Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Thành phố Huế 'không tiếng còi xe' và câu chuyện cải thiện văn hóa sử dụng còi xe

Phóng viên - 16/02/2018 | 9:43 (GTM + 7)

VOVGT-Còi xe không chỉ là một thứ âm thanh thông thường, mà nó còn là “ngôn ngữ giao tiếp” trên các tuyến đường ở Việt Nam nói chung và thành phố Huế nói riêng.

Âm thanh từ tiếng còi xe đang trở thành “cơn ác mộng” của nhiều người khi tham gia giao thông trên các tuyến đường tại TP. Huế - Báo TGGT

Chuyện bấm còi xe vô tội vạ, bấm cho vui đang diễn ra hằng ngày trong vòng xoáy giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác. Thực tế, nhiều người tham gia giao thông đã quen chịu đựng tiếng còi khi tham gia giao thông, và không bao giờ dám mơ ước tới một đô thị vắng tiếng còi xe.

Thế nhưng cuộc vận động “TP Huế không tiếng còi xe” được triển khai trong năm qua đã cho thấy, đây không phải là mơ ước viển vông mà hoàn toàn có thể làm được.

Nghe chi tiết tại đây:

Vào giờ cao điểm, tại các tuyến đường của Thủ đô Hà Nội hoặc tại các nút giao cắt luôn tràn ngập tiếng còi xe. Người tham gia giao thông bấm còi bất cứ khi nào có thể: bấm còi khi muốn giục giã người đằng trước đi nhanh, bấm còi khi muốn vượt, bấm còi khi muốn rẽ và bấm còi ngay cả khi đang chờ đèn đỏ, hoặc gặp cảnh tắc đường. Vì thế, nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi và ức chế khi vừa phải chịu đựng cảnh ùn tắc, vừa phải chịu đựng những tiếng còi xe. Trái ngược với đường phố Hà Nội, ở TP Huế từ khi triển khai cuộc vận động không tiếng còi xe, không gian và âm thanh đường phố đã thay đổi hoàn toàn.

Thành phố Huế là 1 thành phố với những nét mộng mơ cùng những cảnh quan du lịch mang đậm văn hóa truyền thống. Từ giữa năm 2017 vừa qua, TP Huế từ chỗ ấp ủ đã thực thi kế hoạch trở thành thành phố “không tiếng còi xe” đầu tiên tại Việt Nam để giảm ô nhiễm tiếng ồn và hình thành nên thương hiệu du lịch đặc biệt.

Cuộc vận động “Huế- không tiếng còi xe” được triển khai nhằm hướng đến xây dựng ý thức, văn hoá giao thông bằng việc bấm còi đúng lúc, đúng chỗ và dần dần hình thành thói quen để người tham gia giao thông có trách nhiệm hơn với hành vi bấm còi xe.

Ở thời điểm này, theo ghi nhận, tại các tuyến đường chính trên địa bàn TP Huế, tình trạng sử dụng còi xe vô tội vạ của trước đây đã giảm đi đáng kể. Vào giờ cao điểm, các phương tiện đổ dồn ra trục đường chính như Lê Lợi, Hùng Vương, Lê Duẩn…nhưng tiếng còi xe dường như đã vắng lặng hơn.

Dạo quanh các tuyến đường khác ở thành phố Huế tiếng còi xe đã giảm bớt nhiều so với trước đây. Đặc biệt, những chiếc ôtô có gắn logo "Huế không tiếng còi xe" đi chậm, ít bấm còi hơn khi qua trung tâm thành phố Huế.

Anh Đoàn Ngọc Quốc Anh, một người dân ở Thành phố Huế cho biết:

"Để hưởng ứng chiến dịch Huế-không tiếng còi xe, bản thân tôi đã hạn chế sử dụng còi xe ở mức tối đa. Thông qua chương trình này tôi cũng thấy mọi người sử dụng còi xe đúng lúc đúng chỗ hơn. Hy vọng thời gian tới việc này được tiếp tục phát huy".

Có được kết quả ban đầu này là nhờ cuộc vận động hạn chế tiếng còi xe ở Thành phố Huế đã dần đi vào nhận thức của người tham gia giao thông. Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế cho biết, cuộc vận động “Huế không tiếng còi xe” nhằm mục đích kêu gọi người tham gia giao thông trên địa bàn TP Huế sử dụng còi xe hợp lý, hạn chế tiếng ồn trong đô thị, nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Huế trở thành đô thị du lịch văn minh, an toàn và thân thiện.

