Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Thí điểm cấp phép kinh doanh trên vỉa hè: Nên triển khai thế nào cho hiệu quả?

Phóng viên - 13/01/2019 | 7:37 (GTM + 7)

VOVGT- UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dự kiến sẽ thí điểm cấp phép kinh doanh vỉa hè trên 1-2 tuyến phố cổ trong năm nay và sẽ nhân rộng mô hình này nếu hiệu quả.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án thí điểm này là phù hợp với đặc trưng kinh tế vỉa hè của Hà Nội, tuy nhiên không ít ý kiến băn khoăn, cần phải sắp xếp và quản lý các khu vực kinh doanh trên vỉa hè như thế nào cho hợp lý, không làm xung đột lợi ích giữa các hộ kinh doanh và ảnh hưởng tới giao thông. 

Hà Nội dự kiến thí điểm cấp phép kinh doanh vỉa hè phố cổ

Phóng viên chương trình ghi nhận ý kiến trái chiều của những người hiện đang sống và kinh doanh buôn bán trên địa bàn quận Hoàn Kiếm:

# "Nếu mà bán thì bán hết, đồng đều, chứ hộ không, hộ có thì không được".

# "Phải ưu tiên cho những người có cửa hàng người ta kinh doanh, được phép thuê mặt bằng trước mặt mình".

# "Đã là mặt đường vỉa hè thì nên trả về cho người đi bộ chứ không thể kinh doanh được nếu không đi xuống dưới này chắc chắn xe sẽ đâm vào người đi bộ. Xe cộ ở trong những nhà tập thể này người ta cũng chắc chắn cần chỗ để xe, thì làm sao ngồi vỉa hè mà bán được".

# "Nhiều khi phải cậy người thân người quen gì đấy, sau đó mới đến người ngoài. Mình đang bán hàng thế này, cấp phép kia có người bán hàng ngay trước mặt mình thì không bán được".

PGS-TS -KTS Khuất Tuấn Hưng – Trưởng khoa Kiến trúc- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, văn hóa vỉa hè là một phần của Hà Nội và việc kinh doanh trên vỉa hè tạo nên sức hấp dẫn riêng cho Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước. Theo ông Hưng, lâu nay, người dân thường có quan niệm vỉa hè trước cửa thuộc quyền sử dụng của những hộ gia đình ngay sát vỉa hè. Trong khi đó, vỉa hè là không gian công cộng dành cho mọi người.

Ông Hưng phân tích:

"Việc cấp phép để kinh doanh trên vỉa hè là một trở lại đáng khích lệ . Vấn đề là quản lý như thế nào? Ở các nước nếu kinh doanh trên viả hè thì phải trả phí. Một khi xác định đó là không gian công cộng (KGCC) dành cho mọi người. và làm gia tăng giá trị vỉa hè thì người ta cho phép kinh doanh một phần vỉa hè đó, thì những gia đình hoạt động trên KGCC thì việc trả phí là đương nhiên".

KTS Nguyễn Tuấn Anh- Sáng lập Không gian kiến trúc nghệ thuật Agohub cho rằng, vỉa hè là không gian sống của thành phố Hà Nội. Ở một số con phố, hoạt động văn hóa, kinh doanh đều sinh ra ở khu vực vỉa hè, cận kề vỉa hè. Ông Tuấn Anh cho rằng, việc UBND quận Hoàn Kiếm cho phép thí điểm khai thác vỉa hè theo một số mục đích thì đó cũng được coi là một sự thử nghiệm để đánh giá sự phản ứng của người dân của người khách du lịch với những không gian này trở thành những không gian công cộng như thế nào và trước mắt thì đó là một sự tính toán hợp lý.

Tuy nhiên, KTS Nguyễn Tuấn Anh lưu ý, cần có sự lựa chọn thời điểm và những tuyến phố cho phép kinh doanh phù hợp.

