành cùng dự án này để có được cái nhìn tổng thể về kết quả bước đầu của dự án.

PV: Xin chào ông! Thưa ông, trong tiến trình thay áo mới cho phố Phùng Hưng như hiện nay thì ông có thể cho biết phản ứng ban đầu của người dân trước sự thay đổi này là như thế nào?

KTS Trần Huy Ánh: Để mà xâu chuỗi lại những diễn biến khi dự án này từng bước xảy ra thì ban đầu người dân ngay ở trong phố này thôi, bên kia đường, người ta cũng hơi nghi ngại, tại sao ở 1 nơi đang bẩn thỉu như thế này làm được không gian công cộng? như thế ai sẽ đến đây và đến đây thì có cái gì? Đó là một trong những câu hỏi mà các nghệ sĩ phải trả lời, ban quản lý phố cổ phải trả lời, để làm thế nào nơi này trở thành nơi tiếp cận an toàn, sạch sẽ, đảm bảo an ninh và cuốn hút, hấp dẫn người dân.

Cho đến ngày hôm nay các bạn nhìn thấy là trên đường phố Hà Nội người ta cũng ngỡ ngàng vì có nhiều điều đổi thay, có những hình ảnh quá khứ, trên quá khứ, có cả hình ảnh về cuộc sống đương đại, làm cho người ta có nhiều cảm xúc khác nhau, bên cạnh 1 di sản khoảng trăm tuổi thôi nhưng nó vốn có ấn tượng rất tốt với người Hà Nội.

Tôi cũng thấy tình cờ có 1 đồng chí sĩ quan quân đội nghỉ hưu đến xem, người ta cứ hoài nghi là nơi này có thành không gian công cộng được hay không, thì họ cũng hết sức ngạc nhiên bởi vì trong 1 thành phố của chúng ta đang rất nhiều khó khăn như thế đã dành dụm, chắt chiu được không gian ntn, bên cạnh đường đi bộ Hồ Gươm lại có đường đi bộ ở phố cổ nữa thì đó là điều rất đáng tự hào và khích lệ.

Thực ra thì khi làm cái gì mới thì cũng đều có những xung đột, mới đầu thì cũng có thể là hoài nghi, tại sao lại có thể làm được những việc như thế này. Ngay trong giới KTS cũng hỏi là giải pháp này đã phải là hay nhất chưa, đúng là có thể nó không phải là hay nhất nhưng nó là cái làm cho tốt hơn thì tại sao lại không thử làm? Đối với con người, chúng ta biết là để hy sinh không gian này thì người ta cũng không hài lòng, nhưng quyết tâm của thành phố đã hiện thực hóa được việc dành cho không gian công cộng vốn hiếm hoi cho số đông thì cũng tạo nên được sự đồng thuận. Chúng ta thấy là các đơn vị liên quan đã đóng góp rất nhiều để dự án này có được như ngày hôm nay.

PV: Vậy nghệ thuật đường phố và không gian công cộng ở phố Phùng Hưng này đáp ứng chủ yếu cho những đối tượng nào, thưa ông?

KTS Trần Huy Ánh: Chúng ta thấy ở đây có rất nhiều người lớn tuổi. Nghệ thuật đường phố là nghệ thuật đáp ứng cho tất cả các đối tượng, các thế hệ khác nhau, công việc khác nhau. Những người lớn tuổi bao giờ cũng hay hoài niệm thì những bức tranh tả lại Hà Nội qua năm tháng thì gợi lại nhiều cảm xúc tốt và qua những cảm xúc ấy thì người ta biến nơi này trở thành nơi đáng sống hơn, thức dậy mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho Hà Nội

Ngay trong dự án này cũng có những phần dành cho các bạn trẻ tuổi rất nhiều, Ví dụ như có những con rối, đồ chơi rất là giản dị, hay chiếc xe máy Dream – có bậc thang leo lên như là bước tới ước mơ 1 thời ấy.