Ông Phan Thiên Định cũng cho biết, triển khai công việc này không ít khó khăn nhưng kết quả ban đầu cho thấy rất khả quan. Bởi người dân Huế vốn rất tự trọng, ý thức chấp hành cao và văn hóa giao thông của người Huế khá tốt.

"Trong điều kiện ở Huế, người dân có ý thức khá tốt trong việc chấp hành Luật Giao thông nên chúng tôi thấy Huế có khả năng thực hiện thành công cuộc vận động hạn chế tiếng còi xe. Đây là hoạt động bề nổi nhưng đằng sau đó là mục tiêu nâng cao ý thức nói chung của mọi người tham gia giao thông, mọi người chịu khó quan sát, đi lại cẩn thận hơn để đảm bảo an toàn giao thông".

Ông Phan Thiên Định cũng cho biết, cần hiểu chính xác thông điệp “không tiếng còi xe” không có nghĩa là không còn dùng đến còi xe nữa. Mà trong những tình huống cần thiết để đảm bảo ATGT, còi xe vẫn là điều cần thiết. Theo đó, cuộc vận động hướng đến kêu gọi mọi người hãy sử dụng còi xe văn minh, biết hạn chế tiếng còi xe ở những trường hợp không cần thiết để giảm thiểu tiếng ồn.Với mục tiêu đó, TP Huế đã thực hiện các giải pháp cụ thể như: Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng chương trình “Huế không tiếng còi xe”; Thiết kế, xây dựng và in ấn logo, biểu tượng, băng rôn; Triển khai trang trí logo, biểu tượng chương trình trên các phương tiện tham gia giao thông thuộc các cá nhân, đơn vị mình…

Dù mới được triển khai nhưng các người dân ở Huế đã thể hiện tinh thần ủng hộ rất cao đối với chương trình vận động này. Bản thân mỗi người khi đồng ý dán biểu tượng lên phương tiện của mình cũng có nghĩa họ đã hiểu và có trách nhiệm hơn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ông Trương Thế Nhân, một lái xe taxi tại Huế bày tỏ:

"Hưởng ứng phong trào Thành phố không tiếng còi xe thì anh em lái xe chúng tôi cũng tích cực thực hiện bởi chúng tôi chủ yếu phục vụ khách du lịch mà đa phần khách ngoại quốc họ không thích lái xe sử dụng còi khi tham gia giao thông. Khi đường đông và phải tham gia giao thông với nhiều xe máy thì chúng tôi phải sử dụng còi xe nhưng thời gian tới sẽ hạn chế việc này để xây dựng Thành phố Huế xứng tầm là thành phố văn hóa, văn minh".

Ông Đoàn Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những chia sẻ về cách thức mà đơn vị này đã và đang triển khai để hưởng ứng cuộc vận động "TP Huế - không tiếng còi xe":

"Thực hiện cuộc vận động, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh thấy rằng chương trình này rất nhân văn và đã triển khai đến tất cả các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thực hiện tuyên truyền tới tất cả các anh em lái xe làm sao sử dụng còi xe cho văn minh; đây không phải là vấn đề riêng đối với thành phố mà cả ở vùng nông thôn hay bất cứ nơi nào khi lưu thông trên đường thì đều cần hạn chế tiếng còi xe. Hiện tại chúng tôi tiếp tục triển khai cuộc vận động đến các dòng xe tải lớn như xe tải, xe tốc hành, xe khách, xe tuyến cố định để triển khai chương trình rộng khắp hơn, với cả người tham gia giao thông trong và ngoài tỉnh".

Theo đánh giá chung sau một thời gian triển khai, cuộc vận động Thành phố không tiếng còi xe ở Huế đã mang lại những ý nghĩa thiết thực, trong đó, lợi ích lớn nhất mà người dân được hưởng là sự yên bình, không ô nhiễm tiếng ồn và lớn hơn là ngành du lịch Huế sẽ có thêm một đặc trưng, có thể gây được ấn tượng không chỉ với cả nước mà với khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, để chương trình đi đến thành công đòi hỏi sự kiên trì và một lộ trình dài hơi để tuyên truyền, tạo thói quen, xây dựng ý thức lâu dài cho người tham gia giao thông.

