Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Năm 2018 và những câu chuyện ấm lòng về giao thông

Phóng viên - 05/02/2019 | 2:52 (GTM + 7)

VOVGT- Đêm xuống, lúc mọi người quây quần bên gia đình, nghỉ ngơi và thư giãn thì đây mới là lúc những “chiến binh thầm lặng” trong nhóm Cứu hộ Hà Nội ra đường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Năm cũ khép lại, có rất nhiều điều để nói, để bàn về bức tranh giao thông nước nhà. Có những khó khăn, có những thách thức, nhưng cũng có những hành động, việc làm giúp lan tỏa sự tử tế, tốt đẹp, góp phần xây dựng nét văn hóa giao thông…

Trong 12 tháng qua, không ít những hình ảnh, tấm gương trong hoạt động giao thông xứng đáng được nhắc đến và ngợi khen. Trong đó, điều ấn tượng phải kể đến đầu tiên là câu chuyện về những người cứu hộ giao thông thầm lặng.

Đêm xuống, trời trở rét, lúc mọi người quây quần bên gia đình, nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày làm việc thì đây mới là lúc những “chiến binh thầm lặng” trong nhóm Cứu hộ Hà Nội ra đường giúp đỡ những người không may gặp vấn đề về xe cộ.

Họ hầu hết là những bạn trẻ, cả nam và nữ, những sinh viên, nhân viên văn phòng, những người đã được giúp đỡ và những người có tâm muốn đi giúp mọi người….

Nhóm Cứu hộ Hà Nội "tác nghiệp" trong đêm khuya. Ảnh: Tin tức TTXVN

Một buổi tối cuối năm 2018, chị Đặng Lệ Tú, nhân viên một cửa hàng phụ tùng ôtô ở đường Võ Thị Sáu, Quận Hai Bà Trưng, trên đường về nhà thì bị thủng săm xe máy.

Đang loay hoay không biết làm sao, thì có một thanh niên đứng gần đó đã gọi giúp chị đến số hotline của đội Cứu hộ Hà Nội. Chỉ 10 phút sau, một người của nhóm đã có mặt. Điều gây ngạc nhiên cho chị Tú là người giúp chị nhất quyết không lấy tiền.

Còn rất nhiều trường hợp khác được nhóm Cứu hộ Hà Nội giúp đỡ tương tự chị Đặng Lệ Tú:

“Tuần trước, tôi chở vợ tôi đi đường có việc, tới 10h tối ra về thì không may xe bị hết xăng, cạnh đó chẳng có cây xăng nào cả, may quá có mấy thanh niên trẻ tuổi nhóm cứu hộ đã tận tình mua xăng giúp tôi và chúng tôi về nhà an toàn. Việc làm ý nghĩa này, tôi hi vọng sẽ được nhiều người biết tới”.

“Lúc đó trời rất khuya và lạnh, tôi chỉ biết trông vào các số điện thoại tìm thấy trên mạng. Gọi cho nhóm Cứu hộ Hà Nội thì rất bất ngờ khi các anh chị ấy xuất hiện rất nhanh và rất nhiệt tình. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi không biết làm thế nào vì đường rất vắng và còn một quãng 6-7 cây số nữa mới về tới nhà”.

Chia sẻ về hoạt động của nhóm Cứu hộ Hà Nội, anh Âu Văn Tuân (SN 1989, quê tại Bắc Giang) cho biết, nhóm gồm 50 thành viên, được thành lập từ năm 2016. Thành viên trong nhóm phần lớn là những người từng được cứu trợ trước đó hoặc chỉ đơn thuần là cùng chung ý tưởng giúp đỡ người gặp hoạn nạn.

Với họ, ban ngày là thời gian mưu sinh kiếm sống, nhưng từ 20h tối đến 3h sáng hôm sau lại là lúc họ ra đường để hỗ trợ những người gặp sự cố, bất kể gần xa.

Anh Âu Văn Tuân nói:

“Thực ra ý tưởng xuất phát để thành lập nên nhóm cứu hộ Hà Nội như bây giờ là cũng trải qua cái thực tế của mình khi mà bị thủng săm hoặc hỏng hóc xe không tìm được sự trợ giúp hoặc không biết xoay sở như thế nào. Thế là mình cũng có ý tưởng là về sẽ tự mua sắm đồ và học các kỹ năng cơ bản để khắc phục được xe ở trên đường. Sau khi mình có ý tưởng tự cứu mình như thế thì muốn cứu thêm những người khác đi ở trên đường cũng gặp sự cố giống mình thì mình có liên kết với những anh em khác có chung ý tưởng và thành lập nên một nhóm để mang lại được nhiều lợi ích thêm nữa cho mọi người đi đường.”