Nơi này rất hợp cho thanh niên. Ví dụ như không gian công cộng dành cho tất cả mọi người, nếu mà ưu tiên những phố sách chẳng hạn ở Đinh Lễ thì bọn mình muốn hướng đến chỗ ấy nơi mà trẻ em nó an toàn, nơi mà trẻ em ngồi xung quanh chơi, qua không gian đường phố nó kết nối cộng đồng, gia đình với nhau nó chặt chẽ hơn thì ngược lại ở chỗ này nó trẻ trung hơn thì thanh niên đến đây nó hợp hơn.

Ở đây nó là giao của nhiều phố, sau này chỉ một tháng nữa thôi là thành phố hoa. Chỗ này là chợ hoa rất là náo nhiệt thế thì thanh niên ở đây ngoài chuyện được gặp gỡ nhau thì họ có thể ồn ào hơn một chút, nó thích hợp và lại có 1 không gian nghệ thuật như thế này thì người ta lại nhận thức về nơi chốn thì nó tốt hơn, có tình cảm thì nó sẽ có trách nhiệm để mà đóng góp cho thành phố tốt hơn thì mỗi 1 đường phố nó đều có giá trị cả.

Nếu có cái nhìn nó kĩ hơn 1 chút thì có thể mình giúp cho nhiều đối tượng nhiều tầng lớp người Hà Nội được thụ hưởng không chỉ là kết quả của phát triển kinh tế mà kể cả chất lượng sống về mặt tinh thần. Cái đấy là cái Hà Nội mình nó đang thiếu nhưng mà nó có một cái động lực rất tốt. Mình chỉ cần có những tác động nó không mạnh lắm thì nó cũng kích hoạt được.

PV: Vâng, thưa ông, nhưng rõ ràng là đời sống càng được nâng cao, nhu cầu về giải trí, tinh thần của con người trong một không gian cộng đồng như thế này cũng ngày một thực chất hơn, trong khi đó thì không gian đô thị lại càng bị thu hẹp lại thì việc tìm lời giải cho sự mâu thuẫn này sẽ phải đi theo hướng nào?

KTS Trần Huy Ánh: Đây không phải là vấn đề của riêng Hà Nội mà là vấn đề toàn cầu khi 50% dân số đang sống trong đô thị mà chỉ có vài % diện tích bề mặt hành tinh thì cho thấy không gian đô thị nén là 1 cái thách thức, nhưng chính trong thách thức ấy con người sáng tạo rất nhiều đó là việc chia sẻ không gian, chia sẻ cơ hội và kinh tế.

Việc quận Hoàn Kiếm thể hiện là tổ chức phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đó cũng là 1 giải pháp chia sẻ không gian, bình thường là hoạt động giao thông rất sôi nổi nhưng cuối tuần lại là không gian sinh hoạt công cộng rất hấp dẫn. Phố Phùng Hưng này cũng vậy, cũng là đường phố mà mong rằng những ngày trong tuần thì họ cũng dành cho nơi này nhiều hoạt động công cộng, nhiều trò chơi cho các lứa tuổi, các trường học gần đây đc sinh hoạt trong không gian đẹp đẽ và hấp dẫn này.

PV: Vâng, chia sẻ không gian để mỗi người dân thủ đô được chung tay xây dựng một không gian đô thị chất lượng hơn, đáng sống hơn, đúng không thưa ông? Rất cảm ơn những chia sẻ mà ông đã dành cho chương trình BXDV đặc biệt Tết Mậu Tuất của Kênh VOV giao thông- Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới,kính chúc ông sức khỏe dồi dào và những điều may mắn, tuyệt vời nhất!