Với những kết quả như vừa nêu cho thấy, so với một số cuộc vận động khác, “Huế- không tiếng còi xe” vừa dễ thực hiện và vừa sớm đạt được những hiệu quả bước đầu. Từ mục tiêu và cách làm để đưa Huế trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam không có tiếng còi xe cho thấy, đây là một chương trình mang ý nghĩa rất thiết thực và có thể áp dụng ở nhiều đô thị lớn ở nước ta, những nơi mà người dân cũng đang phải chịu ô nhiễm tiếng ồn ở mức nghiêm trọng.

Xây dựng văn hóa giao thông là công việc mà các đô thị đều phải làm. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã khẳng định điều này khi chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải xây dựng cuộc vận động không tiếng còi xe. Từ thực tế ở Huế, nhà văn cho biết, Huế là một thành phố du lịch, việc nâng cao ý thức sử dụng còi xe nói riêng và văn hóa giao thông nói chung sẽ giúp TP Huế giữ gìn được những nét đặc trưng về văn hóa của mình, giúp Thành phố phát triển một cách bền vững.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ đôi điều rút ra từ những đổi thay trên đường phố Huế trong những tháng qua:

"Ban đầu có nhiều người lo ngại rằng sự yên tĩnh, không tiếng còi xe có thể gây nguy cơ TNGT, thậm chí khiến cho Huế chậm phát triển đi nhưng tới nay khi phần đông mọi người có ý thức thực hiện hạn chế sử dụng còi xe thì đã thấy rằng điều này không hề hạn chế sự phát triển của Huế mà còn giúp Thành phố này phát triển bền vững với những đặc trưng của mình".

Logo “Huế – nói không với tiếng còi xe” đang được các cấp chính quyền tại Huế triển khai - Báo TGGT

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh TT Huế cũng chia sẻ với phóng viên rằng, thời gian qua, ông đã thử lái xe với thói quen không bóp còi và thấy mình thực sự tiến bộ hơn nhiều về văn minh giao thông lẫn tâm tính bởi ông đã lái xe chậm hơn, cẩn thận hơn, biết nhường nhịn hơn, đi đúng đường hơn.

Ông Tươi còn nhận ra rằng, trước khi nói không với việc bấm còi xe, chúng ta cần tự gióng lên một hồi còi cảnh báo tâm tính của chính mình. Bởi vì, theo ông, bấm còi không chỉ là câu chuyện giao thông, mà là câu chuyện của chiều sâu văn hóa của con người, vùng đất. Tất nhiên, không tiếng còi không có nghĩa là "tháo cái còi vứt đi" như một số người đã phản ứng khi cho rằng việc này không khả thi. Mặt khác, thói quen tốt đẹp này sẽ hình thành từ từ, và cái còi xe vẫn cần phải sử dụng trong những tình huống cần thiết để tránh nguy cơ tai nạn giao thông.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh TT Huế nêu kinh nghiệm từ nỗ lực thay đổi và cải thiện văn hóa sử dụng còi xe của chính quyền và người dân nơi đây:

"Thoạt nghe nhiều người cho rằng, trong dòng giao thông hỗn hợp hiện nay làm sao có thể lưu thông mà không sử dụng còi xe thì làm sao được. Chúng ta cần hiểu rằng hiện nay còi xe đang bị lạm dụng khá nhiều nên chúng ta cần điều chỉnh hành vi để làm sao sử dụng còi xe cho phù hợp, nghĩa là chỉ sử dụng còi xe đúng lúc, đúng chỗ cần thiết, và mọi người khi tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức, bắt đầu từ văn hóa sử dụng còi xe .Tổ chức việc này không thể ngày một ngày hai mà để thành công là cả một quá trình, song để cho người tham gia giao thông xây dựng văn hóa thì công tác này cần tiến hành kiên trì, đồng bộ".

Vẫn biết thay đổi tư duy và thói quen của mọi người là một điều khó khăn bởi chúng ta, ai cũng có một thói quen cố hữu là đổ lỗi cho khách quan. Do chất lượng đường xá kém, do ý thức giao thông của các người khác kém là những lý do mà nhiều người từng đưa ra để kết luận rằng không thể đi xe mà không bấm còi. Nhưng trên thực tế, nếu chú ý cân nhắc khi bấm còi, chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp ta bấm còi theo thói quen và nó không có ý nghĩa về đảm bảo an toàn giao thông.

Nhân dịp đầu xuân, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, chuyên gia văn hóa từ Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam về những thuận lợi và khó khăn để cải thiện văn hóa sử dụng còi xe trong đời sống giao thông.

PV: Thưa Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, từ cuộc vận động "TP Huế - không tiếng còi xe" cho thấy, dù không dễ dàng nhưng việc thay đổi hành vi và thói quen của người tham gia giao thông không phải là bất khả thi. Ông nhận thấy từ Huế, chúng ta có thể lan tỏa cuộc vận động này ra các đô thị khác như thế nào?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Chúng ta sử dụng còi trước hết như là thói quen nhưng thứ nữa là như chúng ta cứ muốn điều hành người khác tạo thành tâm lý chung của người tham gia giao thông để bắt những người xung quanh phải nghe mình. Lâu dần thành những hậu quả không hay trong giao thông. Còi như vậy nhưng TP Huế làm được là hạn chế tiếng còi và như chúng ta thấy bản chất của tiếng còi là đơn giản như vậy nên ta phải học kinh nghiệm từ Huế đồng thời phải áp dụng để làm hiệu quả hơn ở các Thành phố khác.

PV: TP Hà Nội với đặc thù dân cư đông đúc, mật độ phương tiện cao và hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, theo ông, chúng ta cần làm gì trong quá trình cải thiện văn hóa còi xe nói riêng và văn hóa giao thông nói chung?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Người Hà Nội vốn có tiếng thanh lịch và nếu chúng ta phát huy được truyền thống đó thì thật tốt biết bao. Trong đó để hạn chế tiếng còi chúng ta phải có một giải pháp tổng thể. Trước hết là cần tuyên truyền việc có thể lưu thông trong Thành phố mà không cần tiếng còi, chỉ cần lưu thông đúng Luật. Chúng ta dần phải thay đổi quan niệm những người cùng tham gia giao thông là quan hệ bạn bè chứ không phải quan hệ tranh giành, chạy đua. Thứ hai là cần một chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm.

PV: Xin ông có đôi lời nhắn gửi mong muốn của mình tới người dân Thủ đô nhân dịp năm mới Mậu Tuất?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Năm mới bao giờ chúng ta cũng mong những điều tốt đẹp mới. Trong năm mới chúng tôi cũng mong Thủ đô có một phong trào mới, đó là phong trào nói không với tiếng còi. Và phong trào này tôi hy vọng sẽ như những đóa hoa xuân nở rộ đi khắp nơi, ai cũng tự có ý thức, tự thay đổi thói quen để đường phố sớm giảm đi tiếng còi xe.

Như vậy, để thay đổi một nét văn hóa, cần một tiến trình thực hiện rất dài và bền bỉ. Từ kinh nghiệm ở Huế cho thấy, nếu triển khai các ý tưởng một cách nóng vội, làm theo kiểu phong trào sẽ dẫn đến thất bại. Ngược lại, quá trình bền bỉ này cần thu hút được đông đảo mọi người dân cùng tham gia gia, vận động mọi người tự giác để lan tỏa ý thức. “Không tiếng còi xe" có thể chỉ là câu mở đầu cho một chiến dịch, một sự đánh thức tổng thể về văn hóa giao thông bởi cùng với hạn chế tiếng còi là thái độ biết nhường đường, biết kiểm soát tốc độ, không lấn hay giành đường....

Từ mục tiêu và cách làm để đưa Huế trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam không có tiếng còi xe cho thấy, đây là một chương trình mang ý nghĩa rất thiết thực, nhưng để thành công là điều không hề đơn giản bởi cần có sự quyết tâm, nỗ lực đến cùng của các cấp chính quyền và sự ủng hộ nhiệt thành từ người dân.

Thêm nữa, cuộc vận động này phải xuất phát từ tình yêu với đô thị, với môi trường mà chúng ta đang sống. Vì thế, dù có nhiều khó khăn nhưng nếu có quyết tâm và biết lắng nghe để điều chỉnh cách làm, biết tôn trọng và lan tỏa những khát khao xây dựng một đô thị văn minh, tốt đẹp hơn trong cộng đồng, thì sẽ luôn có những giải pháp để đi đến sự thành công.

Rất nhiều các doanh nghiệp vận tải đã dán logo biểu tượng của chương trình lên các phương tiện đi lại cả đơn vị mình - Báo TGGT

Câu chuyện về văn hóa sử dụng còi xe không có gì quá mới, thậm chí là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thực tế ở nhiều đô thị lớn đã có những nỗ lực áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về việc sử dụng còi xe có văn hóa nhưng không mang lại hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng sử dụng còi bừa bãi gia tăng. Ghi nhận của VOV Giao thông về những bức xúc và phiền toái của người dân về tình trạng loạn còi xe:

“Mọi người đi ai cũng có việc gì đó rất là vội nên bấm còi ầm ĩ, bóp còi để xin vượt trong khi ở đằng trước rất là tắc, người ta cũng không thể đi được."

"Ở những nút tắc thứ nhất là còi xe, thứ hai là khói xe, rất độc hại. Ở Hà Nội mình thường xuyên tắc vào giờ cao điểm. Giờ đấy rất khổ và khó chịu. Ở khu vực trường học và bệnh viện chắc chắn nên cắm biển cấm sử dụng còi xe."

“Tình trạng sử dụng còi xe khá là phổ biến. Ở Việt Nam người ta dùng còi xe một cách vô tội vạ, làm cho đường phố hỗn lọan và làm cho tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm còi xe ở Việt Nam xếp vào loại số 1."

“Loạn" tiếng còi xe không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, xây dựng văn hoá giao thông nói chung và văn hóa sử dụng còi xe nói riêng không chỉ thực hiện ngày một ngày hai mà phải làm thường xuyên, tạo thói quen, xây dựng ý thức lâu dài cho người tham gia giao thông. Trong đó, việc đưa các bài học về ý thức khi tham gia giao thông vào trong trường học có ý nghĩa quan trọng.

Bài học về văn hóa giao thông phải mang tính toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng còi xe sao cho phù hợp. Đi cùng với bài học hạn chế bấm còi là cả bài học trước khi thay đổi hướng đi phải quan sát và phát tín hiệu để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Chị Thanh Thảo, một phụ huynh học sinh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nêu ý kiến:

"Tôi nghĩ rằng việc thay đổi ý thức của người dân là điều quan trọng nhất để có thể thay dổi hành vi sử dụng còi xe. Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu với thế hệ trẻ và phải tiến hành ngay từ bây giờ với các bài học tham gia giao thông an toàn và có văn hóa để khi trưởng thành, các em có đủ hành trang để ứng xử phù hợp khi tham gia giao thông. Điều này giúp các em điều chỉnh hành vi không chỉ trong việc sử dụng còi xe mà còn trong nhiều tình huống như gặp cảnh tắc đường hay xảy ra va chạm...".

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thanh Hiếu, giáo viên Trường Quốc tế Hanoi Academy, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ về nội dung mà mình muốn truyền tải tới học sinh về văn hóa sử dụng còi:

"Việc này xuất phát từ tinh thần chia sẻ, nhường nhịn và nguyên tắc ứng xử giữa con người với nhau. Khi được giáo dục điều này các em sẽ hiểu rằng trong hoàn cảnh cùng ùn tắc giao thông thì mọi người cùng phải chịu và bình tĩnh vượt qua, vì thế cần phải ứng xử sao để tạo sự thân thiết với mọi người xung quanh và đảm bảo văn hóa ở nơi công cộng. Mặc dù Nhà trường hiện nay đã có những chương trình tuyên truyền về Văn hóa giao thông nhưng theo tôi cần phải đưa sâu rộng hơn nữa nội dung này trong thời gian tới".

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, giáo dục thì chuyện bấm còi vô tội vạ, bấm cho vui đang diễn ra hàng ngày trong vòng xoáy giao thông ở Hà Nội và nhiều đô thị ở nước ta còn là do dù đã có những quy định xử phạt đối với việc sử dụng còi xe vi phạm nhưng việc xử lý đối với tình trạng này của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội CSGT số 1, CATP Hà Nội cho biết về điều này:

"Trên thực tế việc xử lý các phương tiện vi phạm quy định trong sử dụng còi rất khó khăn bởi số lượng phương tiện tham giao thông đông, thứ hai là việc xác định phương tiện nào vi phạm bấm còi cũng không đơn giản, chủ yếu là lực lượng chức năng nhắc nhở là chính để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông".

Nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do tiếng còi xe, và góp phần xây dựng môi trường giao thông thân thiện, hạn chế còi xe, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương, đồng thời đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc hơn.

