Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tết Síp Xí độc đáo của người Thái đen Mường Lò

Phóng viên - 19/11/2018 | 20:41 (GTM + 7)

VOVGT - Mường Lò là vùng đất quần cư của người Thái Đen giàu bản sắc, phong tục - tập quán; mà tiêu biểu là tết cổ truyền Síp xí.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: (bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) 

Mường Lò thuộc thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, một vùng đất trù phú, nơi có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay, rộng lớn thứ 2 của miền Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng với “Gạo trắng nước trong”, với đặc sản chè Shan Tuyết cổ thụ, với hương thơm nồng nàn của cơm nếp Tú Lệ… Mường Lò cũng là vùng đất quần cư của người Thái Đen giàu bản sắc, phong tục - tập quán; mà tiêu biểu là tết cổ truyền Síp xí. 

Trò chơi cướp cờ của trẻ con trong lễ hội Síp xí. Ảnh: yenbai.gov.vn

Các cụ già Thái đen kể rằng, tết Síp Xí không biết có tự bao giờ, chỉ biết từ bao đời nay, cha ông hàng năm đều tổ chức tết một cách trang trọng, đầm ấm, vui vẻ. Đây là ngày tết lớn nhất của người Thái Đen Mường Lò. Cứ vào 14 tháng 7 âm lịch là từ già tới trẻ đều nhộn nhịp với việc chuẩn bị đón mừng tết. Từ ngày 10 – 13 tháng 7, các bà, các chị trong mỗi gia đình đều thu hái lá chuối rừng, chuẩn bị gạo nếp, thịt gà, lạc…. để làm món bánh síp xí (pảnh síp xí) là loại bánh quan trọng nhất trong ngày tết.

Bánh síp xí ở đây có 2 loại: “pảnh cuội” làm bằng gạo nếp nghiền với chuối tiêu, gói bằng lá chuối xôi chín. Loại thứ 2 là “pảnh cáy”, bánh có nhân đỗ xanh và thịt gà băm nhỏ trộn với lạc nhân, được gói bằng lá chuối, đồ chín. “Pảnh síp xí” được gói 2 chiếc trên một tàu lá chuối, sau đó xoắn giữa cặp đôi với nhau, dùng dây lạt buộc ở đầu. Trong dịp tết, bánh dùng làm lễ phẩm cúng ma nhà (Co lo hoóng), và còn được đồng bào dùng làm quà biếu bà con, anh em trong họ, tặng khách quý và những người khác tộc.

Ngoài việc làm thật nhiều “pảnh síp xí” để đón tết, các thiếu nữ Thái còn ra chợ mua hoặc tìm kiếm các loại lá màu để xôi cơm ngũ sắc dâng cúng tổ tiên. Đây là lễ phẩm không thể thiếu trong ngày tết.

Món thịt vịt là thực phẩm chính trong ngày tết. Theo phong tục của người dân, để tổng kết một vụ mùa, cầu xin cho con trâu được khoẻ mạnh, cây lúa được tốt tươi, người người được hạnh phúc, do đó gia đình nào cũng thịt một vài con vịt để “phá xúi”, xua tan những điều không may mắn. Rượu, thịt, các món ăn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo để thiết đãi khách khứa, bạn bè dịp này.

Trong dịp tết Síp Xí, nhà cửa xóm ngõ, ruộng vườn cũng được đồng bào sửa sang, trang hoàng cho thật sạch đẹp. Các cô gái trong tuổi cập kê cũng lựa chọn cho mình những bộ váy áo, cùng dây bạc “xà tích”, khăn piêu đẹp nhất để trưng diện, cùng chị em, bầu bạn rong chơi trên các đồi sim (nêm) hay tham dự hội hang Thẩm Lé.

Được chứng kiến, tham dự tết Síp Xí của người Thái Đen Mường Lò, khách quan không chỉ cảm nhận các giá trị văn hoá đặc sắc qua hương vị trong ẩm thực ngày tết, mà còn nhận thấy cả trong các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Mở đầu cho tết Síp Xí là lễ cúng tổ tiên. Chủ nhà khấn mời tổ tiên, các ma nhà về dự tết, chung vui cùng con cháu. Lễ cúng diễn ra ngay tại gian thờ. “Lễ phẩm” có” xôi ngũ sắc, bánh síp xí và một thủ lợn.

Nghi thức tiếp theo là cúng ruộng Tam tế ra. Mâm cúng có xôi và thịt gà, đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, tổ tiên thần linh về phù hộ cho cây lúa của gia đình không bị sâu bọ và thú rừng về phá hoại, cho cây lúa lên nhanh, bông to, mẩy hạt. Kết thúc lễ vật được thả xuống ruộng như lời cầu xin thành khẩn của gia chủ.

Con trâu là tài sản quan trọng trong nghề nông của người Thái Đen Mường Lò. Một năm cấy cày vất vả, tết Síp Xí đồng bào cũng cho trâu được “ăn tết” qua nghi thức cúng vía cho trâu (tám khuôn quai), cầu xin tổ tiên, thần linh che chở cho con trâu được khoẻ mạnh để giúp gia đình trong sản xuất.

Mâm cúng gồm có gạo, xôi, gà, muối, lá trầu, rượu và một chút cỏ lá mía đặt dưới gầm sàn. Con trâu được buộc trước mâm cúng. Thầy cúng thay mặt gia chủ đọc lời khấn với đại ý: cầu xin cho trâu luôn được khoẻ mạnh, vía trâu ở lại mà không đi mất để giúp gia đình làm ra nhiều thóc lúa hơn.

Trong tết Síp xí, các cháu chắt nội ngoại sống gần nhà ông bà sẽ mang những cặp bánh mới nhất, ngon nhất cùng bộ gan vịt (Bộ phận đồng bào quan niệm là ngon nhất và quan trọng nhất) sang nhà chúc phúc, mừng tuổi ông bà. Đáp lại tình cảm của các cháu, ông bà cảm ơn con cháu, đồng thời tặng mỗi cháu 2 cặp bánh (một cặp “pảnh cuổi” và một cặp “pảnh cáy”), cầu mong cho các cháu khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và vâng lời ông bà, cha mẹ.

Sau bữa cơm Síp Xí, theo phong tục cổ truyền, các nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi hội hang Thẩm Lé, hội chơi núi hái nêm (quả sim). Và mọi người đều nô nức vui chơi trong tình anh em, bè bạn đầy thân ái.

Trên các bãi thả trâu, những trẻ em do gia đình giao cho chăn dắt trâu trong ngày tết, mỗi em đều được gia đình chuẩn bị cho một cái thưng (coóng khẩu) đựng đầy xôi ngũ sắc, 2 quải bánh síp xí cùng một con gà “giò” (nhỏ). Chúng tập trung tại các bãi cỏ cùng nhau vui với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như “nu nu tẩu tẩu”… Khi thấm mệt, chúng tập trung thức ăn lại, cùng nhau ăn uống, nô đùa và ca hát các bài đồng dao cho tới tận lúc trời tối.

Kết thúc tết Síp Xí cổ truyền là nghi thức cúng Then và xoè Then (xe Then) tại nhà mo Then trong bản. Mọi người từ khắp nơi đều tập trung lại đây. Các điệu xoè Then như: xoè gậy, xoè khăn, xoè quạt, xoè hoa… được đồng bào thể hiện trong suốt đêm hội “xe Then” để múa mừng và mời các thần Then về dự tết, chung vui cùng trai làng gái bản. Cùng với đàn tính và chùm sắc nhạc rung lên liên hồi, làm cho không khí của ngày hội càng rộn ràng như không có hồi kết thúc.

Tết Síp Xí ở vùng Thái Đen Mường Lò tích hợp nhiều giá trị văn hoá dân gian đặc sắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hoá cổ truyền mà người dân nơi đây đã gìn giữ được từ đời này qua đời khác. Hãy thử một lần đến với Mường Lò vào dịp tết Síp Xí, quan khách sẽ cảm nhận được những nét đặt sắc, độc đáo, những giá trị tinh hoa còn được lưu giữ đến tận ngày nay trong các bản làng bình yên của người Thái Đen nơi đây.

Những điểm du lịch thú vị ở Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh Tây Bắc của nước ta, có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Chúng tôi sẽ gợi ý cho quý vị những điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua khi du lịch Yên Bái.

Thung lũng vàng xã Tú Lệ. Ảnh: baotintuc

# Xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) là một điểm dừng chân yêu thích của du khách khi đến với Yên Bái. Vào thời điểm giữa mùa thu, khi lúa chín vàng ươm rào rạt như sóng núi, có thể ví Tú Lệ giống như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang mà hấp dẫn những tay săn ảnh bởi nét sinh hoạt truyền thống tắm tiên bên suối. Tương tự, xã La Pán Tẩn là địa điểm du lịch rất nổi tiếng tại Yên Bái, với những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, thể hiện sự sáng tạo của cư dân bản địa.

# Nằm trên độ cao gần 1400m so với mặt nước biển và nằm sâu trên dãy núi Phan Xi Phăng hùng vĩ, Suối Giàng cũng là quê hương của loại chè Shan cổ thụ với 300 hộ đồng bào người dân tộc mông sinh sống. Khi tới đây, bạn sẽ được thả hồn mình cùng với những dải lúa cong cong theo vạt núi, những nương ngô và nương cải xanh non trong sương sớm.

# Hồ Thác Bà nằm trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình, được nhiều người ví như “Hạ Long ở trên núi”, đồng thời cũng là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam được hình thành khu xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ Thác Bà chứa đựng một vẻ đẹp lung linh và huyễn hoặc nhưng lại rất thân thiện/ Khi đi thuyền trên hồ bạn sẽ được cảm nhận bầu không khí mát lạnh của nước và gió, được hòa mình cùng với thiên nhiên, thả hồn cùng với mây trời.

# Nằm cách thành phố Yên Bái 80km về phía Tây, Cánh đồng Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Đây là cánh đồng lớn thứ hai của miền núi và chỉ đứng sau Mường Thanh của Điện Biên. Du khách sẽ phải ngỡ ngàng khi được chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa vàng thoai thoải bậc thang. Với con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng đã vẽ nên một dải lụa mềm uốn lượn giữa sóng và lúa vàng.

# Bản Hốc nằm ở trung tâm của huyện Văn Chấn với gần 80% là người dân tộc Thái sinh sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Khi tới đây bạn sẽ được khám phá những nét thú vị và đặc sắc của dân tộc Thái cùng với những ngôi nhà sàn truyền thống và ngâm mình trong suối nước nóng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây:

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, giúp ổn định thị trường vàng.

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

Câu nói “họa vô đơn chí” có lẽ đúng với câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (38 tuổi, giáo viên của trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cha mất, cô bị tai nạn mất đi một chân, tuổi thanh xuân là những ngày cùng cực.

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Chiều ngày 15/4, Bệnh viện Quân y 175 (BVQY) tổ chức Lễ trao Chứng nhận và ra mắt Trung tâm Huấn luyện Cấp cứu Chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

// //