Với một không gian mới lạ như phố Phùng Hưng thì trong dịp Tết này đã thu hút được sự quan tâm, tò mò, thích thú của đông đảo công chúng thủ đô. Với những người đã từng có ký ức về phố Phùng Hưng trước đây thì họ đến đây để thấy rõ được sự thay đổi, để so sánh, sẻ chia những câu chuyện còn –mất; còn đối với những người chưa từng biết đến con phố này thì đơn giản là đến đây để ngắm nhìn, thưởng thức, để chụp ảnh, lưu dấu lại những hình ảnh mới mẻ của con phố này trong hiện tại. Chúng ta sẽ cùng ghi lại những cảm nhận trực tiếp của một vài du khách đang thưởng ngoạn không gian công cộng trên phố Phùng Hưng:

PV: Xin chào các cô chú, anh chị ! Trước hết xin gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. Mọi người đều đang thưởng thức không gian công cộng rất là mới và hiện đại trên phố Phùng Hưng này thì có thể chia sẻ nhanh những cảm nhận đầu tiên của mình về diện mạo mới của con phố này với chương trình BXDV trên Kênh VOV Giao thông được không ạ?

# Cảm thấy sống lại thời cổ xưa của các cụ hàng nghìn năm trở lại đây. Dưới là phổ cổ, trên là đường tàu phải nói là tuyệt vời, khôi phục lại chú cũng thấy nền văn hóa của mình tuyệt vời.

Người đông đúc nhộn nhịp, con người vui vẻ thân thiện, cảm thấy đoàn kết ấm cúng. Tưởng tượng lại cái thời tổ tiên ta dành được độc lập.

# Ôi thích, đẹp, nhớ lại phố xưa nó thật quá. Trong ký ức nó tối tăm, giờ sáng sủa khang trang.

# Cô cảm thấy rất xúc động đâm ra là đi ra đây chứ hàng ngày cũng lượn qua đây nhưng mà thấy nó xúc động. Nó cho mình nhớ lại ngày xưa nhiều nhiều lắm.

# Cô ở hàng Than, trước ra đây tối tăm mù mịt lắm. Thấy làm cái đồ cổ kính này hay này, đẹp này, giống y như ngày xưa.

# Kỷ niệm từ hồi xưa từ những năm 84 khi mình vẫn đang là học sinh rồi mình đi tàu điện Hàng Gai xong lên Quán Thánh xong lên Tây Hồ. Khi mà ai đó ở đây chụp được những bức hình ở đây thì ôn lại kỷ niệm.

# Bọn chị rất là vui vì lại thấy được cái cảnh của thời bao cấp ngày xưa, đi ra đây chụp cũng nhân tiện bạn chị lại vẽ một trong những bức này nữa. Thế đâm ra là cái này cũng phác họa gợi nhớ thời ngày xưa . Thường thì chị ít ra con phố này lắm bởi vì chị thì ở phố Hàng Thiếc ngay đây thế nhưng mà trước đây phố này nó không được sạch, vắng nữa nên là chị ít ra lắm. Bây giờ chị nghĩ vẽ những cái bức này xong rồi làm thành phố đi bộ thì rất là hay, rất là ý nghĩa.

# Chị cảm nhận thấy nó có 1 không khí của ngày xưa, hồi tưởng lại 1 thời cha ông hào hùng và nó thể hiện đc đây chính là Thăng Long ngàn năm của chúng ta.

PV: Vâng, rất cảm ơn những lời chia sẻ của mọi người. Xin chúc mọi người có một hành trình du xuân ý nghĩa và một năm mới vạn sự như ý.

Khi được thực sự hòa mình trong không gian công cộng này, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới như hôm nay, chúng ta mới cảm nhận được hết sự cần thiết phải có một và tương lai là nhiều hơn nữa những không gian công cộng như vậy cho người dân thủ đô và cho một đô thị lớn như Hà Nội.

Hiện nay, trên cả nước, nhiều tỉnh thành cũng đã quan tâm tới việc hình thành và xây dựng những không gian công cộng có tính nghệ thuật, như làng bích họa Tam Thanh, hay gần đây và đơn giản hơn thì có xóm bích họa ở Đà Nẵng, Làng bích họa ở Đồng Tháp hay khu tập thể bích họa ở ngay phố Pháo Đài Làng, HN của chúng ta…Tất cả những không gian này đã được các tác phẩm nghệ thuật đường phố thổi một luồng sinh khí mới, với một diện mạo mới.

Đặc biệt, với một thành phố có bề dày lịch sử, là thủ đô ngàn năm văn hiến như Hà Nội, tích tụ nhiều tầng bậc văn hóa và sự đòi hỏi của công chúng với nghệ thuật cũng khắt khe hơn rất nhiều thì nhiệm vụ của các nghệ sỹ là phải truyền tải tư tưởng như thế nào qua các tác phẩm nghệ thuật đường phố để có thể đáp ứng được nhiều nhất những yêu cầu đó. Đây thực sự không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Dù có nhiều cách nhìn, các đánh giá khác nhau nhưng các nghệ sỹ, những người quyết tâm mở ra không gian công cộng này chắc hẳn đã cố gắng hết mình và những cố gắng đó đáng được chúng ta trân trọng.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với một vài nghệ sỹ, họa sĩ để hiểu thêm những góc nhìn từ chính họ trong không gian công cộng trên phố Phùng hưng. Bên cạnh tôi lúc này là họa sỹ Trần Hậu Yên Thế, người đã đồng hành và trực tiếp thực hiện một trong những bức bích họa trên phố Phùng Hưng này từ những ngày đầu tiên dự án được khởi động.

PV: Xin chào Anh! Xin anh chia sẻ cảm nhận khi được mời tham gia vào dự án và trực tiếp vẽ trên phố Phùng Hưng hay không?

Hoạ sỹ Trần Hậu Yên Thế: Khi được họa sĩ Thế Sơn mời tham gia dự án này, mình cảm thấy rất vui và cũng cảm thấy thách thức vì đây là dự án đưa nghệ thuật đương đại vào không gian công cộng. Sau đó mình nghĩ đến việc lựa chọn tác phẩm. Thật ra mình đã quan tâm đến tác phẩm này nhiều rồi, về khu phố này, về số phận, con người, kiến trúc.Mình nghĩ phải tìm ra 1 ngôi nhà nào đó và đã lật giở kho dữ liệu ảnh của mình thì phát hiện ra nhà số 63 Phùng Hưng là 1 ngôi nhà đặc biệt vì đây là phố nằm giữa khu phố tây và phố ta nên có đặc điểm kiến trúc pha lẫn, xen lẫn giữa đông và tây.

Cái nhà này thì chủ nhà viết lên chữ Hán là Hữu Lan nên mình mường tượng ra có thể đó là 1 gia đình trí thức. Ngôi nhà này có cái song cửa sắt rất đẹp, mình hay lui tới gia đình này, bỗng 1 ngày họ thay đổi. Nhưng có 1 sự kiện mình cứ nhớ mãi là lúc đó người ta dỡ cái cửa sắt ra để bán. Mình hỏi mua nhưng thực sự là nhà mình cũng không thích hợp lắm cho cái cửa thời Pháp nhưng mình nhớ đến bảo tàng Hà Nội từ rất lâu đã thích nghiên cứu về hoa sắt của mình thì bảo tàng Hà Nội sẵn sang mua ngay. Rất may là cánh cửa này hiện nay được lưu giữ ở bảo tàng Hà Nội.

PV: Vâng, như vậy là Anh đã lựa chọn một ngôi nhà thật, với chi tiết thật về cánh cửa đã từng tồn tại trên phố Phùng Hưng này đúng không ạ? Nhưng bức tranh của anh lại có một lớp bóc ra như vậy và hình ảnh những con người trong bức tranh có ý nghĩa như thế nào?

Hoạ sỹ Trần Hậu Yên Thế: Cái bức tranh này nó có 1 lớp lịch sử. Cái phần bóc ra thì hình dung về chủ nhân cũ, còn cánh cửa, mớ rau muống và đứa trẻ là 1 phần sau đó, nhưng cũng không gần bây giờ mà là ký ức thôi, vì HN và những đứa trẻ trong tranh thực ra là thế hệ của mình đấy. Khi bố mẹ đi làm nên những đứa trẻ ở trong nhà thường vén màn nhìn ra ngoài, vì có thể là bố mẹ nhốt chúng nó lại để đi làm nên chúng nó cứ ở trong nhà mà cái cửa sổ là cái mở ra thế giới bên ngoài. Ngày nắng rất đẹp, cái cảm nhận của mình về mùa hè ở khu phố tây rất mát, có mớ rau muống ở trước cửa, mớ rau muống này là 1 phần tinh thần của HN.

Bức tranh này khi mà vẽ ra thì có 1 anh bạn cũng người phố đây bảo là tôi rất thich những đứa bé vì nó làm tôi nhìn lại được ký ức của mình. Mình nghĩ rằng bây giờ thật ra cũng thay đổi nhiều, bây giờ ít còn nhìn thấy những đứa trẻ có thể hơi xanh xao 1 chút, nhưng đôi mắt mở to, trong sáng, giống như những đứa trẻ thời bọn tôi, có thể hơi đói 1 chút, nhưng chúng tôi lớn lên được lành mạnh, và nhiều khi có những cảnh hồi tôi vẫn nhớ đám trẻ con bên trong và bên ngoài chúng nó chơi với nhau, mặc dù bị nhốt nhưng không có sự chia cắt nào. Tất cả cái này nó không còn nữa, một là cái mặt tiền cũng thay đổi, cái cửa cũng thay đổi và những con người cũng không còn hiện diện nữa.

Tôi vẽ lại tôi nghĩ là đó là 1 phần nỗi nhớ về HN, trông nó có vẻ như là có 1 chút mủi lòng nào đấy, tôi nghĩ là cái nắng ấm áp, ánh sáng rực rỡ của bức tranh nó có thể mang đến 1 thông điệp lạc quan, dù đôi chỗ nó vẫn có góc khuất nhưng vẫn mang tới niềm tin mà mình nghĩ là cái chất nhân văn  sẽ giúp HN vượt qua làn sóng thương mại hóa mặt tiền như hiện nay. Vì nếu là ngôi nhà thì nó có số phận, cuộc đời, còn nếu là cửa hàng thì sáng mở ra, tối đóng vào,thì nó chỉ là nơi bày bán. Thực ra HN là kẻ chợ nhưng có nhiều ngôi nhà của tri thức, thành phần trung lưu ở mặt phố nhưng hiện nay tỉ lệ thương mại hóa rất cao.

PV: Trong quá trình thực hiện bức bích họa này, anh có kỷ niệm nào vui không?

Hoạ sỹ Trần Hậu Yên Thế: Khi  tôi ra thì cái nhà này bây giờ là nhà bán bún. Họ cũng rất tự hào mặc dù cái cửa không còn nữa nhưng họ rất tự hào là cái cửa nhà họ được vẽ trên phố. Tôi nghĩ rằng thôi thì nó không ở đấy thì nó ở bảo tàng cũng được, nó lên tranh để mọi người biết đến nó và tôi nghĩ rằng cái tên tranh 63 Phùng Hưng nó quá đơn giản nhưng tôi thik sự đơn giản đó, vì nó chỉ ra câu chuyện cụ thể, và những người phố có thể mách bảo cho tôi thêm về lịch sử, về những góc khuất của ngôi nhà này.

PV: Xin cảm ơn Anh và những thông điệp ý nghĩa mà anh đã gửi gắm vào trong tác phẩm của mình đến được với công chúng.

Trên những hành trình du xuân thư thái là biết bao khuôn mặt hân hoan và đôi mắt thích thú thưởng thức từng bức bích họa dọc theo đoạn phố ngắn trên phố Phùng Hưng mang đến cho bầu không khí nơi đây một sắc xuân thật tươi mới và cũng rất ấm áp, ý nghĩa.

Và hy vọng, những không gian công cộng như phố đi bộ Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng sẽ tiếp tục được nhân rộng, để người dân thủ đô được khám phá và tận hưởng những giá trị đáng sống nhất của thành phố này.

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

// //