“Tôi thấy việc xử lý vi phạm về sử dụng còi ở Hà Nội đến nay không nhiều, đặc biệt là sau 22h bởi bằng chứng không có, giám sát giao thông qua hình ảnh xử phạt nguội chỉ làm được đối với một số vi phạm như tốc độ, làn đường, đèn xanh đèn đỏ, nên công tác kiểm tra, giám sát vi phạm này cần được chú trọng hơn".

"Hiện mức phạt sử dụng còi xe chưa đúng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Để chặn đứng tình trạng bát nháo về còi xe thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử lý các vi phạm cũng như đối với những người bán các loại còi này. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia giao thông phát hiện những trường hợp sử dụng còi không đúng quy định thông báo cho lực lượng chức năng xử lý vi phạm"

Bên cạnh đó, mỗi người tham gia giao thông cần tự nâng cao ý thức ứng xử hành vi của mình sao cho chuẩn mực: Văn minh - lịch sự tại những nơi công cộng.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ ý kiến:

"Chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn về văn hóa giao thông nhiều hơn, về sự bình tĩnh khi tham gia giao thông để hạn chế sử dụng còi. Ở những nơi đã có quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng còi thì cần đặt thêm biển cảnh báo. Việc này vừa phải làm tuyền truyền, vừa nhắc nhở và xử phạt thường xuyên mới mong hình thành thói quen tốt khi sử dụng còi xe".

Không chỉ nỗ lực để cải thiện văn hóa còi xe ở Thành phố của mình, ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh TT Huế còn mong muốn trong thời gian tới mô hình này được nhân rộng, để có thêm nhiều cuộc vận động không tiếng còi xe ở các đô thị khác. Đối với người tham gia giao thông, ông Võ Văn Tươi nhắn gửi:

"Hiện nay còi xe đang bị lạm dụng quá nhiều và chúng ta cần hạn chế tối đa tiếng còi trên đường. Khi chúng ta sử dụng còi xe đúng quy định giúp nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Hãy là một người tham gia giao thông có văn hóa và bắt đầu từ việc hạn chế bấm còi xe, hướng tới vắng dần những tiếng còi trên các đường phố".

Hy vọng rằng những chia sẻ trong chương trình đầu năm mới này sẽ góp phần mang lại được thay đổi nào đó trong việc sử dụng còi xe của mỗi người tham gia giao thông, để khi ra đường sẽ không còn ai phải “giật bắn mình” vì những tiếng còi vang lên không đúng lúc, đúng chỗ. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người dân mà còn thể hiện sự văn minh, phát triển của các đô thị.

Hạn chế sử dụng còi khi tham gia giao thông là một nét đẹp văn hóa, để lại ấn tượng cho bất cứ người Việt Nam nào khi đến nhiều nước trên thế giới.

Nhiều người cũng biết đây là một xu thế văn minh, nhưng ít người dám nghĩ đến việc bắt đầu vận động áp dụng tại Việt Nam vì cho rằng việc này là bất khả thi. Thế nhưng minh chứng từ cuộc vận động "TP Huế - không tiếng còi xe" đã cho thấy, một khi văn hóa giao thông đã được định hình và người dân đều ý thức cao trong việc chấp hành luật thì lúc ấy tự khắc nếp sống văn minh “không tiếng còi” sẽ hiện hữu.

Chuyện người tham gia giao thông ở Việt Nam lạm dụng còi xe, bấm còi tùy tiện bất cứ lúc nào, ở đâu, trong hoàn cảnh ra sao... đã đặt ra một câu hỏi lớn là “điều gì có thể thay đổi được hành vi thiếu văn minh đó?” bởi nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất khó chịu bị một người khác bấm còi thúc giục, nhưng chúng ta lại chưa từ bỏ được thói quen sử dụng còi khi không thật sự cần thiết, như lời một bài hát: " Còi nữa còi mãi vẫn thế thôi - Đường tắc vẫn cứ tắc vẫn thế rồi - Ai cũng bấm bấm cho đều tay - Ai chẳng mong thoát ra nơi này". Cần làm gì và bắt đầu từ đâu để xây dựng một môi trường giao thông thân thiện, không tiếng còi xe? Câu trả lời nằm ở chính mỗi người chúng ta.

Tags:
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

// //