"Một vỉa hè bé thôi nhưng nếu khéo sắp xếp thì vẫn có được sự ngăn nắp, phân ra được đâu là luồng giao thông, đâu là không gian sự khai thác. Hoặc chúng ta sẽ có những khung giờ, không quá cao điểm, những khung giờ chỉ phục vụ ẩm thực, vỉa hè. Và việc này quan trọng nữa nếu vỉa hè có rộng đến đâu, thành phố có rộng đến đâu nếu ý thức của những người sử dụng liên quan không tốt thì không có sự đồng bộ".

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến- Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, việc bố trí các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè đã được quy định tại Thông tư 04/2008 về Hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành và Quyết định quản lý khai thác sử dụng đường đô thị của UBND thành phố Hà Nội. Song điều ông Tiến lo ngại là công tác quản lý việc cấp phép kinh doanh vỉa hè và quản lý vỉa hè khi đi vào hoạt động có thể xảy ra tình trạng “ đầu voi đuôi chuột”.

"Về mặt các yếu tố xã hội, cộng đồng vẫn làm được. Nhưng vấn đề cuối cùng là quản lý dựa trên những văn bản nào và dựa trên sự đồng thuận. Từ trước đến nay có thể chúng ta không cho phép hoặc cho phép nhưng khi chúng ta đưa vào khuôn khổ pháp luật tức là hoạt động có phép thì phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát và muốn ai thì phải minh bạch tiêu chí để lựa chọn những hộ kinh doanh. Việc cho phép ai kinh doanh trên hè phố đó cũng cần làm rõ? Những người được phép kinh doanh cần phải tuân thủ các quy định nào, như quy định về đảm bảo cho người đi bộ, đảm bảo về vệ sinh an toàn và quy định chung ở trên hè phố đó".

Việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè là cần thiết và quan trọng vì nó góp phần phát triển kinh tế của địa phương

Ở góc nhìn khác, KTS Đinh Đăng Hải- cán bộ cao cấp của Tổ chức Healtbridge cho rằng, việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè là cần thiết và quan trọng vì nó góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài ra, dịch vụ bán hàng và trên vỉa hè giúp cho vỉa hè trở nên hấp dẫn và giúp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách bộ hành tại một số thời điểm. Song, điều quan trọng cần phải thiết kế, sắp xếp, bố trí và tổ chức các hoạt động trên vỉa hè sao cho phù hợp, đảm bảo cho người đi bộ thuận tiện.

Ông Hải cũng lưu ý thêm, việc sắp xếp các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè có thể gây ra những xung đột về lợi ích nên tùy thuộc vào điều kiện của từng vỉa hè nên sắp xếp cho phù hợp và cần có sự tham khảo ý kiến của người dân.

"Đối với nhưng vỉa hè chật, bản thân những người kinh doanh còn đang gặp khó khăn rồi nếu lại đưa thêm những người kinh doanh khác từ các nơi khác đến chắc chắn sẽ xảy ra những mâu thuẫn. Những vị trí chật hẹp thì không nên bố trí mật độ quá cao và thứ nhất có thể gây ra chật chội, thứ hai là ảnh hưởng đến lợi ích. Khi thiết kế, sắp xếp bố trí có sự liên quan của nhiều bên do vậy cần sự tham gia cuẩ người dân để từ đó chính quyền đô thị có quan điểm khác nhau, đa chiều hơn và có ý kiến của nhân dân thì sẽ có quyết định đồng thuận và hài hòa các lợi ích khác nhau".

Trước những băn khoăn của người dân và các chuyên gia về kế hoạch chọn những tuyến phố thí điểm cấp phép kinh doanh vỉa hè, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với KTS Phạm Tuấn Long- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về vấn đề này. Theo ông Long, hiện UBND quận Hoàn Kiếm mới đang trong quá trình tiến hành khảo sát và trong thời gian tới, sau khi báo cáo thành phố được thành phố chấp thuận, quận mới tiến hành triển khai.

Thí điểm kinh doanh vỉa hè: Cần xác lập nguyên tắc (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè được xây dựng dựa trên nhu cầu và thói quen của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, những tiêu chí nào để lựa chọn các tuyến phố cho phép kinh doanh và những hộ nào được cấp phép là vấn đề cần phải bàn

Việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè được xây dựng dựa trên nhu cầu và thói quen của người dân. Ảnh: Đại đoàn kết

Hà Nội có thể sẽ cho thí điểm 2 tuyến phố cổ có mặt cắt rộng trên 5m được kinh doanh trên vỉa hè.

Đó là một dự định dựa trên nhu cầu thực tế, cũng như thói quen của cư dân thành phố, nơi mà kinh doanh trên vỉa hè đã được coi là một phong cách, một lối sống, thậm chí là một văn hóa. Tuy nhiên, những tuyến phố nào sẽ được chọn “thí điểm” và nguyên tắc trên 5m mặt cắt có đủ thỏa mãn các yêu cầu quản lý trật tự đường phố hay không?

Điều có thể thấy rõ ở dự định này của thành phố là sự lúng túng. Vì, cho dù đã có mục tiêu chọn hai tuyến phố, nhưng đó là những tuyến phố nào, các tiêu chí ra sao, thì chưa được xác định.

Tiêu chí mặt cắt 5m không đủ để thỏa mãn các nhu cầu đảm bảo việc kinh doanh trên vỉa hè nhưng không ảnh hưởng tới giao thông, cũng như sinh hoạt của người dân. Bởi kinh doanh vỉa hè không chỉ là mặt bằng để phục vụ người bán và người mua, mà còn liên quan đến chỗ đỗ xe, đến khả năng ảnh hưởng, tác động tới các mục tiêu công cộng khác.

Do đó, nếu xác định sẽ có những tuyến phố kinh doanh vỉa hè, thành phố thay vì “chọn” và phó mặc quyết định cho những người đi chọn, thì hãy xác lập những tiêu chí để từ đó, các tuyến phố đáp ứng đầy đủ tiêu chí sẽ mặc định được phép kinh doanh vỉa hè.

Các tiêu chí để một tuyến phố được kinh doanh vỉa hè phải đảm bảo đủ không gian vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ; đảm bảo đủ chỗ đỗ xe (nếu không phải phố đi bộ); đảm bảo được tỷ lệ nhất định người dân sống trên tuyến phố đó đồng ý (ví dụ trên 60%); đảm bảo đầy đủ hạ tầng phục vụ công việc kinh doanh mà không ảnh hưởng tới cuộc sống của cư dân, hàng xóm...

Những tuyến phố nào được kinh doanh vỉa hè, tuyến phố nào không? Đây không phải là vấn đề xin –cho. Thành phố không phải của bất cứ ai, không phải là tài sản của chính quyền đô thị. Vỉa hè là không gian công cộng, là không gian thuộc về tất cả người dân. Vì thế, không ai được phép cho tuyến phố này được kinh doanh, tuyến phố này không, mà dựa trên các quyết định cảm tính, tình tính, hay tiền tính. Việc chọn một tuyến phố được kinh doanh, vì thế, không thể là quyết định của bất cứ ai, của bất cứ cơ quan nào. Nó chỉ có thể được xác định bởi các tiêu chí được xây dựng với sự đồng thuận của người dân. Chính quyền đô thị chỉ có trách nhiệm kiểm soát để đảm bảo các tiêu chí đó được tuân thủ một cách nghiêm túc.

Vì thế, trước khi nghĩ đến việc thí điểm kinh doanh trên vỉa hè, việc cần làm là hãy ban hành bộ tiêu chí ứng xử với vỉa hè của thành phố.

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, giúp ổn định thị trường vàng.

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

Câu nói “họa vô đơn chí” có lẽ đúng với câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (38 tuổi, giáo viên của trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cha mất, cô bị tai nạn mất đi một chân, tuổi thanh xuân là những ngày cùng cực.

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Chiều ngày 15/4, Bệnh viện Quân y 175 (BVQY) tổ chức Lễ trao Chứng nhận và ra mắt Trung tâm Huấn luyện Cấp cứu Chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

// //