Để thuận tiện cho việc hỗ trợ, ngoài 3 số hotline, nhóm có hẳn 1 group trên Facebook để nếu có người thông tin gặp sự cố thì thành viên gần đó sẽ xuất phát để hỗ trợ sớm nhất. Với tôn chỉ là hoạt động vì lợi ích cộng đồng, nhóm cố gắng giúp đỡ các trường hợp gặp sự cố trong khả năng có thể.

Trường hợp cần thay thế phụ tùng thì các thành viên chỉ lấy đúng giá gốc của thiết bị thay thế để tiếp tục cứu hộ cho những ca tiếp theo, còn tiền công thì hầu như miễn phí.

Dẫu vậy, không phải lúc nào công tác cứu hộ cũng diễn ra suôn sẻ. Chị Phạm Minh Hằng, một trong số những cô gái đặc biệt của nhóm Cứu hộ Hà Nội chia sẻ:

“Hôm đấy đi đường thì vô tình nhìn thấy một cô chú đi con xe 82, thế là quay ra hỏi cô chú có cần cháu giúp đỡ gì không. Thế chú ấy bảo là chú không cần. Ánh mắt người ta nhìn mình như kiểu người ta sợ sệt là sau khi mình làm xong là mình sẽ lấy giá cắt cổ hoặc là gì đó. Và người ta nghi ngờ bởi vì mình là con gái, người ta không nghĩ là mình làm được, người ta không muốn cho mình giúp. Mình cũng đành phải chịu vì nhiều khi lòng tốt cũng bị từ chối mà.”.

Một cô gái cũng tham gia nhóm cứu hộ. Ảnh: Người tiêu dùng

Dù gặp phải khó khăn về nhiều mặt như trang thiết bị không đủ, lực lượng nhân sự mỏng. song không vì vậy mà nhóm Cứu trợ Hà Nội từ bỏ lý tưởng của mình.

Với họ, giúp đỡ không phải để chờ báo đáp, họ chỉ mong qua những hành động của mình sẽ góp phần gắn kết, sẻ chia tình người giữa đời thường bộn bề công việc.

Ngoài nhóm Cứu hộ Hà Nội, năm 2018, cộng đồng mạng cũng bày tỏ sự khâm phục với các sinh viên làm “dải phân cách sống” ngăn các luồng phương tiện lấn làn; hay nhóm Cứu trợ tắc đường, những người thông qua mạng xã hội đã kêu gọi sự hỗ trợ, tiếp tế thực phẩm cho những người mắc kẹt trong sự cố ùn tắc nghiêm trọng nhiều km trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Anh Hoàng Khanh Điệp – Người lên ý tưởng cho hành động thiết thực này chia sẻ:

“Ý tưởng thành lập một nhóm, hoặc cụm nhóm có người đại diện ở từng khu vực mà tạm gọi là “điểm đen” về tắc đường, chúng tôi cũng đã nhen nhóm và đang liên hệ mấy anh em thực hiện đêm đó để làm. Tôi nghĩ việc mình làm nhỏ bé thôi, cũng không nghĩ nó lan tỏa đến mức làm ấm lòng cư dân mạng như vậy. Nhân đây, tôi cũng mong, khi cần bất kỳ sự hỗ trợ nào, mọi người nếu có thể chung tay được thì nên chung tay. Đây là một văn hóa cần thiết để mọi người yên tâm hơn khi đi đường, nếu gặp sự cố sẽ được giúp đỡ từ người lạ mà không vì một mục đích nào khác”.

Anh Điệp (áo trắng, ngoài cùng bên trái) cùng nhóm bạn tình nguyện mua đồ ăn, thức uống giúp những người kẹt xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Báo Giao thông

Có thể nói, văn hóa giúp đỡ, tương trợ nhau trên đường đang ngày một lan tỏa hơn trong cộng đồng những người tham gia giao thông, trong đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng là các bác tài. Anh Hoàng Hữu Tăng, người có 2 lần nhận giải vô lăng vàng, giải thưởng thường niên do Ủy ban ATGT Quốc gia, Đài TNVN, báo Giao thông tổ chức, kể về một kỷ niệm vui trong 15 năm cầm vô lăng:

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong năm 2018 vừa qua thì là trên quá trình điều khiển phương tiện từ Sài Gòn ra Phan Thiết thì tôi vô tình gặp một vụ tai nạn. Thì tôi cũng xin ý kiến khách hàng trên xe và tấp xe vào và tạo điều kiện để đưa người bị nạn tới bệnh viện rồi tôi quay lại tiếp tục hành trình. Cảm thấy trong lòng rất là thoải mái và mình cũng góp một phần gì đó và bảo đảm được an toàn giao thông”.

Qua những câu chuyện vừa rồi, có thể thấy, trên những cung đường, giữa những thông tin về các sự cố, TNGT, vẫn còn đó nhiều sự việc, hành động đẹp được cộng đồng chia sẻ và cảm thông.

Để tạo nên những nét đẹp trong văn hóa giao thông như vậy, không thể không kể đến những đóng góp của các trang mạng xã hội, các diễn đàn về giao thông, nơi mà những thành viên tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông với mục tiêu nâng cao ý thức tích cực của cộng đồng khi tham gia giao thông, thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân tham gia diễn đàn và với cộng đồng.

Nhiều năm nay, diễn đàn Otofun đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức rất nhiều cuộc thi, phong trào về văn hóa giao thông, vừa đẩy lùi những thói hư tật xấu khi tham gia giao thông, vừa thông tin kịp thời về những nghĩa cử giúp đỡ nhau trên đường của các thành viên, qua đó lan tỏa các hành động đẹp, việc tử tế.

Từ đó, mỗi thành viên diễn đàn luôn ý thức được hình ảnh của người tham gia giao thông văn minh, có văn hóa cần phải làm gì và không nên làm gì.

Đánh giá về vai trò của cộng đồng mạng trong việc xây dựng văn hóa giao thông hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quản trị viên diễn đàn Otofun trên Facebook nhận định:

“Thực ra thì cộng đồng mạng có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc lan tỏa những hình ảnh đẹp hay đấu tranh với những vi phạm trong trật tự an toàn giao thông. Và từ đó, họ có thể trao đổi với nhau, chia sẻ với nhau, để rồi cùng nhau tích lũy thêm những kinh nghiệm đi đường, để rồi giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông. Đó cũng là nét đẹp về văn hóa của cộng đồng mạng.”

Trong khi đó, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để xây dựng được văn hóa giao thông, ý thức tương trợ lẫn nhau không phải chỉ quan tâm đến vấn đề đào tạo sát hạch lái xe, mà còn đòi hỏi sự ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội. Để làm được điều đó, việc, biểu dương, nhân rộng những hành động đẹp của người tham gia giao thông là điều rất cần thiết:

“Trong năm vừa qua, chúng ta thấy rằng đã có rất nhiều trường hợp, hiện tượng, những hành vi tốt, những tấm gương tốt mà giúp ích rất nhiều trong vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, rồi là chia sẻ hỗ trợ những người tham gia giao thông khi họ cần sự giúp đỡ. Chúng tôi cho rằng đây là những cái hành động rất tốt, cần được biểu dương và cần được nhân rộng để làm sao ngày càng nhiều cộng đồng người lái xe ở tất cả các loại phương tiện khác nhau, không chỉ riêng ô tô mà kể cả đối với xe máy và người tham gia giao thông nói chung nhận ra được là ngoài những việc tuân thủ pháp luật thì chúng ta còn có thể có những hành xử rất văn hóa và những điều như vậy là hết sức quan trọng để xây dựng văn hóa giao thông.”

Trên đường thiên lý, có rất nhiều yếu tố có thể xảy ra. Do đó, không ai dám nói rằng, chuyến đi sẽ đảm bảo 100% không xảy ra sự cố hay trục trặc nào.

Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, trang thiết bị trước khi khởi hành, nên chăng, chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.

Nếu sau mỗi sự cố va chạm, các bác tài ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin và cùng bắt tay vào giải quyết và cảm thông cho nhau, nếu mỗi người sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khả năng của mình, khi gặp những trường hợp cần tương trợ, chắc hẳn bức tranh giao thông sẽ có nhiều màu hồng hơn nữa.

Hãy cùng lan tỏa những câu chuyện tử tế trên đường tham gia giao thông. Đó cũng là thông điệp mà VOV Giao thông muốn gửi gắm đến quý vị thính giả và người tham gia giao thông vào những ngày đầu xuân năm mới 2019. Chúc quý vị có một năm mới hanh thông, những chuyến du xuân thú vị và an toàn!

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //