Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Sự nghiêm cẩn của lễ hội

Phóng viên - 25/02/2019 | 0:00 (GTM + 7)

VOVGT - Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, những năm trở lại đây, hiện tượng náo loạn, tranh cướp, bạo lực ở các lễ hội đã có thuyên giảm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khung cảnh hàng trăm thanh niên lao vào nhau, giẫm đạp, đả thương đến đổ máu tại lễ hội cướp phết làng Hiền Quan (Phú Thọ), hay tình trạng chen lấn xô đẩy sau lễ khai ấn đền Trần, thậm chí còn xuất hiện cảnh cướp cành lộc ngay trên ban thờ vừa qua… là những hình ảnh nhức nhối của mùa lễ hội. Đáng lưu ý, những cảnh tượng này vẫn diễn ra, dù mỗi năm, Ban quản lý di tích các địa phương đều đưa ra các phương án để hạn chế hỗn loạn, bạo lực.

Hình ảnh tranh cướp kinh hoàng tại Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)

Trước thực trạng này, một số thính giả bày tỏ quan điểm:

“Bây giờ tôi chẳng đi lễ hội đâu cả vì nó đã trở thành hủ tục, không còn tính chất là lễ hội đến để vui chơi với nhau, đến lễ hội Đền Trần để cướp ấn các thứ không hay. Thấy buồn nhất là các chùa cứ tạo điều kiện cho người ta vào lấy danh nghĩa là dâng sao giải hạn xong thu tiền nhiều, tôi thấy thành ra mê tín hết”.

“Theo quan niệm của người ta, cướp được lộc đầu xuân là rất tốt nhưng thực ra họ hiểu cũng không đúng, lộc hay không là do mình, thành tâm và cố gắng trong cuộc sống thì sẽ có lộc thôi chứ không phải dành được cái nọ cái kia, cướp đc cái này cái kia, tôi cho cái đó là hiểu không đúng”.

“Người ta đến dự một lễ cầu an nào đấy là cho gia đình, cho tất cả mọi người chứ không phải riêng bản thân, nhưng bây giờ nhiều người đi cầu an là ít thôi nhưng muốn cầu lộc là nhiều. Người ta muốn bỏ ra một số tiền nho nhỏ rồi nghĩ rằng thần phật sẽ cho lại người ta thu lại nhiều hơn trong một năm mới”.

“Tôi thấy những tiêu cực đó nên chấm dứt sớm, sinh hoạt văn hóa cộng đồng có những hành vi như vậy là rất không nên, chính quyền địa phương các ngành các cấp nên hợp tác bằng mọi cách để chấm dứt các hiện tượng đó”.

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm, nhưng năm nào cũng xảy ra những hiện tượng phản cảm và hình ảnh thiếu văn hóa. Những hành động quá khích, phản cảm ấy chủ yếu là xuất phát từ ý thức kém, cũng như sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng văn hóa dân gian của một bộ phận người dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL chia sẻ:

“Người dân hiểu được, chúng ta đến với các cơ sở thờ tự, chúng ta đến tham gia hành lễ với một sự mong muốn cầu cho quốc thái dân an, cầu cho sự bình an của gia đình bằng cái tâm, bằng cái nghi thức hành lễ trong mỗi người, chứ không phải là theo hiệu ứng đám đông hay thiếu đi sự hiểu biết, hiểu biết lệch lạc đối với với những giá trị nguyên bản của những cơ sở thừa tự mà mình đến, thì rõ ràng là hiệu ứng, mong muốn của người dân cho bản thân cũng không thể đạt được”.

Bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, Bộ VHTTDL luôn nắm bắt sát tình hình các địa phương trong mùa lễ hội để kịp thời điều chỉnh, phối hợp đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân trẩy hội. Bên cạnh đó, Bộ VH TT&DL đã có một văn bản gửi ban tôn giáo chính phủ, Bộ Nội vụ và Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và công tác tổ chức lễ hội tại các cơ sở đó. Trong đó, có những đề nghị phối hợp trong việc hướng dẫn cho các cơ sở thờ tự thực hiện những nghi lễ tâm linh để đảm bảo yếu tố văn hóa.

“Đối với những hiện tượng biến tướng, dâng sao giải hạn, trục lợi thu tiền cần có những giải pháp đồng bộ để làm sao chúng ta thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu rằng những cái gì nằm trong giáo lý nhà Phật và những gì mang tâm lý chung và không biến nó thành một cơ hội để biến những nhu cầu chính đáng đó thành những cái nhằm mục đích trục lợi”.

Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh tới vai trò và năng lực của ban tổ chức các lễ hội, khi các sự cố chủ yếu xảy ra ở những lễ hội cấp làng, xã.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội nhận định, những nơi có sự chuẩn bị, công tác tổ chức làm kỹ càng, chu đáo, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý qua đường dây nóng hiệu quả, thì lẽ hội sẽ diễn ra suôn sẻ. Ông Tuyên dẫn chứng, những hình ảnh thiếu đẹp mắt về lễ hội của các năm trước thì năm nay trên địa bàn Hà Nội không còn.

“Thứ nhất là chúng tôi thực hiện việc thống kê, đánh giá các lễ hội trên địa bàn thành phố, từ đó xem những lễ hội nào dễ phát sinh dẫn đến tình trạng như vậy, để có những giải pháp phù hợp. Ví dụ việc tranh cướp lộc diễn ra ở đền Sóc. Sau khi chúng tôi nghiên cứu, trao đổi, làm việc và thống nhất với địa phương để đưa ra giải pháp tốt nhất trong việc chia lộc. Thứ hai là chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho du khách , người dân hiểu biết về giá trị của di tích, của lễ hội để từ đó du khách có ý thức hơn. Thứ ba, chúng tôi cùng các địa phương giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội”.

Nhiều cành lộc trên ban thờ bị người dân cướp sau lễ khai ấn đền Trần 2019. Ảnh: Dân Việt

Trong khi đó, ông Lê Tiến Dũng, Phó trưởng Ban thường trực BTC Lễ hội Yên Tử 2019 khẳng định, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa ban tổ chức lễ hội với chính quyền, công an địa phương mang ý nghĩa tiên quyết:

“Ban tổ chức lễ hội xuân năm nay cho lắp đặt hàng trăm biển, bảng các loại (ví dụ biển nội quy, biển chỉ dẫn, băng rôn, khẩu hiệu, đặc biệt là các tờ gấp tuyên truyền), hệ thống loa phát ở các điểm chùa, các điểm du khách tập trung đông người, hành lễ; duy trì các đường dây nóng để du khách phản ánh kịp thời về ban tổ chức. Việc bắt khách, ép giá thì cũng được ban tổ chức hội xuân Yên Tử 2019 triển khai quyết liệt, ngăn chặn không để xảy ra. Đặc biệt, nhiều năm gần đây, hội xuân Yên Tử tuyệt đối không có ăn xin, ăn mày, không có cờ bạc rượu chè cũng như các tệ nạn xã hội, bói toán, mê tín dị đoan”

Sự nghiêm cẩn của lễ hội (bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, những năm trở lại đây, hiện tượng náo loạn, tranh cướp, bạo lực ở các lễ hội đã có chiều hướng thuyên giảm. Trong khi đó, hệ thống truyền thông báo chí cũng đang lên án mạnh mẽ những hành vi mê tín như đốt vàng mã quá nhiều, dâng sao giải hạn tràn lan, tiếp tay cho các đối tượng trục lợi tâm linh ở các địa phương trên cả nước.

Đám đông trai tráng từ bên ngoài tràn vào bãi đánh phết khiến lực lượng an ninh không kịp trở tay gây nên cảnh hỗn loạn tại Lễ hội cướp phết Hiền Quan 2019. Ảnh: Người lao động

Sự phản cảm ở các lễ hội có từ nhiều nguyên nhân. Song, nguyên nhân quan trọng nhất lại ít được đề cập. Đó là sự phát triển của giao thông khiến các lễ hội vốn có quy mô thôn, làng không còn ranh giới.

Lễ hội ở Việt Nam vốn dĩ đa phần là các sự kiện dân gian được tổ chức với quy mô làng, xóm, với những sắc thái riêng biệt dựa trên tập tục, thói quen, điều kiện, hoàn cảnh sống của những cộng đồng nhỏ.

Mỗi một lễ hội ra đời, và tồn tại, đều có những lý do của nó.

Lễ hội có thể chỉ là một dịp để xả những bức bách của cộng đồng sau một vụ mùa làm ăn vất vả, đơn thuần để giải trí.

Lễ hội cũng có thể là một cái cớ để người ta quần tụ, để con cháu ly hương về quê gặp tổ.

Lễ hội có khi giống như ngày giỗ của một con người, vị thánh, những cá nhân đã để lại dấu ấn trong lịch sử của cộng đồng.

Và, cũng có khi chỉ là một ngày kỷ niệm, buồn, vui, thậm chí là sự biến trong lịch sử xóm làng…

Bởi thế, lễ hội về bản chất chỉ thực sự có ý nghĩa trong không gian của nó, đối với những con người thuộc cộng đồng liên quan đến sự kiện mà thôi. Và bởi thế, có những nghi thức của lễ hội là linh thiêng với một ngôi làng vài ngàn dân sẽ chẳng có giá trị gì, thậm chí là phản cảm đối với những người không liên quan.

Nhưng khi những lễ hội không còn đóng kín trong không gian làng quê, nó trở thành một sự kiện công cộng với quy mô lớn thì ban tổ chức, vốn chỉ là các chức sắc làng quê, sẽ không còn khả năng kiểm soát. Vì thế, để những lễ hội làng không còn phản cảm, đã đến lúc chính các làng quê phải bảo vệ lễ hội của mình.

Phần hội, có thể mở để du khách có thể tham gia với vị trí quan sát, nhưng phần lễ cần đóng trong quy mô làng, chỉ có dân làng mới được tham gia. Khi đó, những hoạt động dân gian như cướp phết, cướp lộc... sẽ trở về đúng với ý nghĩa của nó, là sự thi thố của những thành viên trong một cộng đồng, quen thân, và có ý thức gìn giữ danh dự, chứ không phải là sự tranh cướp của một đám đông vô danh tính.

Với các lễ hội có quy mô lớn, ở tầm quốc gia, thì sự mất kiểm soát lại đến từ lợi ích. Khi các lễ hội này có khả năng thu hút một lượng người tham gia quá đông, đó sẽ là cơ hội của các nhà cung cấp dịch vụ. Vì lễ hội chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, một vài ngày cao điểm, nên việc tổ chức cung cấp dịch vụ thường không được đầu tư. Những lợi ích mang tính cơ hội luôn là nguồn cơn của tình trạng tranh cướp, chộp giật. Để chấn chỉnh tận gốc tình trạng này, việc tổ chức lễ hội cần có những quy định cụ thể về điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ, hạn mức số lượng du khách có thể tham gia cho phù hợp với không gian.

Lễ hội, dù ở tầm mức nào, dù là một sự kiện cộng đồng, song không phải là không có những giới hạn cụ thể, và không phải là không có những quy tắc cần tôn trọng. Dù lễ hội cần sự đông vui, thoải mái, nhưng sự nghiêm cẩn cũng là một giá trị cần bảo tồn.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //